[Medscape] Chấn thương não tăng nguy cơ mắc Alzheimer

Rate this post

Nghiên cứu mới cho thấy, mất trí nhớ sau chấn thương (PTA – Post-traumatic amnesia) và tổn thương mạch máu vĩnh viễn do tổn thương não (TBI – traumatic brain injury) có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer (AD) về sau.

Kết quả từ một nghiên cứu hồi cứu có kiểm soát cho thấy sự hiện diện của PTA hoặc tổn thương mạch máu trên hình ảnh thần kinh ở bệnh nhân TBI có liên quan đáng kể với nguy cơ AD tăng gần gấp bốn lần.

Nghiên cứu nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của TBI, mà một số người vẫn coi là “chỉ là một cú đánh vào đầu”, đồng nghiên cứu viên bác sĩ Jehane H. Dagher, phó giáo sư ở Khoa Y học Vật lý và Phục hồi chức năng, Đại học Montreal, và người đứng đầu Chương trình TBI tại Viện Phục hồi chức năng Montreal, Quebec, Canada, nói với Medscape Medical News.

“Những bệnh nhân này cuối cùng bị suy giảm nhận thức, khó tổ chức, lập kế hoạch, khó trở lại lao động cũng như cuộc sống bình thường. Họ cần rất nhiều sự giúp đỡ từ thân thuộc, từ cộng đồng và hệ thống y tế “, Dagher nói thêm.

Các phát hiện đã được đăng tải 30/12/2021, trên tạp chí Bệnh Alzheimer & Rối loạn liên quan bản online

Ngày càng phổ biến

Dagher lưu ý rằng tỷ lệ rối loạn nhận thức thần kinh (NCDs – neurocognitive disorders) đang gia tăng một phần là do dân số già. AD là nguyên nhân phổ biến nhất của NCD và khoảng 35% người từ 85 tuổi trở lên phát triển chứng rối loạn này.

TBI ngày càng được công nhận là một yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh NCD. Thực tế chỉ ít hơn 7% bệnh nhân bị TBI tiếp tục phát triển chứng sa sút trí tuệ cho thấy một số bệnh nhân có thể dễ bị tổn thương hơn những người khác.

Sử dụng hồ sơ y tế và dữ liệu bảo hiểm y tế, xác định được 5642 bệnh nhân bị TBI được đưa vào trung tâm chấn thương cấp ba trong khoảng thời gian 12 năm (2000 đến 2012). Các TBI, hầu hết đều ở mức độ nhẹ, là hậu quả của các vụ tai nạn giao thông, té ngã, hành hung và các tai nạn liên quan đến thể thao.

Phân tích hiện tại bao gồm 30 bệnh nhân TBI đã phát triển chứng sa sút trí tuệ – AD trước cuối năm 2018 và 80 người không bị sa sút trí tuệ là nhóm đối chứng. Bệnh nhân trong nhóm sa sút trí tuệ có độ tuổi trung bình khi bị thương là 58,3 tuổi so với 70,4 tuổi đối với nhóm chứng. Thời gian trung bình để chẩn đoán sa sút trí tuệ sau chấn thương là 3,3 năm.

Trong dân số nghiên cứu, 25,5% được chẩn đoán mắc PTA, đặc trưng bởi sự nhầm lẫn và mất phương hướng; 16,7% có tiền sử ít nhất một TBI. Tiền sử đái tháo đường (19,4%), tăng huyết áp (55,5%), rối loạn lipid máu 37,0%), hoặc bệnh mạch vành (25,0%) cũng được ghi nhận. Không ai trong số những người tham gia có tiền sử bệnh động mạch ngoại vi.

Mối quan hệ quan trọng

Kết quả cho thấy mối liên hệ đáng kể giữa PTA và sa sút trí tuệ do AD, với số chênh cao hơn ở những người có so với không có chẩn đoán AD (tỷ lệ chênh lệch [OR], 2,88; KTC 95%, 1,06-7,81; P = 0,04). Vì PTA có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của chấn thương não, phát hiện này cho thấy “những người từng TBI nặng dễ mắc chứng sa sút trí tuệ hơn”, Dagher lưu ý.

Tỷ lệ phát triển sa sút trí tuệ AD cũng cao hơn đối với những người có bằng chứng về tổn thương mạch máu trên hình ảnh thần kinh so với những người không có tổn thương (OR, 3,81; KTC 95%, 1,04-4,07; P = 0,04).

Các tổn thương mạch máu vĩnh viễn có thể gợi ý bệnh mạch máu nhỏ (SVD – small vessel disease), có thể xuất hiện cùng lúc với các protein tau, một dấu hiệu của AD, các nhà nghiên cứu lưu ý. Họ nói thêm rằng có thể là thiếu máu cục bộ do SVD làm tăng tốc độ hình thành AD và TBI.

