[Sinh lý Guyton số 11] Điện tâm đồ bình thường

Rate this post

Khi xung động tim xuyên qua tim, dòng điện cũng lan truyền từ tim vào trong các mô lân cận xung quanh tim. Một phần nhỏ của dòng điện lan truyền theo tất cả các đường đến bề mặt của cơ thể. Nếu các điện cực được đặt trên da ở hai phía đối diện của tim, điện thế tạo ra bởi dòng điện có thể được ghi lại; việc ghi này được biết như là một điện tâm đồ (ECG). Một ECG bình thường cho hai nhịp đập của tim được thể hiện trong Hình 11-1.

CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐIỆN TÂM ĐỒ BÌNH THƯỜNG

ECG bình thường (xem Hình 11-1) bao gồm một sóng P, một phức bộ QRS và một sóng T. Phức bộ QRS thường có, nhưng không phải luôn luôn, ba sóng riêng biệt: sóng Q, sóng R, và sóng S. Sóng P được gây ra bởi điện thế phát ra khi tâm nhĩ khử gây ra bởi điện thế phát ra khi tâm thất khử cực trước khi co bóp, tức là, cũng như sóng khử cực lan truyền qua các tâm thất. Do đó, cả sóng P và các thành phần của phức
bộ QRS là các sóng khử cực. Sóng T được gây ra bởi điện thế phát ra khi tâm thất phục hồi từ trạng thái khử cực. Quá trình này thường xảy ra trong cơ tâm thất 0,25 đến 0,35s sau khi khử cực. Sóng T được biết như là một sóng tái phân cực. Như vậy, điện tâm đồ bao gồm cả sóng khử cực và tái phân cực. Các nguyên lý của sự khử cực và tái phân cực đã được bàn luận trong Chương 5. Việc phân biệt giữa các sóng khử cực và các sóng tái phân cực là rất quan trọng trong điện tâm đồ mà làm sáng tỏ hơn nữa là cần thiết.

CÁC SÓNG KHỬ CỰC SO VỚI CÁC SÓNG TÁI PHÂN CỰC

Hình 11-2 biểu diễn một sợi cơ tim đơn lẻ trong bốn giai  đoạn của sự khử cực và tái phân cực, với màu đỏ ký hiệu sự khử cực. Trong suốt quá trình khử cực, điện thế âm bình thường bên trong sợi đảo chiều và trở nên hơi dương bên trong và âm ở bên ngoài.

Trên Hình 11-2A, quá trình khử cực, thể hiện bởi các điện tích dương màu đỏ bên trong và điện tích âm màu đỏ ở bên ngoài, được di chuyển từ trái sang phải. Nửa đầu tiên của sợi đã khử cực, trong khi nửa còn lại vẫn đang phân cực. Do đó, điện cực bên trái trên mặt ngoài của sợi là trong một vùng của điện âm, và điện cực bên phải là trong một vùng của điện dương, khiến đồng hồ ghi lại một điện dương. Ở bên phải của sợi cơ thể hiện một bản ghi của những thay đổi về điện thế giữa hai điện cực, như đã được ghi bởi một đồng hồ tốc độ cao. Lưu ý rằng khi sự khử cực đã đạt một nửa đích ở Hình 11-2A, ghi được sự tăng điện dương đến mức tối đa. Trên Hình 11-2B, sự khử cực đã kéo dài trên toàn bộ sợi cơ, và bản ghi phía bên phải đã trở lại với đường đẳng điện vì cả hai điện cực bây giờ đang ở khu vực có điện âm bằng nhau. Sóng hoàn chỉnh là một sóng khử cực vì nó là kết quả từ sự lan truyền của khử cực dọc theo màng tế bào sợi cơ. Hình 11-2C biểu diễn sự tái phân cực nửa chừng vẫn của sợi cơ trên, với sự trở lại ra bên ngoài điện dương của sợi. Tại thời điểm này, điện cực bên trái là trong một vùng của điện dương và điện cực bên phải là trong một vùng của điện âm. Chiều phân cực này là ngược lại vớichiều phân cực trong Hình 11-2A. Do đó, bản ghi, như thể hiện bên phải, trở thành âm. Trên Hình 11-2D, sợi cơ đã hoàn thành tái phân cực, và cả hai điện cực bây giờ đang ở vùng của điện dương do đó không có điện thế nào khác được ghi lại giữa chúng. Như vậy, trong bản ghi bên phải, điện thếmột lần nữa quay trở lại về 0. Sóng âm hoàn chỉnh này là một sóng tái phân cực vì nó là kết quả từ sự lan truyền của tái phân cực dọc theo màng tế bào sợi cơ.

