Dữ liệu mới cho thấy, vitamin D thấp thường gặp ở những bệnh nhân bị loạn thần giai đoạn đầu (FEP), nhưng việc bổ sung vitamin D dường như không giúp cải thiện các triệu chứng về cả tâm thần hoặc thể chất.
Bác sĩ, nghiên cứu viên, Fiona Gaughran, Viện Tâm thần học, Tâm lý học & Khoa học Thần kinh, Đại học King’s College London, Vương quốc Anh, phát biểu trên Medscape Medical News : “Các nghiên cứu trước đây, của chúng tôi cũng như của những người khác, đã chỉ ra rằng không lâu sau lần đầu tiên được chẩn đoán loạn thần, các bệnh nhân được phát hiện có nồng độ vitamin D ở mức thấp, nhưng hiện vẫn không biết liệu bổ sung vitamin D cho những người ở giai đoạn đầu của loạn thần có cải thiện được kết quả sức khỏe hay không”.
Gaughran nói “Mặc dù chúng tôi chưa chứng minh được lợi ích của việc bổ sung vitamin D trong 6 tháng, nhưng tỷ lệ thiếu hụt vitamin này rất cao có thể có những tác động tiêu cực kéo dài đến sức khỏe mà chúng tôi chưa đo lường được, do đó, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải tối ưu hóa vitamin D ở những bệnh nhân loạn thần là rất quan trọng.”
Kết quả của thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đã được công bố trực tuyến ngày 28 tháng 12 trên tạp chí JAMA Network Open.
Phương pháp tiếp cận chỉn chu nhưng kết quả không như mong đợi
Những người tham gia bao gồm 149 người trưởng thành, trong vòng 3 năm từ khi họ có biểu hiện của rối loạn tâm thần chức năng. Độ tuổi trung bình là 28 tuổi, 60% là nam giới, 44% là người da đen hoặc thuộc nhóm chủng tộc và dân tộc thiểu số khác, 56% là người da trắng.
Hàng tháng, các nhà nghiên cứu cung cấp ngẫu nhiên cho 75 người tham gia 120.000 IU cholecalciferol hoặc giả dược phù hợp chứa trong các ống bơm đường uống.
Gaughran cho biết “Chúng tôi chọn liều 120.000 IU hàng tháng (tương đương 4000 IU mỗi ngày) – liều dự kiến sẽ làm tăng nồng độ vitamin D một cách an toàn. Phác đồ đã được thảo luận với các chuyên gia giàu kinh nghiệm và đã cân nhắc việc chuẩn bị bổ sung thêm một lượng thuốc đáng kể hàng ngày để người loạn thần có thể mang theo.
Việc bổ sung vitamin D được thực hiện trong nghiên cứu này là an toàn và làm tăng đáng kể nồng độ 25-hydroxyvitamin D.
Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể giữa vitamin D và giả dược trong kết quả chính theo thang điểm Positive and Negative Syndrome Scale (PANSS) sau 6 tháng (chênh lệch trung bình, 3,57; khoảng tin cậy 95%, -1,11 đến 8,25; P = 0,13) .
Cũng không có lợi ích rõ ràng nào của việc bổ sung vitamin D đối với bất kỳ kết quả phụ nào, bao gồm các điểm phụ PANSS về chức năng tổng thể, trầm cảm hoặc các yếu tố nguy cơ tim mạch liên quan đến rối loạn chuyển hoá.
Các nghiên cứu viên lưu ý rằng : “Đối với thực hành lâm sàng, chúng tôi hiện không khuyến cáo điều trị với 120.000 IU cholecalciferol hàng tháng trong giai đoạn đầu của loạn thần .”
Tỷ lệ thiếu vitamin D trong cộng đồng dân cư cũng ở mức cao – 74,6% ở dân số chung và 93,4% ở các dân tộc thiểu số.
“Do đó, mẫu nghiên cứu rất phù hợp để phát hiện bất kỳ lợi ích tiềm năng nào có thể đạt được từ việc điều chỉnh này. Tuy nhiên, ngay cả trong phân nhóm này, không có bằng chứng nào hỗ trợ cho giả thuyết ” bổ sung vitamin D sẽ cải thiện kết quả ở bệnh nhân trong giai đoạn đầu của loạn thần, các nhà nghiên cứu lưu ý thêm.
Họ đề nghị các nghiên cứu trong tương lai nên kiểm tra mối liên hệ giữa vitamin D với các kết quả liên quan đến não sau thời gian điều trị dài hơn 6 tháng và được sử dụng hàng ngày thay vì điều trị bằng liều lượng lớn.
Gaughran nói: “Các chiến lược y tế công cộng trong tương lai nên thừa nhận tỷ lệ thiếu vitamin D cao ở những người bị loạn thần và nên xem xét bất kỳ điều chỉnh nào hợp lý để giải quyết vấn đề trên những bệnh nhân này và hướng dẫn cho cả dân số chung”.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Nghiên cứu Y khoa Stanley và nhận được sự hỗ trợ từ Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Maudsley của Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia (NIHR), Đại học King’s College London và Tổ chức Hợp tác Nghiên cứu Ứng dụng NIHR (ARC) Nam London. Gaughran cho biết đã nhận được lời mời phát biểu có trả phí từ Otsuka Lundbeck nằm ngoài nghiên cứu đã trình bày. Một danh sách có đầy đủ các tiết lộ của tác giả có sẵn trong bài báo gốc.
Tạp chí JAMA Network Open, phát hành trực tuyến ngày 28 tháng 12 năm 2021.
Nguồn : Medscape
Người dịch : Tuyết Dương
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép !