Bằng chứng gần đây cho thấy rằng những bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài có mức độ hình thành cục máu đông cao hơn bình thường, điều này có thể giúp giải thích cho các triệu chứng tồn tại dai đẳng của họ, như giảm hoạt động thể lực và mệt mỏi.
Nghiên cứu do các nhà nghiên cứu từ Đại học Y khoa và Khoa học Sức khỏe RCSI dẫn đầu, được công bố trên Journal of Thrombosis and Haemostasis.
Ở nghiên cứu trước đây của cùng nhóm nghiên cứu này, sự đông máu nguy hiểm được quan sát thấy ở những bệnh nhân bị COVID-19 cấp tính. Tuy nhiên, người ta biết ít hơn rất nhiều về hội chứng COVID kéo dài, khi các triệu chứng có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng sau khi tình trạng nhiễm virus ban đầu đã khỏi và ước tính ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 50 bệnh nhân có các triệu chứng của hội chứng COVID kéo dài để hiểu rõ hơn, liệu nó có liên quan đến quá trình đông máu bất thường hay không.
Họ phát hiện ra rằng các marker đông máu tăng đáng kể trong máu của bệnh nhân có hội chứng COVID kéo dài, so với nhóm chứng khỏe mạnh. Các marker đông máu này cao hơn ở những bệnh nhân đã nhập viện ban đầu do nhiễm COVID-19 , nhưng họ cũng phát hiện ra rằng ngay cả những người có thể kiểm soát bệnh tại nhà vẫn có các marker đông máu tăng cao kéo dài.
Tiến sĩ Helen Fogarty, tác giả chính của nghiên cứu, thành viên ICAT và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm Sinh học Mạch máu Ireland thuộc Trường Dược và Khoa học Sinh học phân tử RCSI cho biết “Vì các marker đông máu tăng cao trong khi các marker phản ứng viêm đã trở lại bình thường, kết quả của chúng tôi gợi ý rằng hệ thống đông máu có thể liên quan đến nguyên nhân gốc rễ của hội chứng COVID kéo dài”.
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Welcome Trust, chương trình Đào tạo Học thuật Lâm sàng Ireland (ICAT) của Ban Nghiên cứu Sức khỏe (HRB) cũng như Nghiên cứu Bệnh mạch máu COVID-19 Ireland (ICVS) do HRB tài trợ. Nghiên cứu cũng được hỗ trợ bởi một khoản tài trợ nhân đạo từ Quỹ 3M cho Đại học Y khoa và Khoa học Sức khỏe RCSI nhằm hỗ trợ nghiên cứu COVID-19.
Giáo sư James O’Donnell, Giám đốc Trung tâm Sinh học Mạch máu Ireland, RCSI và Chuyên gia tư vấn về huyết học tại Trung tâm Đông máu Quốc gia ở Bệnh viện St James, Dublin cho biết: “Hiểu được nguyên nhân gốc rễ của một căn bệnh là bước đầu tiên để phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả”.
“Hàng triệu người đang đối mặt với các triệu chứng của hội chứng COVID kéo dài và ngày càng có nhiều người mắc hội chứng này hơn khi tình trạng nhiễm COVID ở những người chưa được chủng ngừa tiếp tục diễn ra. Chúng tôi bắt buộc phải tiếp tục nghiên cứu tình trạng này và phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả.”
Nguồn thông tin :
Tài liệu được cung cấp bởi RCSI.
Tài liệu tham khảo :
- Helen Fogarty, Liam Townsend, Hannah Morrin, Azaz Ahmad, Claire Comerford, Ellie Karampini, Hanna Englert, Mary Byrne, Colm Bergin, Jamie M. O’Sullivan, Ignacio Martin‐Loeches, Parthiban Nadarajan, Ciaran Bannan, Patrick W. Mallon, Gerard F. Curley, Roger J.S. Preston, Aisling M. Rehill, Dennis McGonagle, Cliona Ni Cheallaigh, Ross I. Baker, Thomas Renné, Soracha E. Ward, James S. O’ Donnell. Persistent Endotheliopathy in the Pathogenesis of Long COVID Syndrome. Journal of Thrombosis and Haemostasis, 2021; DOI: 10.1111/jth.15490
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép.
Nguồn : ScienceDaily
Link : https://www.sciencedaily.com/releases/2021/08/210816125717.htm
Người dịch : Tuyết Dương