Mối quan hệ của điện thế hoạt động một pha của cơ tâm thất với sóng T và phức bộ QRS trong điện tâm đồ tiêu chuẩn.

Điện thế hoạt động một pha của cơ tâm thất, đã thảo luận trong Chương 10, bình thường tồn tại giữa 0,25 và 0,35s. Phần bên trên của Hình 11-3 biểu diễn một điện thế hoạt động một pha ghi lại từ một vi điện cực chèn vào bên trong của một sợi cơ tâm thất đơn độc. Sự tăng lên của điện thế hoạt động gây ra bởi sự khử cực, và sự trở lại của điện thế về đường cơ sở là do sự tái phân cực.
Nửa dưới của Hình 11-3 biểu diễn một ghi chép đồng thời của ECG từ cùng tâm thất này. Lưu ý rằng các sóng QRS xuất hiện vào lúc bắt đầu của điện thế hoạt động một pha và sóng T xuất hiện ở cuối. Lưu ý đặc biệt là không có điện thế được ghi lại trong ECG khi cơ tâm thất hoặc hoàn thành phân cực hoặc hoàn thành khử cực. Chỉ khi nào cơ một phần được phân cực và một phần khử cực thì có dòng điện đi từ một phần của tâm thất đến một phần khác, và do đó cũng có dòng điện đi tới bề mặt của cơ thể để tạo ra ECG.

MỐI QUAN HỆ CỦA NHĨ THU VÀ THẤT THU VỚI CÁC SÓNG CỦA ĐIỆN TÂM ĐỒ

Trước khi co bóp của cơ có thể xảy ra, sự khử cực phải lan truyền qua cơ để bắt đầu các quá trình hóa học của sự co. Xem lại một lần nữa Hình 11-1; sóng P xảy ra vào lúc bắt đầu của co bóp của tâm nhĩ, và phức bộ QRS của các sóng xảy ra vào lúc bắt đầu co bóp của tâm thất. Tâm thất vẫn co lại cho đến sau khi tái phân cực đã xảy ra, tức là, cho đến sau khi kết thúc của sóng T.
Tâm nhĩ tái phân cực khoảng 0,15 đến 0,20s sau khi kết thúc của sóng P, cũng là khoảng khi phức bộ QRS sẽ được ghi lại trong ECG. Do đó, sóng tâm nhĩ tái phân cực, được biết như sóng T tâm nhĩ, thường bị che khuất bởi phức bộ QRS lớn hơn nhiều. Vì lý do này, một sóng T tâm nhĩ hiếm khi quan sát thấy trên điện tâm đồ. Sóng tái phân cực tâm thất là sóng T của ECG bình thường. Thông thường, cơ tâm thất bắt đầu tái phân cực trong một số sợi khoảng 0,20s sau khi bắt đầu của sóng khử cực (phức bộ QRS), nhưng trong nhiều các sợi khác, phải mất chừng 0,35s. Do vậy, quá trình tái phân cực của tâm thất kéo dài trong một thời gian dài, khoảng 0,15s. Vì lý do này, sóng T trong ECG bình thường là một sóng kéo dài, nhưng điện thế của sóng T thấp hơn đáng kể hơn so với điện thế của phức bộ QRS, một phần vì chiều dài kéo dài của nó.

