[Di truyền] Tiên lượng bệnh bằng gen?

Rate this post

Xin ‘khoe’ với các bạn một bài xã luận tôi mới viết cho JCEM [1] về vấn đề tiên lượng gãy xương qua ứng dụng khái niệm ‘hồ sơ gen’. Lâu lâu mới được tập san mời viết xã luận (đây là bài thứ 9 trong đời) về một vấn đề thời sự mà tôi nghĩ cũng có liên quan ở Việt Nam, nơi có người nghĩ rằng phân tích gen có thể dự báo bất cứ bệnh lí nào.

Câu chuyện đằng sau bài xã luận này xuất phát từ một nhóm bên Thuỵ Điển nộp bài báo của họ cho JCEM (Journal of Clinical Endocrinlogy and Metabolism) [2], tập san hàng số 1 trong chuyên ngành nội tiết. Trong bài báo, họ tạo ra một chữ kí gen bao gồm hàng ngàn biến thể (SNPs), rồi dùng chữ kí đó để tiên lượng ai sắp bị gãy xương hay không. Họ phát hiện rằng chữ kí gen (hay hồ sơ gen, hay ‘genetic profiling’) có thể dùng để tiên lượng gãy xương ngay từ lúc mới sanh! Cách tôi mô tả thì đơn giản, nhưng để thực hiện công trình này họ phải tốn hơn 10 năm trời.

Bởi vì nhóm tôi từng làm về lãnh vực này trước họ (và có thể nói là đầu tiên trên thế giới) và vì tôi từng ngồi trong hội đồng biên tập, nên những bài loại này thường được giao cho tôi để bình duyệt. Tôi viết bình duyệt khen họ, nhưng cũng có đề nghị nên làm thêm một số việc (tuy nhiên, họ không chịu làm).

Ông tổng biên tập thấy tôi có vẻ nhiệt tình với bài báo và có những ý chắc hay hay với ổng, ổng bèn mời tôi viết một bài xã luận để giải thích thêm những điểm mạnh và yếu của ứng dụng gen trong tiên lượng bệnh. Được JCEM mời viết xã luận, như các bạn biết, là một vinh dự, nên tôi làm sao từ chối được. Thế là nhân mùa dịch Vũ Hán, tôi ngồi nhà vắt óc suy nghĩ và viết.

Tôi đặt tựa đề bài xã luận là ‘tiến đến thời đại cá nhân hoá trong đánh giá gãy xương’ (Toward the era of precision fracture risk assessment). Dùng chữ ‘precision’ chỉ là một cách theo thời thượng thôi, chớ cá nhân tôi không thích chữ đó.Trong bài xã luận tôi đề cập đến vài vấn đề trong việc dùng gen để tiên lượng gãy xương (hay bất cứ bệnh lí nào):

Thứ nhứt là thiếu tính chính xác. Đa số những gen phát hiện liên quan đến các bệnh mãn tính có mức độ ảnh hưởng rất thấp hay thấp. Do đó, khi áp dụng vào thực tế lâm sàng thì nó có độ chính xác rất kém. Để tiên lượng chiều cao, chúng ta có thể dựa vào chiều cao của cha và mẹ còn chính xác hơn dùng hồ sơ của 100 gen.

Thứ hai, hồ sơ gen không phải là phương tiện chẩn đoán (diagnosis). Điều này rất quan trọng, vì nhiều người nghĩ gen là dùng cho chẩn đoán. Gen chỉ dùng cho prognosis – tiên lượng, và đánh giá mà thôi. Tôi đề nghị có thể dùng hồ sơ gen thay thế cho tiền sử gia đình (family history), vì tiền sử gia đình rất khó tin (!) và hồ sơ gen chính là thông tin di truyền của gia đình gói gọn trong đó.

Thứ ba, vì không thể dùng cho chẩn đoán, nên hồ sơ gen có thể dùng cùng với các yếu tố lâm sàng. Chúng tôi từng có nghiên cứu chỉ ra rằng nếu chỉ dùng gen như là yếu tố độc lập thì chẳng tiên lượng gãy xương được cho ai, nhưng nếu dùng gen cùng với yếu tố lâm sàng thì giúp tiên lượng chính xác hơn, đặc biệt là ở những bệnh nhân mà yếu tố lâm sàng bỏ sót. Tiềm năng của hồ sơ gen là ở đây.

Thứ tư, vấn đề của hồ sơ gen là chúng ta không biết nó đo lường cái gì. Thuật ngữ lí thuyết đo lường gọi là ‘validity criterion’. Trong loãng xương, chúng ta biết gen có liên quan đến mật độ xương, nhưng chúng ta không biết cơ chế tại sao, bởi vì đa số gen nằm ngoài vùng coding! Đây là vấn đề đau đầu nhứt cho những ai quan tâm đến chi tiết lí thuyết về tiên lượng bằng gen.

Thứ năm, hồ sơ gen phải là đặc hiệu cho sắc tộc. Hồ sơ gen xây dựng ở người da trắng không thể áp dụng cho người Á châu (Việt Nam), vì các tần số gen rất khác nhau giữa hai sắc dân và vì tương tác giữa gen với môi trường. Do đó, tôi có lời kêu gọi trong bài xã luận là tương lai gần, chúng ta nên xây dựng chữ kí gen cho người Việt. Chúng tôi thật ra đang cố gắng làm việc này nhưng chưa có tiền.

Advertisement

Nói chung, tôi nghĩ hiện nay xét nghiệm gen để tiên lượng các bệnh mãn tính chưa thể triển khai đại trà được, vì cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa. Những sản phẩn của những nhóm như 23andMe hay tương tợ không có giá trị chẩn đoán, cũng chẳng có giá trị trong lâm sàng. Những công nghệ mới như NGS hiện nay dù rất mắc tiền nhưng càng không có vai trò tiên lượng bệnh, và cũng chưa có ứng dụng gì trong lâm sàng. Tôi hay ví von rằng mua một cái máy NGS như mua chiếc xe bus mỗi năm chỉ phục vụ cho chừng 10 hành khách.

Nhưng khổ nỗi rất nhiều nhóm online chuyên bán những dịch vụ tiên lượng dựa vào gen và làm tốn hao tiền bạc của cộng đồng. Ở VN hình như cũng có vài nhóm quảng bá xét nghiệm gen để biết bệnh tật trong tương lai. Giới khoa học nên thành thật nói cho công chúng biết rằng gen hay hồ sơ gen chỉ mới ở giai đoạn nghiên cứu, chớ gen chưa thể nói ai sẽ mắc bệnh hay không mắc bệnh mãn tính trong tương lai.

===

[1] https://academic.oup.com/…/…/10.1210/clinem/dgaa222/5823064…

[2] https://academic.oup.com/jcem/article/105/4/e1344/5739622

Nguồn: GS Nguyễn Văn Tuấn

 

 

 

 

Giới thiệu Thủy Tiên

Họ và tên: Hà Thuỷ Tiên Ngày sinh: 05/12/2000 Trường: sinh viên đại học tây nguyên Biệt danh khác: Azura

Check Also

[Tài liệu] Tổng hợp tài liệu Hội nghị Hồi sức cấp cứu

TỔNG HỢP TÀI LIỆU HỘI NGHỊ HỒI SỨC CẤP CỨU 1. Áp lực đẩy: Khái …