[KIẾN THỨC] LỜI GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH MOLECULAR CELL BIOLOGY – LỜI DẠY CỦA NGƯỜI

Rate this post
Tập sách này là tập hợp những bài viết không phải là tài liệu giáo khoa mà là những bài ghi lại nhận thức của các sinh viên Y khoa từ năm thứ hai đến năm thứ sáu sau khi học Sinh học tế bào ở mức độ phân tử (molecular cell biology), môn học nền tảng cho những tri thức Y khoa hiện đại.
Hưởng ứng sự kêu gọi của Ban Giám hiệu là đưa một liều lượng nào đó kiến thức sinh học phân tử vào công tác bài giảng của các bộ môn, chúng tôi tổ chức học ngoại khoá như một thử nghiệm về khả năng thực hiện chỉ đạo này. Sau 18 tháng tích cực dạy và học, các sinh viên Y khoa đã đạt được thành quả ngoài sự mong đợi của người dạy. Các sinh viên Y khoa đã cho thấy tiềm năng trí tuệ của các em rất đáng nể khi chúng tôi đã đặt ra và đạt được mục tiêu đầy tham vọng: “Dược lý học hiện đại từ phân tử đến trị liệu”. Sinh viên đã viết các bài này, người biên tập chính chỉ chỉnh sửa và hiệu đính rất ít. Một số là bài dịch từ Y văn còn phần lớn là bài tổng kết của các em. Một số các em không trực tiếp tham dự lớp ngoại khoá những đã được chúng tôi cung cấp tài liệu, hướng dẫn các em đọc và dịch, đào sâu những chi tiết các hiện tượng được đề cập và biên tập lại. Kết quả là các em hoàn tất phần việc của mình một cách xuất sắc, đa số các em này là những sinh viên thứ 5 niên khoá 2010-2011. Đây cũng là lớp trước đây trong một khảo sát có tỷ lệ đọc sách tham khảo bằng ngoại ngữ chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 83,7%) trong các lớp của nhà trường tại thời điểm khảo sát.
Để có thể đạt được mục tiêu này, chúng tôi đòi hỏi ở các em sự kiên nhẫn và khiêm tốn cùng với thái độ biết cúi xuống để học nền tảng chứ không phải vươn lên như nhiều người nghĩ; bắt đầu lại với các môn học Hoá sinh phân tử (molecular biochemistry), Hoá lí và Mô học phân tử (molecular histology), do đó có thể thấy trong tập sách này phần hoá và mô chiếm tỷ trọng cao. Mặt khác Di truyền học (genetics) và ngoại di truyền học (epigenetics) cũng được trình bày một cách sơ lược nhằm cho các em có nền tảng để tiếp thu các vấn đề cụ thể của sinh học tế bào, giúp các em hiểu nội hàm của một ý tưởng rất quan trọng đã được phát biểu 70 năm trước đây: “But nature has no bottom: its most basic principle is “organization”. If Nature puts two things together she produces something new with new qualities, which cannot be expressed in terms of qualities of the components. SZENT-GYORGYI Nobel Prize 1937.”
Thật vậy, một phân tử khảo sát ở mức độ hoá học chỉ có ý nghĩa khi ở trong bối cảnh tương tác với vô vàn phân tử khác để tạo nên chức năng tế bào. Rất dễ nhận thấy trong bài thu hoạch của các em, nguyên lý này đã được chính các em thấu hiểu và vận dụng thành thạo. Những phân tử hiện hữu trong tế bào sinh vật chỉ là những phân tử chiếm số lượng nhỏ bé với những gì có trong tự nhiên nhưng trong cách hữu hạn đó sự tương tác đã tạo nên cái vô cùng mà con người vẫn đang trên đà khám phá. Trong lúc học tập, chúng tôi cố chỉ ra sự lỗi thời của cách tiếp cận thuốc với tính cách của sản phẩm hoá dược nói về thuốc khoá thụ thể beta mà không đề cập gì đến bản chất của thụ thể beta, điều này là phổ biến với tất cả các thuốc được dạy.
Chúng tôi cố gắng giúp các em hiểu sâu hơn về mặt sinh học với những cụm từ hay được đề cập như “đề kháng insulin” chẳng hạn. Không thể hiểu đúng cụm từ này khi không hiểu đúng mức về màng bào tương, về đột biến một vòng xoắn alpha của thụ thể insulin hay sự biểu hiện lệch lạc của lộ trình tín hiệu nội bào từ thụ thể insulin, tiểu đường loại II trong bối cảnh của hội chứng chuyển hoá,… Những tiêu đề như vậy không phải là thiếu tập trung mà chỉ là những hệ quả tự nhiên khi học về thụ thể và lộ trình tín hiệu, về màng bào tương và Genetics cũng như Epigenetics. Hay những hiểu biết về incretins cho thấy toàn bộ vấn đề liên quan đến insulin và glucagon trong bối cảnh chuyển hoá phải được nhìn lại dưới nhãn quang khác, điều vẫn được dạy trong nhà trường là tăng nồng độ glucose huyết tương gây phóng thích insulin là quá thiếu sót nết không muốn nói là sai, còn rất nhiều chi tiết như vậy trong giáo trình của nhà trường phải được rà soát lại. Tri thức nền tảng như vậy không thể hướng dẫn sinh viên có phương thức điều trị đúng đắn và cách trú ẩn an toàn là dạy làm theo guidelines một cách máy móc là điều tất nhiên và ý nghĩa của các guidelines hiển nhiên là bị hiểu sai và áp dụng không đúng.
Tất cả những kiến thức mà các em được dạy, theo qui luật có thể được củng cố, thay đổi hoặc huỷ bỏ theo sự phát triển của sinh học cũng là điều tất yếu. Nhưng, điều mong mỏi của người dạy là khi các em hình thành được suy nghĩ mới trên nền tảng học thuật mới sẽ gíup các em nhìn lại những điều đã học và nhận ra nó vẫn có giá trị khi được nhìn dưới nhãn quang mới. Cũng như Marcel Proust (1871-1922) đã nói: “The real voyage of discovery consists not in seeking new landscapes but in having new eyes – hành trình khám phá đích thực không để tìm khung cảnh mới mà nhãn quang mới.” Mặt khác, trong quá trình dạy học, chúng tôi đòi hỏi sinh viên phải sử dụng tốt tiếng Anh Y khoa và biết tra cứu trực tuyến. Dĩ nhiên chúng tôi cũng cố gắng dẫn dắt để các em không đi vào mê lộ “đa thư ắt loạn tâm” như các nhà hiền triết Trung Hoa đã khuyến cáo. Chúng tôi cũng cố gắng tập cho sinh viên có sự hoài nghi, nhưng không phải như chủ nghĩa hoài nghi (skepticism) của Descartes mà hoài nghi trên tinh thần bất định của Werner Heisenberg (1901-1976): “We have to remember that what we observe is not nature in itself, but nature exposed to our method of questioning – chúng ta phải nhớ rằng những gì chúng ta quan sát được tự thân nó không phải là bản chất của thiên nhiên, mà là cách thiên nhiên bộc lộ với phương pháp đặt vấn đề của chúng ta…” và từ đó với một tiến trình sinh học có thể đặt vấn đề khác nhau để hiểu được các mặt khác nhau của cùng một thực tại. Xác định chức năng độc nhất của một sinh chất cụ thể là một cách dạy nguy hiểm vì đưa người học đến sự khẳng định hẹp hòi phi hiện thực. Có thể lấy ví dụ trường hợp erythropoietin, nó luôn luôn được gán cho một đặc tính và chỉ một thôi là một cytokine có vai trò tạo hồng cầu. Điều đó sẽ dẫn tới một sự sai lầm khi khẳng định vai trò của chất này. Bởi lẽ erythropoietin không phải chỉ hiện diện ở fibroblast-like cell của mô kẽ thận mà còn có ở nhiều loại tế bào khác như astrocyte (tế bào đệm của hệ thần kinh) chẳng hạn. Ở đây vai trò của nó không phải là tạo hồng cầu mà là chống lại quá trình apoptosis của neuron trong điều kiện thiếu máu – tái tưới máu. Chúng tôi cũng lồng ghép một cách đầy tham vọng trong lớp học khi hướng dẫn các em phương pháp luận của suy luận khoa học như thế nào là suy luận qui nạp (inductive inference), suy luận diễn dịch (deductive inference), suy luận biện chứng (dialectic inference) và suy luận thực chứng (positive inference).
Điều thực sự quan trọng trong sinh học là tính chất đúng lúc (right time) và đúng nơi (right place). Mức độ cao nhất mà Dược lý học đạt đến hiện nay là đúng nơi (tại thụ thể và các lộ trình tín hiệu) nhưng còn lâu lắm mới có thể đạt được đúng lúc. Thuốc với tính cách phân tử tín hiệu ngoại sinh chỉ có thể tồn tại sẵn chứ không thể xuất hiện chỉ khi cần thiết cho một tác động.
Advertisement
Sinh học phân tử tế bào (Molecular cell biology) không nhằm vào bất kỳ chuyên khoa nào mà chỉ trình bày những hiện tượng sinh học như bản chất vốn có của nó trong điều kiện sinh lý bình thường cũng như tình trạng bệnh lý. Sinh học phân tử tế bào tương đối dễ tiếp thu với những ai không qúa vướng vào những tri thức mình đã biết và và cho là bất biến. Các bài thu hoạch này vì vậy không chỉ có ích cho việc học Dược lý mà có thể cho nhiều môn học khác. Mong là các sinh viên không tham dự lớp này cũng có thể khai thác các bài viết này bổ sung cho việc học.
Tập sách này được xem như một bản báo cáo thành tích của lớp học ngoại khoá được sự khuyến khích của thầy Hiệu trưởng. Bản thân người dạy phát hiện được một điều tuyệt vời từ các sinh viên Y khoa là: “Học trò thông minh và nhạy bén hơn thầy, bởi vì thầy chỉ có thể dạy một mà sinh viên đủ sức biết nhiều hơn thế từ nền tảng mà thầy cung cấp.”
Cuối cùng mong là tập sách này góp phần nhỏ bé trong việc cải tổ chương trình dạy học ít nhất là đối với môn Sinh học tế bào ở mức độ phân tử (molecular cell biology) của nhà trường. Cải tiến phương pháp dạy học chỉ là một mặt của vấn đề, phải chăng cải tiến nội dung chương trình giảng dạy mới là vấn đề cấp thiết? Hơn nữa trong tương lai khi những sinh viên hôm nay tham gia nghiên cứu khoa học cần có hành trang tri thức chứ không đơn thuần là ý chí muốn nghiên cứu khoa học, một thực tế mà tất cả chúng ta đã thấy ở những công trình nghiên cứu trong những năm qua. Mong là những đóng góp nhỏ này nhận được sự bao dung từ các đồng nghiệp.
Thay mặt ban biên soạn – Chủ biên