ĐIỆN THẾ VÀ THỜI GIAN CHIA CHUẨN CỦA ĐIỆN TÂM ĐỒ

Tất cả các bản ghi của ECG được tạo ra với các đường chia chuẩn phù hợp trên giấy ghi. Những
dòng chia chuẩn đó đã được kẻ sẵn trên giấy, như là trường hợp khi một bút ghi được sử dụng, hay
chúng đã ghi lại trên giấy cùng một lúc mà ECG được ghi lại, đó là trường hợp với các loại ảnh chụp của điện tim.

Như thể hiện trong Hình 11-1, các đường chia chuẩn nằm ngang được sắp xếp sao cho cứ 10 vạch của những đường chia vạch nhỏ lên hoặc xuống trong ECG tiêu chuẩn đại diện cho 1mV, với điện dương theo chiều đi lên và điện âm theo chiều đi xuống.

Những dòng dọc trên ECG là dòng thời gian chia chuẩn. Một ECG điển hình được chạy ở một tốc độ giấy 25mm/s, mặc dù tốc độ nhanh hơn đôi khi được sử dụng. Vì vậy, mỗi 25mm theo chiều ngang là 1s, và mỗi đoạn 5mm, biểu thị bằng những đường thẳng đứng màu đen, tương ứng với 0,20s. Các khoảng thời gian 0,20s sau đó được chia thành năm khoảng nhỏ hơn bằng những đường mảnh, mỗi đường trong số đó tương ứng với 0,04s.

Điện thế bình thường trên điện tâm đồ.

Các điện thế được ghi lại của các sóng trong ECG bình thường phụ thuộc vào cách mà các điện cực được đặt trên cho các bề mặt của cơ thể và khoảng cách các điện cực tới tim. Khi một điện cực được đặt trực tiếp trên các tâm thất và một điện cực thứ hai được đặt ở nơi khác trên cơ thể cách xa khỏi tim, điện thế của phức bộ QRS có thể cao gần 3 – 4mV. Kể cả điện thế này là nhỏ bé so với điện thế hoạt động một pha 110mV ghi trực tiếp tại màng tế bào cơ tim. Khi ECG được ghi từ các điện cực trên hai cánh tay hoặc một tay và một chân, điện thế của phức bộ QRS thường là 1,0 – 1,5mV từ đỉnh của sóng R đến đáy của sóng S, điện thế của sóng P là giữa 0,1 và 0,3mV, và điện thế của sóng T là giữa 0,2 và 0,3mV.

Khoảng P-Q hoặc P-R. Khoảng thời gian giữa lúc bắt đầu của sóng P và lúc bắt đầu của phức bộ QRS là khoảng thời gian giữa lúc bắt đầu của kích thích điện của tâm nhĩ và lúc bắt đầu của kích thích của tâm thất. Thời kỳ này được gọi là khoảng P-Q. Khoảng P-Q bình thường là khoảng 0,16s. (Thường thì khoảng thời gian này được gọi là khoảng P-R vì sóng Q có thể sẽ vắng mặt.)
Khoảng Q-T. Co bóp của tâm thất kéo dài gần như từ lúc bắt đầu của sóng Q (hoặc sóng R, nếu sóng Q vắng mặt) đến kết thúc của sóng T. Khoảng thời gian này được gọi là khoảng Q-T và thường là khoảng 0,35s.

Xác định tốc độ của nhịp tim từ điện tâm đồ. Tốc độ của nhịp tim có thể được xác định dễ dàng từ một ECG do nhịp tim là nghịch đảo của khoảng thời gian giữa hai nhịp đập liên tiếp. Nếu khoảng thời gian giữa hai nhịp đập được xác định từ các đường chia chuẩn thời gian là 1 giây, nhịp tim là 60 nhịp/phút. Khoảng thời gian bình thường giữa hai phức bộ QRS liên tiếp ở người lớn là khoảng 0,83s, đó là một tốc độ tim 60/0,83 lần mỗi phút, hoặc 72 nhịp/phút.

