Kết quả từ một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy những phụ nữ mắc đái tháo đường típ 2 nhận được nhiều lợi ích khi sử dụng metformin để kiểm soát đường huyết khi mang thai, các lợi ích bao gồm tăng cân ít hơn, giảm liều insulin, ít có tình trạng trẻ nặng hơn so với tuổi thai.
Tuy nhiên, thuốc cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ thai nhỏ hơn so với tuổi thai, điều này đặt ra câu hỏi về nguy cơ và lợi ích của metformin đối với sức khỏe của thai nhi.
Tác giả chính của nghiên cứu, bác sĩ Denice S. Feig, bệnh viện Mount Sinai, cho biết: “Để tư vấn đúng cho bệnh nhân đái tháo đường típ 2 có dự định sử dụng metformin trong thai kỳ, việc hiểu rõ về tác động ngắn hạn và dài hạn của thuốc lên trẻ sơ sinh là điều rất quan trọng”
Nghiên cứu đã được trình bày tại Diabetes UK Professional Conference: Online Series ngày 17 tháng 11 và gần đây đã được công bố trên tạp chí The Lancet Diabetes & Endocrinology.
Tóm lại, Feig nói rằng, sau khi cân nhắc kỹ, cô ấy có khuynh hướng cung cấp metformin cho hầu hết phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường típ 2, có lẽ ngoại trừ những người có thể có các yếu tố nguy cơ thai nhỏ so với tuổi thai, ví dụ như những phụ nữ đã từng có thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, những người hút thuốc lá, những người bị bệnh thận nặng, hoặc có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp.
Tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 trong thai kỳ.
Feig cho biết trong những năm gần đây, ở các nước phát triển đã có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 trong thai kỳ.
Insulin là phương pháp điều trị tiêu chuẩn để kiểm soát đái tháo đường típ 2 ở các sản phụ, nhưng ở những phụ nữ này tình trạng kháng insulin rõ rệt và trầm trọng hơn trong thai kỳ, nghĩa là nhu cầu insulin của họ tăng lên, dẫn đến tăng cân, đau do tiêm thuốc nhiều, chi phí cao hơn và tăng tỉ lệ không tuân thủ điều trị.
Vì vậy, mặc dù được điều trị bằng insulin, nhưng những phụ nữ này vẫn phải tiếp tục đối mặt với việc gia tăng tỷ lệ các kết quả bất lợi cho cả mẹ và con.
Và mặc dù metformin ngày càng được sử dụng nhiều hơn ở phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường típ 2 nhưng có rất ít dữ liệu về lợi ích và tác hại của metformin đối với kết cục thai kỳ ở những phụ nữ này.
Do đó, thử nghiệm MiTy đã được thực hiện để xác định liệu metformin có thể cải thiện kết cục thai kỳ hay không.Nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn 502 phụ nữ đến từ 29 nơi ở Canada và Úc, những người này mắc đái tháo đường típ 2 trước khi mang thai hoặc được chẩn đoán trước 20 tuần tuổi thai . Những sản phụ này, trong giai đoạn tuổi thai từ 6 đến 28 tuần, được chọn ngẫu nhiên, dùng metformin 1 g hai lần mỗi ngày hoặc giả dược, ngoài điều trị bằng insulin như thông thường.
83% sản phụ trong nhóm sử dụng metformin được chẩn đoán đái tháo thường từ trước khi mang thai, còn ở nhóm sử dụng giả dược là 90%. Mức HbA1c trung bình khi phân nhóm ngẫu nhiên là 47 mmol/mol (6,5%) ở cả hai nhóm.
Độ tuổi trung bình của các sản phụ tham gia là khoảng 35 tuổi và tuổi thai trung bình khi phân nhóm ngẫu nhiên là 16 tuần . BMI trung bình trước khi mang thai là khoảng 34 kg/m2.
Đáng chú ý, chỉ có 30% trong số này là người châu Âu.
Lancet Diabetes Endocrinol. 2020;8:834-844. Abstract
Nguồn : Medscape
Link : https://www.medscape.com/viewarticle/941337#vp_1
Người dịch : Tuyết Dương
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép !