[Siêu âm số 14] Siêu âm tụy và lách

Rate this post

1. Giải phẫu khoang sau phúc mạc

Khoang sau phúc mạc (retroperitoneum)(Hình 1.1) được giới hạn phía trước bởi phúc mạc thành sau và phía sau bởi cân ngang. Nó thường được chia tiếp làm 3 khoang. Khoang cạnh thận trước (Anterior Pararenal Space) kéo dài từ phúc mạc thành sau tới cân quanh thận trước (cân Told hay cân Gerota); nó chứa tụy và các nhánh tạng của động mạch chủ bụng ở giữa, phần sau phúc mạc và đại tràng lên cũng như đại tràng xuống ở phía bên.

Khoang quanh thận (Pararenal Space) được giới hạn ở phía trước bởi cân quanh thận trước và ở phía sau bởi cân quanh thận sau (cân Zukerkandl) và chứa thận, tuyến thượng khoang. Động mạch chủ bụng và tĩnh mạch chủ dưới nằm ở đường giữa và được che phủ bởi phần kéo dài vào trong của các lớp cân quanh thận, nhưng mức độ biến đổi ít hoặc nhiều. Khoang quanh thận thường không khép kín ở dưới, cho phép nó thông với khoang dưới phúc mạc (chậu hông). Khoang cạnh thận sau (Posterior Pararenal Space) kéo dài từ cân cạnh thận sau tới cân ngang và bình thường chứa mỡ. Kích thước thật sự của tất cả các khoang sau phúc mạc được hình thành bởi mô mỡ. Hệ thống cơ thành bụng sau (cơ thắt lưng và cơ vuông thắt lưng) được phân tách với khoang sau phúc mạc bởi cân ngang cũng như các lá cân của cơ. Một điều cần cảnh báo
trước là chỉnh gain thấp có thể nhầm cơ thắt lưng với tụ dịch. Hình 1.1A. Sơ đồ cắt ngang của 3 khoang sau phúc mạc ở mức thận. Các khái niệm mới là ống thông mỏng manh tiềm tàng giữa hai khoang quanh thận nằm tiếp giáp ở phía trước tĩnh mạch chủ dưới (IVC) và động mạch chủ  (A), và sự kéo dài ra trước bên của khoang cạnh thận sau sát với khoang cạnh thận trước. AC = đại tràng lên, D = tá tràng, P = tụy, DC = đại tràng xuống,mRK = thận phải, LK = thận trái, L3 = thân đốt sống thắt lưng thứ ba.
Hình 1.1B. Sơ đồ cắt đứng dọc 3 khoang sau phúc mạc qua thận phải (K). Các khái niệm mới là các đường từ khoang cạnh thận trước, khoang cạnh thận sau, và đặc biệt là khoang quanh thận tới các khoang dưới thận và khoang ngoài phúc mạc ở chậu hông. Lưu ý chỗ mở của khoang quanh thận vào khoang dưới thận. D = tá tràng, A = tuyến thượng thận. Các lá cân của khoang sau phúc mạc không xác định được bằng siêu âm. Tuy nhiên, biết các ranh giới giải phẫu này có tầm quan trọng trong đánh giá

nhiều tiến triển nhiễm khuẩn, u và các bệnh khác. Thí dụ, chảy máu do phình động mạch chủ bị rò có thể chảy vào khoang quanh thận, hoặc nhiễm khuẩn ở khoang quanh thận có thể lan vào chậu hông bởi vì cân Gerota thường mở ở phía dưới.

2. Tụy

2.1. Giải phẫu bình thường (Hình 2.1)

Tụy nằm trong khoang cạnh thận trước; dạ dày nằm phía trước (với túi mạc nối, bình thường là một khoang ảo) và bên phải đầu tụy là đoạn thứ hai của tá tràng. Bên trái, đuôi tuỵ kéo dài tới rốn lách. Phía sau, có một vài cấu trúc mạch máu quan trọng dùng làm là mốc siêu âm với tụy.

Tĩnh mạch lách tạo thành bờ sau của thân tụy; đầu tụy cuốn quanh hợp lưu của tĩnh mạch lách và tĩnh mạch mạc treo tràng trên, mỏm móc nằm phía sau hợp lưu này. Đây là một yếu tố quan trọng khi siêu âm cắt đứng dọc đầu tụy bởi vì nhu mô tụy nằm ở trước và sau tĩnh mạch mạc treo tràng trên (đoạn đổ vào tĩnh mạch cửa). Đoạn gốc và đoạn gần của động mạch mạc treo tràng trên được mô mỡ tăng âm bao quanh. Đại tràng ngang gắn vào mặt trước của đầu và thân tụy; mối liên quan này có thể truyền các bệnh viêm hoặc u giữa tụy và đại tràng ngang.

Trong nhu mô tụy có một vài cấu trúc có ý nghĩa có thể nhận ra trên mặt cắt ngang. Động mạch vị tá tràng ấn lõm mặt trước cổ tụy là mốc phân chia ra đầu và thân tụy. Phía sau, trong đầu tụy hoặc ấn vào mặt sau đầu tụy là ống mật chủ xuất hiện dưới dạng cấu trúc tròn trống âm với đường kính không vượt quá 10mm. Khi cả hai cấu trúc này cùng xuất hiện trên một mặt cắt, sự phân biệt là rõ ràng; khi chỉ thấy một cấu trúc, có thể cần Doppler mầu để xác định (Hình 2.3).

Hình 2.3A. Quét ngang qua đầu tụy (p) bình thường có thể thấy rõ động mạch tá tràng (mũi tên rỗng) và ống mật chủ (mũi tên đặc). Tĩnh mạch lách nối với hợp lưu tĩnh mạch cửa (c) để tạo thành bờ sau của tuyến. Thùy trái của gan (L) phân cách với tụy bởi dạ dày (đầu mũi tên) xẹp. a = động mạch chủ bụng; i = tĩnh mạch chủ dưới.
Hình 2.3B. Quét đứng dọc thấy tụy (p) ở sau thùy trái của gan (L) và dạ dày (st). Trong hình này, tĩnh mạch mạc treo tràng trên (smv) tạo thành bờ sau của tụy. Đậm độ âm của tụy có thể so sánh với đậm độ âm của gan ở cùng một khoảng cách với đầu dò. Mũi tên chỉ động mạch gan. ống tụy được nhận ra ở nhiều người bình thường dưới dạng một đường tăng âm chia tuyến thành hai nửa trước và sau, hoặc một cấu trúc ống với hai  thành tăng âm và trong lòng trống âm. Lòng ống có số đo bình thường từ 2 đến 2,5mm (chỉ đo ở phần dịch trống âm, không đo thành ống) với hai thành song song. Nhiều người làm siêu âm đã đo đường kính ống tụy to hơn kích thước thật do đo cả thành ống.

Một sự kiện được báo trước để tránh nhầm là thành sau của dạ dày với lớp cơ giảm âm được viền bởi niêm mạc và thanh mạc tăng âm có thể giả ống tụy. Phải cẩn thận xác định ống tụy bằng cách chứng minh nhu mô tụ ở hai phía của ống. Nếu vẫn còn nghi ngờ, cho bệnh nhân uống 250 tới 500 ml nước để xác định dạ dày một cách chắc chắn (Hình 2.4).

Các nguồn khác của sự nhầm lẫn gồm có nhánh trái của tĩnh mạch cửa, nó chia phân thùy bên thành hạ phân thùy III (ở trước) và hạ phân thùy II (ở sau). Hạ phân thùy II bị xác định nhầm là mô tụy. Kết cấu của nhu mô tụy ở người lớn là tăng âm vừa và đồng nhất; đậm độ âm của nó bằng hoặc lớn hơn đậm độ âm của gan bình thường. Đặc điểm này không đúng với trẻ em do tụy có mô tuyến lớn hơn, hầu như không có mỡ và xơ tạo nên sự tăng âm. ở trẻ em, tụy bình thường có đậm độ âm thấp hơn gan.

Từ tuổi trung niên, sự thay thế dần của mô tuyến bằng mỡ và xơ làm cho tụy tăng âm; ở người già, quá trình thu teo nhiễm mỡ này làm tụy nhỏ lại, tăng âm như mỡ sau phúc mạc. Vào giai đoạn này, bờ tụy mờ và tuyến lẫn vào tổ chức sau phúc mạc; sự thay đổi xảy ra một cách bình thường trong quá trình lão hóa (Hình 2.5).

Hình dạng và vị trí của tụy bình thường rất biến đổi; thí dụ, tuyến có thể hình quả tạ với sự nhô lên của đầu và đuôi, thân mỏng. Các bờ nhẵn và cấu trúc âm đồng nhất trái với sự to ra do u và viêm, chúng có xu hướng thay đổi đột ngột hơn (to ra khu trú) và thay đổi đậm độ âm (thường giảm âm) so với phần còn lại của tuyến.

Một mặt đặc biệt quan trong của bờ tụy là mỏm móc, nó nằm phía sau hợp lưu tĩnh mạch lách-cửa. Mỏm móc thuôn dần và nhọn đầu; mỏm móc tròn, to ra hoặc tày đầu nên nghi ngờ khả năng của một khối u nhỏ. Hướng của trục dọc của tụy cũng biến đổi, yêu cầu quét chếch để thu nhận toàn bộ chiều dài của nó. Hướng hay gặp nhất là trục 8 giờ (đầu) đến 2 giờ (đuôi); xoay nhẹ đầu dò ngược chiều kim đồng hồ từ vị trí ngang thường thấy được biến đổi này. Kích thước của tụy biến đổi đáng kể theo tuổi và thể trạng cơ thể. Một mức biến đổi của các số đo đối với tuyến bình thường đã được báo cáo; thông thường, đường kính trước sau xấp xỉ 2,5 – 3,5cm với đầu tụy, 2,0 – 2,5cm với thân và đuôi được coi là bình thường. Trong thực hành, các thay đổi đậm độâm và to khu trú thường nhận ra một cách dễ dàng hơn là to lan tỏa (Hình 2.6).


Hình 2.6. Đo tụy. Cắt ngang. 8 = đường kính trước sau lớn nhất của đầu tụy, 9 = đường kính trước sau lớn nhất của thân tụy. Không đo kích thước đuôi tụy vì nó khó thấy và số đo rất biến đổi. PV = tĩnh mạch cửa, IVC = tĩnh mạch chủ dưới, SMA = động mạch mạc treo tràng trên. 2.2. Kỹ thuật quét, các bẫy, và ảnh giả siêu âm Quét siêu âm thường bắt đầu ở mặt phẳng ngang, bệnh nhân nằm ngửa. Đầu dò tần số cao nhất với tầm xuyên qua thích hợp được sử dụng; đối với người lớn, thường dùng đầu dò 3 -3,5 MHz (hoặc dải tần rộng 2 – 4 MHz), với trẻ em hoặc người gầy dùng đầu dò 5 MHz (hoặc dải tần rộng 4 – 7 MHz).

Nhận ra cột sống hoặc các mạch máu lớn đảm bảo rằng độ xuyên qua là thích hợp.

Quét siêu âm kéo dài về phía đầu (thường tới trục thân tạng) và về phía chân để đảm bảo nhìn thấy toàn bộ tuyến. Thường xoay chếch đầu dò theo trục dọc của tụy.

Một loạt các lớp quét đứng dọc kéo dài từ cửa gan tới rốn lách, hoặc ngược lại, để khảo sát toàn bộ tụy. Thuỳ trái của gan tạo ra cửa sổ âm tốt để quan sát tụy. Với thùy trái gan nhỏ, khảo sát tụy có thể khó khăn. Khí ruột là một yếu tố gây khó quan sát nhất. Thường, đuổi khí bằng cách ép đầu dò độ vài phút sẽ tạo ra kết quả tốt bất ngờ. Các đầu dò cong đặc biệt hiệu quả trong trường hợp này. Một cách khác để đuổi khí ruột là cho bệnh nhân uống 250 – 500ml nước, đợi 2-3 phút để dạ dày đầy dịch và bọt khí tan ra, dạ dày sẽ thành cửa sổ âm tốt. Đặt bệnh nhân ở tư thế ngồi ngả sau có thể tạo ra cửa sổ âm dạ dày tương tự.

Khi dùng thủ thuật uống nước, đặt bệnh nhân nằm nghiêng phải trong vài phút để dịch xuống đoạn II tá tràng, bờ đầu tụy sẽ thấy rõ hơn. Một lợi ích khác khi cho bệnh nhân uống nước là phân biệt thành sau dạ dày với ống tụy. Do đuôi tụy nằm phía sau thân dạ dày phía trước cực trên thận, quét từ phía sau qua thận cũng có thể thấy đoạn đuôi trong trường hợp khí ruột che mặt trước.

Một nguồn gây ảnh giả là dây chằng tròn, nó ngăn cách phân thùy bên và phân thùy giữa của thùy gan trái. Gồm mỡ và mô xơ, cấu trúc tăng âm này đôi khi tạo ra bóng cản lớn ở giữa thân tụy. Di chuyển đầu dò ở bên này hoặc bên kia dây chằng và quét chếch để tránh tạo bóng cản.

Động mạch lách ngoằn ngoèo có thể tạo ra một nang rõ rệt ở thân hoặc đuôi tụy. Dùng siêu âm Doppler mầu để chứng minh đó là động mạch lách (Hình 2.7).

Đậm độ âm của tụy ở người trưởng thành bình thường là bằng hoặc lớn hơn đậm độ âm của gan ở gần kề. Nếu gan tăng âm bất thường (như nhiễm mỡ), tụy xuất hiện giảm âm giả mạo, dẫn tới ấn tượng nhầm về phù và viêm tụy cấp. Trong trường hợp này, gan xuất hiện trắng sáng so với vỏ nhu mô thận, và không nhận ra các âm sáng của collagen và mỡ ở bộ ba khoảng cửa. Các cấu trúc này bình thường là các dải tăng âm ngắn, đôi khi chạy song song bị mờ do nhu mô gan tăng âm bất thường (Hình 2.8).

Ngược lại, khi gan giảm âm bất thường, như trong viêm gan virrus cấp, tụy có thể hiện ra tăng âm, gợi đến viêm tụy mạn tính hoặc thay thế mỡ. Tình huống này có thể bị nghi ngờ khi collagen và mỡ trong bộ ba khoảng cửa nổi bật bất thường trên nền nhu mô sẫm, tạo ra hình ảnh trời đêm đầy sao. Một bẫy đặc biệt nguy hiểm đối với cấu trúc âm của tụy đó là tụy có hai nguồn gốc phôi, một nụ lưng và một nụ bụng. Phần sau của đầu tụy và mỏm móc (từ nụ bụng) có thể hiện ra tương đối giảm âm do ít thành phần mỡ. Quan sát bờ bình thường của tuyến và không có hiệu ứng chèn ép đối với ống mật chủ gần kề giúp nhận ra biến đổi bình thường này (Hình 2.9).


2.3. bệnh lý

2.3.1. Viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp có thể do lạm dụng rượu, bệnh đường mật, chấn thương, hoặc bẩm chất gia đình. Thông thường, tiền sử cung cấp các dấu hiệu về nguyên nhân nhưng đánh giá siêu âm đường mật thường được yêu cầu để tìm các liên quan nguyên phát hoặc thứ phát (thí dụ tắc đường mật do nang giả tụy hoặc khối viêm).

Dấu hiệu siêu âm cổ điển của viêm tụy cấp là tuyến to lan tỏa, giảm âm toàn thể. ổ giảm âm và to khu trú cũng có thể xảy ra trong viêm tụy cấp; nó thường xảy ra ở đầu tụy, ổ giảm âm khu trú ở đuôi tụy là hiếm trong viêm tụy và thường gây lo lắng về một khối u (Hình 2.10, 2.11). Giãn ống tụy với đường kính trên 2,5mm cũng hay xảy ra trong viêm tụy cấp; ống tụy thường trở lại kích thước bình thường khi viêm thoái triển.

Hình 2.11A. Hình cắt ngang (TR). ổ giảm âm và to khu trú ở đầu tụy (các mũi tên) có thể tạo ra hình ảnh siêu âm không thể phân biệt với carcinoma. Đầu mũi tên chỉ ống tụy bị giãn. L = gan; V = tĩnh mạch chủ dưới; a = động mạch chủ.
Hình 2.11B. Hình cắt chếch (OBL) cho thấy ổ giảm âm và to khu trú đầu tụy (các mũi tên) gây giãn ống mật chủ (mũi tên rỗng). K = cực trên của thận phải; a = động mạch chủ.

Trong viêm tụy cấp, so sánh giữa tụy và gan sẽ cho thấy sự giảm âm của tụy. Nên so sánh đậm độ âm trên các lớp quét đứng dọc; bởi vì vị trí này cho phép so sánh nhu mô gan và tụy ở cùng một khoảng cách với đầu dò, tránh sự suy giảm khác nhau do các mô xen vào. Gan tăng âm (như trong nhiễm mỡ) khiến tụy giảm âm gây ấn tượng sai thành viêm tụy cấp. Điều quan trọng là đánh giá đậm độ của gan (so sánh với bộ ba khoảng cửa hoặc vỏ thận) để phân tích đậm độ âm của tụy.

Một dấu hiệu phổ biến trong viêm tụy cấp là sự xuất hiện của lượng dịch nhỏ gần tụy, thường trong tiền đình hậu cung mạc nối hoặc bất cứ chỗ nào quanh tụy. Các ổ tụ dịch tụy, rất giàu enzyme, xảy ra trong 40% các trường hợp

viêm tụy cấp; chúng tiêu tự phát trong khoảng 50% các trường hợp. Các ổ tụ dịch tồn tại trên 4 tuần được coi là nang giả, một nửa trong số này có thể tiêu tự phát. Các đặc điểm hình thái không cho phép phân biệt tụ dịch quanh tụy nhất thời với nang giả tụy.
2.3.2. Nang giả tụy
Sự tồn tại dai dẳng của dịch tụ ở trong, xung quanh tụy hoặc trong túi mạc nối báo trước sự phát triển của nang giả tụy, theo định nghĩa là ổ tụ dịch tụy có vỏ hoặc thành xơ. Kích thước của chúng biến đổi từ 2-3cm đến 10-15cm đường kính. Mặc dù chúng thường nằm ở vùng quanh tụy hoặc hậu cung, các nang giả tụy còn nằm ở nhiều vị trí bao gồm cân Gerota, cửa gan, và trung thất (Hình 2.12).

Hình 2.12. Một nang giả tụy đơn thuần ở phía trước thân và đuôi tụy (đầu mũi tên) và phía sau dạ dày (các mũi tên chỉ thành dạ dày), nang nằm trong hậu cung. Mặc dù nang giả tụy có thể thấy ở các vị trí khác, hậu cung là vị trí hay gặp nhất. Nang giả tụy thường chứa các mảnh lắng hoặc các vách không đều do hoại tử mô hoặc chảy máu. Các thành phần tăng âm bên trong tụy càng nhiều, thì cơ hội bội nhiễm vi khuẩn càng lớn. Phân biệt giữa một nang giả tụy đơn thuần và một nang giả nhiễm khuẩn (hoặc áp xe tụy) là không dễ dàng hoặc tin cậy nếu chỉ dựa vào siêu âm; nếu tình trạng bệnh nhân gợi ý khả năng của nang giả nhiễm khuẩn/ áp xe, chọc hút chẩn đoán dưới hướng dẫn siêu âm dùng kim 22 gauge là thích hợp và hoàn thành dễ dàng. Tụ dịch bị nhiễm khuẩn không được dẫn lưu làm tỷ lệ chết vượt quá 50% (Hình 2.13).

Hình 2.13A. Siêu âm quét ngang cho thấy một nang giả tụy lớn (ps) có nhiều mảnh rải rác. Cả hai thành cả dạ dày (mũi tên) được thấy rõ ở ngay phía trước nang giả cho biết rằng nang nằm trong hậu cung. a = động mạch chủ.

Hình 2.13B. Mắt cắt chếch qua nang giả Hình 13A; một kim 22 gauge (mũi tên) được chọc vào nang để xác định có nhiễm khuẩn hay không.

Bằng chứng siêu âm về sự có mặt của tụ dịch quanh tụy, đoán chừng là nang giả tụy, trong vòng vài tuần nên được xử trí bằng phẫu thuật hoặc can thiệp qua da. 5 hoặc 6 tuần được xem là thích hợp bởi vì vào thời điểm này vỏ của nang đã tương đối chắc và các cơ hội thoái triển tự phát đã giảm. Đồng thời khả năng biến chứng như chảy máu, nhiễm khuẩn và vỡ tự phát bắt đầu tăng
rõ ràng. Sự hình thành các phình mạch máu xung quanh tụy có thể xảy ra cùng sự hình thành nang giả tụy, chúng có thể được phát hiện bằng siêu âm mầu hoặc phổ Doppler.

2.3.3. viêm tụy mạn

Các đợt viêm tụy cấp tái diễn tạo cơ hội để phát hiện các dấu hiệu siêu âm của viêm tụy mạn, bao gồm các vùng tăng âm không đều của xơ hoá và/hoặc vôi hóa. Tăng âm trong viêm tụy mạn dưới dạng mảng và không đồng nhất, trái với cấu trúc tăng âm đồng nhất do mỡ thay thế mô tụy ở người bình thường. Trong viêm tụy mạn, thể tích tuyến tụy giảm và khó nhận ra bờ tụy. Cấu trúc nang giả được báo cáo ở 25-60% bệnh nhân viêm tụy mạn (Hình 2.14).
Giãn ống tụy có thể do quá trình viêm mạn; giãn thường được mô tả là không đều hoặc hình “chuỗi hạt” do hậu quả của các đoạn giãn xen kẽ các đoạn hẹp do xơ. Hình thái này đôi khi được dùng để phân biệt giãn do viêm với giãn đều, nhẵn do u gây tắc như trong ung thử biểu mô bóng Vater. Có hai điều nguy hiểm nếu dựa quá nhiều vào sự phân biệt này, thứ nhất sự khác biệt về hình thái này không phải luôn rõ để chẩn đoán. Thứ hai, các bệnh nhân viêm tụy mạn cũng có thể phát triển u và tồn tại đồng thời của viêm tụy mạn và ung thư biểu là một khả năng luôn phải cảnh giác (Hình 2.15).

Hình 2.14A. Hình siêu âm quét ngang một tụy viêm mạn vôi hóa. Có nhiều sỏi với bóng cản (các mũi tên) rải rác toàn tuyến. a = động mạch chủ

Hình 2.14B. Hình siêu âm quét đứng dọc tụy ở cùng bệnh nhân hình 2.14A. Trong hình này thấy vôi hóa kết thành khối tạo thành một vùng bóng cản lớn (đầu các mũi tên). Các mũi tên chỉ bờ tuyến. a = động mạch chủ

2.15A. Hình quét ngang một tụy viêm mạn có các chấm vôi hóa nhỏ rải rác (các mũi tên) và ống tụy giãn to (d).
Hình 2.15B. Hình quét đứng dọc cùng một bệnh nhân Hình 15A. L = gan; d = ống tụy bị giãn; a = động mạch chủ. Với sự hình thành vôi hóa và xơ hóa, viêm tụy mạn tính có thể tạo thành một khối bao gồm mô viêm có thể giả u, và thực tế, nếu hình thành ở đầu tụy nó có thể gây tắc ống mật chủ và ống tụy (Hình 2.16). Tắc ống mật chủ đã được báo cáo ở 5-10% bệnh nhân viêm tụy mạn. Các khối viêm ít gặp ở đuôi tụy và sự to ra khu trú ở đây làm tăng mối nghi ngờ một khối u thực sự.

Hình 2.16A. Hình quét ngang một tụy viêm mạn tính bộc lộ một khối xơ, vôi hóa (đầu mũi tên) ở đầu tụy và mỏm móc. S = tĩnh mạch mạc treo tràng trên; a = động mạch chủ; v = tĩnh mạch chủ dưới.
Hình 2.16B. Hình cắt dịch lên phía trên ở cùng bệnh nhân Hình 2.16A, ở đây có một nang giả (ps) kích thước lớn với vôi hóa thành (các mũi tên).
Hình 12.6C. Hình quét chếch ở cùng bệnh nhân cho thấy sự kéo dài của nang giả (ps) vào trong cửa gan. Sự kết hợp của nang này và khối xơ ở đầu tụy gây tắc bán phần ống mật chủ (d). v = tĩnh mạch cửa; L = gan. Xơ nang tụy là một bệnh mạn tính khác, nó gây tăng âm tụy lan tỏa và kèm theo giảm kích thước toàn bộ tụy ở trẻ em và người trưởng thành trẻ. Các vùng nhỏ thoái hóa nang đôi khi bắt gặp, chúng có kích thước lớn ở đuôi tụy.
2.3.4. Nang
Mặc dù phần lớn các nang tụy là mắc phải và hầu hết là nang giả xảy ra sau viêm tụy, một số nang thực sự (lót lớp biểu mô) cũng có. Nang thực sự, đơn độc cực kỳ hiếm gặp và chỉ gặp ở giai đoạn sơ sinh. Nang thực sự, nhiều nang luôn phối hợp với các hội chứng đa nang ở nhiều tạng. Các nang tụy thực sự xảy ra ở 10% các bệnh nhân có bệnh thận đa nang di truyền trội (ADPKD) và ít nhất 30% bệnh nhân mắc bệnh von Hippel-Lindau.

2.3.5. U tụy
Mặc dù viêm tụy khu trú thường có thể phân biệt với ung thư biểu mô dựa trên cơ sở tiền sử (nghiện rượu, đau) hoặc các xét nghiệm (tăng amylase máu), nhưng hình ảnh siêu âm không cho phép phân biệt. Ung thư biểu mô tụy phần lớn xuất hiện dưới dạng giảm âm to khu trú tuyến, thường các bờ không rõ do thâm nhiễm mỡ bao quanh u. Sự phân bố của ung thư biểu mô bên trong tuỵ xấp xỉ 70% ở đầu tụy, 15-20% ở thân và 5% ở đuôi. Nhưng khối u ở đầu có xu hướng biểu hiện triệu chứng sớm như vàng da mặc dù kích thước nhỏ. Các khối u ở thân và đuôi tụy thường có đường kính lớn hơn 2cm khi phát hiện (Hình 2.17).

Hình 2.17. Khối giảm âm khu trú ở đầu tụy (các mũi tên) là đặc trưng của ung thư biểu mô. Tuy nhiên, viêm tụy khu trú có thể tạo ra hình ảnh tương tự (xem Hình 8A) và sự phân biệt có thể dựa vào sinh thiết kim nhỏ. S = tĩnh mạch lách.
Hình 2.11A. Hình cắt ngang (TR). ổ giảm âm và to khu trú ở đầu tụy (các mũi tên) có thể tạo ra hình ảnh siêu âm không thể phân biệt với carcinoma.

Đầu mũi tên chỉ ống tụy bị giãn. L = gan; V = tĩnh mạch chủ dưới; a = động mạch chủ. Một trong các dấu hiệu gợi ý trong chẩn đoán bệnh tụy ác tính được gọi là “dấu hiệu ống kép”. Dấu hiệu gồm giãn ống tụy (đường kính trong lớn hơn 3mm) và đường mật (đường kính trong ống mật chủ lớn hơn 10mm)(Hình 2.18).

Hình 2.18A. Hình quét siêu âm ngang qua tụy cho thấy ống tụy giãn (giữa hai dấu +). Khối có hình không rõ ràng.
Hình 2.18B. Hình quét siêu âm chéo cửa gan cho thấy các ống mật bị giãn (mũi tên). Giãn kết hợp của ống mật và ống tụy được gọi là “dấu hiệu ống kép” và gợi ý nhiều tới khối u đầu tụy. Một khối ung thư biểu mô bóng kích thước nhỏ đã được tìm thấy ở bệnh nhân 32 tuổi này.

Không nhìn thấy dòng chảy trong tĩnh mạch lách sau tụy là dấu hiệu nghi ngờ một khối u tụy mặc dù dấu hiệu này cũng có ở 5% bệnh nhân viêm tụy
mạn.

Chẩn đoán u tụy có thể xác định bằng chọc hút him nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm. Dùng kim nhỏ 22 gauge chọc qua các cấu trúc như gan, dạ dày không gây ra các biến chứng lớn. Vào thời điểm khối u tụy được xác định, cần đánh

giá hệ thống tĩnh mạch lách cửa bằng siêu âm Doppler, cũng như khảo sát gan để đánh giá di căn.
2.3.6. Các khối u nang của tụy
Có hai dạng khác nhau của u nang tụy; cả hai thường dễ nhận ra các điểm đặc trưng hơn ung thư biểu mô. Các u nang tụy chiếm khoảng 10-15% các nang tụy và khoảng 1% các khối u ác tính của tụy.
U tuyến nang thanh dịch – serous cystadenoma (microcystic cystadenoma)(Hình 2.19A) lành tính về mô học và thường được phát hiện ở người phụ nữ lớn tuổi. Nó bao gồm các nang rất nhỏ (1-2mm) đến độ xuất
hiện là một khối tăng âm với bờ chia múi. Sẹo trung tâm hình sao tăng âm là một đặc điểm không hay gặp của khối u này.

U tuyến nang nhầy – mucinous cystadenoma (macrocystic adenoma, mucinous cystadenocarcinoma) gồm một hoặc nhiều nang lớn hơn (trên 2cm) với thành mỏng hoặc dày, một hoặc nhiều ngăn. U có xu hướng phát triển ở đuôi tụy. Khác u tuyến nang thanh dịch, u tuyến nang nhầy có tiềm năng ác tính. Sự phân biệt giữa dạng lành tính và ác tính chỉ dựa vào tiêu chuẩn siêu âm là khó, nhưng thành dày và các nốt sùi làm tăng khả năng ác tính (Hình 2.19B).

Hình 2.19A. U nang tuyến thanh dịch ở bệnh nhân nữ 79 tuổi. Hình siêu âm quét ngang cho thấy một khối (đầu mũi tên) ở đầu tụy gồm nhiều nang nhỏ. V = tĩnh mạch mạc treo tràng trên; a = động mạch mạc treo tràng trên.
Hình 2.19B. Một khối phức hợp ở đuôi tụy (mũi tên) gồm các thành phần đặc và nang là biểu hiện khối u tuyến nang nhầy. Dạ dày (st) đầy dịch được dùng làm cửa sổ để nhìn rõ thân và đuôi tụy. a = động mạch chủ.
2.3.7. Các u nội tiết của tụy
Các u nội tiết của tụy rất biến đổi về kích thước, có xu hướng giảm âm và giới hạn rõ; chúng thường có kích thước nhỏ, rất khó nhận ra bằng siêu âm thường. Có hai loại hay gặp nhất là insulinoma đơn độc (70%) và gastrinoma thường nhiều khối (75%); insulinoma có xu hướng lành tính còn gastrinoma có tiềm năng ác tính. Siêu âm trong mổ là cần thiết đối với các khối u này và thường phát hiện nhiều khối.
2.3.8. Các loại u khác.
Lymphoma có thể liên quan đến tụy, gây to tuyến khu trú hoặc lan tỏa với hiệu ứng khối giảm âm tương đối (Hình 2.20).

Di căn từ nhiều nguồn gốc có thể liên quan đến các hạch bạch huyết quanh tụy; melanoma (u hắc tố) là nguồn phổ biến nhất, tạo ra các khối u tụy nhiều múi, các vách mỏng ngăn cách các hạch riêng rẽ. Đặc điểm các hạch riêng rẽ có thể dùng để phân biệt các hạch to quanh tụy với khối u nguyên phát (Hình 2.21).

2.4. Siêu âm trong mổ

Một trong các ứng dụng hữu ích nhất của siêu âm trong mổ đối với tụy là xác định vị trí các khối u tụy kích thước nhỏ, hoạt động nội tiết đẫ mô tả ở trên. Tần số các đầu dò từ 5 – 10MHz và tiếp xúc trực tiếp, hoặc ngâm trong nước với tụy đã được bộc lộ khiến cho có thể phát hiện các khối u nhỏ 3mm và thường dễ dàng tìm kiếm nhiều khối u như trong trường hợp gastrinoma. Nếu mảnh cắt đông lạnh cho biết đó là khối u ác tính, siêu âm trong mổ tiếp mở rộng tới gan để tìm kiếm các ổ di căn (Hình 2.22).

ra một cách đơn giản bằng các đổ đầy nước muối ấm vào ổ bụng Một ứng dụng khác của siêu âm trong mổ là xác vị trí ống tụy bị giãn. Trong trường hợp phẫu thuật viên muốn đặt ống thông vào ống tụy (thường là bước chuẩn bị trong thực hiện cắt tá tụy), người ta luồn kim vào ống tụy dưới sự  kiểm soát của siêu âm (đầu dò phẳng tần số 10 MHz) rồi luồn ống thông vào ống tụy theo kim dẫn.

2.5. Siêu âm nội soi

Dù chỉ có ở một số cơ sở nhất định, kỹ thuật siêu âm nội soi cung cấp một khả năng tuyệt vời trong đánh giá tụy và đường mật. Siêu âm nội soi cho độ phân giải cao về các khối nhỏ, các hạch bạch huyết gần kề, tụy và đường mật. Hạn chế của phương pháp bao gồm giá thành cao, dụng cụ không sẵn có và yêu cầu thành thạo cả về nội soi và siêu âm. Hạn chế của kỹ thuật gồm trường quét bị giới hạn và hướng khác thường của các ảnh

3. Lách

3.1. Mở đầu

Lách là đơn vị bạch huyết lớn nhất cơ thể, là một cơ quan đặc của ống tiêu hoá nằm ở phần sau ngoài phía trên trái ổ bụng.

Siêu âm cho phép:
– thể hiện tổn thương của lách.
– xác định rõ các đặc điểm hình ảnh.
– xác định rõ các tổn thương phối hợp nếu có.
Đây là một khám xét nhậy, có thể làm lại, phụ thuộc người làm. Được thực hiện bởi các mặt cắt liên sườn, dưới sườn quặt ngược; từ trước, bên hay sau; khi hít vào bình thường và khi hít sâu. Thông thường lách được thấy rõ nhất ở mặt phẳng đứng ngang bệnh nhân nằm nghiêng sang phải.

Bình thường đậm độ âm của lách là đồng đều với các âm nhỏ (mịn) và phân bố đều, đậm độ âm này tương đương hoặc thấp hơn đậm độ âm của gan một chút, giảm âm hơn so với tụy (trừ trẻ em) và tăng âm hơn so với thận. Khám siêu âm rất đáng tin cậy để xác định kích thước của lách (Hình 3.1), kích thước này thay đổi theo tuổi và giới cũng như theo từng cá nhân:
– trên mặt cắt dọc theo trục lớn, chiều dài lách đo được 13cm.
– trên mặt cắt vuông góc, chiều rộng là 8cm và chiều dày là 5cm.

Hơn nữa siêu âm còn hướng dẫn chọc hút áp xe hay dẫn lưu qua da. Siêu âm Doppler được sử dụng khi người ta nghi ngờ bệnh lý về mạch máu, tăng áp lực tĩnh mạch cửa hay một khối u có mạch. Bình thường, dòng động mạch là hai pha; dòng tĩnh mạch là liên tục, nó thay đổi theo hô hấp, hoạt động tim và tăng lên sau sự tiêu hóa. Bản chất của lách: nụ mạch của trung mô phát triển trong thành trái của mạc treo dạ dày (giai đoạn phôi), lách thuộc hệ thống lưới nội mô. Bản chất mạch máu của nó, các chức năng của nó đồng thời tạo huyết và tiêu huyết, và là một nhánh của hệ thống tĩnh mạch cửa đã giải thích rất nhiều tình trạng bệnh lý lách.

3.2. Các thay đổi giải phẫu và dị tật.

3.2.1. Các thay đổi giải phẫu.

– Củ lách (phần nhu mô bình thường nhô ra ở mặt trong, trên bờ thận, nó kéo theo một biến dạng sau rốn lách.)
– Tồn tại các rãnh có độ sâu thay đổi làm khuyết bề mặt lách tạo ra vẻ giả tiểu thùy.
 khi có chấn thương cần chẩn đoán phân biệt với các tổn thương lách
– Lách có hình đĩa: đó là bất thường quay lách trong thời kỳ phôi thai.
3.2.2 Các thay đổi về vị trí.
Lách di động hay lách lang thang.
Đó là một thực thể hiếm. Lách có thể ở mức hố chậu trái, phải, ở quanh rốn
hay tiểu khung.
Các nguyên nhân được gợi lên:
– nguồn gốc bẩm sinh: không có dây chằng lách-thận hay dây chằng vị-lách
do thiếu sự hợp nhất mạc treo dạ dày sau với phúc mạc.
– nguồn gốc loạn dưỡng: sự quá nhão (chùng) của dây chằng.
– nguồn gốc hóc môn: chửa đa thai là một yếu tố thuận lợi.
– nguồn gốc cơ học: sự nhỏ đi rất nhiều ở một lách vốn rất lớn.
– Hội chứng Prune-Belly.
Sự phát hiện đôi khi là tình cờ, trước một bệnh nhân đau và có khối u ở bụng xuất hiện từng đợt, di động theo tư thế. Chẩn đoán được gợi lên bởi chụp bụng không chuẩn bị và siêu âm Doppler với sự không có lách vị trí bình thường và được xác định bởi scintigraphie. Nguy cơ chính là sự xoắn của cuống lách với sự xoắn bán cấp hay mạn tính có thể tiềm ẩn và sự nhồi máu. Cuống lách theo sự di động của lách và kéo theo đuôi tụy. Đó là một biến chứng hiếm (100 trường hợp trong y văn), với một nguy cơ lớn là đứt tụy. Siêu âm Doppler khẳng định không có luồng chảy trong nhu mô và đánh giá chỉ số kháng trong thân động mạch chính trong 84% các trường hợp. Tĩnh mạch lách tiếp nhận một luồng từ gan. Tuy nhiên luồng này có thể bình

thường nếu xoắn ở xa, sự cấp máu thực hiện bởị trung gian của các động mạch tụy và các động mạch vị ngắn. Lách lạc chỗ Đó là vấn đề của sự hợp nhất không hoàn toàn của mạc treo dạ dày sau. Có sự trội lên rõ ràng ở giới nữ: tỷ lệ là 20/1 ở các bà mẹ đã sinh con nhiều lần. Lách lạc chỗ thường nhất là tiềm ẩn hay tăng lên bởi sự ép của các cơ quan kề cận. Vị trí có thể ở khắp nơi, thường là khung chậu, đôi khi ở sau tim do sự thoát vị hoành cạnh thực quản.
3.2.3 Sự biến đổi số lượng.
Không có lách hay giảm chức năng lách (asplénie ou hypo-splénie)

Hội chứng Ivemark là một thực thể hiếm, kết hợp với nhiều dị tật: sự đảo lộn phủ tạng, bệnh tim bẩm sinh phức tạp, không có lách. Sự giảm chức năng lách được thấy trong một số bệnh di truyền.

Cần phải loại trừ:
– một lách đã cắt.
– không có lách chức năng do sự teo xơ gặp ở các bệnh nhân hồng cầu hình liềm, tiểu cầu-huyết hay các bệnh tự miễn có đông máu rải rác trong lòng mạch.
Đa lách
Chỉ có 5 – 10% tật nhiều lách không kết hợp với các dị tật khác, không triệu chứng, được phát hiện ở tuổi trưởng thành. Thực tế, tật nhiều lách thường kết hợp với các dị tật khác và biểu hiện ở tuổi thiếu nhi: dị tật tim, đảo ngược phủ tạng, phổi hai thùy mỗi bên, bất thường hệ tiêu hóa (tịt đường mật; tụy ngắn, tròn do ngừng phát triển của tụy lưng) và bất thường mạch máu (hai tĩnh mạch chủ dưới và trên, tĩnh mạch cửa trước tá tràng). Số lượng của lách rất thay đổi (có thể tới 17); chúng ở mức bờ cong lớn và mạc treo dạ dày sau, mỗi lách nhỏ là độc lập. Thể tích chung của chúng bằng với thể tích của lách bình thường.

Bệnh lách màng bụng (Splénose péritonéale)
Nó thường gặp và được hình thành từ một ghép tự thân của mô lách do sự phá vỡ nhu mô lách. Sự phát tán này dẫn tới sự hình thành các nốt trong ổ bụng, khung chậu, lồng ngực và thậm chí dưới da. Các nốt này không có cuống riêng, không có vi tuần hoàn và các mạch xâm nhập trực tiếp qua vỏ của nó. Dị thuờng này gặp sau một chấn thương, một cắt lách sau chấn thương hay sau một thủ thuật phẫu thuật khó. Lách phụ hay lách nhiều thuyết đã được đề xuất:
– hợp nhất không hoàn toàn hay không có sự hợp nhất của nhiều khối lách.
– Tình trạng gần nhau của các đảo lách và các mào sinh dục, trong trường hợp hợp nhất lách- sinh dục mà lách phụ ở bìu cắm vào hay bao quanh tinh hoàn trái (nó thường teo, kết hợp với một tinh hoàn ẩn) hay buồng trứng.
– sự phân đoạn của mô do các nhánh của động mạch lách.
Chẩn đoán được đặt ra trong tuổi thơ ấu trước một tràn dịch tinh mạc, xoắn tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn một thoát vị bẹn hay tắc ruột. Có hai dạng:

– một dạng liên tục với một thừng có khẩu kính giảm dần nối từ cực trên của lách tới ống bẹn, hoặc sau phúc mạc, hoặc ở trước đại tràng hay các quai ruột.
– Một dạng không liên tục không có sự hợp nhất giải phẫu thực sự. Vị trí của lách phụ rất thay đổi: thường thấy nhất ở gần lách bình thường, rốn lách (60% các trường hợp), trong đuôi tụy (theo Haymard), giữa các lá của mạc nối vị-lách, trong mạc treo ruột, mạc nối lớn, dây chằng lách-đại tràng, cuối cùng hiếm hơn là ở bao gan hay sau phúc mạc. Lách phụ thường gặp ở trẻ em (50% các trường hợp) và 10-20% ở người trưởng thành. Chúng thường là duy nhất (88% các trường hợp), hai lách phụ (9% các trường hợp), hiếm khi có từ ba lách phụ trở lên (3%). Chúng tập hợp lại trong cùng một vị trí, có sự cấp máu riêng và có hoạt động chức năng.

Hình. Hình cắt chếch theo rãnh liên sườn thấy toàn bộ chiều dài lách. Lách phụ hình tròn nằm ở rốn lách với cấu trúc âm giống lách.

3.3. Vôi hóa lách.

3.3.1 Nguyên nhân của vôi hóa lách
Có hai hoàn cảnh phát hiện :
– tìm kiếm một cách hệ thống trên phim chụp bụng không chuẩn bị, siêu âm hay chụp CLVT.
– xuất hiện vôi hóa trên một tổn thương đã biết.
3.3.2 Đặc điểm của vôi hóa theo nguyên nhân
SIDA: vôi hóa có hình chấm hay hình vòng tròn, xuất hiện theo kiểu tăng dần, cần xét đến viêm phổi kẽ do Pneumocystis carinii.
Bệnh lao: nốt vôi hóa nhỏ hay to, nhiều và rải rác.

Bệnh brucella: dạng hình bia bắn, dày đặc ở trung tâm, dạng lá mỏng ở ngoại vi.
U nang: vôi hóa hình đường cong theo thành nang (Hình).

Hình. Nang lách vôi hóa. Thành bị vôi hóa và tạo bóng cản âm. Đây là một dấu hiệu tình cờ được phát hiện ở một bệnh nhân không triệu chứng.

Vôi hóa vòng quanh hình nhẫn, mở rộng trong vài tuần:
– bệnh hồng cầu hình liềm: do nhồi máu nhiều và lặp lại.
– bệnh u hạt (granulomatose)
– di căn của một ung thư biểu mô.

3.4. Nhiễm trùng và các bệnh toàn thân.

3.4.1 Lách to đồng nhất
Chẩn đoán xác định
Lách có thể sờ thấy ở 10% trẻ em và 3% người trưởng thành. Hiện nay chẩn đoán X-quang lách to dựa trên siêu âm và chụp CLVT.

Siêu âm là khám xét nhậy nhất để phát hiện lách to, chẩn đoán được gợi ra khi:
– nếu có hai kích thước tăng.
– nếu bề mặt của lách lớn hơn bề mặt cắt của thận trái (trên cùng một mặt cắt)
– khi một bờ (lách) dưới cực dưới thận.
– hay trước sự mất đi tính lõm của các mặt của lách.
Chẩn đoán nguyên nhân
Lách to thuần nhất thường chỉ là một hiện tượng phụ của bệnh toàn thân. Siêu âm không có gì đặc hiệu.
3.4.2 Lách to không đồng nhất
Sự phát hiện một lách to không thuần nhất có hình kê (lấm chấm) đặt ra vấn đề nguyên nhân. Chỉ có bối cảnh lâm sàng và xét nghiệm mô học mới cho phép một chẩn đoán chính xác.
Về siêu âm:
Trong các tổn thương nhiễm trùng siêu âm có nhiều vẻ:
– hoặc là bình thường trong giai đoạn trước khi làm mủ.
– giảm âm, ranh giới không rõ, dịch ở trung tâm.
– đôi khi có mức dịch hay nhồi máu.
– dạng tăng âm với bóng cản hay tăng âm của các bóng khí.
 trong các tổn thương do vi khuẩn, mầm bệnh thường là Gram +, Gram -, vi khuẩn đường ruột là Salmonella.
 nhiễm vi rút thể hiện bằng lách to không đặc hiệu.
 Các áp xe do nấm gặp trong suy giảm miễm dịch trầm trọng. Một số có thể có một vẻ rất gợi ý như áp xe do Candida albicans:
– type 1: “ wheel within wheel ”: ổ giảm âm trong một nốt tăng âm, được bao quanh bởi một quầng sáng giảm âm.
– type 2: hình mắt bò hay hình bia bắn: nốt tăng âm có quầng giảm âm xung quanh. Mô viêm được bao quanh bởi sự xơ hóa.

– type 3: nốt giảm âm.
– type 4: ổ tăng âm kích thước 2 đến 5 cm kết hợp với một bóng cản.
 trong giai đoạn SIDA tổn thương ngoài phổi là hiếm; tổn thương thường trong ổ bụng và luôn có một tổn thương phổi phối hợp. Lách to với các tổn thương giảm âm cục bộ, ranh giới không rõ, các tổn thương này to lên và vôi hóa dần dần hình vòng tròn hay theo kiểu hình chấm. Các bệnh cơ hội xuất hiện trong giai đoạn tiến triển;
– sarcome de Kaposi.
– lymphome (u lympho bào).
– nhiễm trùng do ngành vi khuẩn nấm.
– Nhiễm trùng do Pneumocystis carinii.
-. Bệnh ký sinh trùng do Shistosoma mansoni (sán máng gây bệnh chủ yếu ở ruột): lách to do xơ hóa quanh tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch quanh khoảng cửa và tĩnh mạch lách, thể hiện dưới dạng “ống điếu”- “tuyau de pipe”. Tổn thương lách xảy ra do tăng áp lực tĩnh mạch cửa và do tăng sinh hệ lưới nội mô.
 áp xe amíp là hiếm, nó phát triển do tình trạng tiếp cận với tổn thương amíp nguyên phát ở đại tràng góc lách. Siêu âm, tổn thương có dạng “nửa rắn” “semi-solide”. Khi có dạng dịch cần đặt ra chẩn đoán phân biệt với kén hydratique.

3.5. Các u lách.

Không có một phương tiện X-quang nào cho phép phân biệt một cách  chắc chắn một u lành tính với một u ác tính. Nếu các khám xét X-quang đầu tiên định hướng tới một “vẻ ác tính”, chỉ có mô học mới xác định rõ bản chất khối u. Các khối u ác tính, nổi trội là di căn và lymphome.
– hoặc tổn thương này xen vào trong một bệnh cảnh toàn thân và chẩn đoán có thể được gợi ra.
– hoặc sự phát hiện là tình cờ và tổn thương u là đơn độc và một số luận cứ được đặt ra để hướng tới nguyên nhân.

Trong thực tế một u đặc của lách có ranh giới rõ thường gặp nhất là di căn.
3.5.1 Di căn
Là các u ác tính của lách thường gặp nhất, chúng được tìm thấy khi đánh giá tổng kê sự xâm lấn hay khi mổ xác. Gặp ở người 60 đến 70 tuổi. Sự ít gặp của chúng (3,4 đến 7%) được giải thích do sự không có mạch bạch huyết dẫn vào (lách) và bởi vai trò miễn dịch của lách. Vấn đề là sự phát tán di căn trong 85% trường hợp do đường máu hay đường bạch huyết, ngược đường tĩnh mạch cửa (TALTMC) hay bởi ung thư biểu mô
phúc mạc.
Theo thứ tự thường gặp, người ta kể ra:
– nguồn gốc từ vú (21% các trường hợp).
– phế quản-phổi (18%).
– buồng trứng (8%).
– dạ dày (7%).
– u hắc tố (6%).
– nguồn gốc tử cung (6%).
– tiền liệt tuyến.
Mọi vẻ có thể gặp trên siêu âm: đôi khi là một tổn thương duy nhất, ranh giới rõ, có chiều hướng như dịch. Các tổn thương này giảm âm.
3.5.2 Lymphome
Là một nguyên nhân lớn của lách to và 30% lách to xuất hiện tự phát có lẽ có nguồn gốc lympho bào.
U lympho bào ác tính không Hodgkin thể hiện bởi một tổn thương lan tỏa và
trong 30% các trường hợp lách bị xâm lấn. Trái lại, u lympho bào nguyên phát của lách rất hiếm, dưới 1%.
Về siêu âm Không có tính chất đặc trưng và có nhiều vẻ: hình bình thường trong 30% các trường hợp, lách to thuần nhất hay không thuần nhất, dạng kê (tổn thương có kích thước 1-5mm), dạng nhiều nốt (2-10mm) hay khối đơn độc kích thước lớn, giảm âm (Hình).
Chẩn đoán được gợi ra trước một mớ các luận chứng, nhưng cần phải nghĩ tới một áp xe, một di căn, một ung thư liên kết mạch (angio-sarcome), một u nang không điển hình hay SIDA trong hình thái rất xâm lấn.
Chẩn đoán sẽ được khẳng định bởi mô học sau khi chọc hút. Siêu âm xác nhận các dạng khác nhau với độ đặc hiệu tốt và độ nhậy thấp hơn (54%).

3.5.3 Ung thư liên kết (sarcome)
Ung thư liên kết mạch (hémangio-sarcome: phát triển trên lớp áo ngoài cùng của mạch máu).
Hiếm và gặp ở lứa tuổi 50. Bệnh căn chưa biết nhưng một vài yếu tố thuận lợi được tìm thấy: bức xạ ion hóa, arsenic, Thorotrast, chấn thương. Là nguyên phát hay thứ phát do sự thoái hóa của một u mạch máu.

Cách thức phát hiện rất thay đổi, đôi khi là một lách to và đau dưới sườn trái hay một tan máu của bệnh vi mạch, một đông máu trong mạch lan tỏa (CIVD: coagulation intravasculaire disséminée). Đôi khi đó là một vỡ tự phát trong ổ bụng.
Về siêu âm: đó à một khối u đặc, có ranh giới rõ, với các vùng tăng âm và không có âm.

Sarcome de Kaposi

Đó là tổn thương da ở đầu dưới chi dưới, tiến triển chậm. Phối hợp với SIDA, nó trở nên xâm lấn và có tổn thương nội tạng: phổi, lách, ống tiêu hóa, các hạch bạch huyết. Tổn thương ở lách gặp trong 5% các trường hợp. Là một khối thường nhiều nốt lan rộng trong phúc mạc.
3.5.4 Các u ác tính nguyên phát.
(không đề cập vì hiếm)
3.5.5 Các u lành tính
Chúng là các khối đặc, giảm hay tăng âm.
U mạch máu (hémangiome)
Thường không có triệu chứng, được phát hiện khi mổ xác hay khi vỡ. Hay gặp ở phụ nữ có thai và/hoặc dùng thuốc tránh thai (oestro-progestatifs).
Chúng giống u máu của gan:
Tăng âm (siêu âm), ngấm thuốc cản quang từ ngoại vi vào trung tâm chậm (chụp CLVT).
Nhưng cũng có thể giảm âm hay ngấm thuốc mạnh (nhiều mạch máu). Dạng điển hình là một khối giảm âm, khu trú hay lan tỏa, ranh giới rõ, hiếm khi có vôi hóa.

U loạn sản phôi hay loạn sản nốt (Hamartome ou Dysplasie nodulaire)  Thường không có triệu chứng và phát hiện tình cờ, đó là một khối tăng âm không đồng đều, lách to (Hình). Trên siêu âm Doppler mầu thấy tăng sinh mạch trong khối.

U bạch mạch (lymphangiome).
Hiếm. Có 3 dạng: dạng đơn thuần, dạng u nang, dạng hang (caverneux) và không vôi hóa, liên quan đến toàn bộ lách. Các viêm giả u (les pseudo-tumeurs inflammatoires) Đó là các khối có vỏ, giới hạn rõ mà nguồn gốc chưa biết. Chúng được hình thành từ các tế bào tương bào, lympho bào, mô bào và chất đệm liên kết.
Hình thái của chúng, lách to và đôi khi bị vôi hóa. Trên siêu âm chúng giảm âm. Sự định vị ở lách là hiếm; người ta thường thấy các giả u này trong cây phế quản, tim, dây tiêu hóa, mô mềm, màng não và các hạch bạch huyết. Người ta không thể phân biệt chúng với các u lympho bào ở phương diện X-quang.
3.5.6 Các giả u
Lách phụ ở rốn lách, lạc chỗ của tụy, bọc máu tụ, nang giả tuỵ hoại tử, nang chảy máu, áp xe và bệnh lý nhiễm trùng.
3.5.7 U nang
Siêu âm là khám xét được chỉ định đầu tiên và cho phép phân biệt các u nang với các khối đặc.
Siêu âm, các u nang có hình tròn, thường là duy nhất, đôi khi nhiều, dịch trong, giới hạn rõ với bờ mỏng đều đặn và có tăng âm phía sau. Đôi khi dịch trong nang không đồng âm hay tăng âm do lắng đọng của cholestérol hay cặn.

Nguyên nhân được gợi ra tuỳ theo hình ảnh của nang, của bối cảnh lâm sàng, nhưng đôi khi sự xác nhận của phẫu thuật là cần thiết.
3.5.8. U nang do ký sinh trùng (để tham khảo)
U nang sán, hay gặp bệnh sán Echinococcus có nguồn gốc ở Nam Mỹ, Bắc Phi, Trung Đông, úc, chiếm 60% các nang lách. Sự định vị ở lách là hiếm (2%).