DI CHUYỂN CỦA DÒNG ĐIỆN QUANH TIM TRONG SUỐT CHU KỲ TIM

GHI LẠI ĐIỆN THẾ TỪ MỘT PHẦN KHỐI HỢP BÀO CỦA CƠ TIM KHỬ CỰC
Hình 11-4 cho thấy một khối hợp bào của cơ tim đã được kích thích nhiều nhất tại điểm trung tâm của nó. Trước kích thích, tất cả bên ngoài của các tế bào cơ trở thành dương tính và bên trong trở thành âm. Vì những lý do đã trình bày trong Chương 5 trong phần thảo luận về điện thế màng, ngay sau khi một vùng hợp bào tim trở thành phân cực, điện tích âm bị rò rỉ ra bên ngoài của các sợi
cơ khử cực, làm cho một phần của mặt ngoài mang điện âm, được thể hiện bởi ký hiệu trừ trên Hình 11-4. Mặt ngoài còn lại của tim, mà vẫn còn bị phân cực, được biểu diễn bởi các dấu cộng. Vì vậy, một đồng hồ được kết nối với cực âm của nó trên vùng của khử cực và cực dương của nó trên một trong những vùng vẫn còn phân cực, như thể hiện ở bên phải trong hình, ghi lại điện dương.

Hai vị trí điện cực khác và đồng hồ đo cũng được thể hiện trên Hình 11-4. Các vị trí này và việc đọc nên được học tập một cách cẩn thận, và người đọc nên giải thích được nguyên nhân của sự tương ứng đồng hồ đo. Bởi vì sự khử cực lan tỏa trên mọi hướng xuyên qua tim, sự khác nhau điện thế thể hiện trong hình chỉ tồn tại trong một vài phần nghìn của giây, và phép đo điện thế thực tế chỉ có thể được thực hiện với một thiết bị ghi tốc độ cao.

DI CHUYỂN CỦA CÁC DÒNG ĐIỆN TRONG NGỰC XUNG QUANH TIM

Hình 11-5 cho thấy cơ tâm thất nằm trong ngực. Ngay cả phổi, mặc dù hầu hết là chứa đầy không khí, dẫn điện với một mức độ đáng ngạc nhiên, và các dịch ở các mô khác xung quanh tim dẫn điện thậm chí dễ dàng hơn. Vì vậy, trái tim thực sự lơ lửng trong một môi trường dẫn điện. Khi một phần của tâm thất khử cực và do vậy trở thành âm điện đối với phần còn lại, dòng điện di chuyển từ vùng khử cực vào vùng phân cực trên các đường vòng quanh lớn, như chú thích trong hình.

Cần nhớ lại từ thảo luận về hệ thống Purkinje trong Chương 10 rằng xung động tim đầu tiên đến trong tâm thất trong vách liên thất và không lâu sau đó lan truyền đến mặt bên trong của phần còn lại các tâm thất, như thể hiện bởi vùng màu đỏ và điện âm

