“Bức tranh” dịch tễ về Covid-19 Việt Nam
GS Nguyễn Tuấn
Một trong những sự ‘trống vắng’ lớn nhứt của dịch Vũ Hán ở VN là số liệu. Chúng ta không biết đặc điểm những ca nhiễm ra sao. Đa số các chuyên gia và báo chí chỉ nói trên bề mặt và chung chung, chớ không có bức tranh chuyên sâu. May mắn thay, tôi đã thu thập được dữ liệu cho từng cá nhân, và có thể cung cấp một ‘bức tranh’ chung để các bạn quan tâm tham khảo.
Dữ liệu
Trong mùa dịch, bất cứ dịch bệnh nào, dữ liệu thực tế đóng vai trò rất quan trọng. Dữ liệu thực tế có thể giúp chúng ta ước tính được qui mô của dịch, hoặc mô phỏng và dự báo cho tương lai. Dữ liệu còn cung cấp cho chúng ta những thông tin về bệnh nhân như họ là ai, đến từ đâu, bao nhiêu tuổi, v.v. Ở nước ngoài, các cơ quan như Bộ Y tế và các trung tâm nghiên cứu thì cung cấp dữ liệu rất tốt, giúp cho các chuyên gia có thể đóng góp vào việc kiểm soát dịch. Chẳng hạn như ở Úc, trong điều kiện làm việc từ nhà (WFH), họ huy động các chuyên gia dịch tễ học có kinh nghiệm về mô hình để cùng nhau làm việc, giúp cho chánh phủ một tay về dự báo. Tôi cũng có tham gia vào dự án này, giúp được vài việc, và thấy rất hay. Còn ở Việt Nam, vào các trang web của cơ quan Nhà nước thì hầu như không có những dữ liệu này. Còn số liệu trên trang của ĐH Johns Hopkins thì không có cho mỗi bệnh nhân.
Nhưng may mắn thay, tôi đã có một số dữ liệu về tình hình dịch Vũ Hán ở Việt Nam. Dữ liệu này thật ra là thu thập qua trang wikipedia do ai đó làm [1]. Xin cám ơn các bạn. Chỉ có điều cách nhập dữ liệu của các bạn này rất ư là bất lợi cho phân tích. Thành ra, tôi phải mất khá nhiều thì giờ để ‘curate’ các dữ liệu này vào một format có thể phân tích được. Một loại ‘labor of love’ mà.
Dữ liệu này bao gồm các thông tin như ngày nhiễm, giới tính, tuổi, quốc tịch, đã từng đến TQ hay không, từ nước ngoài về hay trong nước, và tình trạng điều trị. Tính đến hôm nay, dữ liệu đã có cho 194 ca nhiễm. Tôi đã làm thử một phân tích mô tả để trước là thỏa chí tò mò của tôi, và sau là chia sẻ đến các bạn quan tâm.
Kết quả phân tích
Một vài nét chánh về kết quả phân tích có thể tóm tắt như sau:
Giới tính
Khoảng 53% (103 / 193) bệnh nhân là nữ. Điều này hơi khác so với bệnh nhân ở Vũ Hán: trong số 44672 người bị nhiễm,49% là nữ. Tuy nhiên, vì con số nhiễm ở VN còn thấp, nên ước tính về phân bố giới tính có thể không ổn định.
Tuổi
Tính trung bình, tuổi của các 186 bệnh nhân có số liệu (8 người mất số liệu) là 35. Phân nửa bệnh nhân có tuổi 29 hoặc thấp hơn. Không có sự khác biệt về độ tuổi giữa nam và nữ (xem Hình 1).
Chỉ có 11% (20 / 186) người có tuổi từ 60 hay cao hơn. Tuổi trung bình ở bệnh nhân bên Đức là 47, và Ý là 63. Do đó, bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam tương đối trẻ hơn so với nước ngoài.
