Các nhân giáp là những nốt đặc hoặc chứa đầy dịch xuất hiện tại tuyến giáp của bạn, một tuyến nhỏ nằm ở phía dưới cổ, ngay trên xương ức của bạn.
Hầu hết các nhân giáp không gây ra vấn đề nghiêm trọng và không gây ra triệu chứng. Chỉ một tỷ lệ nhỏ các nhân giáp là ung thư.Thông thường, bạn sẽ không biết mình đang có nhân giáp cho đến khi được bác sĩ phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ. Hoặc bác sĩ của bạn có thể phát hiện nhân giáp trong quá trình kiểm tra được thực hiện vì một lý do sức khỏe khác. Tuy nhiên, một số nhân giáp có thể trở nên đủ lớn và nhìn thấy được hoặc gây khó khăn cho việc nuốt hoặc thở. Các lựa chọn điều trị tùy thuộc vào loại nhân giáp mà bạn gặp phải.
Triệu chứng
Hầu hết các nhân giáp không gây ra dấu hiệu hay triệu chứng nào. Tuy nhiên, một số nhân giáp đôi khi trở nên rất lớn và có thể:
- Cảm nhận được
- Có thể nhìn thấy, thường là khối sưng ở cổ
- Khi ấn vào khí quản hoặc thực quản gây cản trở khi thở hoặc khi nuốt
Trong một số trường hợp, các nhân giáp tăng sản xuất thyroxine, một loại hormone do tuyến giáp của bạn tiết ra. Lượng thyroxine tăng tiết có thể gây ra các triệu chứng do tăng sản xuất quá mức hormone giáp (cường giáp), chẳng hạn như:
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Tăng tiết mồ hôi
- Run
- Lo âu
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
Chỉ một số lượng nhỏ các nhân giáp là ung thư. Tuy nhiên việc xác định các nhân này là ung thư sẽ không thể hoàn chỉnh nếu chỉ dựa vào đánh giá đơn thuần các triệu chứng của bạn. Hầu hết các ung thư tuyến giáp phát triển chậm và có thể còn nhỏ khi bác sĩ của bạn phát hiện ra chúng. Các ung thư tuyến giáp ác thì hiếm, với các nhân giáp có thể to, chắc, không di động và phát triển nhanh chóng.
Bạn cần tìm đến bác sĩ khi nào
Mặc dù hầu hết các nhân giáp không phải là ung thư và không gây ra triệu chứng, hãy yêu cầu bác sĩ của bạn đánh giá bất cứ khối sưng nề bất thường nào trên cổ của bạn, đặc biệt nếu bạn có khó thở và khó nuốt. Đánh giá khả năng ung thư tuyến giáp là một việc làm quan trọng.
Tìm đến chăm sóc y tế nếu các dấu hiệu và triệu chứng của cường giáp tiến triển, như:
- Giảm cân đột ngột mặc dù khẩu vị của bạn không thay đổi hoặc gia tăng khẩu vị
- Đánh trống ngực
- Khó ngủ
- Yếu cơ
- Lo âu hoặc cáu gắt, khó chịu
Cũng nên đi gặp bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng cho thấy tuyến giáp của bạn không sản xuất đủ hormone giáp (suy giáp), bao gồm:
- Cảm thấy ớn lạnh
- Dễ mệt mỏi hơn
- Da khô
- Gặp các vấn đề về trí nhớ
- Trầm cảm
- Táo bón
Nguyên nhân
Một số tình trạng có thể làm phát triển nhân giáp, bao gồm:
- Sự phát triển quá mức của mô lành tuyến giáp. Sự phát triển quá mức của một mô tuyến giáp khỏe mạnh đôi khi được gọi là u tuyến tuyến giáp. Lý giải về điều gì gây ra tình trạng này vẫn chưa được biết rõ, nhưng đây không phải là ung thư và không được xem là nặng trừ khi nó gây ra các triệu chứng khó chịu đến từ kích thước của bướu.
Một vài u tuyến tuyến giáp dẫn đến tình trạng suy giáp.
- Nang tuyến giáp. Các khoang (nang) chứa đầy dịch trong tuyến giáp là hệ quả phổ biến nhất do sự thoái hóa u tuyến tuyến giáp. Thông thường, các thành phần rắn được trộn lẫn với dịch trong nang giáp. Các nang này thường không phải là ung thư, nhưng thi thoảng chúng lại chứa các thành phần rắn có tính gây ung thư.
- Viêm tuyến giáp mạn. Bệnh Hashimoto là một rối loạn của tuyến giáp, có thể gây viêm giáp và kết quả là làm tăng kích thước các bướu giáp. Điều này thường liên quan đến tình trạng suy giáp.
- Bướu giáp đa nhân. Thuât ngữ goiter được sử dụng để miêu tả bất kỳ sự phì đại tuyến giáp nào, có thể được xem là hậu quả của thiếu iod hoặc một tình trạng rối loạn tuyến giáp.
- Ung thư tuyến giáp. Có ít khả năng để một bướu giáp là ung thư. Tuy nhiên, một bướu nếu to và cứng hoặc gây đau hay khó chịu thì lo lắng nhiều hơn. Bạn có thể sẽ cần được bác sĩ của mình kiểm tra.
Các yếu tố nhất định làm gia tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp của bạn như tiền sử gia đình có ung thư tuyến giáp hoặc các ung thư nội tiết khác và có tiền sử tiếp xúc phóng xạ đến từ các liệu pháp y khoa hoặc từ bụi phóng xạ hạt nhân.
- Thiếu iod. Thiếu iod trong chế độ ăn của bạn đôi khi có thể làm phát triển bướu giáp ở tuyến giáp của bạn. Tuy nhiên tình trạng thiếu iod không phổ biến tại Hoa Kỳ, nơi mà iod được bổ sung thường quy trong muối ăn và các loại thực phẩm khác.
Biến chứng
Biến chứng liên quan đến các bướu giáp bao gồm:
- Khó nuốt và khó thở. Những bướu lớn hoặc bướu giáp đa nhân có thể gây ra khó thở hoặc khó nuốt.
- Cường giáp. Các vấn đề có thể xảy ra khi một nhân giáp hay bướu giáp sản xuất sản xuất hormone giáp, dẫn đến một lượng hormone dư thừa được sản xuất trong cơ thể.
Biểu hiện của cường giáp là sụt cân, yếu cơ, chịu nhiệt kém và lo âu, cáu gắt.
Các biến chứng có khả năng xảy ra do cường giáp bao gồm nhịp tim không điều, xương dễ gãy và cơn bão giáp, một biến chứng hiếm nhưng có khả năng đe dọa tính mạng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
- Các biến chứng liên quan đến phẫu thuật nhân giáp. Nếu bác sĩ của bạn đề xuất phẫu thuật nhằm cắt bỏ nhân giáp, bạn có thể cần uống thuốc theo liệu pháp thay thế hormone giáp sau phẫu thuật cho đến suốt đời.
Chẩn đoán
Khi đánh giá một khối u hay nốt ở cổ, một trong những mục tiêu chính của bác sĩ là loại trừ khả năng ung thư. Nhưng bác sĩ cũng sẽ muốn biết tuyến giáp của bạn có hoạt động bình thường hay không. Các xét nghiệm này bao gồ
m:
Thăm khám. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn thực hiện động tác nuốt trong khi họ sẽ kiểm tra tuyến giáp của bạn vì bướu giáp của bạn thường sẽ di chuyển lên xuống trong quá trình nuốt.
Bác sĩ cũng sẽ tìm kiếm các dấu hiệu và triệu chứng của cường giáp, chẳng hạn như run, tăng phản xạ và nhịp tim nhanh hoặc không đều. Họ cũng sẽ kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp, chẳng hạn như nhịp tim chậm, da khô và phù mặt.
Các xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm đo nồng độ hormone kích thích tuyến giáp trong máu (TSH) và hormone do tuyến giáp sản xuất có thể cho biết bạn có bị cường giáp hay suy giáp hay không.
Siêu âm. Kỹ thuật hình ảnh này sử dụng sóng âm tần số cao để dựng lại hình ảnh tuyến giáp của bạn. Siêu âm tuyến giáp cung cấp thông tin tốt nhất về hình dạng và cấu trúc của các nhân giáp. Các bác sĩ có thể sử dụng phương tiện này để phân biệt u nang với nhân giáp đặc hoặc để xác định xem có đa nhân giáp hay không. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng siêu âm như một hướng dẫn trong việc thực hiện sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ.
Sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ. Các nhân giáp thường được sinh thiết để đảm bảo không phải là ung thư. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ đưa một cây kim rất mảnh vào nhân giáp và lấy ra một mẫu bệnh phẩm với các tế bào.
Quy trình này thường được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ, kéo dài khoảng 20 phút và tồn tại một số ít rủi ro. Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng siêu âm giúp hướng dẫn vị trí của kim. Sau đó, bác sĩ sẽ gửi các mẫu bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm nhằm phân tích chúng dưới kính hiển vi.