ký hiệu trên Hình 11-5. Quá trình này cung cấp điện âm cho bên trong của tâm thất và điện dương cho các vách bên ngoài của các tâm thất, với dòng điện di chuyển xuyên qua các dịch xung quanh tâm thất dọc theo đường elip, như biểu thị bằng các mũi tên cong trong hình. Nếu một đại số trung bình tất cả các dòng di chuyển điện (các đường elip), ta thấy rằng trung bình việc dòng điện di
chuyển xảy ra với điện âm hướng tới đáy của tim và với điện dương hướng về phía đỉnh.
Trong hầu hết các phần còn lại của quá trình khử cực, dòng điện cũng tiếp tục di chuyển theo cùng hướng này, trong khi sự khử cực lan truyền từ bề mặt nội tâm mạc ra ngoài xuyên qua khối cơ thất. Sau đó, ngay trước khi sự khử cực hoàn thành tiến trình của nó qua các tâm thất, hướng trung bình của dòng điện di chuyển đảo chiều trong khoảng 0,01s, di chuyển từ đỉnh tâm thất hướng về phía đáy, bởi vì phần cuối cùng của tim trở nên phân cực là các vách bên ngoài của tâm thất gần đáy của tim.
Như vậy, trong tâm thất tim bình thường, dòng điện di chuyển từ âm sang dương chủ yếu theo hướng từ đáy của tim hướng về phía đỉnh trong gần như toàn bộ chu kỳ của sự khử cực, ngoại trừ ở sát cuối. Nếu một đồng hồ được kết nối với điện cực trên bề mặt của cơ thể như trong Hình 11-5, điện cực gần đáy sẽ là âm, trong khi đó điện cực gần đỉnh sẽ là dương, và đồng hồ ghi sẽ cho
thấy hình ghi dương trên ECG.

CÁC CHUYỂN ĐẠO ĐIỆN TÂM ĐỒ

BA CHUYỂN ĐẠO LƯỠNG CỰC CHI
Hình 11-6 cho thấy các kết nối điện giữa các chi của bệnh nhân và máy ghi điện tim để ghi ECG từ cái gọi là các chuyển đạo lưỡng cực chi tiêu chuẩn. Thuật ngữ “lưỡng cực” có nghĩa là điện tâm đồ được ghi lại từ hai điện cực nằm ở hai bên khác nhau của tim – trong trường hợp này, trên các chi. Do đó, một “chuyển đạo” không phải là một dây dẫn duy nhất kết nối từ cơ thể nhưng một sự kết hợp của hai dây dẫn và các điện cực của chúng tạo ra một mạch hoàn chỉnh giữa cơ thể và máy ghi điện tim. Các máy ghi điện tim trong mỗi ví dụ được biểu diễn bằng một đồng hồ điện trong sơ đồ, mặc dù máy ghi điện tim thực tế là một hệ thống máy điện toán tốc độ cao với một màn hình điện tử.


Chuyển đạo I. Trong ghi chuyển đạo chi I, cực âm của máy ghi điện tim được nối với cánh tay phải và cực dương được nối với cánh tay trái. Vì vậy, khi điểm nơi cánh tay phải kết nối với ngực là âm điện đối với điểm nơi cánh tay trái kết nối, máy ghi điện tim ghi lại một điện dương, tức là, trên đường đẳng điện trong ECG . Khi điều ngược lại xảy ra, máy ghi điện tim ghi lại một
đường dưới đường đẳng điện.

Chuyển đạo II. Để ghi lại chuyển đạo chi II, cực âm của máy ghi điện tim được nối với cánh tay phải và cực dương được nối với chân trái. Vì vậy, khi cánh tay phải là âm đối với chân trái, máy ghi điện tim ghi lại một điện dương. Chuyển đạo III. Để ghi lại chuyển đạo chi III, cực âm của máy ghi điện tim được nối với cánh tay trái và cực dương được nối với chân trái. Cấu hình này có nghĩa là máy ghi điện tim ghi lại một điện dương khi cánh tay trái là âm đối với chân trái.

Tam giác của Einthoven.Hình 11-6, tam giác, gọi là tam giác của Einthoven, được vẽ xung quanh vùng của tim. Tam giác này minh họa rằng hai cánh tay và chân trái tạo thành đỉnh của một tam giác xung quanh tim. Hai đỉnh ở phần phía trên của tam giác đại diện cho các điểm mà tại đó hai cánh tay kết nối điện với các dịch xung quanh tim, và đỉnh phía dưới là điểm mà tại đó chân trái kết nối với các dịch.

