[Healthline] Kiểm soát bệnh đái tháo đường: Bạn thực sự đã nắm rõ chưa?

Rate this post

Managing Your Diabetes: You Probably Knew… But Did You Know?

Là một người đang chung sống với bệnh đái tháo đường typ 1, bạn dễ dàng cho rằng mình biết hầu như tất cả những thứ liên quan đến glucose máu và insulin. Mặc dù vậy, có một số điều liên quan đến tình trạng bệnh có thể khiến bạn ngạc nhiên.

Không giống như một số bệnh mãn tính khác, đái tháo đường ảnh hưởng đến gần như mọi cơ quan trong cơ thể bạn. May mắn thay, các công nghệ tiên tiến có sẵn hiện tại giúp mọi người kiểm soát bệnh đái tháo đường tốt hơn và hạn chế các biến chứng ở mức tối thiểu.

Dưới đây là một số thông tin quan trọng về bệnh đái tháo đường, những điều cần lưu ý liên quan đến lối sống và các mẹo kiểm soát bệnh bạn nên xem xét.

Sự lựa chọn cung cấp insulin

Có thể bạn đã quen với việc tự tiêm insulin, nhưng bạn đã biết có những phương pháp sử dụng khác, bao gồm kim tiêm kích thước khác nhau, bút tiêm insulin đã được định liều sẵn, hay máy bơm insulin?

Máy bơm insulin là những thiết bị nhỏ, có thể đeo được giúp truyền insulin vào cơ thể một cách ổn định suốt cả ngày. Bạn có thể lập trình chúng để cung cấp số lượng phù hợp tùy theo bữa ăn hoặc các trường hợp khác.

Phương pháp cung cấp insulin này là truyền insulin dưới da liên tục (CSII). Nghiên cứu cho thấy CSII giúp những người mắc bệnh đái tháo đường typ 1 duy trì mức HbA1c thấp hơn theo thời gian so với trước khi sử dụng CSII.

Lưu ý

Hãy bàn bạc với bác sĩ của bạn về lựa chọn cung cấp insulin tốt nhất cho bạn.

Theo dõi xu hướng để cải thiện khả năng kiểm soát

Máy theo dõi glucose máu liên tục (CGM) là một thiết bị nhỏ bạn đeo để theo dõi glucose máu suốt cả ngày lẫn đêm, cập nhật vài phút một lần. Một số CGM, chẳng hạn như Freestyle Libre, có thể đo lượng glucose máu mỗi phút.

Thiết bị này thông báo cho bạn biết lượng glucose máu cao hay thấp để bạn có thể thực hiện việc đưa lượng glucose máu vào phạm vi mục tiêu mà không cần phải phỏng đoán. Một trong những tính năng tốt nhất của thiết bị này là nó có thể hiển thị mức glucose máu đang có xu hướng như thế nào, vì vậy bạn có thể xử trí trước khi mức glucose máu xuống quá thấp hoặc quá cao.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng CGM có liên quan đến việc giảm đáng kể HbA1c. CGM cũng có thể làm giảm nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng hoặc lượng glucose máu thấp một cách nguy hiểm.

Nhiều thiết bị CGM kết nối với điện thoại thông minh và hiển thị xu hướng glucose máu chỉ bằng chạm ngón tay chạm mà không cần dùng que chọc ngón tay. Một số CGM yêu cầu hiệu chuẩn hàng ngày, trong khi một số mẫu mới hơn không yêu cầu bất kỳ hiệu chuẩn nào.

Lưu ý

Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn để tìm hiểu thêm về công cụ công nghệ này để kiểm soát bệnh đái tháo đường.

Các biến chứng liên quan đến nhận thức

Nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa bệnh đái tháo đường với suy giảm nhận thức. Một nghiên cứu cho thấy những người trung niên mắc bệnh đái tháo đường typ 1 có thể có nguy cơ bị suy giảm nhận thức về mặt lâm sàng  gấp 5 lần so với những người không mắc bệnh đái tháo đường typ 1.

Mối liên quan này là do tác động của lượng glucose máu cao lên trong cơ thể theo thời gian. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi mắc bệnh đái tháo đường typ 1.

Lưu ý

Hãy tuân theo kế hoạch quản lý bệnh đái tháo đường mà bạn triển khai với nhóm chăm sóc sức khỏe của mình và sử dụng các công cụ có sẵn có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nhận thức khi bạn già đi.

Bệnh đái tháo đường trong chuyện chăn gối

Bệnh đái tháo đường có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề cương dương, khô âm đạo hoặc viêm âm đạo, và cảm giác lo lắng trong chuyện chăn gối ảnh hưởng đến ham muốn và khả năng tình dục.

Kiểm soát lượng glucose máu, điều trị y tế và tư vấn về các vấn đề cảm xúc như trầm cảm và rối loạn lo âu đều có thể giúp giải quyết những vấn đề này.

