[Kỹ năng LS Nội khoa 5] Các kiến thức cơ bản cần có trong thực hành Nội khoa

Rate this post

Bài 5: CÁC KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN CÓ TRONG THỰC HÀNH NỘI KHOA

 

Qua 4 bài viết ở phía trên, tôi đã chia sẻ với các bạn hầu hết hiểu biết của mình về cách tiếp cận giải quyết vấn đề của bệnh nhân trong thực hành lâm sàng nội khoa kể từ thời điểm tiếp cận ban đầu cho tới khi thành lập quyết định lâm sàng, vốn là sản phẩm cuối cùng của một bác sĩ lâm sàng. Tuy nhiên như tôi đã nói từ phần giới thiệu của cuốn sổ tay, cơ sở lý thuyết của kỹ năng tiếp cận bệnh nhân vốn chỉ là “chiêu thức” và bạn cần phải có nền tảng “nội công” vững chắc thì việc thực hành lâm sàng mới mang lại hiệu quả như mong muốn, nói dễ hiểu là “tích lũy nội công và nhuần nhuyễn chiêu thức”. Tuy nhiên lượng kiến thức “nội công” thật sự là “nhiều không giới hạn” nên việc tích lũy không bao giờ là đủ, do đó chúng ta nên lựa chọn những kiến thức cần thiết nhất cho chính bản thân mình. Dưới trải nghiệm của một bác sĩ lâm sàng được đào tạo theo định hướng nội khoa tổng quát, tôi sẽ trình bày một số kiến thức tôi cho là thiết yếu dù bạn làm việc ở bất cứ khoa phòng nào. Tôi vẫn sẽ trình bày những kiến thức thiết yếu ấy đi kèm 3 dạng kỹ năng: xử trí ổn định ban đầu, thành lập chẩn đoán, điều trị bệnh lý đặc hiệu.

1. Những kiến thức thiết yếu cần cho việc xử trí ổn định ban đầu

Việc xử trí ban đầu đòi hỏi chúng ta nhận dạng được tình trạng nguy hiểm của bệnh nhân và đưa ra quyết định nhanh chóng để ổn định tính mạng bệnh nhân tạm thời. Tôi nhận thấy có một số kiến thức thiết yếu cần có như sau:
– Đánh giá các dấu hiệu sinh tồn và tình trạng tri giác → nhận định tình trạng nguy hiểm.
– Hồi sinh tim phổi nâng cao → cực kì thiết yếu.
– Đặt nội khí quản cấp cứu → cực kì thiết yếu.
– Xử trí cấp cứu suy hô hấp ± cài đặt ban đầu một số thông số cơ bản của máy thở.
– Xử trí cấp cứu bệnh nhân bị sốc: sử dụng các thuốc vận mạch và tăng sức co bóp cơ tim, sử dụng dịch truyền phù hợp.

2. Những kiến thức thiết yếu cho việc thành lập chẩn đoán

Ở giai đoạn thành lập chẩn đoán, tôi nhận thấy có một số kiến thức thiết yếu như sau:
–  Kiến thức về chiến lược tiếp cận một số triệu chứng lâm sàng thường gặp: ngưng tim ngưng thở, rối loạn ý thức, suy hô hấp, sốc, đau ngực, khó thở, đau bụng, sốt, phù, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, ói, tiêu chảy, đau cơ xương khớp…và một số triệu chứng lâm sàng khác tùy thuộc vào môi trường làm việc của bạn.

– Kiến thức về chiến lược tiếp cận một số triệu chứng cận lâm sàng thường gặp: toan chuyển hóa, tăng kali máu, hạ kali máu, hạ natri máu, tăng natri máu, thiếu máu, giảm tiểu cầu, tăng men gan, tăng creatinin máu, tiểu đạm… và một số triệu chứng cận lâm sàng khác tùy thuộc vào môi trường làm việc của bạn.

Thăm khám lâm sàng đúng kỹ thuật dựa trên những quy chiếu chuẩn mực là cực kì quan trọng và phải được rèn luyện thường xuyên, nhất là những dấu hiệu lâm sàng thăm khám thường quy và một số dấu hiệu thăm khám đặc biệt tùy vào môi trường làm việc của bạn.

– Các cận lâm sàng thường xuyên phải phân tích gồm: công thức máu, điện giải đồ, men gan, creatinin máu, Xquang ngực thẳng, điện tâm đồ, tổng phân tích nước tiểu, khí máu động mạch…và một số cận lâm sàng khác tùy thuộc vào môi trường làm việc của bạn.

Bạn cần thường xuyên rèn luyện kỹ năng hình thành chẩn đoán theo phân tích hệ thống, tới một lúc nào đó sẽ tự cải thiện kỹ năng hình thành chẩn đoán nhanh cho bản thân.

3. Những kiến thức thiết yếu cho việc điều trị bệnh lý đặc hiệu

Giai đoạn này thường cần thời gian tích lũy lâu dài nhất, tùy thuộc vào chuyên khoa bạn chọn mà các bệnh lý thường gặp sẽ khác nhau và các thuốc thường dùng cũng khác nhau. Do đó bạn phải tự nhận định những bệnh lý thường gặp trong môi trường thực hành của mình để có thể chuẩn bị kiến thức tốt nhất về chiến lược tiếp cận bệnh lý đó và nắm rõ các thuốc thường dùng. Nhìn chung thì ở các khoa phòng nội khoa của người lớn thì các bệnh lý luôn có thể gặp là: tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ gan, tổn thương thận cấp, bệnh thận mạn, suy tim, nhồi máu cơ tim cấp, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn, xuất huyết tiêu hóa, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản…

Advertisement

Những điểm mấu chốt của bài 5 – chương I

  • Tích lũy nội công và nhuần nhuyễn chiêu thức là định hướng rèn luyện lâu dài
  •  Lượng kiến thức “nội công” cần tích lũy là vô bờ bến → nên chọn lọc những kiến thức thiết yếu và thường gặp tùy theo môi trường thực hành lâm sàng của bạn.

 

Nguồn: BS “Vô Danh”

Giới thiệu Lê Minh Thư

Check Also

[Case lâm sang 232] Nhiễm não mô cầu

Question Một sinh viên nam 19 tuổi vào khoa cấp cứu sau khi cảm thấy …