[Mayoclinic] Suy giáp

Rate this post

Tổng quan

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ một số hormone quan trọng.

Suy giáp có thể không gây ra các triệu chứng ở  giai đoạn sớm. Nếu không chữa trị thì sau một thời gian sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe như béo phì, đau khớp, vô sinh và bệnh tim mạch.

Các xét nghiệm chức năng tuyến giáp hiện đại bây giờ đã có sẵn để giúp chẩn đoán suy giáp một cách chính xác. Điều trị bằng hormone tuyến giáp tổng hợp thường đơn giản, an toàn và hiệu quả với liều lượng phù hợp cho từng bệnh nhân .

Triệu chứng

Dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp rất đa dạng, tùy thuộc vào mức độ suy giảm hormone. Các triệu chứng có xu hướng tiến triển chậm, thường là qua nhiều năm.

Ban đầu, có thể hầu như bạn không nhận thấy các triệu chứng của suy giáp như (mệt mỏi, tăng cân) hoặc đơn giản cho rằng do cơ thể đang không được khoẻ. Nhưng khi quá trình trao đổi chất của bạn tiếp tục chậm lại, bạn có thể xuất hiện các triệu chứng rõ ràng hơn.

Dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Sợ lạnh
  • Táo bón
  • Khô da
  • Tăng cân
  • Mặt tròn
  • Khàn tiếng
  • Yếu cơ
  • Tăng cholesterol máu
  • Đau cơ, chuột rút
  • Đau, cứng và sưng khớp
  • Kinh nguyệt không đều
  • Rụng tóc
  • Nhịp tim chậm
  • Trầm cảm
  • Suy giảm trí nhớ
  • Tuyến giáp lớn (bướu cổ)

Suy giáp ở trẻ sơ sinh

Hội chứng này thường gặp ở lứa tuổi trung niên và phụ nữ lớn tuổi. Tuy nhiên, mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc phải, kể cả trẻ sơ sinh. Ban đầu, đứa trẻ sinh ra không có tuyến giáp hoặc tuyến giáp hoạt động  không bình thường có thể có một vài dấu hiệu và triệu chứng, có thể là:

  • Da vàng, kết mạc mắt vàng . Trong hầu hết các trường hợp, điều này xảy ra ở gan đứa trẻ không chuyển hóa được bilirubin (tạo ra khi tiêu hủy hồng cầu).
  • Khó thở
  • Lưỡi lớn và nhô ra
  • Khóc khàn tiếng
  • Thoát vị rốn.

Khi bệnh tiến triển, trẻ sơ sinh có thể khó bú và có thể không tăng trưởng và phát triển bình thường. Các dấu hiệu và triệu chứng:

  • Táo bón
  • Trương lực cơ kém
  • Ngủ quá nhiều

Nếu trẻ sơ sinh không được điều trị thì cho dù là mắc thể nhẹ cũng có thể dẫn đến chậm phát triển thể lực và trí tuệ nặng.

Suy giáp ở trẻ em và thiếu niên

Thông thường, bệnh biểu hiện triệu chứng và dấu hiệu ở trẻ em và thiếu niên giống với ở người lớn. Tuy nhiên cũng có thể gặp các dấu hiệu:

  • Chậm lớn (dẫn đến tầm vóc thấp)
  • Chậm phát triển răng vĩnh viễn
  • Dậy thì muộn
  • Kém phát triển tinh thần.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân hoặc có bất kì dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của suy giáp như da khô, mặt tròn, táo bón hoặc khàn tiếng.

Nếu bạn đang điều trị bằng hormone thay thế, hãy lên lịch tái khám thường xuyên theo khuyến nghị của bác sĩ. Ban đầu, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng bạn đang nhận được liều lượng thuốc chính xác. Và theo thời gian, liều lượng bạn cần có thể thay đổi.

Nguyên nhân

Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone thì sự cân bằng của các phản ứng hóa học trong cơ thể có thể bị xáo trộn. Có rất nhiều nguyên nhân bao gồm bệnh tự miễn, điều trị cường giáp , xạ trị, phẫu thuật tuyến giáp và một số loại thuốc.

Tuyến giáp của bạn là một tuyến nhỏ, hình con bướm, nằm ở  phía trước dưới cổ, ngay bên dưới quả táo của Amdam (thanh quản) . Các hormone do tuyến giáp sản xuất – triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4) – có tác động to lớn đến sức khỏe của bạn, ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của quá trình trao đổi chất. Những hormone này cũng ảnh hưởng đến việc kiểm soát các chức năng quan trọng, chẳng hạn như nhiệt độ cơ thể và nhịp tim.

Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone. Suy giáp có thể do một số yếu tố, bao gồm :

  • Bệnh tự miễn – Nguyên nhân phổ biến của suy giáp là viêm tuyến giáp tự miễn  Hashimoto . Rối loạn tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch sản xuất kháng thể kháng lại chính mô của cơ thể . Đôi khi quá trình này ảnh hưởng  đến tuyến giáp. Và khi tình trạng này xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hormone giáp

Các nhà khoa học không chắc chắc tại sao lại có điều này nhưng nó có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố như gen, kích thích từ môi trường.

  • Đáp ứng quá mức khi điều trị cường giáp – Những người sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp( cường giáp) thường được điều trị bằng iot phóng xạ và thuốc kháng giáp. Mục tiêu điều trị là đưa chức năng tuyến giáp trở lại bình thường. Nhưng đôi khi, điều chỉnh cường giáp có thể làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp quá nhiều, dẫn đến suy giáp vĩnh viễn.
  • Phẫu thuật tuyến giáp. Cắt bỏ một phần lớn hoặc toàn bộ tuyến giáp có thể giảm hoặc ngừng sản xuất hormone. Trong trường hợp đó, thì cần dùng hormone giáp suốt đời.
  • Liệu pháp xạ trị – Xạ trị dùng để điều trị ung thư cho vùng đầu và cổ có thể ảnh hưởng tuyến giáp, dẫn đến suy giáp.
  • Thuốc – Nhiều thuốc có thể gây chứng suy giáp.. Một ví dụ là lithium – dùng điều trị một số rối loại tâm thần. Nếu bạn đang sử dụng thuốc thì nên tham khảo bác sĩ về ảnh hưởng của thuốc lên tuyến giáp của mình.

Các nguyên nhân ít phổ biến hơn:

  • Bệnh bẩm sinh – Một vài trẻ khi sinh ra đã có khiếm khuyết hoặc không có tuyến giáp. Trong hầu hết trường hợp, tuyến giáp phát triển bất thường không rõ nguyên nhân, vài trẻ khác thì có dạng rối loạn di truyền. Thông thường, trẻ bị suy giáp bẩm sinh khi sinh ra thì bình thường. Đó là một lý do tại sao hầu hết các bang hiện nay đều yêu cầu sàng lọc tuyến giáp sơ sinh.
  • Rối loạn tuyến yên – Nguyên nhân tương đối hiếm của suy giáp là do tuyến yên không sản xuất đủ TSH – thường là do khối u lành tính ở tuyến ên.
  • Mang thai – Vài phụ nữ mắc phải hội chứng suy giáp trong hoặc sau thời kỳ mang thai (suy giáp sau sinh) , thường là do cơ thể họ sản xuất kháng thể kháng lại tuyến yên. Nếu không được điều trị, hội chứng này làm tăng nguy cơ sẩy thai, đẻ non và tiền sản giật – một tình trạng khiến huyết áp của phụ nữ tăng đáng kể trong ba tháng cuối của thai kỳ. Nó cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi đang phát triển.
  • Thiếu iot – Iot khoáng vi lượng – được tìm thấy chủ yếu trong hải sản, rong biển, thực vật trồng trên đất giàu iot và muối iot – rất cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp. Quá ít iot có thể dẫn đến suy giáp và quá nhiều iot có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy giáp ở những người đã mắc bệnh này. Ở một số nơi trên thế giới, tình trạng thiếu iot là phổ biến, nhưng việc bổ sung iot vào muối ăn đã hầu như loại bỏ được vấn đề này ở Hoa Kỳ.

Yếu tố nguy cơ

Mọi người đều có thể mắc hội chứng giảm hoạt giáp tuy nhiên nguy cơ mắc phải sẽ tăng lên khi có các yếu tố:

  • Giới nữ
  • Hơn 60 tuổi
  • Tiền sử gia đình có người bị bệnh về tuyến giáp.
  • Có bệnh tự miễn (đái tháo đường típ 1, bệnh celiac..)
  • Điều trị bằng iot phóng xạ hoặc dùng thuốc kháng giáp.
  • Đã điều trị xạ trị phần cổ hoặc  phần ngực phía trên.
  • Đã phẫu thuật tuyến giáp
  • Đang mang thai hoặc trong vòng 6 tháng sau sinh.

Biến chứng

Suy giáp nếu không được điều trị có thể gây nhiều biến chứng:

  • Bướu cổ – Việc kích thích liên tục tuyến giáp để giải phóng nhiều hormone hơn có thể khiến tuyến trở nên lớn – một tình trạng được gọi là bướu cổ. Mặc dù nhìn chung không gây khó chịu, nhưng bướu cổ lớn có thể ảnh hưởng đến ngoại hình và có thể cản trở việc nuốt hoặc thở.
  • Vấn đề tim mạch – Suy giáp cũng có thể liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim và suy tim, chủ yếu là do nồng độ cao của cholesterol lipoprotein (LDL) – cholesterol “xấu” – có thể xảy ra ở những người có tuyến giáp hoạt động kém.
  • Advertisement
  • Vấn đề sức khỏe tâm thần – Trầm cảm có thể xuất hiện sớm trong giai đoạn suy giáp và có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Suy giáp cũng có thể khiến chức năng thần kinh bị chậm lại.
  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên – Suy giáp lâu dài không kiểm soát có thể gây tổn thương các dây thần kinh ngoại vi của bạn. Đây là những dây thần kinh mang thông tin từ não và tủy sống đến phần còn lại của cơ thể – ví dụ như cánh tay và chân của bạn. Bệnh thần kinh ngoại biên có thể gây đau, tê và ngứa ran ở các vùng bị ảnh hưởng.
  • Bệnh phù niêm (Myxedema) – Tình trạng hiếm gặp, đe dọa tính mạng này là kết quả của chứng suy giáp lâu dài không được chẩn đoán. Các dấu hiệu và triệu chứng của nó bao gồm sợ lạnh và buồn ngủ nhiều, sau đó là hôn mê sâu và bất tỉnh.
  • Vô sinh – Nồng độ hormone tuyến giáp thấp có thể cản trở quá trình rụng trứng, làm suy giảm khả năng sinh sản. Ngoài ra, một số nguyên nhân gây suy giáp – chẳng hạn như rối loạn tự miễn – cũng có thể làm suy giảm khả năng sinh sản.
  • Dị tật bẩm sinh – Trẻ sinh ra từ những phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp không được điều trị có thể có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao hơn so với trẻ sinh ra từ những bà mẹ khỏe mạnh. Những đứa trẻ này cũng dễ gặp các vấn đề nghiêm trọng về trí tuệ và phát triển.

Trẻ sơ sinh bị suy giáp không được điều trị ngay từ khi mới sinh có nguy cơ gặp các vấn đề nghiêm trọng về phát triển cả thể chất và tinh thần. Nhưng nếu tình trạng này được chẩn đoán trong vòng vài tháng đầu đời, cơ hội phát triển bình thường là rất tốt.

Link bài gốc: Hypothyroidism – Symptoms and causes – Mayo Clinic

Dịch: Lý Anh
Hiệu đính: Kim Luận

Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép!

Giới thiệu Lý Anh

Check Also

[Medscape] Việc hòa ca nhạc đồng quê đã giúp bác sĩ tìm thấy sự cân bằng

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi thường được hỏi làm thế nào để cân …