[Sinh lí Guyton số 50] Mắt: Cơ chế quang học của sự nhìn

Rate this post

1.CÁC NGUYÊN LÝ QUANG HỌC

Để hiểu được hệ thống quang học của mắt, chúng ta cần nắm được những nguyên tắc cơ bản của quang học, bao gồm vật lí về khúc xạ ánh sáng, tiêu điểm, tiêu cự, vv… Đầu tiên những nguyên tắc vật lý sẽ được trình bày một cách ngắn gọn, sau đó chúng ta sẽ thảo luận về quang học của mắt.

Khúc xạ ánh sáng.

Chỉ số khúc xạ của một môi trường trong suốt. Ánh sáng đi trong không khí với tốc độ khoảng 300,000km/s, nhưng nó sẽ chậmhơn nhiều khi đi trong các môi trường trong suốt khác. Chỉ số khúc xạ của một môi trường trong suốt là tỉ số giữa tốc độ ánh sáng khi đi trong không khí và khi đi trong môi trường trong suốt đó. Chỉ số khúc xạ của không khí là 1.00. Do đó, nếu ánh sáng đi trong một loại thủy tinh với tốc độ là 200,000km/s thì chỉ số khúc xạ của loại thủy tinh này 300,000 chia cho 200,000, hay 1.50.

Hiện tượng khúc xạ những tia sáng ở bề mặt giữa hai môi trường có chỉ số khúc xạ khác nhau. Khi những tia sáng của một chùm ánh sáng (như Hình 50-1 A) đi tới gặp một bề mặt phân cách vuông góc với hướng đi của chùm ánh sáng, những tia sáng sẽ đi vào môi trường thứ hai mà không bị thay đổi hướng cũ của nó. Tác động duy nhất xảy ra là tốc độ truyền giảm đi và bước sóng ngắn hơn, như trên hình vẽ mô tả khoảng cách giữa các vân sóng bị ngắn hơn.

Nếu những tia sáng đi tới một môi trường tạo thành góc với nó, như mô tả trên Hình 50-1B, những tia sáng sẽ bị gấp khúc nếu chỉ số khúc xạ của hai môi trường là khác nhau. Trong hình vẽ, những tia sáng đang đi từ không khí, nơi có chỉ số khúc xạ là 1.00, và đi vào một khối thủy tinh có chỉ số khúc xạ là 1.50. Khi chùm tia sáng đầu tiên đến gặp bề mặt chéo góc, bờ dưới của chùm tia sẽ đi vào khối kính trước bờ trên của chùm tia. Các vân sóng của phần trên chùm tia sáng vẫn tiếp tục đi với vận tốc 300,000km/s, trong khi tốc độ của nó khi đi vào khối kính là 200,000km/s. Sự khác nhau về tốc độ này là nguyên nhân khiến cho phần trên chùm tia đi ra trước phần dưới vì thế làm cho các đỉnh sóng không đi thẳng nữa mà gấp khúc sang bên phải. Bởi vì hướng đi của tia sáng luôn luôn vuông góc với đường vân sáng, nên chiều của chùm sáng bị bẻ cong xuống dưới.

Sự gấp khúc của những tia sáng tại mặt phẳng chéo góc chính là sự khúc xạ. Chú ý đặc biệt là mức độ khúc xạ tăng lên như một hàm số của (1) tỉ lệ chỉ số khúc xạ của hai môi trường và (2) góc tạo bởi bể mặt kính và hướng đi vào của vân sáng.

Áp dụng nguyên lý khúc xạ cho các thấu kính.

Thấu kính lồi làm hội tụ các tia sáng. Hình 50-2 thể hiện các tia sáng song song đang đi vào một thấu kính lồi. Các tia sáng đi xuyên qua đúng điểm trung tâm của thấu kính sẽ vuông góc với bề mặt kính, nên vì thế, nó xuyên qua thấu kính mà không bị đổi hướng. Các tia sáng khác sẽ dần đi về phía bờ của thấu kính, vì thế, những tia sáng sẽ tạo ra góc càng lớn với bề mặt kính.

Các tia sáng càng ở phía ngoài thì càng bị hướng vào trung tâm, đó chính là sự hội tụ của các tia sáng. Một nửa sự gấp khúc xảy ra khi những tia sáng đi vào thấu kính, và nửa kia sẽ xảy ra khi các tia sáng đi ra ở mặt kia của thấu kính. Nếu thấu kính có các mặt cong cân bằng nhau, những tia sáng song song khi xuyên qua các phần thấu kính sẽ bị gấp khúc đủ chính xác để tất cả các tia sáng sẽ đi qua một điểm duy nhất, điểm đó gọi là tiêu cự.

Thấu kính lõm phân kì các tia sáng. Hình 50-3 biểu diễn tác dụng của thấu kính lõm lên các tia sáng. Các tia sáng đi qua điểm trung tâm của thấu kính sẽ gặp bề mặt kính vuông góc với chùm tia, vì thế, sẽ không bị khúc xạ. Các tia sáng ở bờ của thấu kính đi vào thấu kính trước các tia ở trung tâm. Tác dụng này ngược lại so vớit ác dụng của thấu kính lồi, và đó chính là nguyên nhân làm các tia sáng ở ngoại biên bị phân kì so với tia sáng đi qua trung tâm của thấu kính. Như vậy, thấu kính lõm sẽ phân kì các tia sáng, nhưng thấu kính lồi sẽ hội tụ các tia sáng.

Thấu kính hình hình trụ bẻ cong các tia sáng trong một mặt phẳng duy nhất – so với thấu kính hình cầu. Hình 50-4 mô tả một thấu kính lồi hình cầu và một thấu kính lồi hình trụ. Lưu ý rằng thấu kính hình trụ bẻ cong các tia sáng ở cả 2 mặt của thấu kính nhưng không phải ở phía trên hay phía dưới của nó, sự gấp khúc chỉ xảy ra trong một mặt phẳng mà không xảy ra ở các mặt phẳng khác. Như vậy, các tia sáng song song sẽ bị gấp khúc tạo thành một đường tiêu điểm. Ngược lại, các tia sáng đi qua thấu kính hình cầu sẽ bị khúc xạ ở mọi bờ của thấu kính (ở cả 2 mặt) để hướng về phía tia trung tâm, và tất cả các tia sẽ hội tụ tại tiêu điểm.