Về lâm sàng, bệnh nhân có sốt, lách to, đau bụng. Huyết thanh âm tính nếu nang được vôi hoá hay không hoạt động.
Thành của nang được cấu tạo từ ngoài vào trong:
– quanh nang: vỏ viêm xơ cứng phản ứng.
– Tiểu bì: màng không được cấu tạo từ tế bào.
– Màng mầm với các túi nang.
Các giai đoạn của nang sán (theo Gharbi và cộng sự):
G/đ 1:
– sự tụ dịch trong.
– dày khu trú.
G/đ 2:
– thành nang tách đôi.
– màng di động gập lại.
– có hình đàn “lire”.
G/đ 3:
– nhiều nang hình tổ ong.
– hình nơ hoa hồng của các nang nhỏ (con).
G/đ 4:
– cấu trúc âm không đều.
G/đ 5:
– nang bị vôi hóa.
– hình vỏ trứng.
– tăng âm.

3.5.9 Các u nang không do ký sinh trùng
Hay gặp ở nữ, tuổi khá trẻ và kích thước nang thường trên 10 cm. Không có triệu chứng trong 50% các trường hợp; các biến trứng theo kiểu nhiễm trùng, chảy máu, vỡ là tăng lên khi có thai. Hình dạng của nang rất thay đổi, thường có một nang. Các u nang thực sự hay nguyên phát Chiếm 25% các nang không do ký sinh trùng. Chúng là bẩm sinh và có lớp áo biểu mô hay nội mô. Người ta chia làm ba loại:
 Các u nang biểu mô (les kystes épitholiaux):
– các u nang dạng biểu bì-épidermoide (10% các trường hợp) gặp ở trẻ em và thiếu niên. Thành của nang được hình thành từ cột vách tương tự các cột cơ tim (signe du feston-dấu hiệu đường viền). Chúng không có triệu chứng, đôi khi có vôi hóa và rất to. Siêu âm, nó có dạng một khối thuần nhất với các âm ở chỗ trũng hay một khối dịch có tua vách ở chung quanh (Hình).
– các nang dạng da- dermoide rất hiếm.
– các nang nội mô- endotheliaux hết sức hiếm: các nang thanh dịch đơn độc hoặc trong bệnh đa nang gan-thận.

 U nang bạch mạch (lymhangiome kystiques)
Sự định vị ở lách là đặc biệt hiếm. Nói chung, nang thường ở dưới vỏ và có một ổ. Có một tiền sử chấn thương hay can thiệp phẫu thuật là một lý do được xét đến. Nang là một dị tật bẩm sinh mạch bạch huyết của lách, trong 20%

trường hợp có kết hợp với nang ở các vị trí khác (gan, thận, tuỵ, trung thất, bìu và mô dưới da, đặc biệt ở hố thượng đòn). Cần phải tìm một phù bạch huyết của các dị tật ở da hay ở tạng: bệnh u xơ thần kinh và bệnh u nội sụn xương.
Siêu âm, nang thường có vách chia thành các ổ nhỏ; đôi khi có dạng nang có một ổ.
 U nang dạng nhầy có lớp áo sinh nhầy (le kyste mucoide à revêtement mucipare)
– hoặc do di căn của ung thư biểu mô nang tuyến nhầy của buồn trứng hay của ruột.
– hoặc do sự lạc chỗ của buồng trứng trong lách với sự phát triển của một khối u dạng ruột nguyên thuỷ.
Các u nang giả

Chúng không có lớp áo biểu mô.
 Các u nang sau chấn thương: trong 50% các trường hợp, chúng được chẩn đoán muộn sau chấn thương. Được thấy ở mọi lứa tuổi. Một hay hai ổ khuyết, thường có vôi hoá.
 Các u nang do viêm: thường gặp sau viêm tuỵ.
 Các u nang thoái hoá: thường thứ phát sau nhồi máu hay cắt lách.

3.6. Bệnh lý mạch máu

3.6.1 Phình động mạch lách
Chúng thường gặp sau các phình mạch của ĐMCB dưới thận và của ĐM chậu. Gặp ở phụ nữ trong 97% các trường hợp và chúng không có triệu chứng trong 80% các trường hợp.
Người ta phân biệt:
Phình mạch thật (les vrais anévrysmes).
– Các phình mạch thứ phát do xơ cứng động mạch chiếm 60%.
– Các phình mạch do nấm.

– Các phình mạch do loạn sản: 10% các trường hợp.Đó là sự không có hay sự phát triển không đầy đủ của lớp chun trong của màng trong với sự xơ hoá của lớp giữa thành mạch.
– Lách to sung huyết gặp trong sốt rét, bệnh Gaucher (bệnh ở nữ giới) hay TALTMC
– Có thai là một nguyên nhân của phình mạch lách và nhất là vỡ lách ở người đẻ nhiều lần do sự biến chất (hỏng đi) của mô liên kết, tăng thể tích máu lưu chuyển, sung huyết tĩnh mạch cửa và giảm sức bền mạch máu. Trong ba tháng cuối có sự giãn của động mạch ở đoạn tận cùng.

Giả phình mạch (les faux anévrysmes).
– Có thể thứ phát sau viêm tuỵ cấp hay mạn do sự ăn mòn tự động thành
động mạch. Nguồn gốc chấn thương chiếm 3% các trường hợp.
Ba loại phình mạch: hình túi, hình thoi và phình tách.
3.6.2 Nhồi máu lách (infarctus splénique)
Thường tiềm tàng, nhồi máu lách là một trong các chẩn đoán được gợi ra trước một thương tổn giảm âm đơn độc. Nhồi máu là kết quả của sự tắc cấp của động mạch hay các nhánh của nó do huyết khối hay sự nghẽn mạch. Phần lớn các nhồi máu lách khỏi tự phát, hiếm khi bội nhiễm, chảy máu nhu mô và vỡ lách.
Các nguyên nhân.
– Xơ vữa mạch.
– Viêm tuỵ cấp, khối u hay khối của tuỵ.
– Thiếu máu tan máu.
– Bệnh tăng gánh (quá tải): bệnh u hạt của Wegener.
– Thiếu hụt protéine C.
– Nhiễm khuẩn máu, viêm nội tâm mạc.
– Lách bệnh lý: hội chứng tăng sinh tuỷ, bệnh hồng cầu hình liềm,
thalassémie.

– Nguồn gốc nghẽn mạch: bệnh tim gây nghẽn mạch, nhiễm khuẩn máu, viêm nội tâm mạc.
– Nguồn gốc do thuốc: cocaine, ghép gan, chụp mạch máu hay thủ thuật làm nghẽn mạch, tiêm truyền trong mạch Vasopressine.
– Xoắn lách.
– Cơn sốt rét (accès palustre).
– Nếu không có nguyên nhân nào được tìm thấy người ta cho đó là nhồi máu tự phát: thường xảy ra ở chứng tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (mononucléose infectieuse).
Hình ảnh
Chẩn đoán siêu âm hầu như không thể được, trừ thể điển hình, nhưng nó hiếm gặp:
Siêu âm, vùng giảm âm hình tam giác, đáy ở ngoại biên, đỉnh hướng vào rốn lách, hình chêm.

Nguồn: “Bài giảng siêu âm tổng quát” – do PGS.TS Phạm Minh Thông [Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Bạch Mai] chủ biên

Xem tất cả siêu âm tại: https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/khoa-hoc-can-lam-sang/sieu-am/

Advertisement

Giới thiệu Phan Trọng Hiếu

Check Also

[Xét nghiệm 57] Hormone kích thích tạo nang trứng (FSH)

HORMON KÍCH THÍCH TẠO NANG TRỨNG (FSH) (Folliculostimuline Hypophysaire / Follicular-Stimulating Hormone [FSH])   Nhắc …