Nếu bạn đang mang thai, rất có thể bạn đã nghe nói về chứng trầm cảm sau sinh. Nhưng bạn có biết rằng nhiều phụ nữ cũng bị trầm cảm khi mang thai không?
Dưới đây là những điều bạn cần biết về thai kỳ và trầm cảm.
Trầm cảm thai kì phổ biến tới mức nào?
Mang thai có thể vừa là một khoảng thời gian vui vẻ – và căng thẳng. Nghiên cứu cho thấy khoảng 7% phụ nữ mang thai bị trầm cảm khi mang thai. Tỷ lệ có thể cao hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Trầm cảm, một rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn dai dẳng và mất hứng thú, là rối loạn tâm trạng phổ biến nhất trong dân số nói chung. Tình trạng này thường xảy ra ở phụ nữ gấp đôi so với nam giới và sự khởi phát ban đầu của bệnh trầm cảm lên đến đỉnh điểm trong những năm sinh sản của phụ nữ.
Tại sao trầm cảm thai kì thường ít khi được phát hiện?
Một số triệu chứng của bệnh trầm cảm, như là sự thay đổi của giấc ngủ, năng lượng, sự thèm ăn và ham muốn tình dục, cũng tương tự như các triệu chứng của thai kỳ. Do đó, bạn hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể cho rằng những triệu chứng này là do bạn mang thai, chứ không phải do trầm cảm.
Phụ nữ cũng có thể miễn cưỡng nói chuyện với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ về những thay đổi trong tâm trạng khi mang thai, do sự kỳ thị liên quan đến trầm cảm. Cũng có xu hướng các nhà chăm sóc sức khỏe tập trung nhiều hơn vào sức khỏe thể chất của phụ nữ khi mang thai, hơn là sức khỏe tinh thần.
Yếu tố nguy cơ nào gây ra trầm cảm thai kì?
Một số yếu tố nguy cơ gây trầm cảm thai kì bao gồm:
- Lo lắng
- Căng thẳng trong cuộc sống
- Có tiền sử trầm cảm
- Trợ giúp từ xã hội kém
- Mang thai ngoài ý muốn
- Bạo lực gia đình/ người tình
Triệu chứng và dấu hiệu của trầm cảm thai kì là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm thai kì cũng giống như những dấu hiệu xảy ra với bệnh trầm cảm trong dân số nói chung.
Tuy nhiên, các manh mối bổ sung có thể cho thấy trầm cảm thai kì bao gồm:
- Quá lo lắng cho em bé trong bụng
- Lòng tự trọng thấp, chẳng hạn như vai trò làm cha mẹ không đủ
- Thiếu sự trải nghiệm niềm vui từ các hoạt động mà họ thường thấy thú vị
- Phản ứng kém với sự an ủi từ người khác
- Tuân thủ kém với chăm sóc trước khi sinh
- Hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng các loại thuốc bất hợp pháp
- Tăng cân kém do chế độ ăn giảm hoặc không đủ chất
- Có ý nghĩ tự tử
Một số nghiên cứu cho thấy rằng các giai đoạn trầm cảm xảy ra thường xuyên hơn trong ba tháng đầu và cuối.
Vì sao điều trị trầm cảm thai kì lại quan trọng?
Nếu bệnh trầm cảm của bạn không được điều trị, bạn có thể không tìm kiếm dịch vụ chăm sóc tiền sản tối ưu, ăn những thức ăn lành mạnh mà thai nhi cần hoặc có năng lượng để chăm sóc bản thân. Bạn cũng có nhiều nguy cơ bị trầm cảm sau sinh và khó gắn kết với con.
Tùy thuộc vào mức độ trầm cảm của bạn, các lựa chọn điều trị có thể bao gồm liệu pháp tâm lý hoặc thuốc chống trầm cảm bên cạnh liệu pháp tâm lý.
Đề xuất nào cho việc sàng lọc trầm cảm thai kì?
Trường Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên sàng lọc chứng trầm cảm và lo lắng bằng một công cụ tiêu chuẩn hóa ít nhất một lần trong khi mang thai. Trong khi khám sàng lọc, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể sẽ hỏi các câu hỏi từ bảng câu hỏi sàng lọc tiêu chuẩn, bao gồm các câu hỏi về tâm trạng và sự lo lắng. Các câu trả lời của bạn được tính điểm và tổng điểm của bạn có thể được sử dụng để xác định xem bạn có bị trầm cảm hay không. Ngoài ra, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể hỏi bạn liệu trong tháng qua, bạn có buồn phiền vì cảm thấy xuống tinh thần, chán nản hoặc tuyệt vọng hoặc ít quan tâm đến công việc đang làm hay không.
Có ít bằng chứng cho thấy việc sàng lọc để xác định và điều trị trầm cảm trong thai kỳ giúp cải thiện kết quả. Điều này có thể là do sự khác biệt trong khả năng tiếp cận các nguồn lực và phương pháp điều trị thích hợp khi bệnh trầm cảm đã được chẩn đoán. Tuy nhiên, tầm soát trầm cảm khi mang thai có thể giúp bạn tự nhận thức về nguy cơ trầm cảm và lo lắng của mình.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể bị trầm cảm khi mang thai, đừng đợi đi khám. Nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn về cảm giác của bạn và làm việc với họ để xác định các bước tiếp theo nhé.
Tài liệu tham khảo:
- American College of Obstetricians and Gynecologists Committee on Obstetric Practice. Committee Opinion No. 630: Screening for perinatal depression. Obstetrics & Gynecology. 2015;125:1268.
- O’Connor E, et al. Primary care screening for and treatment of depression in pregnant and postpartum women. Journal of the American Medical Association. 2016;315:388.
- Grigoriadias S. Mild to moderate antenatal unipolar depression: Treatment. https://www.uptodate.com/contents/search. Accessed Aug. 5, 2019.
- Grigoriadias S. Unipolar major depression during pregnancy: Epidemiology, clinical features, assessment, and diagnosis. https://www.uptodate.com/contents/search. Accessed Aug. 5, 2019.
- Biaggi A, et al. Identifying the women at risk of antenatal anxiety and depression: A systematic review. Journal of Affective Disorders. 2016;191:62.
Nguồn: Depression during pregnancy: you’re not alone
Người dịch: thaongan2509
Hiệu đính: Gia Minh
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được sự cho phép!