Chụp hình tuyến giáp. Bác sĩ có thể đề nghị chụp tuyến giáp để giúp đánh giá các nhân giáp. Trong quá trình kiểm tra này, một đồng vị của iốt phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch trên cánh tay của bạn. Sau đó, bạn được nằm trên bàn trong khi một máy ảnh đặc biệt sẽ dựng lên hình ảnh tuyến giáp của bạn trên màn hình máy tính.
Các nhân giáp sản xuất hormone tuyến giáp dư thừa – được gọi là nhân nóng – xuất hiện trên ảnh chụp vì chúng hấp thu nhiều đồng vị hơn so với mô tuyến giáp bình thường. Các nhân nóng hầu như không phải là ung thư.
Trong một số trường hợp, các nhân chiếm ít đồng vị hơn – được gọi là nhân lạnh – có tính ung thư. Tuy nhiên, chụp tuyến giáp không thể phân biệt giữa các nhân lạnh là ung thư và những nhân không phải ung thư.
Điều trị
Việc điều trị tùy thuộc vào loại nhân giáp của bạn.
Điều trị các nhân giáp lành tính
Nếu nhân giáp không phải là ung thư, các lựa chọn điều trị bao gồm:
Theo dõi. Nếu sinh thiết cho thấy bạn có một nhân giáp không phải là ung thư, bác sĩ có thể đề nghị chỉ cần theo dõi tình trạng của bạn.
Điều này thường có nghĩa là phải khám sức khỏe và kiểm tra chức năng tuyến giáp định kỳ. Việc theo dõi này cũng có thể bao gồm siêu âm. Bạn cũng có thể phải làm một sinh thiết khác nếu nhân giáp phát triển to hơn. Nếu một nhân giáp lành tính với kích thước không thay đổi, bạn có thể không cần phải điều trị.
Liệu pháp hormone giáp. Nếu xét nghiệm chức năng tuyến giáp cho thấy tuyến giáp của bạn không sản xuất đủ hormone giáp, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp hormone giáp.
Phẫu thuật. Một nhân giáp không phải ung thư đôi khi có thể phải phẫu thuật nếu nó quá lớn khiến bạn khó thở hoặc khó nuốt. Các bác sĩ cũng có thể cân nhắc phẫu thuật cho những người có bướu đa nhân lớn, đặc biệt khi bướu cổ gây hẹp đường thở, thực quản hoặc mạch máu. Các nhân được chẩn đoán là không xác định hoặc nghi ngờ bằng sinh thiết cũng cần phẫu thuật cắt bỏ, để chúng có thể được kiểm tra các dấu hiệu của ung thư.
Điều trị các nhân giáp gây cường giáp
Nếu nhân giáp đang sản xuất hormone giáp, dẫn đến vượt ngưỡng lượng hormone bình thường được sản xuất của tuyến giáp, bác sĩ có thể đề nghị điều trị cường giáp cho bạn. Điều này có thể bao gồm:
Liệu pháp I ốt phóng xạ. Các bác sĩ sử dụng iốt phóng xạ để điều trị cường giáp. I ốt phóng xạ được dùng dưới dạng viên nang hoặc dạng lỏng và được tuyến giáp của bạn hấp thụ. Liệu pháp này làm cho các nhân giáp co lại và các dấu hiệu và triệu chứng của cường giáp sẽ giảm dần, thường trong vòng hai đến ba tháng.
Thuốc kháng giáp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc kháng giáp như methimazole (Tapazole) để giảm các triệu chứng của cường giáp. Nhìn chung, việc điều trị là lâu dài và có thể xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng đối với gan của bạn, vì vậy điều quan trọng là phải trao đổi với bác sĩ về những nguy cơ và lợi ích của việc điều trị.
Phẫu thuật. Nếu điều trị bằng iốt phóng xạ hoặc thuốc kháng giáp không phải là sự lựa chọn, bạn có thể phải phẫu thuật cắt bỏ nhân giáp hoạt động quá mức. Bạn có thể sẽ trao đổi với bác sĩ về những nguy cơ của cuộc mổ.
Điều trị nhân giáp ung thư
Điều trị nhân giáp ung thư thường là phẫu thuật.
Theo dõi. Các nhân giáp ung thư rất nhỏ có nguy cơ tiến triển thấp, vì vậy, bác sĩ có thể theo dõi chặt chẽ các nhân ung thư trước khi điều trị. Quyết định này thường được đặt ra với sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa tuyến giáp. Việc theo dõi bao gồm quan sát trên siêu âm và thực hiện các xét nghiệm máu.