Luật của Einthoven. Luật của Einthoven phát biểu rằng nếu ECG được ghi đồng thời với ba chuyển đạo chi, tổng các điện thế được ghi trong chuyển đạo I và III sẽ bằng với điện thế trong chuyển đạo II.
Điện thế chuyển đạo I + Điện thế chuyển đạo III = Điện thế chuyển đạo II
Nói một cách khác, nếu điện thế của bất kỳ hai trong ba chuyển đạo lưỡng cực chi của điện tim được biết đến ở bất kỳ thời điểm nào, chuyển đạo thứ ba có thể được xác đinh đơn giản bằng cách tính tổng hai cái kia. Lưu ý rằng, tuy nhiên, có những ký hiệu dương và âm của các chuyển đạo khác nhau phải được quan sát khi thực hiện phép cộng này. Ví dụ như, chúng ta hãy giả sử rằng trong nhất thời, như đã nêu trên Hình 11-6, cánh tay phải là -0,2mV (âm) đối với điện thế trung bình trong cơ thể, cánh tay trái là +0,3mV (dương), và chân trái là +1,0mV (dương). Quan sát các đồng hồ trong hình, ta có thể thấy chuyển đạo I ghi lại một điện thế dương +0,5mV vì đây là sự khác
nhau giữa -0,2mV trên cánh tay phải và +0,3 mV trên cánh tay trái. Tương tự, chuyển đạo III ghi lại một điện thế dương +0,7mV, và chuyển đạo II ghi lại một điện thế dương +1,2mV vì đây là những điện thế tức thời khác nhau giữa các cặp tương ứng của các chi. Bây giờ, lưu ý rằng tổng của các điện thế trong chuyển đạo I và III bằng với điện thế trong chuyển đạo II; đó là, 0,5 cộng với 0,7 bằng 1,2. Về mặt toán học, nguyên tắc này, gọi là luật của Einthoven, luôn đúng tại bất kỳ thời khắc tức thì nào trong lúc ba chuyển đạo lưỡng cực “tiêu chuẩn” của ECG đang được ghi lại.
Điện tâm đồ bình thường ghi từ ba chuyển đạo lưỡng cực chi tiêu chuẩn. Hình 11-7 cho thấy
các bản ghi của ECG ở các chuyển đạo I, II và III. Rõ ràng là ECG trong ba chuyển đạo là tương tự nhau bởi vì tất cả chúng đều ghi lại các sóng dương P và các sóng dương T, và phần chủ yếu của phức bộ QRS cũng là dương ở mỗi ECG.
Trên phân tích của ba ECG, có thể thấy, với phép đo cẩn thận và tuân thủ đúng các chiều phân cực, thì tại bất kỳ thời khắc nào đều cho tổng các điện thế trong các chuyển đạo I và III bằng điện thế trong chuyển đạo II, như vậy minh họa cho sự đúng đắn của luật Einthoven.
Bởi vì các bản ghi từ tất cả các chuyển đạo lưỡng cực chi là tương tự như nhau, nó không có ý nghĩa quan trọng nhiều mà chuyển đạo được ghi lại khi một người muốn
chẩn đoán những rối loạn nhịp tim khác nhau, bởi vì chẩn đoán của rối loạn nhịp tim phụ thuộc chủ yếu vào các mối quan hệ thời gian giữa các sóng khác nhau của chu kỳ tim. Tuy nhiên, khi một người muốn chẩn đoán tổn thương trong cơ tâm thất hoặc tâm nhĩ hoặc trong hệ thống dẫn truyền Purkinje, nó là vấn đề rất quan trọng mà các chuyển đạo đã ghi lại vì những bất thường của co cơ
tim hoặc dẫn truyền xung động tim thay đổi các kiểu của ECG rõ rệt trong một số chuyển đạo nhưng có thể không ảnh hưởng các chuyển đạo khác. Giải thích điện tâm đồ của hai loại trạng thái – các bệnh cơ tim và các rối loạn nhịp tim – được thảo luận riêng trong các Chương 12 và
13.

