Bệnh đái tháo đường là một tình trạng bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hoặc sử dụng insulin của cơ thể. Insulin là một loại hormon điều chỉnh lượng glucose máu của chúng ta. Nếu không có insulin, cơ thể chúng ta không thể dự trữ glucose hoặc sử dụng nó để làm năng lượng.
Bệnh đái tháo đường không được điều trị dẫn đến lượng glucose máu cao, có thể phá hủy các mạch máu và thần kinh theo thời gian.
Điều này có thể gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Nhìn mờ
- Ngứa ran và tê ở bàn tay với bàn chân
- Tăng nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ
Việc chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường kịp thời có thể giải quyết các triệu chứng khó chịu, ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe lâu dài và giúp bạn trở lại cuộc sống bình thường.
Ai nên đi xét nghiệm đái tháo đường?
Đái tháo đường là một tình trạng bệnh lý mãn tính phổ biến. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã báo cáo vào năm 2018 rằng khoảng 10,5% người Mỹ mắc đái tháo đường, với phần lớn mắc típ 2.
Việc phát hiện bạn mắc đái tháo đường có thể khó ở giai đoạn đầu, vì các triệu chứng có thể không rõ ràng hoặc đến từ từ.
Bạn nên đi xét nghiệm đái tháo đường nếu bạn đang gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào sau đây của bệnh đái tháo đường:
- Cực kì khát nước
- Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi
- Cảm thấy rất đói, ngay cả sau khi ăn
- Mắt mờ
- Đi tiểu thường xuyên
- Bị vết loét hoặc vết cắt nhưng không thể lành
Những người có các yếu tố nguy cơ nhất định nên cân nhắc việc kiểm tra đái tháo đường ngay cả khi họ không có các triệu chứng.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo bạn nên xét nghiệm bệnh đái tháo đường nếu bạn thừa cân (chỉ số BMI lớn hơn 25 đối với người châu Á) và bản thân có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào sau đây:
- Thừa cân (chỉ số BMI lớn hơn 25 đối với người châu Á)
- Chủng tộc hoặc dân tộc có nguy cơ cao, bao gồm:
- Da đen (người Mỹ gốc Phi)
- Latino
- Người Mỹ bản xứ
- Thái Bình Dương
- Người Mỹ gốc Á
- Tăng huyết áp, Triglycerid máu cao, HDL cholesterol thấp hoặc đang mắc bệnh tim
- Tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường
- Tiền sử cá nhân có glucose máu bất thường hoặc có dấu hiệu kháng insulin
- Không tham gia hoạt động thể chất thường xuyên
- Phụ nữ có tiền sử mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc đái tháo đường thai kỳ . Nếu bạn thuộc giới tính khác và có tiền sử mắc các tình trạng sức khỏe này, bạn cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh và nên đi xét nghiệm.
ADA cũng khuyến cáo bạn nên kiểm tra glucose máu ban đầu nếu bạn trên 45 tuổi. Điều này giúp bạn thiết lập ngưỡng glucose máu chuẩn.
Vì nguy cơ mắc đái tháo đường của bạn tăng lên theo tuổi tác, xét nghiệm có thể giúp bạn xác định nguy cơ mắc bệnh này.
Chủng tộc và dân tộc là “yếu tố nguy cơ”
Toàn bộ loài người đều cùng thuộc một chủng tộc (Homo sapiens) và có DNA giống nhau đến 99%! Sự khác biệt về kiểu hình trong màu da hoặc đặc điểm khuôn mặt của chúng ta là một phần của sự biến đổi tự nhiên của loài người và sự khác nhau về vị trí địa lý khí hậu của tổ tiên chúng ta.
Tuy nhiên, chủng tộc ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta theo những cách rất thực tế, giống như có một hệ thống phân loại xã hội vậy. Khi đề cập “các yếu tố nguy cơ” đối với các nhóm chủng tộc và dân tộc khác nhau, thường đây không phải là nhưng khác biệt thực tế về mặt sinh học. Thay vào đó, sự khác biệt là do nhiều yếu tố – chẳng hạn như sở thích ăn uống và thiếu khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe – có thể khiến một số người có nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định hơn những người khác.
Xét nghiệm máu cho bệnh đái tháo đường
Xét nghiệm máu cho phép bác sĩ xác định lượng glucose máu của bạn khi đánh giá bạn mắc bệnh đái tháo đường hay không. Có nhiều loại xét nghiệm máu bệnh đái tháo đường khác nhau.
Xét nghiệm HbA1c
Xét nghiệm máu cho phép bác sĩ xác định mức glucose máu trong cơ thể. Xét nghiệm HbA1c là một trong những xét nghiệm phổ biến nhất vì kết quả có thể ước tính lượng glucose máu theo thời gian và bạn không cần phải nhịn ăn trước khi xét nghiệm.
Xét nghiệm HbA1C còn được gọi là xét nghiệm glycated hemoglobin. Nó đo lượng glucose đã tự gắn vào hemaglobin (một loại protein) trên các tế bào hồng cầu của bạn.
Xét nghiệm HbA1C đo lượng glucose máu trung bình của bạn trong khoảng 3 tháng, là tuổi thọ của các tế bào hồng cầu. Xét nghiệm chỉ yêu cầu rút một lượng máu nhỏ. Máu có thể được lấy bằng cách chọc từ ngón tay hoặc lấy máu từ cánh tay của bạn.
Kết quả HbA1C được đo bằng phần trăm:
Kết quả kiểm tra | Tình trạng được chỉ định |
5,6% hoặc thấp hơn | Bình thường |
5,7% đến 6,4% | Tiền đái tháo đường |
6,5% trở lên | Bệnh đái tháo đường |
Các xét nghiệm được chuẩn hóa bởi Chương trình Tiêu chuẩn hóa Glycohemoglobin Quốc gia (NGSP).. Điều này có nghĩa là bất kể phòng thí nghiệm nào thực hiện xét nghiệm, các phương pháp xét nghiệm máu đều giống nhau.
Theo Viện Quốc gia về bệnh Đái tháo đường, Tiêu hóa và Bệnh thận, chỉ những xét nghiệm đã được NGSP chấp thuận mới được coi là đủ xác định để chẩn đoán bệnh đái tháo đường.
Một số người có thể có kết quả khác nhau khi xét nghiệm HbA1c. Điều này bao gồm những người bị bệnh thận và các biến thể hemoglobin. Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm đái tháo đường thay thế trong những trường hợp này.
Xét nghiệm HbA1c cũng được sử dụng trong việc quản lý bệnh đái tháo đường. Thông thường, mục tiêu đối với người điều trị bệnh đái tháo đường là 7% hoặc ít hơn. Tuy nhiên, mục tiêu HbA1c của bạn sẽ được cá nhân hóa dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn.
Xét nghiệm glucose máu bất kỳ
Xét nghiệm glucose máu bất kỳ có nghĩa là lấy máu vào bất kỳ thời điểm nào, bất kể lần cuối bạn ăn là khi nào.
Kết quả của xét nghiệm này bằng hoặc lớn hơn 200 mg / dL cho thấy bệnh nhân bị đái tháo đường.
Xét nghiệm glucose máu lúc đói
Xét nghiệm glucose máu lúc đói bao gồm việc lấy máu sau khi bạn nhịn ăn qua đêm, thường có nghĩa là không ăn trong 8 đến 12 giờ.
Kết quả cho lượng glucose máu lúc đói được chia nhỏ như sau:
Kết quả kiểm tra | Tình trạng |
99 mg / dL hoặc thấp hơn | Bình thường |
100 đến 125 mg / dL | Tiền đái tháo đường |
126 mg / dL trở lên | Bệnh đái tháo đường |
Nghiệm pháp dung nạp glucose qua đường uống
Nghiệm pháp dung nạp glucose qua đường uống (OGTT) diễn ra trong vòng 2 giờ.
Đầu tiên, bạn được xét nghiệm mức glucose. Sau đó, bạn được cho uống nước đường. Sau 2 giờ, lượng glucose máu của bạn được kiểm tra lại.
Xét nghiệm nước tiểu để tìm bệnh đái tháo đường
Xét nghiệm nước tiểu không phải lúc nào cũng được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường.Nhưng các bác sĩ sẽ thường dùng nó nếu nghi ngờ bạn mắc đái tháo đường típ 1.
Cơ thể tạo ra các chất hóa học gọi là ceton khi các mô mỡ được sử dụng để làm năng lượng thay vì glucose. Phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm nước tiểu để tìm các thể ceton này.