Quốc tịch
Trong số 194 bệnh nhân, có 23% (n = 44 người) có quốc tịch nước ngoài. Đa số người nước ngoài là Anh (17 người), Mĩ (5), và Pháp (5). Nhưng cũng có vài người đến từ hay có quốc tịch Ba Tây, Canada, Tàu, Đan Mạch, Đức, Ái Nhĩ Lan, Latvia, Nam Phi, Mễ Tây Cơ và Tiệp (Hình 2).
Nguồn bệnh
Trong số 190 ca có thể xác định, có 122 ca (64%) là từ nước ngoài. Trong số 150 người có quốct ích Việt Nam, 59% là bệnh ‘mang’ từ nước ngoài về. Tính chung, chỉ có 9 người (tức ~5%) từng ghé qua TQ.
Tình trạng điều trị
Số liệu tính đến nay cho thấy có 24 người (tức 12%) đã được xuất viện; số còn lại 88% vẫn còn đang được điều trị. Điều thú vị là nữ bệnh nhân có tỉ lệ xuất viện cao hơn nam (16% so với 9%); tuy nhiên vì số còn ít nên khó nói đây là khác biệt có ý nghĩa hay không. Rất tiếc, chúng ta không biết được thời gian được điều trị là bao lâu.
Việt Nam đã mất bao nhiều tiền cho những bệnh nhân này? Chưa có câu trả lời, nhưng chúng ta có thể tính số ngày họ được điều trị (hay cách li?) Nếu chỉ tính số còn đang được điều trị thì tổng số ngày điều trị đến nay là 1541 ngày. Thời gian trung vị điều trị cho đến nay là 8 ngày, nhưng có người lên đến 46 ngày! Nếu mỗi ngày tốn 50 USD (và ở đây tôi chỉ đoán mò), thì tổng số chi phí là 77,000 USD. Xin các bạn trong nước cho biết chi phí điều trị trung bình là bao nhiêu.
Tử vong
chúng ta biết rằng VN may mắn là chưa có ai chết vì nhiễm virus Vũ Hán. Tuy nhiên, vì bệnh nhân ở VN là còn trẻ, nên nguy cơ tử vong nếu có thì cũng thấp. Chúng ta thử tính số tử vong ‘kì vọng’ (expected mortality) NẾU bệnh nhân VN có cùng tỉ lệ tử vong như ghi nhận ở Vũ Hán [2] thì VN sẽ có bao nhiêu ca tử vong? Câu trả lời là chỉ chừng 1.6 hay cao lắm là 2 ca tử vong. Nhưng cho đến nay, VN chưa có ca tử vong nào, và chúng ta có thể nói là nguy cơ tử vong ở VN thấp hơn so với Vũ Hán.
Lâm sàng
Rất tiếc là không có dữ liệu về lâm sàng để có thể biết được mực độ nặng nhẹ của bệnh nhân. Chúng ta cũng không có dữ liệu về bệnh đi kèm. Nói chung, số liệu còn rất hạn chế.
***
Tóm lại, phân tích dữ liệu sơ khởi ở cho thấy phân bố về đặc tính bệnh nhân ở Việt Nam rất khác so với các nước khác trên thế giới. Chẳng hạn như đa số bệnh nhân là trẻ tuổi (trung bình 35), trong khi đó bệnh nhân ở Vũ Hán tuổi trung bình 51, Đức 43, Ý 63. Đa số bệnh nhân ở Âu châu là nam giới (~60%), nhưng ở VN đa số là nữ giới (53%). Dữ liệu cũng cho thấy chỉ có gần 60% bệnh nhân Việt Nam là từ nước ngoài về (chớ không phải như nhiều người nghĩ rằng ‘tuyệt đại đa số’). Rõ ràng, nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Việt Nam thấp hơn so với ‘kinh nghiệm’ bên Vũ Hán.
===
[1] https://vi.wikipedia.org/…/%C4%90%E1%BA%A1i_d%E1%BB%8Bch_CO… [2] https://github.com/cmrivers/ncov/blob/master/COVID-19.pdf