Một đánh giá có hệ thống cho thấy trẻ sơ sinh bị dị tật tim bẩm sinh cần phẫu thuật tim hở có nguy cơ bị suy giảm khả năng vận động trong suốt thời thơ ấu và thanh thiếu niên.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu từ 46 nghiên cứu được công bố từ năm 1997 đến năm 2019 tập trung vào các kỹ năng vận động tinh hoặc thô ở trẻ em đã phẫu thuật tim hở vì các dị tật tim bẩm sinh. Trong tất cả các nghiên cứu, tỷ lệ suy giảm khả năng vận động tổng thể dao động từ 12,3% đến 68,6% và tỷ lệ suy giảm khả năng vận động mức độ nặng dao động từ 0% đến 60%.
Tác giả nghiên cứu chính Marie Brossard-Racine, phó giáo sư tại Trường Vật lý trị liệu và Hồi phục chức năng tại Đại học McGill ở Montreal, cho biết: “Trước khi sinh và trong những năm đầu đời, những đứa trẻ này có nguy cơ cao bị tái phát khi ở trong tình trạng thiếu oxy do thiếu máu cục bộ gây tổn hại đến não bộ chưa được phát triển hoàn thiện.
Brossard-Racine cho biết qua email: “Sự suy giảm khả năng vận động được quan sát thấy ở trẻ em bị dị tật tim bẩm sinh phức tạp có thể là do nhiều yếu tố, và là kết quả của sự kết hợp giữa những trải nghiệm chưa phù hợp với lứa tuổi và sự chậm phát triển thần kinh nền của não”
Ở trẻ mới biết đi từ 1 đến 3 tuổi, tỷ lệ suy giảm khả năng vận động chung dao động từ 12,3% đến 59% và tỷ lệ suy giảm khả năng vận động mức độ nặng dao động từ 1,5% đến 60%.
Đối với trẻ em từ 3 đến 6 tuổi, tỷ lệ suy giảm vận động chung dao động từ 32,4% đến 68,6% và tỷ lệ suy giảm khả năng vận động mức độ nặng dao động từ 7,7% đến 28,6%.
Đối với trẻ em trong độ tuổi đi học từ 6 đến 13 tuổi, tỷ lệ suy giảm khả năng vận động nói chung dao động từ 26,7% đến 46,1% và tỷ lệ suy giảm khả năng vận động mức độ nặng từ 7,5% đến 25,8%.
Chỉ có một nghiên cứu xem xét tình trạng suy giảm vận động ở tuổi thanh thiếu niên. Nghiên cứu này cho thấy đối với thanh thiếu niên từ 13 đến 19 tuổi, tỷ lệ suy giảm khả năng vận động nói chung là 42,4% và tỷ lệ suy giảm vận động mức độ nặng là 18,2%.
Khi các nhà nghiên cứu xem xét mức độ suy giảm, quy mô ảnh hưởng của sự khác biệt về kỹ năng vận động thô và tinh giữa trẻ bị dị tật tim bẩm sinh và trẻ đang phát triển điển hình dao động từ -0,07 đến 2,19, dựa trên phân tích 38 nghiên cứu với phép đo này.
Các nghiên cứu trong phân tích được thực hiện trên năm lục địa. Tổng cộng có 16 nghiên cứu (35%) được thực hiện ở Hoa Kỳ, trong khi 7 (15%) được thực hiện ở Canada, 6 (13%) được thực hiện ở Đức và 4 (9%) được thực hiện ở Úc.
Trẻ em trong các nghiên cứu có nhiều dạng dị tật tim bẩm sinh khác nhau bao gồm tắc nghẽn cung động mạch chủ, hội chứng thiểu sản tim trái hoặc các dạng dị tật tâm thất đơn khác, bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi toàn phần, chuyển vị của các động mạch lớn và thông liên thất.
Có 14 nghiên cứu (30%) được đưa vào phân tích dường như có sai lệch thấp dựa trên một số tiêu chí, chẳng hạn như độ lệch hiệu suất và độ lệch tiêu hao.
Một hạn chế của việc xem xét hệ thống là lấy mẫu và phương pháp nghiên cứu khác nhau giữa những nghiên cứu nhỏ hơn cũng được đưa vào phân tích. Nhóm nghiên cứu Nhi khoa đã lưu ý rằng, trong một số trường hợp, các công cụ đánh giá vận động khác nhau có thể góp phần làm thay đổi kết quả.
“Tất nhiên có thể việc hạn chế vận động kéo dài, và hơn thế nữa, bản thân bệnh ở mức độ nặng có thể dẫn đến sự chậm trễ trong các hoạt động vận động và các cột mốc quan trọng, nhưng điều này thường chỉ là tạm thời và trẻ em không có bất kỳ sự thay đổi nào về não bộ sẽ bắt kịp sự chậm trễ này rất nhanh, ” Dr. Beatrice Latal, giáo sư tại Trung tâm Phát triển Trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng Đại học Zurich ở Thụy Sĩ, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết.
Dr. Latal cho biết qua email, trẻ em mắc bệnh tim phức tạp cần phẫu thuật tim nên được theo dõi bởi một nhóm chuyên môn đa ngành như một phần của chương trình theo dõi để đảm bảo phát hiện sớm các khiếm khuyết phát triển, can thiệp điều trị kịp thời và tư vấn cho bố mẹ.
Dr. Latal khuyên rằng: “Nếu không thực hiện được, các nhân viên y tế cần theo dõi cẩn thận tiến trình phát triển của một đứa trẻ đã phẫu thuật tim và nên giới thiệu trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chi tiết về sự phát triển và bắt đầu các liệu pháp nếu được chỉ định”.
Tài liệu tham khảo:
Motor Impairment in Children With Congenital Heart Defects: A Systematic Review
Marie-Eve Bolduc, Eliane Dionne, Isabelle Gagnon, Janet E. Rennick, Annette Majnemer and Marie Brossard-Racine
Pediatrics November 2020, e20200083; DOI: https://doi.org/10.1542/peds.2020-0083
SOURCE: https://bit.ly/38YKrnl Pediatrics, online November 18, 2020.
Bài tự dịch, vui lòng không reup.
Nguồn: Medscape
Link: https://www.medscape.com/viewarticle/941231
Tác giả: Roxie Dương
Hiệu chỉnh: Dương Ngọc