[Di truyền] Trí thông minh và tội phạm: “The Bell Curve”

Rate this post

7 Mối liên quan giữa trí thông minh và tội phạm là một đề tài nhạy cảm, và rất dễ gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt khi có yếu tố chủng tộc. Nhân sự kiện George Floyd bị cảnh sát đè chết, và những bạo động sau sự kiện, có người nhắc đến cuốn sách “The Bell Curve” [1] của hai tác giả Richard Hernstein và Charles Murray. Cái note này chỉ muốn điểm qua những mối liên quan thống kê về chỉ số IQ và xu hướng phạm tội, trước là cho tôi học, sau là chia sẻ cùng các bạn.

Hôm kia, tôi trích dẫn kết quả các kì thi SAT để minh hoạ rằng khả năng học của học sinh da đen có vẻ thấp hơn học sinh da trắng. Có vài bạn đạo cao đức trọng nói con số đó là ‘kì thị’, và nói rằng cần phải có chỉ số IQ mới ‘chính xác’. Thật ra, trong khoa học xã hội chẳng có con số nào chính xác cả, tất cả chỉ là ước lệ và ước số. Chỉ số IQ nếu trích ra sẽ gây ra nhiều tranh cãi. Trong cái note này tôi chỉ nhân câu chuyện để bàn về công trình nghiên cứu của Richard Hernstein và Charles Murray có ảnh hưởng rất lớn và gây ra nhiều tranh cãi nảy lửa trong giới khoa học.

𝟏. “𝐓𝐡𝐞 𝐁𝐞𝐥𝐥 𝐂𝐮𝐫𝐯𝐞”

Trước hết là vài dòng giải thích chữ “The Bell Curve”. Có lẽ nhiều bạn đọc trang này đều từng qua đại học, và nghe đến luật phân bố ‘bình thuờng’ hay còn gọi là luật phân bố chuẩn, thuật ngữ tiếng Anh là ‘Normal Distribution’ hay ‘Gaussian Distribution’ [2]. Luật phân bố bình thường, khi thể hiện bằng đồ thị, rất giống với hình chuông, với đỉnh phân bố nằm ở chánh giữa, và bên đỉnh là hai đường cong cân đối. Phân bố giữa hai bên đỉnh được xác định bởi một tham số có tên là “độ lệch chuẩn” (standard deviation). Độ lệch chuẩn càng thấp, các giá trị sẽ gần với giá trị đỉnh của chuông, độ lệch chuẩn càng cao thì giá trị càng phân tán hai bên đỉnh chuông. Do đó, dân gian hay gọi là “the bell curve” hay đường cong chuông.

Đường cong chuông có thể mô tả rất nhiều hiện tượng tự nhiên trong đời sống. Nếu chúng ta đo chiều cao của một số người ngoài cộng đồng, và thể hiện bằng tần số (frequency) như bao nhiêu người có chiều cao 150 cm, bao nhiêu với chiều cao 151 cm, cho đến số người có chiều cao 200 cm, thì biểu đồ sẽ giống như hình chuông, với đỉnh chuông thể hiện giá trị trung bình. Không chỉ chiều cao, các đo lường khác như sải tay, chiều dài của chân, cân nặng, tỉ trọng mỡ trong cơ thể, chỉ số ‘thông minh’ IQ, v.v. đều có thể mô tả bằng luật phân bố bình thường hay đường cong hình chuông.

Năm 1994, hai nhà tâm lí học thuộc Đại học Harvard, Richard Hernstein và Charles Murray, công bố công trình nghiên cứu nhan đề “The Bell Curve: Intelligence and Class Structure in American Life” (Đường cong chuông: Cơ cấu thông minh và giai cấp trong đời sống Mĩ). Trong công trình này, Hernstein và Murray trình bày hàng loạt kết quả nghiên cứu và lí giải rằng: (a) trí thông minh chịu sự ảnh hưởng của gen phần lớn, và một phần khác là do môi trường; và (b) trí thông minh là một yếu tố tiên lượng về sự thành công trong xã hội của một cá nhân, kể cả thu nhập, công việc, và tội phạm.

Trong công trình trên, Hernstein và Murray báo cáo rằng chỉ số IQ trung bình là 100 và độ lệch chuẩn là 15. Dựa vào hai tham số này (trung bình và độ lệch chuẩn), Hernstein và Murray tạm chia chỉ số IQ thành 5 nhóm:

• nhóm ‘very dull’ (rất ngốc) có IQ dưới 75;
• nhóm ‘dull’ (ngốc) có giá trị từ 75 đến 90;
• nhóm ‘normal’ (bình thường) có IQ từ 90 đến 110;
• nhóm ‘bright’ (sáng dạ) có IQ từ 110 đến 125;
• nhóm ‘very bright’ (rất sáng dạ) có IQ trên 125.

Trong “The Bell Curve”, Hernstein và Murray trình bày hàng loạt nghiên cứu cho thấy cách phân nhóm như trên có thể giải thích hành vi xã hội, trình độ học vấn, khả năng trong công việc, thu nhập, giai cấp xã hội, tỉ lệ thất nghiệp, và cả tội phạm. Nhìn chung, những người trong nhóm ‘ngốc’ và ‘rất ngốc’ thường có những hành vi phản xã hội, học vấn thấp, xu hướng thấp nghiệp cao, ngay khi có việc làm họ cũng làm không tốt, và họ thường phạm tội.

𝟐. 𝐂𝐡𝐢̉ 𝐬𝐨̂́ 𝐈𝐐 𝐯𝐚̀ 𝐭𝐨̣̂𝐢 𝐩𝐡𝐚̣𝐦

Một trong những câu hỏi mà giới nghiên cứu khoa học xã hội hay đặt ra là có hay không mối liên quan giữa IQ và xu hướng phạm tội hình sự (không nói đến loại tội phạm kinh tế của những người ‘thông minh’). Đã có rất nhiều nghiên cứu trả lời câu hỏi này, và câu trả lời tương đối nhứt quán là “YES”: ở cấp độ cá nhân có mối liên quan giữa chỉ số IQ và xu hướng phạm tội. Cụ thể hơn, người có chỉ số IQ thấp, đặc biệt là nhóm ‘ngốc’, có ‘nguy cơ’ phạm tội cao hơn người có chỉ số IQ cao.

Nghiên cứu so sánh những trẻ vị thành niên phạm tội và không phạm tội cho thấy chỉ số IQ ở nhóm phạm tội (trung bình 92) thấp hơn nhóm không phạm tội khoảng 0.5 độ lệch chuẩn. Tuy nhiên, ở nhóm vị thành niên phạm tội nhiều lần thì chỉ số IQ chỉ 85, tức 1 độ lệch chuẩn thấp hơn trung bình. Nghiên cứu của Ellis và Walsh [3] ở Texas còn cho thấy gần 1/4 những đứa trẻ bị giam tù có chỉ số IQ thấp hơn 80, tức nhóm ‘ngốc’ theo cách xếp nhóm của Hernstein và Murray. Cần nói thêm rằng trong cộng đồng, chỉ có khoảng 9% có chỉ số IQ dưới 80. Hầu hết các nghiên cứu khác cũng cho ra kết quả như quan sát của Ellis và Walsh.

Trong một nghiên cứu về tội phạm ở các cộng đồng sắc tộc sống ở Đức [4] cũng cho thấy một mối liên quan giữa IQ và tội phạm. Kết quả nghiên cứu này (xem Biểu đồ) cho thấy những cư dân phạm tội có IQ thấp (như Cameron, Nigeria, Togo, Ethiopia, Nam Phi) có xu hướng phạm tội nhiều hơn các cư dân có IQ cao (Tàu, Nam Hàn, Nhật Bản, Phần Lan, Anh, Hoà Lan, Úc).

Một kết quả khác đáng chú ý của nghiên cứu này là cộng đồng nào có tỉ lệ người theo đạo Hồi Giáo cao (như Iraq, Iran, Afghanistan, Syria, Jordan) có xu hướng phạm tội nhiều hơn cộg đồng có ít hay không có người theo đạo Hồi Giáo [4].

Dĩ nhiên, cần phải nói rõ rằng đây chỉ là mối tương quan thống kê, chớ không phải liên quan nhân quả. Tương tợ, mối liên quan giữa IQ và xu hướng phạm tội không có nghĩa rằng IQ thấp là nguyên nhân của tội phạm hình sự, vì các yếu tố dẫn đến phạm tội thì có nhiều (chớ không phải chỉ IQ), và IQ có thể chỉ là một chỉ số gián tiếp (surrogate index) cho các yếu tố khác như giáo dục gia đình và giai cấp xã hội.

𝟑. 𝐂𝐡𝐢̉ 𝐬𝐨̂́ 𝐈𝐐, 𝐠𝐞𝐧 𝐯𝐚̀ 𝐬𝐚̆́𝐜 𝐭𝐨̣̂𝐜

Trong công trình “The Bell Curve”, chương 13 là chương rất … nhạy cảm. Chương 13 bàn về sự khác biệt về IQ giữa các sắc dân. Tính trung bình, chỉ số IQ ở người da đen là khoảng 80, và ở người da trắng là khoảng 105, một sự khác biệt cao hơn 1 độ lệch chuẩn! Chỉ số IQ cao nhứt ở người da đen là 130, và ở người da trắng là 145. Hernstein và Murray còn dành một phần nhỏ để viết về chỉ số thông minh ở người Á châu cao hơn người da trắng khoảng 10 điểm.

Sau này, rất nhiều nghiên cứu độc lập cũng cho thấy người da đen, ở bất cứ nơi nào (Phi châu, Âu châu, hay Mĩ) đều có IQ thấp hơn người da trắng.

Tôi cũng phải ghi thêm rằng ở Mĩ, một nghiên cứu trên học sinh tuổi 15-18 vào thập niên 1970s cho thấy so với học sinh da trắng, học sinh da đen có điểm môn toán thấp hơn khoảng 1 độ lệch chuẩn, nhưng học sinh Việt Nam (con những người tị nạn mới đến Mĩ chừng 5 năm) thì có điểm môn toán cao hơn học sinh da trắng. Về điểm môn đọc thì học sinh da đen vẫn thấp hơn học sinh da trắng đến 0.9 độ lệch chuẩn, học sinh Việt Nam cũng thấp hơn học sinh da trắng nhưng mức độ chỉ 0.3 độ lệch chuẩn.

Tại sao có sự khác biệt về IQ giữa các sắc dân? Đây là câu hỏi triệu đô. Rất có thể cách thiết kế chỉ số IQ là thiên vị người da trắng (vì người da trắng nghĩ ra chỉ số IQ), nên nó không thể phản ảnh đầy đủ cái-gọi-là ‘thông minh’. Nhưng nếu thiên vị người da trắng thì tại sao người Á châu lại thường có chỉ số IQ cao hơn người da trắng? Rất có thể do sự khác biệt về các yếu tố liên quan đến môi trường văn hoá giữa các sắc tộc giải thích sự khác biệt về IQ.

Tại sao có sự khác biệt về IQ giữa các cá nhân? Câu trả lời: có thể do gen. Nghiên cứu trên những cặp song sanh là mô hình tốt nhứt để biết yếu tố di truyền ảnh hưởng như thế nào đến IQ. Những cặp song sanh có 100% gen giống nhau là MZ, còn những cặp song sanh có gen giống nhau 50% là DZ. Do đó, nếu hệ số tương quan về IQ ở nhóm MZ cao hơn DZ thì đó là chỉ số cho thấy IQ có sự ảnh hưởng của di truyền.

Một bài tổng quan về nghiên cứu IQ ở người song sanh cho thấy hệ số tương quan ở nhóm MZ là 0.85, và nhóm DZ là 0.59 [5]. Ngay cả khi nhóm song sanh lớn lên không cùng một gia đình thì nhóm MZ vẫn có hệ số tương quan cao hơn nhóm DZ. Có thể ước tính từ hai hệ số này rằng yếu tố di truyền giải thích khoảng 52% khác biệt về IQ là do gen.

Nhưng gen cụ thể nào có liên quan đến IQ? Một nghiên cứu qui mô (trên gần 280,000 người) phát hiện 1041 gen có liên quan đến IQ [6]. Những gen này thường nằm ở hay gần những vùng gen liên quan đến hệ thống thần kinh.

𝐓𝐨́𝐦 𝐥𝐚̣𝐢:

Tuy “The Bell Curve” là một công trình nghiên cứu thuần tuý khoa học, nhưng khi được công bố thì trở thành một đề tài tranh cãi của giới khoa học hơn 20 năm! Những người thiên tả thì nhứt định cho rằng hai tác giả Hernstein và Murray (gốc Do Thái) là kì thị chủng tộc. Người ủng hộ Hernstein và Murray thì cho rằng hai tác giả chỉ nói lên sự thật khoa học. Nhiều người không ưa Hernstein và Murray muốn chứng minh rằng hai tác giả này sai, họ lặp lại nghiên cứu nhưng kết quả không khác với kết quả của Hernstein và Murray!

Advertisement

Rất nhiều nghiên cứu xã hội trong quá khứ (và cả ngày nay) chỉ ra rằng: (i) ở bất cứ sắc dân nào, chỉ số IQ tuân theo luật phân bố chuẩn; (ii) người phạm tội hình sự và bị phạt tù có chỉ số IQ thấp hơn người ‘bình thường’ ngoài cộng đồng; (iii) tính trung bình, người da đen có chỉ số IQ thấp hơn người da trắng và Á châu; (iv) tính trên quần thể, người da đen có xu hướng phạm tội cao hơn người da trắng; và (v) ở mỗi sắc tộc, sự khác biệt về chỉ số IQ một phần lớn là do di truyền.

Đó là những dữ liệu khoa học. Nhưng ý nghĩa của dữ liệu đó có thể diễn giải khác nhau tuỳ thuộc vào quan điểm, trình độ khoa học và nhận thức của người diễn giải. Riêng cá nhân tôi thì nghĩ xu hướng tội phạm bắt đầu từ gia đình. Trong gia đình mà cha mẹ phạm tội thì con cái cũng có xu hướng phạm tội. Thật vậy, qui luật Pareo cũng ứng nghiệm trong tội phạm: 67% tội phạm chỉ xuất phát từ 10% gia đình [7]. Do đó, những mối tương quan thống kê về chỉ số IQ mà chúng ta thấy rất có thể là do những yếu tố văn hoá và môi trường mà các thành viên ‘chia sẻ’ trong gia đình, hơn là do gen. Nếu giả thuyết này đúng, thì việc ngăn ngừa tội phạm phải bắt đầu từ gia đình.

_______

[1] Herrnstein R., & Murray C. (1994). The bell curve: Intelligence and class structure in American life. New York: Free Press.

[2] Đa số sách giáo khoa viết rằng nhà toán học thiên tài người Đức Carl Fredrick Gauss phát hiện luật phân bố bình thường vào năm 1809. Thế nhưng trong thực tế, trước Gauss khoảng 10 năm, nhà toán học người Pháp Abraham de Moivre đã phát hiện định luật phân bố bình thường.

[3] Ellis L. (2003). Genes, criminality, and the evolutionary neuroandrogenic theory. In A. Walsh & L. Ellis (Eds.) Biosocial criminology: Challenging environmentalism’s supremacy (pp. 12–34).

[4] https://openpsych.net/paper/50

[5] https://www.nature.com/articles/41319

[6] https://www.biorxiv.org/content/10.1101/184853v2

[7] West D J & Farrington D P (1973). Who becomes delinquent? Second report of the Cambridge Study in Delinquent Development. Crane, Russak.

[8] Cái note này có thể tạo ra vài phản ứng trái chiều, đặc biệt là những người trong nhóm ‘đạo cao đức trọng’ hay dùng cáo buộc ‘kì thị chủng tộc’ để bịt miệng những ai khác họ. Nhưng trước khi dùng mệnh đề đó, nên minh bạch 3 khái niệm định kiến, thành kiến và kì thị như sau:

Định kiến (stereotype) là vấn đề về nhận thức. Định kiến là cách suy nghĩ đơn giản về một người hay nhóm người, và suy nghĩ này có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Chẳng hạn như khi nói đến học sinh gốc Á châu, người có định kiến có ấn tượng ngay đến “một đám mọt sách”. Định kiến tiêu cực có thể — nhưng không hẳn — dẫn đến thành kiến.

Thành kiến (prejudice) là vấn đề liên quan đến xúc cảm. Người có thành kiến có cảm giác tích cực hoặc tiêu cực về một người hay nhóm người. Chẳng hạn như phát biểu “Tôi không ưa người da đen vì họ hay bạo động” là thành kiến. Một ví dụ khác là xe cộ của người gốc Á châu thỉnh thoảng bị ai đó phun nước sơn với dòng chữ “Get out of my country” (cút khỏi nước tao) là thành kiến. Thành kiến có thể dẫn đến kì thị.

Kì thị là vấn đề liên quan đến hành vi và cư xử. Kì thị có thể chia thành 2 nhóm: kì thị có tổ chức và không có tổ chức. Chẳng hạn như qui định không cho người có đạo công giáo làm cảnh sát là kì thị có tổ chức. Nhưng nếu một công ti nào đó trương biển hiệu không mướn người gốc Thanh Hoá là đó là một sự kì thị không có tổ chức, mà có thể chỉ vì thành kiến của người chủ công ti.

Nguồn: GS Nguyễn Văn Tuấn

Giới thiệu Thủy Tiên

Họ và tên: Hà Thuỷ Tiên Ngày sinh: 05/12/2000 Trường: sinh viên đại học tây nguyên Biệt danh khác: Azura

Check Also

[COVID-19] “SƯƠNG MÙ NÃO” – DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI

“SƯƠNG MÙ NÃO” DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI  “Sương mù não” …