Phẫu thuật. Phương pháp điều trị phổ biến cho các nhân giáp ung thư là phẫu thuật cắt bỏ. Trước đây, phẫu thuật cắt bỏ phần lớp mô tuyến giáp là tiêu chuẩn điều trị- một phương pháp được gọi là phẫu thuật cắt gần toàn bộ tuyến giáp. Tuy nhiên, ngày nay phẫu thuật hạn chế hơn khi chỉ cắt bỏ một nửa tuyến giáp có thể thích hợp cho một số nhân giáp ung thư. Phương pháp phẫu thuật cắt gần toàn bộ tuyến giáp có thể được áp dụng tùy theo mức độ bệnh.
Nguy cơ của phẫu thuật tuyến giáp bao gồm tổn thương dây thần kinh điều khiển dây thanh quản của bạn và tổn thương tuyến cận giáp – bốn tuyến nhỏ nằm ở mặt sau của tuyến giáp giúp kiểm soát hàm lượng khoáng chất trong cơ thể bạn, chẳng hạn như canxi.
Sau khi phẫu thuật tuyến giáp, bạn sẽ cần điều trị suốt đời bằng levothyroxine để cung cấp hormone giáp cho cơ thể. Bác sĩ chuyên khoa tuyến giáp của bạn sẽ giúp xác định chính xác liều lượng cần dùng vì có thể sẽ cần điều trị nhiều hơn việc thay thế hormone để kiểm soát nguy cơ ung thư của bạn.
Cồn tuyệt đối. Một lựa chọn khác để kiểm soát một số nhân giáp ung thư nhỏ là dùng cồn tuyệt đối. Phương pháp này bao gồm tiêm một lượng nhỏ alcohol vào nhân giáp ung thư để phá hủy mô ung thư. Thường được yêu cầu nhiều đợt điều trị.
THAM KHẢO
- Fisher SB, et al. The incidental thyroid nodule. CA: A Cancer Journal for Clinicians. 2018; doi:10.3322/caac.21447.
- Thyroid nodules. Hormone Health Network. https://www.hormone.org/diseases-and-conditions/thyroid-nodules. Accessed Oct. 31, 2019.
- Thyroid nodules. American Thyroid Association. http://www.thyroid.org/thyroid-nodules/. Accessed Oct. 31, 2019.
- Hyperthyroidism. American Thyroid Association. http://www.thyroid.org/hyperthyroidism/. Accessed Oct. 31, 2019.
- Ross DS. Overview of thyroid nodule formation. https://www.uptodate.com/contents/search. Accessed Oct. 31, 2019.
- Goldman L, et al., eds. Thyroid. In: Goldman-Cecil Medicine. 26th ed. Elsevier; 2020. https://www.clinicalkey.com. Accessed Oct. 31, 2019.
- Ferri FF. Thyroid nodule. In: Ferri’s Clinical Advisor 2020. Elsevier; 2020. https://www.clinicalkey.com. Accessed Oct. 31, 2019.
- Ross DS. Diagnostic approach to and treatment of thyroid nodules. https://www.uptodate.com/contents/search. Accessed Oct. 31, 2019.
- Hoang JK, et al. Understanding the risks and harms of management of incidental thyroid nodules: A review. JAMA Otolaryngology — Head & Neck Surgery. 2017; doi:10.1001/jamaoto.2017.0003.
- Goldblum JR, et al., eds. Thyroid gland. In: Rosai and Ackerman’s Surgical Pathology. 11th ed. Elselvier; 2018. https://www.clinicalkey.com. Accessed Nov. 4, 2019.
- Kellerman RD, et al. Thyroid cancer. In: Conn’s Current Therapy 2019. Elsevier; 2019. https://www.clinicalkey.com. Accessed Nov. 4, 2019.
- Perri F, et al. Thyroid cancer management: From a suspicious nodule to targeted therapy. Anti-Cancer Drugs. 2018; doi:10.1097/CAD.0000000000000617.
- Rumack CM, et al., eds. The thyroid gland. In: Diagnostic Ultrasound. 5th ed. Elselvier; 2018. https://www.clinicalkey.com. Accessed Nov. 7, 2019.
- Kitahara CM, et al. The changing incidence of thyroid cancer. Nature Reviews Endocrinology. 2016; doi:10.1038/nrendo.2016.110.
- Hypothyroidism. American Thyroid Association. https://www.thyroid.org/hypothyroidism/. Accessed Dec. 6, 2019.
- Kearns AE (expert opinion). Mayo Clinic. Dec. 5, 2019.
Link gốc: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/thyroid-nodules/symptoms-causes/syc-20355262
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép!
Người dịch: Ngọc Trâm