CÁC CHUYỂN ĐẠO NGỰC (CÁC CHUYỂN ĐẠO TRƯỚC TIM)

Thông thường ECG được ghi lại với một điện cực đặt trực tiếp trên mặt trước của ngực ở trên tim tại một trong các điểm trình bày ở Hình 11-8. Điện cực này được kết nối với cực dương của máy ghi điện tim, và điện cực âm, được gọi là điện cực trơ, được kết nối thông qua các điện trở điện tương đương tới tay phải, tay trái, và chân trái tất cả cùng một lúc, như thể hiện trong hình. Thường có sáu chuyển đạo ngực tiêu chuẩn được ghi lại, tại cùng một thời gian, từ thành ngực trước, với điện cực ngực được đặt tuần tự tại sáu điểm thể hiện trong sơ đồ. Các bản ghi khác nhau được gọi là các chuyển đạo V1, V2, V3, V4, V5, và V6.
Hình 11-9 minh họa ECG của tim người khỏe mạnh như ghi lại từ sáu chuyển đạo ngực tiêu chuẩn. Vì các mặt của tim là gần với thành ngực, mỗi chuyển đạo ngực ghi lại chủ yếu là điện thế của hệ cơ tim ngay bên dưới điện cực. Do đó, những bất thường tương đối nhỏ trong tâm thất, đặc biệt là ở thành tâm thất trước, có thể gây ra những thay đổi rõ rệt trong ECG ghi lại từ các chuyển đạo ngực riêng lẻ.
Trong các chuyển đạo V1 và V2, phức bộ QRS ghi được của tim bình thường chủ yếu là âm bởi vì, như thể hiện ở Hình 11-8, điện cực ngực trong những chuyển đạo này gần với đáy của tim hơn với đỉnh, và đáy của tim là hướng của điện âm trong hầu hết quá trình khử cực của tâm thất. Ngược lại, các phức bộ QRS trong các chuyển đạo V4, V5, và V6 chủ yếu là dương bởi vì điện cực ngực ở những chuyển đạo này là gần đỉnh của tim, mà đây là hướng của điện dương trong hầu hết của quá trình khử cực.

CÁC CHUYỂN ĐẠO ĐƠN CỰC CHI TĂNG THÊM

Một hệ thống khác của các chuyển đạo được sử dụng rộng rãi là chuyển đạo đơn cực chi tăng thêm. Trong ghi lại của loại này, hai trong số các chi được kết nối thông qua điện trở đến cực âm của máy ghi điện tim, và chi thứ ba được kết nối với cực dương. Khi cực dương ở trên cánh tay phải, chuyển đạo được gọi là chuyển đạo aVR; khi trên cánh tay trái, nó được gọi là chuyển đạo aVL; và khi trên chân trái, nó được gọi là chuyển đạo aVF. Bản ghi bình thường của các chuyển đạo đơn cực chi tăng thêm được thể hiện ở Hình 11-10. Tất cả chúng tương tự như các bản ghi chuyển đạo chi tiêu chuẩn, ngoại trừ bản ghi từ chuyển đạo aVR bị đảo ngược. (Tại sao đảo ngược này xảy ra? Hãy nghiên cứu sự phân cực các kết nối tới máy ghi điện tim để xác định câu trả lời cho câu hỏi này.)