Các yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu không ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ sa sút trí tuệ, có thể là do số mẫu bị sa sút trí tuệ quá ít, Dagher nói. Tuổi tác cũng không phải là một yếu tố đáng kể trong nguy cơ sa sút trí tuệ, có thể do bệnh nhân chỉ được theo dõi trong 10 năm. Dagher nói thêm rằng việc không rõ mối quan hệ với Thang điểm hôn mê Glasgow (GCS) là do hầu hết dân số nghiên cứu mắc TBI nhẹ. Các nhà nghiên cứu đã loại trừ những bệnh nhân được chẩn đoán sa sút trí tuệ trong vòng 6 tháng kể từ khi bị thương để tránh nguyên nhân ngược lại. Ví dụ, ngã gây chấn thương sọ não có thể là biểu hiện ban đầu của chứng sa sút trí tuệ.

Điều này củng cố ý kiến rằng TBI là một yếu tố dẫn đến và không phải là hậu quả của chứng sa sút trí tuệ, các nhà nghiên cứu viết. Dagher nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhờ các bác sĩ phẫu thuật thần kinh chấn thương chăm sóc cho bệnh nhân TBI, và các bác sĩ này phải tuân theo “các hướng dẫn thích hợp để giảm thiểu thiệt hại” sau chấn thương. Về lâu dài, việc ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ liên quan đến TBI cần liên quan đến việc cải thiện các nguồn lực để xét nghiệm và điều trị bệnh nhân TBI, bà nói.

Điểm mạnh, Điểm yếu

Trả lời phỏng vấn cho Medscape Medical News, bác sĩ David Knopman, giáo sư thần kinh học, Mayo Clinic, Rochester, Minnesota, cho biết phát hiện rằng PTA và bệnh mạch máu não có liên quan “có ý nghĩa” đến chứng sa sút trí tuệ.

Ngoài ra, một điểm mạnh của nghiên cứu là kích thước mẫu lớn của những người lớn tuổi, Knopman – người không tham gia nghiên cứu cho biết.

Tuy nhiên, ông lưu ý một số đặc điểm trong thực hiện nghiên cứu hạn chế việc xác định bệnh sinh. Ông nói: “Vấn đề chính là chẩn đoán ‘bệnh Alzheimer’ trong hồ sơ bảo hiểm không hoàn toàn chính xác với chẩn đoán sinh học của bệnh do mảng bám rối loạn, ví dụ như bệnh Alzheimer.

Ngoài ra, việc sử dụng thuật ngữ “chứng sa sút trí tuệ AD” trong nghiên cứu là “gây hiểu lầm” vì trong thực hành lâm sàng cũng như trong nghiên cứu này, chứng sa sút trí tuệ có thể do bất kỳ nguyên nhân nào, Knopman lưu ý. “Nó tạo ra một ấn tượng sai về tính đặc hiệu cho bệnh lý mảng bám và đám rối mà cụ thể là bệnh Alzheimer.”

Sẽ chính xác hơn nếu các nhà nghiên cứu gọi kết quả chính là “chứng sa sút trí tuệ do mọi nguyên nhân”, ông nói.

Knopman cũng nghi vấn về việc loại trừ những bệnh nhân được chẩn đoán sa sút trí tuệ chỉ trong tối đa 6 tháng sau khi mắc bệnh TBI để tránh quan hệ nhân quả ngược lại. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu “ít nhất nên cung cấp các phân tích trong đó họ loại trừ những người có độ trễ giữa TBI và chẩn đoán sa sút trí tuệ lên đến 2 hoặc 3 năm”, ông nói.

Knopman cho biết thêm: “TBI có thể được gây ra bởi sự sụt giảm tân sinh mạch máu não hoặc bệnh thoái hóa thần kinh,” chẳng hạn như bệnh Parkinson.

Ông nói: “Khoảng thời gian ngắn hơn khiến cho những gì được chẩn đoán là sa sút trí tuệ có thể thực ra là biến chứng trực tiếp của suy giảm nhận thức sau tổn thương chứ không phải là một sự kiện riêng biệt “.

Knopman nghĩ cũng nên phân tầng đối tượng nghiên cứu theo độ tuổi, ví dụ, những người dưới 70 tuổi và những người lớn tuổi hơn. Ông kết luận: “Tôi sẽ ngạc nhiên nếu tuổi tác không đóng vai trò nào đó trong các phát hiện,” mặc dù nó không có ý nghĩa trong phân tích chính.

tài liệu tham khảo tạp chí Bệnh Alzheimer & Rối loạn liên quan số ra ngày 30/12/2021

nguồn Concussion Sequelae Boost Alzheimer’s Risk

người dịch: Lantu

Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép!

 

Advertisement

Giới thiệu Lantu

Check Also

[Medscape] Việc hòa ca nhạc đồng quê đã giúp bác sĩ tìm thấy sự cân bằng

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi thường được hỏi làm thế nào để cân …