Nếu ceton có xuất hiện với lượng vừa đến lớn trong nước tiểu, điều này có thể cho thấy cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin để phân hủy glucose thành năng lượng.
Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ
Bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể xảy ra khi bạn đang mang thai và thường biến mất sau khi sinh. CDC giải thích rằng đái tháo đường thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ thai to cần sinh mổ, hoặc sinh con mà nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 sau này.
ADA đề nghị rằng phụ nữ mang thai có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào của bệnh đái tháo đường nên được xét nghiệm trong lần khám tiền sản đầu tiên của họ. Đái tháo đường thai kỳ xảy ra trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.
Các bác sĩ có thể sử dụng hai loại xét nghiệm glucose để chẩn đoán bệnh đái tháo đường thai kỳ. Các xét nghiệm này đánh giá cách cơ thể bạn xử lý glucose.
Xét nghiệm dung nạp glucose ban đầu
Xét nghiệm dung nạp glucose ban đầu như sau:
- Bạn uống nước đường do bác sĩ đưa.
- Máu được lấy một giờ sau đó để đo lượng glucose máu.
Kết quả dưới 140 mg/dL coi là bình thường. Chỉ số cao hơn bình thường cho thấy cần phải kiểm tra thêm.
Tiếp theo dưới đây là các bước để kiểm tra dung nạp glucose:
- Bạn phải nhịn ăn (không ăn) qua đêm.
- Đo mức glucose máu ban đầu của bạn.
- Bạn uống một cốc nước có nhiều đường.
- Sau đó, lượng glucose máu được kiểm tra hàng giờ trong 3 giờ.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ được chẩn đoán nếu kết quả cho thấy có hai hoặc nhiều chỉ số cao hơn bình thường.
Xét nghiệm dung nạp glucose trong 2 giờ
Xét nghiệm này có quy trình tương tự như xét nghiệm trước. Lượng glucose máu được đo 2 giờ sau khi uống nước đường.
Nếu kết quả nằm ngoài phạm vi bình thường cho thấy bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Kết luận
Bệnh đái tháo đường là một tình trạng bệnh lý mãn tính, nhưng nó có thể điều trị được. Việc kiểm soát đái tháo đường và sống một cuộc sống khỏe mạnh, đầy đủ là hoàn toàn có thể. Nếu không được điều trị, bệnh đái tháo đường có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lâu dài và thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Xét nghiệm đái tháo đường kịp thời là điều cần thiết. Nếu bạn có tiền sử mắc bệnh này trong gia đình hoặc đang có các triệu chứng (bao gồm khát nước và đi tiểu nhiều), bạn nên đi xét nghiệm. Những người mang thai có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào nên được xét nghiệm trong lần khám thai đầu tiên của họ để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Bệnh đái tháo đường được đánh giá thông qua các loại xét nghiệm máu và nước tiểu. Xét nghiệm phù hợp cho bạn sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, các triệu chứng và sức khỏe tổng thể của bạn.
Nguồn: https://www.healthline.com/health/diabetes-tests?utm_source=ReadNext#outlook
Tài liệu tham khảo:
- A1C test and diabetes. (2018).
niddk.nih.gov/health-information/diagnostic-tests/a1c-test - Classification and diagnosis of diabetes: Standards of medical care in diabetes — 2018. (2018).
care.diabetesjournals.org/content/41/Supplement_1/S13 - Diabetes tests. (2021).
cdc.gov/diabetes/basics/getting-tested.html - Diabetes tests and diagnosis. (2016).
niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/tests-diagnosis - Diagnosing diabetes and learning about prediabetes. (2016).
diabetes.org/diabetes-basics/diagnosis/ - Gestational diabetes. (2021).
cdc.gov/diabetes/basics/gestational.html - Whitley HP, et al. (2015). Selecting an A1c point-of-care instrument.
spectrum.diabetesjournals.org/content/28/3/201 - Understanding A1C. (n.d.).
diabetes.org/diabetes/a1c
Người dịch: Lê Thị Kiều Trinh, Võ Thị Thảo Ngân
Hiệu đính: BS Huỳnh Lê Thái Bão
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – Vui lòng không reup khi chưa được cho phép!