[Sciencedaily] Vi khuẩn đường ruột và thực phẩm giàu flavonoid có liên quan đến nhau và giúp cải thiện mức huyết áp

Rate this post

Theo nghiên cứu mới được công bố hôm 23/08/2021 trên tạp chí Hypertension, một tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ ( American Heart Association ) các thực phẩm giàu flavonoid, bao gồm quả mọng, táo, lê và rượu vang, dường như có tác động tích cực lên huyết áp, mối liên quan này được giải thích một phần bởi đặc điểm của hệ vi sinh đường ruột.

Điều tra viên chính của nghiên cứu, tiến sĩ Aedín Cassidy, chủ tịch và là chuyên gia về dinh dưỡng và y học dự phòng của Viện An ninh lương thực toàn cầu tại Đại học Queen ở Belfast, bắc Ireland cho biết: “Hệ vi sinh vật đường ruột của chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa flavonoid, qua đó giúp tăng cường tác dụng bảo vệ tim mạch của flavonoid, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng cho thấy chỉ với những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn hàng ngày có thể giúp làm giảm huyết áp”

Flavonoids là các hợp chất được tìm thấy tự nhiên trong trái cây, rau củ và thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trà, sô cô la, rượu vang, và đã được chứng minh trong các nghiên cứu trước đây là mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cơ thể. Flavonoid bị phân hủy bởi hệ vi sinh đường ruột của cơ thể – là các vi khuẩn được tìm thấy trong đường tiêu hóa. Các nghiên cứu gần đây đã tìm thấy mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột – là các vi sinh vật trong đường tiêu hóa của con người và bệnh tim mạch (CVD) – là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Hệ vi sinh vật đường ruột rất khác nhau giữa các cá thể, và đã có các báo cáo về sự khác biệt thành phần vi sinh vật đường ruột giữa những người có và không có bệnh tim mạch.

Với việc tăng thêm các nghiên cứu để cho thấy rằng flavonoid có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim, nghiên cứu đã đánh giá vai trò của hệ vi sinh đường ruột trong quá trình này. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mối liên hệ giữa việc ăn các thực phẩm giàu flavonoid với huyết áp và sự đa dạng của hệ vi sinh đường ruột. Nghiên cứu cũng điều tra xem sự khác biệt hệ vi sinh vật đường ruột nhiều như thế nào thì có thể giải thích mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thực phẩm giàu flavonoid và huyết áp.

Một nhóm gồm 904 người trưởng thành trong độ tuổi từ 25 đến 82, 57% là nam giới từ ngân hàng sinh học PopGen của Đức đã được tuyển chọn cho nghiên cứu này. (Ngân hàng sinh học PopGen bao gồm các thành viên của mạng lưới bảy ngân hàng sinh học ở miền Bắc nước Đức). Các nhà nghiên cứu đã đánh giá lượng thức ăn tiêu thụ, hệ vi sinh đường ruột và mức huyết áp của những người tham gia cùng với các kiểu hình phân tử và lâm sàng khác bằng các cuộc kiểm tra để theo dõi thường xuyên.

Mức tiêu thụ thực phẩm giàu flavonoid của những người tham gia trong một năm trước được tính toán từ bảng câu hỏi tự báo cáo chi tiết về tần suất và số lượng ăn 112 loại thực phẩm. Giá trị flavonoid được quy cho các loại thực phẩm dựa theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về hàm lượng flavonoid trong thực phẩm.

Hệ vi sinh đường ruột của những người tham gia được đánh giá bằng DNA vi khuẩn được tách chiết từ ​​mẫu phân. Sau một đêm nhịn ăn, mức huyết áp của những người tham gia được đo ba lần trong khoảng thời gian ba phút sau năm phút đầu nghỉ ngơi. Các nhà nghiên cứu cũng thu thập thông tin về lối sống của những người tham gia, bao gồm giới tính, tuổi, tình trạng hút thuốc, sử dụng thuốc và hoạt động thể chất, cũng như tiền căn gia đình mắc bệnh mạch vành, số lượng calo và chất xơ tiêu thụ hàng ngày, chiều cao và cân nặng của mỗi người tham gia được đo lường để tính chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể).

Phân tích lượng flavonoid tiêu thụ thường xuyên với hệ vi sinh vật đường ruột và mức huyết áp cho thấy:

  • Những người tham gia nghiên cứu với mức tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu flavonoid nhất, bao gồm quả mọng, rượu vang đỏ, táo và lê, có mức huyết áp tâm thu thấp hơn, hệ vi sinh vật đường ruột của họ cũng đa dạng hơn so với những người tiêu thụ ít thực phẩm giàu flavonoid nhất,
  • Sự đa dạng của hệ vi sinh đường ruột ở những người tham gia có thể giải thích 15,2% mối liên hệ giữa việc ăn thực phẩm giàu flavonoid và huyết áp tâm thu.
  • Trung bình,cứ ăn 1,6 phần quả mọng mỗi ngày (một phần ăn tương đương 80 gam hoặc 1 cốc)  giúp giảm 4,1 mm Hg huyết áp tâm thu và yếu tố hệ vi sinh đường ruột giúp giải thích 12% mối liên hệ này.
  • Trung bình, uống 2,8 ly rượu vang đỏ (125 ml rượu mỗi ly) mỗi tuần có thể làm giảm 3,7 mmHg huyết áp tâm thu, trong đó yếu tố hệ vi sinh đường ruột giúp giải thích 15%.

Cassidy cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy các thử nghiệm trong tương lai nên xem xét những người tham gia theo mức độ trao đổi chất, để nghiên cứu chính xác hơn vai trò của quá trình trao đổi chất và hệ vi sinh đường ruột trong việc điều hoà tác động của flavonoid đối với huyết áp”.”Hiểu rõ hơn về sự khác biệt trong chuyển hoá flavonoid ở mỗi cá thể giúp giải thích tại sao một số người nhận được lợi ích bảo vệ tim mạch từ thực phẩm giàu flavonoid hơn những người khác”

Trong khi nghiên cứu này cho thấy những lợi ích tiềm năng của rượu vang đỏ, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ lại đề nghị rằng ý nếu bạn chưa từng uống rượu, bạn không nên bắt đầu. Nếu bạn uống rượu, hãy xin ý kiến bác sĩ về những lợi ích và nguy cơ của việc uống rượu ở mức độ vừa phải. Theo một báo cáo về chế độ ăn uống lành mạnh của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, uống rượu có thể nằm trong chế độ ăn uống lành mạnh nếu tiêu thụ ở mức độ vừa phải (không quá một ly rượu mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly rượu mỗi ngày đối với nam giới) và chỉ áp dụng ở phụ nữ không mang thai và người lớn, khi không có nguy cơ đối với các bệnh nền sẵn có, tương tác giữa thuốc và rượu, hoặc các tình huống an toàn cá nhân và công việc.

Advertisement

Các tác giả lưu ý rằng những người tham gia nghiên cứu là từ dân số chung và họ không được biết về giả thuyết này. Tuy nhiên, các yếu tố gây nhiễu còn sót lại hoặc không đo lường được (chẳng hạn như các bệnh nền khác hoặc di truyền) có thể dẫn đến sai lệch, do đó những phát hiện này không thể chứng minh nguyên nhân và kết quả trực tiếp, mặc dù các nhà nghiên cứu đã tiến hành điều chỉnh chi tiết trong các phân tích của họ về các chế độ ăn uống và yếu tố lối sống khác nhau. Các tác giả lưu ý rằng trọng tâm của nghiên cứu này là về một số loại thực phẩm cụ thể giàu flavonoid, không phải tất cả thực phẩm và đồ uống có flavonoid.

Nguồn thông tin :

Tài liệu được cung cấp bởi American Heart Association. 

Tài liệu tham khảo :

  1. Amy Jennings, Manja Koch, Corinna Bang, Andre Franke, Wolfgang Lieb, Aedín Cassidy. Microbial Diversity and Abundance of Parabacteroides Mediate the Associations Between Higher Intake of Flavonoid-Rich Foods and Lower Blood PressureHypertension, 2021; DOI: 10.1161/HYPERTENSIONAHA.121.17441

Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép.

Nguồn : ScienceDaily

Link : https://www.sciencedaily.com/releases/2021/08/210823085617.htm

Người dịch : Tuyết Dương

 

Giới thiệu TuyetDuong

Check Also

[Medscape] Việc hòa ca nhạc đồng quê đã giúp bác sĩ tìm thấy sự cân bằng

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi thường được hỏi làm thế nào để cân …