[COVID-19] Tại sao người chích ngừa vaccine COVID-19 cần biết rõ sẽ được chích vaccine nào?

Rate this post
Hôm nay, mình được biết là Việt Nam mới cho vận hành “Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19”. Đây là một trang web của chính phủ, người dân có thể lên đây để đăng ký chích ngừa vaccine COVID-19 với 4 bước rất logic:
1️⃣ Điền thông tin cá nhân: giúp quản lý thông tin công dân chích ngừa.
2️⃣ Tiền sử bệnh: giúp sàng lọc người có nguy cơ cao xảy ra biến chứng.
3️⃣ Phiếu đồng ý tiêm: điều này là cần thiết trên phương diện luật pháp để tránh kiện cáo sau này.
4️⃣ Hoàn thành:
Việc công dân sử dụng website đăng ký sẽ giúp dễ dàng hơn rất nhiều cho công tác chích ngừa, tránh được những trường hợp đáng tiếc xảy ra cách đây không lâu ở nhà thi đấu Phú Thọ khi mọi người phải chen chúc nhau đi chích ngừa, vừa mệt, vừa tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.
Tuy nhiên, mình xin góp ý thêm 1 điểm “quan trọng” cần bổ sung ở đây nữa là trước khi đến bước số 3 “đồng ý tiêm” thì cần có 1 bước trước đó cho người đăng ký biết vaccine nào sẽ được chích cho họ. Điều này rất quan trọng vì hiện nay ở VN có 5 loại vaccine đang được bộ Y Tế cho phép sử dụng là:
💉 Vaccine của Oxford–AstraZeneca, Anh có bản chất là “Adenovirus 5” (được cấp phép 30/01/2021)
💉 Vaccine Sputnik V của Nga có bản chất là “Adenovirus 26” và “Adenovirus 5” (được cấp phép 23/03/2021)
💉 Vaccine BBIBP-CorV của Sinopharm, Trung Quốc là “virus SARS-CoV-2 bị bất hoạt” (được cấp phép 04/06/2021)
💉 Vaccine của Pfizer–BioNTech bản chất là mRNA (được cấp phép 12/06/2021)
💉 Vaccine của Moderna bản chất là mRNA (được cấp phép 29/06/2021)
Trong 5 loại vaccine trên chúng ta đã thấy có 3 nhóm khác nhau đó là: Adenovirus, virus SARS-CoV-2 bị bất hoạt hoặc mRNA. Dù rằng một số vaccine có thể giống nhau về cơ bản như cùng sử dụng Adenovirus trong vaccine Astrazeneca hoặc Sputnik V, tuy nhiên mỗi loại lại được tạo ra bởi công nghệ khác nhau dẫn đến một số điểm có thể khác nhau như: các thành phần phụ gia, thành phần kích hoạt miễn dịch và thậm chí mã di truyền mã hóa protein S của SARS-CoV-2 khi đưa vào Adenovirus cũng có thể khác nhau chút ít trong đó, v.v…! Do vậy, phản ứng phụ của mỗi loại vaccine có thể sẽ khác nhau và nguy cơ của từng loại vaccine cho từng nhóm người cũng có thể là khác nhau. Vì thế, dựa vào các nghiên cứu tiền lâm sàng, lâm sàng và khi ra ngoài thị trường thì nhà sản xuất vaccine đưa ra những khuyến cáo riêng về nguy cơ sức khỏe, phản ứng phụ cho vaccine của họ. Ví dụ như vaccine của AstraZeneca có thể gây nên tình trạng đông máu hiếm gặp với tỉ lệ 5-10 người trên 1 triệu người nên khi chọn chích Astrazeneca thì nên cẩn trọng với những người có những bệnh liên quan đến máu trước đó, đặc biệt là những người có hội chứng rò rỉ mao mạch (capillary leak syndrome). Mặc khác, các loại mRNA vaccine gần đây cho thấy một số trường hợp hiếm gặp ở Mỹ gây ra viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim (myocarditis and pericarditis) với xác xuất khoảng 6 người trên 1 triệu người. Còn lại hai vaccine của Nga và Trung Quốc thì mình không tìm được số liệu nghiên cứu về các tác dụng phụ nên mình không thể có ý kiến.
Nói chung, do việc chích vaccine là tự nguyện và người được chích cũng phải ký vào cam kết “tự chịu rủi ro” nên tất cả các thông tin về vaccine là cần được minh bạch. Người được chích cần biết đó là vaccine gì và các nguy cơ khi sử dụng vaccine đó ra sao đối với tình trạng sức khỏe của họ. Điều này giúp giảm nguy cơ biến chứng cho người đi chích ngừa và có ý nghĩa quan trọng trên phương diện pháp lý.
Ngoài ra, việc ghi nhận trực tiếp lúc đăng ký, vaccine nào sẽ chích cho công dân nào một cách rõ ràng, 2 bên đều biết, thì “lỡ” có trường hợp xảy ra như ở Singapore gần đây là họ “không công nhận người chích vaccine của Trung Quốc là đã chích vaccine” thì sẽ dễ dàng hơn cho các nhà quản lý để tìm người cần “chích lại” và những người ấy cũng tự biết cẩn thận hơn để nâng cao cảnh giác phòng ngừa lây nhiễm.
Advertisement
Mong Bộ Y Tế sớm có thay đổi phù hợp trên trang web “Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19” để bà con an tâm đi chích ngừa đẩy lùi dịch COVID-19.
Các bài viết liên quan trước đó:
Ngày 18 tháng 6 năm 2021 > Chất lượng hàng Tàu – biết đâu mà lần!< https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4637277356286599
Ngày 04 tháng 6 năm 2021 >Vaccine Trung Quốc của Sinopharm – Vết xe đổ – Tại sao chúng ta phải đi vào?!< https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4596879506993051
Ngày 10 tháng 4 năm 2021 >Nguyên nhân gây chết người “hiếm gặp” của vaccine AstraZeneca< https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4423218084359195
Bảo trọng nhe bà con
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Thông tin tham khảo:
https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/register-person (Trang web cổng thông tin tiêm chủng COVID-19)
https://myturn.ca.gov/ (Trang web đăng ký chích ngừa vaccine COVID-19 của California)
TS. Nguyễn Hồng Vũ

Giới thiệu Lê Hồng Thắm

Check Also

[Thảo luận] Corticosteroid – Câu chuyện con dao hai lưỡi

        Corticoid hay tên gọi đầy đủ là Corticosteroid là một hợp …