Phùng Trung Hùng

Trưởng bộ môn Dược lý, Khoa Y, ĐH Y Dược Tp. Hồ Chí Minh
(*) Bài viết được đánh máy lại bởi Bs Phan Trúc, dưới sự cho phép của Thầy Phùng Trung Hùng.
Link dowload:
https://drive.google.com/file/d/1JUvXA_xr6NjveUCYYn4caqGJDrJ7eJSy/view?fbclid=IwAR3Evw64EDXKKeZTCN-8-IRjuRlRCwvo8P1YqYTepuRwWfK7m0kYeu0xaXA

Giới thiệu Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam

Y khoa không phải là một nghệ thuật, Y khoa là một khoa học thật sự, một khoa học vô cùng phức tạp đòi hỏi người hành nghề y phải khéo léo vận dụng kiến thức để không bỏ qua cơ hội cứu chữa người bệnh. Nếu mỗi người y khoa Việt Nam góp lên một tiếng nói, liên kết lại, chúng ta có thể thay đổi căn bản giáo dục Y khoa nước nhà. Hãy tham gia với chúng tôi tại: https://www.facebook.com/groups/diendanbacsitrevietnam

Check Also

[COVID-19] “SƯƠNG MÙ NÃO” – DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI

“SƯƠNG MÙ NÃO” DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI  “Sương mù não” …