Các phương pháp để ghi điện tâm đồ
Đôi khi các dòng điện tạo ra bởi cơ tim trong mỗi nhịp đập của của tim thay đổi điện thế và chiều phân cực trên các mặt tương ứng của tim trong ít hơn 0,01s. Do đó, điềucần thiết là bất kỳ thiết bị nào cho ghi lại ECG cần có khả năng đáp ứng nhanh chóng với những thay đổi về điện thế.
Các máy ghi điện tim hiện đại trên lâm sàng sử dụng các hệ thống dựa trên máy tính và màn hình điện tử.
Điện tâm đồ lưu động
ECG tiêu chuẩn cung cấp đánh giá các sự kiện điện tim trong một khoảng thời gian ngắn, thường là trong khi bệnh nhân đang nghỉ ngơi. Trong tình trạng kết hợp với những bất thường hiếm khi xảy ra nhưng quan trọng của nhịp điệu tim, nó có thể hữu ích để kiểm tra điện tâm đồ trong một thời gian lâu hơn, qua đó cho phép đánh giá các thay đổi các hiện tượng điện tim mà là thoáng qua và có thể bị bỏ sót với một ECG tiêu chuẩn. Kéo dài ECG để cho phép đánh giá các sự kiện điện tim trong
khi bệnh nhân đang di chuyển trong các hoạt động hàng ngày bình thường được gọi là điện tim lưu động.

Sự giám sát điện tâm đồ lưu động thường được sử dụng khi một bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng đượccho là gây ra bởi các rối loạn nhịp tim thoáng qua hoặc các bất thường tim thoáng qua khác. Những triệu chứng này có thể bao gồm đau ngực, ngất (xỉu) hoặc gần ngất xỉu, chóng mặt và nhịp tim không đều. Các thông tin quan trọng cần thiết để chẩn đoán, các rối loạn nhịp tim thoáng qua nghiêm trọng hoặc bệnh lý tim mạch khác là một bản ghi của một ECG trong thời gian chính xác mà triệu chứng đang xảy ra. Bởi vì sự thay đổi ngày qua ngày trong tần suất của các rối loạn nhịp tim là đáng kể, việc phát hiện thường đòi hỏi theo dõi điện tâm đồ lưu động suốt cả ngày.
Có hai loại máy ghi điện tâm đồ lưu động: (1) ghi liên tục, thường được sử dụng trong 24 đến 48 giờ để nghiên cứu mối quan hệ của các triệu chứng và các sự kiện ECG có khả năng xảy ra trong khoảng thời gian đó, và (2) ghi liên tục, đó là sử dụng trong thời gian dài hơn (vài tuần
đến vài tháng) để cung cấp ngắn gọn, ghi lại liên tục để phát hiện các sự kiện xảy ra không thường xuyên. Trong một vài trường hợp một thiết bị nhỏ, có kích thước của một gói kẹo cao su và được gọi là một máy ghi vòng cấy dưới da, được cấy dưới da ở ngực để giám sát hoạt động điện của tim liên tục cho khoảng 2 đến 3 năm. Thiết bị này có thể được lập trình để bắt đầu ghi lại khi nhịp tim giảm xuống dưới hoặc tăng lên trên, một mức xác định trước, hoặc nó có thể được kích hoạt bằng tay bởi các bệnh nhân khi một triệu chứng như chóng mặt xảy ra. Những cải tiến trong công nghệ kỹ thuật số bán dẫn và máy ghi được trang bị với vi xử lý hiện nay cho phép truyền tải liên tục hoặc gián đoạn các dữ liệu ECG kỹ thuật số qua các đường dây điện thoại, và các hệ thống phần mềm tinh vi cung cấp nhanh chóng phân tích “trực tuyến” trên máy tính của dữ liệu khi chúng có được.

Nguồn: Guyton and Hall textbook of Medical Physiology. Chapter 11: The normal electrocardiogram

 

Advertisement

Giới thiệu Haunguyen

Check Also

[Xét nghiệm 57] Hormone kích thích tạo nang trứng (FSH)

HORMON KÍCH THÍCH TẠO NANG TRỨNG (FSH) (Folliculostimuline Hypophysaire / Follicular-Stimulating Hormone [FSH])   Nhắc …