Thấu kính trụ có thể được hình dung như một cái ống đựng đầy nước. Nếu thử đặt ống ở nơi có chùm ánh sáng mặt trời hướng đến và đặt một mảnh giấy ở phía bên kia rồi dần đưa lại gần ống, ở một khoảng cách phù hợp sẽ tìm thấy nơi các tia sáng hướng đến đó là đường tiêu điểm. Thấu kính cầu có thể hình dung như một cái kính lúp thông thường. Nếu cũng đặt kính ở nơi có chùm ánh sáng mặt trời chiếu đến và dùng tờ giấy đưa dần lại gần thấu kính thì các tia sáng sẽ tập trung tại tiêu điểm chung ở một khoảng cách phù hợp.

Thấu kính lõm hình trụ sẽ phân kì các tia sáng trên một mặt phẳng duy nhất cũng giống như cách mà thấu kính lồi hình trụ hội tụ các tia sáng trên một mặt phẳng.

Kết hợp hai thấu kính hình trụ đặt vuông góc sẽ như một thấu kính hình cầu. Hình 50-5B mô tả hai thấu kính lồi hình trụ đặt vuông góc với nhau. Thấu kính hình trụ đứng sẽ hội tụ các tia sáng ở hai bên, và thấu kính hình trụ ngang sẽ hội tụ các tia sáng ở trên và dưới. Do đó, tất cả các tia sáng sẽ đi tới một điểm duy nhất-tiêu điểm. Nói cách khác, hai thấu kính hình trụ đặt vuông góc với nhau sẽ có tác dụng giống như một thấu kính hình cầu với cùng độ hội tụ.

Tiêu cự của thấu kính.

Khoảng cách từ một thấu kính hội tụ đến nơi mà các tia sáng song song hội tụ tại một điểm được gọi là tiêu cự của thấu kính đó. Hình vẽ trên cùng trong Hình 50-6 thể hiện sự hội tụ của các tia sáng song song.

Ở hình vẽ giữa, các tia sáng đi đến thấu kính hội tụ không phải là một chùm tia song song mà là phân kì bởi vì nguồn phát các tia sáng không đặt xa thấu kính đó. Chính vì các tia sáng phân kì từ một nguồn phát, như trong hình vẽ nên nó không hội tụ tại nơi như của chùm tia song song. Hay nói cách khác, các tia sáng phân kì đi qua thấu kính hội tụ, thì khoảng cách từ điểm hội tụ đến thấu kính là xa hơn so với tiêu cự của thấu kính.

Hình vẽ dưới cùng trong Hình 50-6 mô tả các tia sáng phân kì đi tới một thấu kính hội tụ có độ cong nhiều hơn so với hai thấu kính kia. Trong hình vẽ này, khoảng cách từ thấu kính cho tới nơi mà các tia sáng hội tụ đúng bằng khoảng cách đó trong hình vẽ đầu tiên, hình mà thấu kính có độ hội tụ ít hơn nhưng chùm tia chiếu đến là song song. Điều này chứng tỏ rằng cả chùm tia song song và chùm tia phân kì đều có thể được hội tụ tại cùng một khoảng cách so với thấu kính, miễn là thấu kính thay đổi độ lồi thích hợp.

Mối liên quan giữa tiêu cự của thấu kính, khoảng cách so với nguồn sáng, và khoảng cách đến điểm hội tụ của thấu kính được mô tả trong công thức sau:

trong đó f là tiêu cự của thấu kính, a là khoảng cách từ nguồn sáng đến thấu kính, và b là khoảng cách từ điểm hội tụ ở mặt kia đến thấu kính.

Sự tạo thành ảnh của thấu kính hội tụ

Hình 50-7A mô tả một thấu kính hội tụ với hai nguồn phát sáng bên trái. Bởi vì các tia sáng đi qua điểm trung tâm của thấu kính không bị khúc xạ trên trong mọi hướng, nên các tia sáng từ mỗi nguồn phát sáng sẽ đi tới một điểm hội tụ ở phía bên kia của thấu kính nằm trên đường thẳng đi qua nguồn sáng và điểm trung tâm của thấu kính.

Trong thực tế, bất cứ đồ vật gì đặt ở trước thấu kính, đều có thể xem như một nguồn phát ánh sáng. Một vài điểm sáng mạnh và một vài điểm sáng yếu với rất nhiều màu sắc. Mỗi điểm phát sáng trên đồ vật sẽ đi tới hội tụ tại một điểm riêng ở phía bên kia của thấu kính nằm trên đường thẳng đi qua trung tâm thấu kính. Nếu đặt một tờ giấy trắng ở điểm hội tụ thì sẽ có được một hình ảnh của vật, như mô tả trên Hình 50-7B. Tuy nhiên, hình ảnh này lộn ngược lại so với đồ vật gốc, và hai bên mặt của nó cũng bị đảo ngược. Thấu kính của một chiếc máy ảnh hội tụ hình ảnh trên phim theo cách thức này.

Đơn vị đo độ khúc xạ của một thấu kính —“Diopter”

Mức độ bẻ cong các tia sáng của thấu kính được gọi là “độ khúc xạ”. Độ khúc xạ có đơn vị là diopter. Độ khúc xạ của một thấu kính bằng 1m chia cho tiêu cự của nó. Do đó, nếu một thấu kính hình cầu hội tụ chùm tia song song tại một điểm cách thấu kính 1m thì thấu kính đó có độ hội tụ +1 diopter, như trong Hình 50-8. Nếu thấu kính khả năng hội tụ chùm tia song song gấp hai lần so với thấu kính có độ hội tụ +1 diopter, thì nó có độ hội tụ là +2 diopter, các tia sáng sẽ hội tụ tại điểm cách thấu kính 0.5m. Một thấu kính có khả năng hội tụ chùm tia song song tại điểm cách thấu kính 10cm (0.1 mét) thì độ hội tụ của nó là +10 diopter.

Độ hội tụ của một thấu kính phân kì không được định nghĩa bằng khoảng cách từ thấu kính đến điểm hội tụ phía bên kia bởi vì chùm tia sẽ bị phân kì thay vì hội tụ tại một điểm. Tuy nhiên, nếu một thấu kính phân kì các tia sáng với một mức độ như một thấu kính hội tụ +1 diopter hội tụ chúng, thì có thể nói thấu kính phân kì đó có độ hội tụ -1diopter.

Cũng như vậy, nếu thấu kính phân kì chùm tia với mức độ như một thấu kính hội tụ +10 diopter hội tụ chúng, thì thấu kính phân kì đó có độ hội tụ -10 diopter.

Thấu kính phân kì “vô hiệu hóa” độ hội tụ của thấu kính hội tụ. Do đó, khi đặt một thấu kính phân kì -1 diopter ngay trước một thấu kính hội tụ +1 diopter thì hiệu quả của các thấu kính là độ hội tụ bằng không.

Độ hội tụ của các thấu kính hình trụ được tính theo độ hội tụ của thấu kính hình cầu.ngoài ra còn phải tính đến trục của thấu kính hội tụ hình trụ.Nếu một thấu kính hình trụ hội tụ các tia sáng song song tại một đường tiêu điểm cách thấu kính 1mét, thấu kính đó có độ hội tụ là +1 diopter. Ngược lại, nếu một thấu kính phân kì hình trụ phân kì các tia sáng với cùng một tỉ lệ như một thấu kính hội tụ hình trụ hội tụ chúng, thì thấu kính đó có độ hội tụ -1 diopter. Nếu đường tiêu điểm nằm ngang thì trục của thấu kính hội tụ hình trụ đó là 0 độ. Nếu đường đó thẳng đứng thì trục của nó là 90 độ.

2.CƠ CHẾ QUANG HỌC CỦA MẮT

MẮT NHƯ MỘT CÁI MÁY ẢNH

Như trong Hình 50-9, về phương diện quang học, mắt tương đương như một cái máy chụp ảnh thông thường. Nó có hệ thống các thấu kính, hệ thống ống kính có thể điều chỉnh (lỗ đồng tử), và võng mạc vai trò như một cuộn phim. Các thấu kính của mắt bao gồm bốn bề mặt khúc xạ: (1) bề mặt giữa không khí và mặt trước giác mạc, (2) bề mặt giữa mặt sau giác mạc và thủy dịch, (3) bề mặt giữa thủy dịch và mặt trước thể thủy tinh, và (4) bề mặt giữa mặt sau thể thủy tinh và dịch kính. Chỉ số khúc xạ của các môi trường: của không khí là 1; của giác mạc 1.38; của thủy dịch là1.33; của thể thủy tinh (trung bình) là 1.40; và của dịch kính là 1.34.

Nghiên cứu tất cả các bề mặt khúc xạ của mắt như một thấu kính duy nhất — làm “đơn giản” mắt đi. Nếu các bề mặt khúc xạ của mắt được tổng hợp lại theo phương diện đại số và sau đó xem nó như một thấu kính duy nhất, thì cơ chế quang học của con mắt thông thường được đơn giản hóa và có thể tượng trưng nó bằng một “con mắt rút gọn”. Sự tượng trưng này rất hữu ích trong những tính toán đơn giản. Trong con mắt rút gọn, nó có một bề mặt khúc xạ duy nhất với điểm trung tâm nằm cách giác mạc 17 mm và tổng độ hội tụ là 59 diopter khi mắt điều tiết để nhìn những vật ở rất xa.

Khoảng hai phần ba độ khúc xạ trong 59 diopter là do bề mặt phía trước của giác mạc tạo nên (không phải bởi thể thủy tinh). Nguyên nhân của sự kì lạ này bởi vì có sự chênh lệch lớn về độ hội tụ giữa giác mạc và không khí, trái lại, chỉ số khúc xạ của thể thủy tinh không có sự khác biệt nhiều so với thủy dịch hay dịch kính.

Tổng độ hội tụ của thể thủy tinh, thường nằm trong mắt và được bao quanh bởi các chất lỏng mọi hướng, chỉ khoảng 20 diopter, khoảng một phần ba tổng độ hội tụ của mắt. Tuy nhiên, nó có vai trò rất quan trọng, đó là đáp ứng với kích thích của xung thần kinh từ não bộ và có thể thay đổi độ cong đáng kể để đưa về “trạng thái nghỉ ngơi”, điều này sẽ được nói rõ tròn chương sau.

Sự tạo thành ảnh trên võng mạc. Cùng với cách mà thấu kính máy ảnh làm hội tụ hình ảnh trên tấm phim, hệ thấu kính của mắt cũng làm hội tụ ảnh trên võng mạc. Hình ảnh này sẽ bị đảo ngược và đổi bên so với vật thực. Tuy nhiên, não bộ có thể hiểu được đồ vật ở vị trí thực dù nó bị đảo ngược vì não bộ đã được rèn luyện để làm điều đó.

3.CƠ CHẾ SỰ ĐIỀU TIẾT

Ở trẻ em, độ hội tụ của mắt có thể tùy ý tăng từ 20 diopter lên đến 34 diopter, nghĩa là đã “điều tết” 14 diopter. Để điều tiết như vậy, hình dáng của thể thủy tinh phải thay đổi từ mức độ lồi vừa phải sang lồi rất nhiều.

Ở người trẻ, thể thủy tinh giống như một bao đàn hồi chứa đầy nhớt, protein nhưng vẫn trong suốt. Khi thể thủy tinh ở trạng thái nghỉ ngơi thì nó gần giống như một hình cầu chính nhờ sợ đàn hồi của bao xơ đó. Tuy vậy, như trong Hình 50-10 mô tả, có khoảng 70 dây treo thấu kính gắn xung quanh thể thủy tinh hình nan hoa, nối từ bờ viền xung quanh thể thủy tinh tới bám ở thể mi (phần trước của màng mạch) của nhãn cầu. Dây treo thấu kính luôn căng do vậy thể thủy tinh có hình dạng khá dẹt trong điều kiện bình thường của mắt.

Cùng gắn với dây treo ở phía nhãn cầu là cơ thể mi, nó bao gồm hai thành phần cơ trơn riêng rẽ – cơ dọc và cơ vòng.Các cơ dọc nối từ ngoại vi dây treo ra đến chỗ nối củng-giác mạc. Khi những sợi cơ này co, nó sẽ kéo các đầu ngoại vi dây treo thể thủy tinh này về phía rìa giác mạc, qua đó làm giảm độ căng dây treo thể thủy tinh. Các cơ vòng được xếp thành vòng tròn bao quanh các nơi bám đầu ngoại vi của dây treo nên khi nó co, hoạt động như một cơ thắt, làm giảm đường kính của vòng tròn nơi gắn các dây treo; do đó cũng cho phép làm giảm độ căng dây treo thể thủy tinh.

Do đó, sự co một trong hai loại cơ thể mi này đều làm giảm độ căng của dây treo, giảm lực kéo dây treo tác dụng vào bao thấu kính và làm thấu kính trở thành hình cầu – như trạng thái tự nhiên của bao xơ đàn hồi.

Sự điều tiết được điều khiển bởi hệ thần kinh phó giao cảm.

Các sợi cơ thể mi được điều khiển gần như hoàn toàn bởi thần kinh phó giao cảm. Các tín hiệu được truyền đến mắt thông qua dây thần kinh sọ ba đi từ nhân thần kinh ba nằm ở thân não, điều này sẽ được giải thích cụ thể trong Chương 52. Sự kích thích của hệ phó giao cảm làm co các cơ thể mi, qua đó làm chùng các dây treo, vì vậy thể thủy tinh sẽ căng mập hơn và tăng độ hội tụ.Với việc tăng độ hội tụ, mắt sẽ có thể hội tụ ảnh của vật gần hơn, so với khi mắt có độ hội tụ thấp. Do vậy, khi một vật ở xa tiến gần lại mắt, hệ phó giao cảm sẽ phát ra nhiều xung thần kinh tới các cơ thê mi để mắt luôn giữ được hình ảnh của vật ở tiêu điểm. (Các xung thần kinh giao cảm có thể làm giãn các cơ mi, nhưng tác dụng này rất yếu nên gần như không có vai trò gì nhiều trong cơ chế điều tiết của mắt. Cơ chế này sẽ được nói rõ trong Chương 52)

Lão thị – mắt mất sự điều tiết.

Giống như sự già đi của con người, thể thủy tinh cũng phát triển ngày càng lớn hơn, dày hơn và kém đàn hồi hơn, một phần bởi sự biến đổi của protein trong thể thủy tinh. Khả năng thay đổi hình dạng của thể thủy tinh giảm dần đi theo tuổi. Khả năng điều tiết giảm từ 14 diopters ở trẻ em đến dưới 2 diopters ở người lớn 45-50 tuổi và gần như bằng 0 diopter ở người 70 tuổi. Từ đó về sau, mắt gần như mất hoàn toàn khả năng điều tiết, đó chính là lão thị.

Khi một người đã bị lão thị thì mắt của người đó chỉ có một tiêu điểm cố định và gần như không thể thay đổi được tiêu cự; khoảng này tùy thuộc vào cấu tạo vật lí riêng của mắt mỗi người. Mắt sẽ không thể điều tiết để nhìn gần hay nhìn xa được. Để có thể nhìn rõ được cả hai, người già đó buộc phải đeo kính hai tròng, với nửa trên dành cho nhìn xa và nửa dưới dành cho nhìn gần (ví dụ như đọc sách).

4.ĐƯỜNG KÍNH ĐỒNG TỬ

Chức năng chính của mống mắt là tăng lượng ánh sáng đi vào mắt trong ban đêm và giảm lượng ánh sáng đi vào mắt ở ban ngày. Sự điều chỉnh này sẽ được nói rõ trong Chương 52.

Lượng ánh sáng đi vào phía trong mắt thông qua lỗ đồng tử phụ thuộc vào độ rộng của đồng tử hay đường kính của nó. Đường kính đồng tử mắt người có thể nhỏ đến khoảng 1.5 mm và lớn đến khoảng 8mm. Lượng ánh sáng đi vào mắt có thể được điều chỉnh 30 lần như sự thay đổi độ lớn của lỗ đồng tử.

“Khả năng hội tụ” của hệ thấu kính tăng khi giảm đường kính đồng tử.

Hình 50-11 mô tả hai mắt giống nhau hoàn toàn ngoại trừ đường kính của lỗ đồng tử. Mắt phía trên có lỗ đồng tử nhỏ, mắt phía dưới có lỗ đồng tử lớn. Phía trước mỗi mắt có hai điểm phát sáng; ánh sáng từ mỗi nguồn đi qua lỗ đồng tử và hội tụ trên võng mạc. Do đó, ở cả hai mắt, võng mạc đều thu nhận được hai điểm ảnh khi ở chính xác tiêu điểm. Điều đó được mô tả đúng như trên hình vẽ, tuy nhiên, nếu võng mạc được di chuyển ra trước hoặc ra sau lệch ra khỏi vị trí tiêu điểm, kích thước mỗi điểm ảnh sẽ không thay đổi nhiều ở mắt phía trên, nhưng ở mắt phía dưới thì kích thước điểm ảnh sẽ lớn hơn và trở thành “điểm mờ”. Nói cách khác, hệ thấu kính của mắt ở trên có khả năng hội tụ cao hơn so với hệ thấu kính của mắt dưới. Khi một hệ thấu kính của một mắt có khả năng hội tụ cao, võng mạc có thể được di dời đáng kể từ mặt phẳng tiêu điểm hay khả năng của thấu kính có thể được thay đổi đáng kể so với bình thường mà ảnh vẫn hiện lên rõ ràng, ngược lại với một hệ thấu kính của mắt có khả năng hội tụ kém, thì khi dịch chuyển võng mạc một ít thôi từ mặt phẳng tiêu điểm thì hình ảnh đã mờ đi nhiều.

Khả năng hội tụ tốt nhất có thể đạt được là khi lỗ đồng tử co nhỏ tối đa. Lí giải cho điều đó, với một lỗ đồng tử rất nhỏ, gần như tất cả các tia sáng đi qua trung tâm của hệ thấu kính của mắt, cái chính là – đa số các tia sáng sẽ luôn luôn nằm ở tiêu điểm.

Tật khúc xạ.

Mắt thường (khả năng nhìn bình thường). Như trong Hình 50-12, con mắt đó được coi như bình thường, hay “mắt thường”, nếu chùm tia sáng song song từ một vật ở xa hiện rõ ảnh ở tiêu điểm ở xa hiện rõ trên võng mạc khi các cơ mi hoàn toàn được nghỉ ngơi. Điều đó có nghĩa là mắt thường có thể nhìn thấy rõ được tất cả các vật ở xa mà cơ mi của nó được thả lỏng. Tuy nhiên, để nhìn rõ được những vật ở khoảng gần, mắt phải co các cơ mi của nó lại và do đó sẽ tìm được mức độ điều tiết thích hợp.

Viễn thị (Tật viễn thị). Viễn thị, hay được biết đến như“tật viễn thị” thường là hệ quả của việc hoặc do trục nhãn cầu quá ngắn, hoặc đôi khi do hệ thấu kính của mắtquá yếu. Trong điều kiện như hình vẽ ở giữa của Hình 50-12, các tia sang song song không được bẻ cong đủ để tới hội tụ cùng lúc tại võng mạc bởi hệ thấu kính của mắtyếu đi. Để khắc phục sự bất thường này, các cơ thể mi phải tăng co để tăng khả năng của thể thủy tinh. Bằng cách sử dụng cơ chế điều tiết này, người cận thị có thể hội tụ được ảnh của vật ở xa trên võng mạc. Nếu người này chỉ dùng một lượng ít khả năng của cơ thể mi để điều tiết nhìn vật ở xa, thì người đó vẫn còn nhiều khả năng điều tiết nữa, và khi vật dần lại gần mắt hơn thì mắt vẫn có thể hội tụ ảnh rõ nét cho tới khi cơ thể mico tối đa. Ởngười già, khi thể thủy tinh trở nên “lão thị”, người viễn thị thường không thể điều tiết được thấu kính đủ để hội tụ ngay cả những vật ở xa, những vật ở gần thì càng ít hơn.

Cận thị (Tật cận thị). Ở người cận thị, khi cơ thể mi giãn hoàn toàn, các tia sáng đi đến từ vật ở xa sẽ được hội tụ ở trước võng mạc, như Hình 50-12. Tình trạng này thường do trục nhãn cầu quá dài, nhưng cũng có thể là hậu quả của việc hệ thấu kính của mắt hội tụ quá mạnh.

Cách tốt nhất để mắt làm giảm độ hội tụ của thể thủy tinh là để cơ thể mi giãn hoàn toàn. Một người cận thị không thể hội tụ rõ ảnh của vật ở xa trên võng mạc. Tuy nhiên, Khi vật di chuyển dần lại gần mắt đến lúc đủ gần, ảnh của nó sẽ được hội tụ trên võng mạc. Khi đó, nếu vật vẫn tiếp tục di chuyển lại gần mắt thì người đó có thể dùng cơ chế điều tiết để luôn giữ ảnh hội tụ rõ trên võng mạc. Người cận thị có một giới hạn là “điểm cực viễn” cho tầm nhìn rõ.

Điều chỉnh cận thị và viễn thị bằng cách dùng thấu kính. Nếu mắt một người có độ hội tụ quá lớn, như trong cận thị, phần độ hội tụ dư ra đó có thể được vô hiệu bằng cách đeo một kính cầu phân kì (làm phân kì tia sáng) ngay trước mắt đó. Sự điều chỉnh này được miêu tả cụ thể trong hình vẽ trên ở Hình 50-13.

Ngược lại, người viễn thị – người có hệ thấu kính mắt quá yếu – sự bất thường có thể được khắc phục bằng cách tăng thêm độ hội tụ khi sử dụng một kính cầu hội tụ. Sự điều chỉnh này được miêu tả cụ thể trong hình vẽ dưới ở Hình 50-13.

Một người thường chọn độ hội tụ của kính phân kì hay kính hội tụ cần thiết bằng “phương pháp thử” – đó là, đầu tiên, thử một kính có độ hội tụ bất kì sau đó tiếp tục thử kính khác mạnh hơn hoặc yếu hơn cho tới khi tìm được kính cho khả năng nhìn sắc nét nhất.

Loạn thị. Loạn thị là tình trạ ng độ hội tụ c ủa mắt bị rối loạn gây nên sự khác nhau về khả năng hội tụ của mắt trên các mặt phẳng vuông góc với nhau.

Loạn thị thường là do tăng độ cong của một trong những mặt phẳng của giác mạc. Ví dụ như mắt bị loạn thị có thể có bề mặt giác mạc giống như mặt bên của quả trứng. Độ cong của mặt phẳng dọc theo trục dài quả trứng khác so với độ cong của mặt phẳng theo trục ngắn của quả trứng.

Bởi vì mắt loạn thị có độ cong của trục này khác so với trục kia nên ánh sáng ở phía ngoại biên đi theo mỗi trục sẽ có hướng đi khác nhau. Như mô tả trên Hình 50-14, các tia sáng đều được phát ra từ một nguồn, đi qua một hệ thấu kính của mắt loạn thị. Các tia sáng đi theo trục đứng, biểu thị bằng trục BD, được hội tụ mạnh hơn các tia sáng đi theo trục nằm ngang, biểu thị bằng trục AC bởi vì độ hội tụ của trục đứng mạnh hơn trục nằm ngang. Điều đó làm cho các tia sáng khi đi qua thấu kính không hội tụ tại một vị trí chung vì tia sáng đi theo trục đứng hội tụ ở điểm nằm trước điểm hội tụ của các tia sáng đi theo trục ngang.

Mắt thường không thể dùng khả năng điều tiết để điều chỉnh sự loạn thị bởi vì mắt chỉ có thể điều chỉnh độ cong của hai trục đồng thời với nhau, mà mỗi trục lại cần một sự điều chỉnh độ cong khác nhau. Do đó, nếu không có kính điều chỉnh phù hợp thì mắt người loạn thị không thể nhĩn rõ vật được.

Hiệu chỉnh loạn thị bằng kính trụ.

Người bị loạn thị có thể được hiệu chỉnh bằng cách sử dụng hai kính trụ với độ hội tụ khác nhau đặt vuông góc với nhau. Để làm được điều đó, người ta thường tìm kính cầu với độ hội tụ phù hợp với một trục của mắt bằng phương pháp thử. Sau đó tìm kính trụ được dùng để điều chỉnh độ hội tụ ở trục còn lại. Để làm được như vậy, ta cần xác định được trục và độ hội tụ cần được hiệu chỉnh một cách chính xác.

Có một vài phương pháp dùng để xác định trục bất thường của hệ thấu kính của một mắt. Một trong số đó là sử dụng các thanh đen song song như được mô tả trong Hình 50-15. Một số thanh song song nằm ngang, một số thẳng đứng và một số nằm ở các phương khác nhau. Sau khi thử vài thấu kính cầu khác nhau trước mắt loạn thị, mỗi độ hội tụ của thấu kính làm hội tụ rõ nét một vài các thanh song song nhau nhưng sẽ không rõ một vài các thanh khác vuông góc với các thanh sắc nét đó. Điều này đã được mô tả bằng nguyên lý quang học đã trình bày trước đó trong chương này đó là trục lệch tiêu điểm (một trong hai trục trong Hình 50-14) của hệ thống quang học sẽ song song với các thanh bị mờ. Khi trục mờ này được tìm thấy, người khám sẽ lần lượt thử các mức độ của thấu kính trụ cho tới khi bệnh nhân thấy được tất cả các thanh đen rõ ràng gần như nhau. Khi hoàn thành mục tiêu đó, người khám sẽ giúp kĩ thuật viên cắt một thấu kính đặc biệt kết hợp cả hai kính cầu tại trục thích hợp. Ta sẽ có được kính trụ phù hợp cho bệnh nhân.

Điều chỉnh tật khúc xạ bằng kính áp tròng. Kính hay kính cao su áp tròng được lắp áp vừa khít vào mặt ở trước của giác mạc. Những thấu kính loại này được giữ tại chỗ bằng một lớp nước mắt mỏng lấp đầy khoảng giữa kính và mặt trước giác mạc.

Một điểm đặc biệt của kính áp tròng là nó vô hiệu gần như hoàn toàn sự khúc xạ thường có ở mặt trước giác mạc. Lí do là bởi lớp nước mắt giữa kính áp tròng và mặt trước giác mạc có hệ số khúc xạ xấp xỉ giác mạc, vì thế mặt trước của giác mạc không còn đóng vai trò chính trong hệ quang học của mắt. Thay vào đó, mặt phía trước của kính áp tròng sẽ đóng vai trò chính. Do đó, sự khúc xạ tại mặt trước kính áp tròng sẽ thay thế cho sự khúc xạ thường có ở giác mạc. Một yếu tố đặc biệt quan trọng ở người có tật khúc xạ là bị gây ra bởi giác mạc có hình dáng bất thường như giác mạc lồi – một tình trạng được gọi là keratoconus. Nếu không có kính áp tròng, giác mạc lồi sẽ gây ra sự bất thường lớn về tầm nhìn cái mà không loại kính nào khác có thể điều chỉnh lại được tầm nhìn bình thường; khi sử dụng kính áp tròng, sự khúc xạ được điều chỉnh và trở lại bình thường bằng bề mặt phía trước kính áp tròng.

Kính áp tròng có một vài ưu điểm và ngoài ra còn có đặc điểm như (1) kính chuyển động đồng thời với mắt và sẽ đem lại tầm nhìn rõ rộng hơn kính thường, (2) kính áp tròng sẽ ảnh hưởng một ít đến kích thước thật của vật khi nhìn qua kính, bởi vì kính này đã thêm 1cm vào hệ thống quang học của mắt và ảnh hưởng đến sự hội tụ ảnh.

Đục thể thủy tinh —Đục bề mặt thể thủy tinh. “Đục thể thủy tinh” là một bất thường ở mắt thường gặp ở nhãn cầu. Đục thủy tinh thể là tình trạng vẩn đục hoặc mờ đục một phần hoặc nhiều phần thể thủy tinh. Trong giai đoạn đầu hình thành bệnh, các protein trong thủy tinh thể bắt đầu biến đổi, sau đó chúng đông lại làm mờ dần phần thủy tinh thể chứa chúng.

Khi người bị đục thể thủy tinh toàn bộ cản trở sự truyền qua của ánh sáng thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhìn, tình trạng này có thể được chữa trị bằng cách phẫu thuật thay thể thủy tinh. Khi thể thủy tinh bị lấy ra, mắt mất đi một phần lớn khả năng khúc xạ của nó, vì thế nó cần được thay thế bằng một thấu kính hội tụ trước mắt và thường thì họ sẽ dùng một thủy tinh thể nhân tạo.

5.THỊ LỰC

Theo lý thuyết thì ánh sáng phát ra từ một nguồn sáng điểm ở xa, khi được hội tụ trên võng mạc thì điểm ảnh là một điểm vô cùng nhỏ. Tuy nhiên, vì hệ thấu kính mắt không bao giờ là hoàn hảo nên mỗi điểm ảnh trên võng mạc sẽ có đường kính khoảng 11 micrometre, thậm chí với độ phân giải tối đa của hệ quang học của mắt.

Điểm ảnh ở giữa là sáng nhất và tối dần ra ngoại biên, như mô ta hai điểm ảnh trong Hình 50-16

Trung bình đường kính của một tế bào nón – ở trung tâm võng mạc, nơi có khả năng nhìn tốt nhất – là khoảng 1.5 micrometers, bằng khoảng 1 phần 70 lần điểm sáng. Tuy nhiên, bởi vì điểm ảnh có điểm sáng trung tâm và vòng mờ ngoại vi nên một người bình thường có thể phân biệt được hai điểm sáng riêng biệt nếu điểm ảnh của chúng cách nhau tối thiểu 2 micrometers trên võng mạc (lớn hơn chiều ngang tế bào nón). Sự tách biệt giữa các điểm trong Hình 50-16.

Thị lực người thường có thể phân biệt được 2 điểm các nhau khoảng 25 giây cung. Nghĩa là khi các tia sáng đi từ hai nguồn riêng đi đến mắt tạo một góc giữa chúng tối thiểu là 25 giây, chúng sẽ được xem là hai điểm riêng biệt. Cụ thể, một người có thị lực bình thường có thể phân biệt được hai điểm sáng ở cách xa 10m khi khoảng cách giữa hai điểm đó là 1.5 đến 2 milimeters.

Điểm vàng có đường kính nhỏ hơn 0.5 millimetter (500 micrometers), đồng nghĩa với vùng thị lực rõ nhất trong thị trường là dưới 2 độ. Ngoài vùng điểm vàng thì thị lực giảm dần và giảm hơn 10 lần khi ra đến sát ngoại biên. Điều này được lí giải bởi dự kết nối giữa các tế bào que và tế bào nón với mỗi tế bào thần kinh thị giác ở ngoài điểm vàng, nhiều phần ngoại vi của võng mạc, điều này sẽ được đề cập đến trong Chương 52.

Phương pháp lâm sàng đánh giá thị lực. Biểu đồ thường dùng để kiểm tra thị lực bao gồm các chữ cái với các kích thước khác nhau đặt cách bệnh nhân 20 feet. Nếu bệnh nhân có thể thấy được các chữ cái mà người đó đáng lẽ phải đọc được ở 20 feet thì bệnh nhân đó có thị lực 20/20 – đó là thị lực bình thường. Nếu bệnh nhân chỉ đọc được các chữ mà đáng nhẽ phải đọc được nó ở 200 feet thì bệnh nhân có thị lực 20/200. Nói cách khác, trên lâm sàng để biểu diễn thị lực, người ta dùng phân số toán học biểu diễn tỉ lệ của hai loại khoảng cách, cũng là tỉ số giữa thị lực của một bệnh nhân và thị lực bình thường.

6.XÁC ĐỊNH KHOẢNG CÁCH TỪ VẬT TỚI MẮT —“CHIỀU SÂU”

Một người bình thường có thể xác định được khoảng cách bằng ba yếu tố chính là: (1) kích thước của vật đã biết trên võng mạc; (2) hiện tượng thị sai; và (3) kết hợp hình ảnh hai mắt. Khả năng xác định khoảng cách từ vật tới mắt được gọi là nhận thức chiều sâu

Xác định chiều sâu bằng kích thước của vật đã biết trên võng mạc. Nếu ta đã biết một người nào đó cao 6 feet, ta có thể biết được người đó cách ta bao xa thông qua kích thước ảnh của người đó trên võng mạc. Chúng ta không cố ý nghĩ về nó nhưng não chúng ta đã được học để tự động tính toán khoảng cách đến vật dựa vào kích thước vật đã biết.

Xác định chiều sâu bằng thị sai.

Một yếu tố quan trọng giúp mắt xác định độ sâu đó là thị sai. Khi một người nhìn đứng yên nhìn vào các vật thì không có thị sai. Khi người đó nghiêng đầu sang một bên thì ảnh các vật ở gần sẽ di chuyển nhanh chóng trên võng mạc, trong khi ảnh của các vật ở xa thì hầu như không thay đổi. Ví dụ, khi di chuyển đầu 1 inch sang một bên thì ảnh của vật ở gần – ngay trước mắt 1 inch – sẽ gần như thay đổi góc nhìn hoàn toàn trên võng mạc, nhưng ảnh của vật cách đó 200 feet thì gần như không thay đổi gì trên võng mạc. Từ đó ta sẽ xác định được chiều sâu của vật, thậm chí chỉ bằng 1 mắt.

Advertisement

Xác định chiều sâu bằng kết hợp hình ảnh hai mắt.

Khác với thị sai, yếu tố này cần sử dụng hình ảnh của cả hai mắt. Hai mắt cách nhau gần 2 inch nên hình ảnh trên võng mạc của hai mắt cũng có sự khác nhau. Ví dụ, một vật đặt cách mũi 1 inch thì sẽ có ảnh trên võng mạc mắt trái là mặt bên trái của nó, và có ảnh trên võng mạc mắt phải là mặt bên phải của nó. Tuy nhiên, nếu đặt một vật nhỏ cách xa 20 feet trước mũi thì ảnh trên hai võng mạc là gần như nhau. Nguyên lí của thị sai được mô tả trong Hình 50-17, trong hình, hình tròn màu đỏ và hình vuông màu vàng tạo ảnh ngược nhau trên võng mạc hai mắt bởi vì khoảng cách hai vật này đến mắt là khác nhau. Thực tế thì cách kết hợp hình ảnh hai mắt gần như không thể xác định chiều sâu những vật cách xa 50 đến 200 feet.

Soi đáy mắt.

Kính soi đáy mắt là một dụng cụ giúp cho người quan sát có thể nhìn vào phía trong mắt người khác và thấy rõ được võng mạc. Kính soi đáy mắt là dụng cụ có cấu tạo phức tạp nhưng nguyên lý của nó rất đơn giản. Cấu tạo của nó được mô tả trong Hình 50-18 và có thể được giải thích như sau.

Với một điểm ảnh của ánh sáng trên võng mạc của một mắt bình thường, các tia sáng từ điểm này sẽ phân kì ra tới hệ thống thấu kính của mắt. Sau khi đi qua hệ thống thấu kính thì chúng song song với nhau vì võng mạc nằm tiêu điểm phía sau hệ thống thấu kính. Sau đó, khi các tia song song đi vào mắt bình thường khác của người thứ hai (người quan sát), chúng hội tụ lại thành một điểm trên võng mạc, bởi vì võng mạc của người quan sát cũng nằm ở tiêu điểm phía sau hệ thấu kính. Bất kỳ điểm sáng trên võng mạc của mắt người được quan sát đều cho một điểm hội tụ trên võng mạc của mắt người quan sát. Như vậy, nếu võng mạc của một người được chiếu sáng, hình ảnh võng mạc của người đó sẽ được hội tụ vào võng mạc của người kia, làm cho hai mắt bình thường đó nhìn vào lẫn nhau.

Nếu độ hội tụ của một trong hai mắt (người được quan sát hoặc người quan sát) là bất thường thì cần phải điều chỉnh độ hội tụ giữa hai mắt để người quan sát có thể thấy rõ được hình ảnh võng mạc của mắt người kia. Kính soi đáy mắt thông thường có một dãy các thấu kính rất nhỏ đặt trong một ống kính, nó có thể tùy chọn các kính khác nhau để tìm cái có độ hội tụ phù hợp với mắt bất thường.

Với người trưởng thành bình thường, phản ứng điều tiết xảy ra tự nhiên, làm tăng độ hội tụ mỗi mắt xấp xỉ +2 Diop. Để điều chỉnh điều đó, cần một thấu kính đặt ở giữa có độ hội tụ -4 Diop.

7.CÁC DỊCH LỎNG CỦA MẮT

Mắt chứa đầy các chất lỏng nội nhãn, nó tạo áp suất giúp cho nhãn cầu luôn giữ được hình dáng căng phồng. Hình 50-19 mô tả hai phần của chất lỏng nội nhãn – thủy dịch, nằm trước thể thủy tinh và dịch kính, nằm giữa mặt sau thể thủy tinh và võng mạc. Thủy dịch là một chất lỏng luôn dịch chuyển trong khi dịch kính là một khối chất keo được giữ bằng hệ mạng lưới sợi nhỏ mịn, chủ yếu là các phân tử proteoglycan dài. Cả chất lỏng và các chất hòa tan đều có thể khuếch tán vào dịch kính nhưng rất ít.

Thủy dịch luôn được tiết ra và tái hấp thu. Sự cân bằng giữa sự tiết ra và sự hấp thu quyết định thể tích của thủy dịch và áp suất nội nhãn cầu.

SỰ HÌNH THÀNH THỦY DỊCH TỪ THỂ MI

Thủy dịch được tạo thành với tốc độ trung bình khoảng 2 -3 microlit mỗi phút. Về cơ bản tất cả chúng được tạo ra ở mỏm mi, nó xếp thành vòng nhô ra từ thể mi vào khoảng phía sau mống mắt, nơi cơ thể mi và dây treo thấu kính nối vào nhãn cầu. Hình 50-20 là mặt cắt ngang qua các mỏm mi và Hình 50-19 mô tả mối quan hệ của nó với các buồng chất lỏng. Bởi vì các mỏm mi gấp nếp nhiều nên tổng diện tích của nó là khoảng 6 cm2 mỗi mắt – khá lớn so với kích thướch nỏ bé của thể mi. Bề mặt của các mỏm mi là một lớp tế bào biểu mô, ngay dưới nó là lớp mạch máu.

Thủy dịch được tạo ra hầu hết nhờ hoạt động bài tiết của các tế bào biểu mô ở mỏm mi. Quá trình bài tiết bắt đầu bằng việc các ion Na+ được vận chuyển vào khoảng gian bào giữa các tế bào biểu mô, nó sẽ kéo các ion Cl-và HCO3- ra cùng với nó để duy trì sự cân bằng điện tích. Các ion này làm nước thẩm thấu ra từ các mao mạch nằm ngay dưới lớp biểu mô, và kết quả là chúng rứa trôi tất cả các khoảng ở mỏm mi và đi ra hậu phòng. Ngoài ra, một số chấ dinh dưỡng cũng được vận chuyển qua màng biểu mô nhờ hoạt động vận chuyển và khuếch tán thụ động; nó bao gồm các amino acid, ascorbic acid, và glucose.

SỰ HẤP THU THỦY DỊCH

Sau khi thủy dịch được hình thành từ các mỏm mi, nó sẽ lưu thông như mô tả trong Hình 50-19, thông qua lỗ đồng tử đi vào tiền phòng của mắt sau đó chảy vào góc giữa giác mạcmống mắt, đi vào cấu trúc Trabeculae, cuối cùng chảy vào kênh Schlemm, nơi sẽ đổ vào tĩnh mạch nước rồi đi ra ngoài mắt. Hình 50-21 cho thấy các cấu trúc giải phẫu ở góc tiền phòng và cấu trúc trabeculae và ống Schlemm.

Ống Shlemm là một tĩnh mạch mỏng trải dài xung quanh tiền phòng. Vách của nó có nhiều lỗ thủng có thể cho các phân tử protein cho tới các hồng cầu có thể đi từ góc tiền phòng vào ống Shlemm. Mặc dù ống Shlemm là một tĩnh mạch nhưng nó thường chứa thủy dịch hơn là chứa máu. Các tĩnh mạch nhỏ dẫn từ ống Shlemm đi tới các tĩnh mạch khác lớn hơn của mắt đều chỉ chứa thủy dịch, các tĩnh mạch đó được gọi là tĩnh mạch nước.

8.NHÃN ÁP

Nhãn áp bình thường nằm trong khoảng từ 12 đến 20 mmHg, trung bình khoảng 15 mmHg.

Đo nhãn áp bằng nhãn áp kế.

Bởi vì không thể đo nhãn áp trực tiếp bằng cách đưa một cây kim vào trong nhãn cầu nên ta thường đo nhãn áp thông qua “nhãn áp kế”, nguyên tắc của nó được miêu tả trong Hình 50-22. Giác mạc của mắt sẽ được gây tê bằng một thuốc tê tại chỗ, đặt quả cân của nhãn áp kế lên bề mặt giác mạc. Hạ cần quả cân sao cho trọng lượng quả cân đặt hoàn toàn lên nhãn cầu. Phần giác mạc ở dưới quả cân áp vào quả cân tạo thành một dấu hình tròn. Bằng việc đo đường kính dấu hình tròn đó có thể tính được nhãn áp cần đo.

Sự điều tiết nhãn áp.

Nhãn áp thường không thay đổi ở mắt thường. Nếu thay đổi trong vòng 15 ± 2 mmHg vẫn được coi là bình thường.Mức độ nhãn áp chủ yếu được quyết định bởi sức cản khi thủy dịch đi từ góc tiền phòng vào ống Schlemm. Yếu tố tạo nên sức cản khi thoát thủy dịch là mạng lưới các lỗ của cấu trúc trabeculae, nơi mà chúng phải xuyên qua khi đi từ góc tiền phòng tới các ống Schlemm. Các trabeculae chỉ mở khoảng 2 đến 3 micrometers. Lượng chất lỏng chảy vào ống tăng rõ ràng khi áp suất tăng. Ở khoảng 15mmHg ở mắt người bình thường, lượng thủy dịch đi ra khỏi mắt bằng ống Cshlemm trung bình khoảng 2.5 µl/min và bằng với lượng được thể mi tiết ra, nhãn áp vẫn được duy trì ở mức 15mmHg.

Cơ chế làm sạch khoảng trabecular và dịch nội nhãn. Khi có một lượng lớn các mảnh vụn xuất hiệntrong thủy dịch, như sau khi xảy ra xuất huyết nội nhãnhoặc quá trình nhiễm trùng nội nhãn, các mảnh vỡ có khả năng lắng đọng trong khoảng trabecular khi dẫn thủy dịch từ góc tiền phòng vào ống Schlemm; các mảnh vỡ này có thể ngăn chặn sự tái hấp thu thủy dịch ở tiền phòng, đôi khi gây ra “bệnh tăng nhãn áp” theo cơ chế như trên. Tuy nhiên trên bề mặt cấu trúc trabecular có một số lượng lớn các tế bào thực bào. Khoảng gian bào ngaybên ngoài ống Schlemm có chứa một số lượng lớn các tế bào võng nội mô có khả năng cho nuốt các mảnh vỡ và phân giải nó thành chất phân tử nhỏ hơn để sau đó có thể được hấp thụ nó. Chính hệ thống các tế bào này giữ cho khoảng trabecular luôn sạch sẽ. Bề mặt của mống mắt và các bề mặt khác phía sau mống mắt được bao phủ bằng một lớp biểu mô có khả năng thực bào protein và các hạt nhỏ trong thủy dịch, qua đó giúp duy trì sự trong suốt của nó.

“Glocom” gây tăng nhãn áp và là nguyên nhân chính gây mù lòa.

Glocom là một trong những nguyên nhân gây mù lòa, bệnh xuất hiện khi nhãn áp tăng không kiểm soát, đôi khi có thể lên đến 60 – 70 mmHg. Khi nhãn áp duy trì ở mức 25 – 30 mmHg trong một thời gian dài đã có thể gây nhìn mờ, và khi nó đạt cực đại thì có thể gây ra mù lòa trong vòng vài ngày hoặc thậm chí vài giờ.

Nhãn áp tăng gây nên chèn ép vào đĩa thị – nơi có thần kinh thị giác đi ra và động mạch nhãn cầu đi vào. Từ đó ngăn dòng chảy của bào tương sọi trục các tế bào thị giác và ngăn tưới mãu cho võng mạc. Hậu quả là làm thiếu sự nuôi dưỡng võng mạc và có thể gây hoại tử.

Trong hầu hết các trường hợp của bệnh tăng nhãn áp, nguyên nhân chính gây nhãn áp cao bất thường là do tăng sức cản khi thoát thủy dịch qua khoảng trabecular vào kênh của Schlemm. Ví dụ, trong viêm mắt cấp, các bạch cầu và các mô chết có thể ứ đọng làm nghẽn khoảng trabecular và gây ra tăng nhãn áp cấp tính. Trong tăng nhãn áp mạn, đặc biệt là ở người già, có thể bít tắc do chính các sợi của cấu trúc trabecular.

Điều trị Glocom bằng cách nhỏ thuốc vào mắt nhằm làm giảm sự bài tiết hoặc tăng sự hấp thu thủy dịch. Khi dùng thuốc không hiệu quả, có thể xem xét đến phương pháp phẫu thuật mở khoảng trabeculae hoặc nối thông trực tiếp từ khoang chứa thủy dịch ra ngoài nhãn cầu có thể làm giảm nhãn áp hiệu quả.

Bài viết được dịch từ sách: Guyton and Hall text book of Medicine and Physiology

Giới thiệu pngan

Check Also

[Xét nghiệm 57] Hormone kích thích tạo nang trứng (FSH)

HORMON KÍCH THÍCH TẠO NANG TRỨNG (FSH) (Folliculostimuline Hypophysaire / Follicular-Stimulating Hormone [FSH])   Nhắc …