Lưu ý

Nếu bất kỳ vấn đề nào ở trên xảy ra với bạn, hãy biết rằng bạn không cô đơn và bạn không nên ngại tìm kiếm sự giúp đỡ để lấy lại quyền kiểm soát sức khỏe tình dục của mình.

Mối quan hệ giữa bệnh đái tháo đường và bệnh răng miệng

Những người bị bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao tiến triển thành các biến chứng răng miệng hơn so với những người không mắc bệnh đái tháo đường. Lượng glucose máu cao có thể dẫn đến bệnh nướu răng, nhiễm trùng miệng, sâu răng và các biến chứng khác có thể dẫn đến mất răng.

Lưu ý

Bác sĩ nha khoa là một phần quan trọng trong nhóm chăm sóc sức khỏe bệnh đái tháo đường. Đảm bảo rằng bạn cho họ biết bạn bị bệnh đái tháo đường và điền vào các mức HbA1c để theo dõi bất kỳ xu hướng sức khỏe răng miệng nào liên quan đến việc kiểm soát bệnh đái tháo đường. Bạn thậm chí có thể cho họ thấy các xu hướng mà CGM đang theo dõi trên điện thoại thông minh của bạn.

Lượng glucose máu cao và mù mắt

Bạn có biết rằng theo thời gian, bệnh đái tháo đường và lượng glucose máu cao có thể làm hỏng các mạch máu trong mắt của bạn? Điều này có thể dẫn đến mất thị lực hoặc thậm chí mù lòa.

Lưu ý

Thường xuyên đến bác sĩ nhãn khoa để tầm soát và được bác sĩ đo thị lực hoặc bác sĩ nhãn khoa khám mắt định kỳ hàng năm có thể giúp phát hiện sớm tổn thương. Điều này rất quan trọng vì điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự tiến triển của tổn thương và cứu thị lực của bạn.

Tầm quan trọng của giày dép

Ai lại không thích đi một đôi giày cao gót lấp lánh mới đẹp hoặc đôi xăng đan cao cấp? Nhưng nếu một đôi giày khiến bạn phong cách hơn là thoải mái, bạn có thể muốn suy nghĩ lại về quyết định của mình.

Các vấn đề về chân có thể là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường, nhưng chúng không nhất thiết phải là một phần trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường. Nếu bạn làm tất cả những gì có thể để kiểm soát lượng glucose máu và chăm sóc đôi chân của mình, bạn sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Mang tất dày, không chật, vừa vặn và giày bít mũi thoải mái, vừa vặn. Giày cao gót có mũi nhọn, xăng đan hoặc giày thể thao quá chật có thể dẫn đến phồng rộp, mụn nước, phù chân và các vấn đề khác.

Advertisement

Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến khả năng chữa lành vết thương của cơ thể và đôi khi khả năng nhìn thấy chúng ở những vị trí khó nhìn thấy do tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh).

Hãy nhớ kiểm tra bàn chân của bạn mỗi ngày để biết bất kỳ thay đổi hoặc vết thương nào và nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu bạn cảm thấy khó chịu để ngăn ngừa tổn thương lâu dài.

Lưu ý

Kiểm soát lượng đường trong máu là điều tốt nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa các biến chứng, chẳng hạn như các biến chứng ở chân.

Tài liệu tham khảo

Continuous glucose monitoring. (2017).

niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/managing-diabetes/continuous-glucose-monitoring

Diabetes and foot problems. (2017).

niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/preventing-problems/foot-problems

Diabetes, gum disease, and other dental problems. (2014).

niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/preventing-problems/gum-disease-dental-problems

Diabetic retinopathy. (2021).

nei.nih.gov/learn-about-eye-health/eye-conditions-and-diseases/diabetic-retinopathy

Eye complications. (n.d.).

diabetes.org/diabetes/complications/eye-complications

Giani E, et al. (2015). Impact of new technologies on diabetes care.

ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4515449/

Nunley KA, et al. (2015). Clinically relevant cognitive impairment in middle-aged adults with childhood-onset type 1 diabetes.

ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4542271/

Orr CJ, et al. (2015). Long-term efficacy of insulin pump therapy on glycemic control in adults with type 1 diabetes mellitus.

Nguồn: Managing Your Diabetes: You Probably Knew… But Did You Know?

Người dịch: Lê Thị Kiều Trinh, Võ Thị Thảo Ngân

Hiệu đính: Bác sĩ Huỳnh Lê Thái Bão

Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – Vui lòng không reup khi chưa được cho phép!

 

 

Giới thiệu trangiaminh

Check Also

[Medscape] Việc hòa ca nhạc đồng quê đã giúp bác sĩ tìm thấy sự cân bằng

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi thường được hỏi làm thế nào để cân …