[Sinh lý Guyton số 76] Hormone tuyến yên và sự điều khiển từ vùng dưới đồi

Rate this post

TUYẾN YÊN VÀ MỐI LIÊN QUAN VỚI VÙNG DƯỚI ĐỒI

THÙY TRƯỚC VÀ THÙY SAU TUYẾN YÊN

Tuyến yên (Hình 76-1), là một tuyến nhỏ có đường kính khoảng 1cm và nặng 0,5-1 gam—nằm trong hố yên, một hốc xương nằm ở nền sọ, và được nối với vùng dưới đồi qua cuống yên. Về sinh lý học, tuyến yên có hai phần riêng biệt: thùy trước tuyến yên, hay còn gọi là thùy tiết, thùy sau tuyến yên, hay còn gọi là thùy thần kinh. Nằm giữa hai thùy là một vùng nhỏ, tương đối vô mạch được gọi là thùy giữa, ít phát triển trên người nhưng có kích thước lớn và mang nhiều chức năng ở một số động vật.

Theo phôi học, hai thùy tuyến yên có nguồn gốc khác nhau—thùy trước từ túi Rathke, là một vùng lõm vào của lớp thượng bì hầu họng, và thùy sau từ một mô thần kinh phát triển ra từ vùng dưới đồi. Nguồn gốc thùy trước tuyến yên từ biểu mô hầu họng giải thích cho bản chất biểu mô của những tế bào vùng này, và nguồn gốc thùy sau từ mô thần kinh giải thích vì sao có sự hiện diện một lượng rất lớn tế bào thần kinh đệm tại thùy này.

Có 6 hormone peptid quan trọng và vài hormone khác ít quan trọng hơn được tiết ra từ thùy trước tuyến yên, và có 2 hormone peptid quan trọng được tiết ra từ thùy sau. Những hormone thùy trước đảm nhiệm những vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa toàn cơ thể, xem Hình 76-2.

  • Hormone tăng trưởng (GH) ảnh hưởng đến sự phát triển toàn bộ cơ thể qua điều khiển sự tổng hợp protein, và phân chia tế bào.
  • ACTH (corticotropin) điều khiển sự bài tiết một số hormone vỏ thượng thận, gây ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose, protein và mỡ.
  • Hormone kích thích tuyến giáp (TSH) (thyrotropin) điều khiển mức độ bài tiết của T3 và T4 ở tuyến giáp, và những hormone này ảnh hưởng đến hầu hết tốc độ các phản ứng hóa học trong cơ thể.
  • Prolactin điều khiển tuyến vú phát triển và bài tiết sữa.
  • Hai hormone điều hòa tuyến sinh dục, hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone hoàng thể (LH), điều khiển sự phát triển của buồng trứng và tinh hoàn, cũng như các hoạt động nội tiết và sinh sản.

– Hai hormone thùy sau tuyến yên lại thực hiện các chức năng khác:

  • Hormone chống bài niệu (vasopressin) điều khiển mức độ bài tiết nước vào nước tiểu, do đó giúp điều chỉnh nồng độ nước trong các dịch cơ thể.
  • Oxytocin giúp bài xuất sữa từ tuyến vú ra núm vú trong giai đoạn cho con bú và có tác dụng trong quá tình chuyển dạ vào cuối thai kì.

Thùy trước tuyến yên có các loại tế bào tiết khác nhau tổng hợp và bài tiết các hormone. Thông thường, chỉ có một loại tế bào tiết ra một hormone chính ở thùy trước tuyến yên. Trong một số trường hợp đặc biệt có một số kháng thể đặc hiệu gắn vào những hormone đặc biệt, ít nhất có 5 loại tế bào đã được phát hiện (Hình 76-3). Bảng 76-1 trình bày tổng quan các loại tế bào, các hormone chúng tiết ra, và chức năng sinh lý của chúng. 5 loại tế bào gồm:

  1. Somatotropes – hormone tăng trường (GH)
  2. Corticotropes – kích thích tủy thượng thận (ACTH)
  3. Thyrotropes – kích thích tuyến giáp (TSH)
  4. Gonadotropes – kích thích tuyến sinh dục, gồm LH và FSH.
  5. Lactotropes – prolactin (PRL)

Có khoảng 30- 40% các tế bào tuyến yên trước là loại somatotropes tiết ra hormone GH, và khoảng 20% là loại corticotropes tiết ACTH. Các loại còn lại chiếm chỉ khoảng 3 to 5 % tổng số tế bào; tuy nhiên, chúng tiết ra những hormone rất mạnh fđể điều khiển chức năng tuyến giáp, chức năng sinh dục, và tiết sữa ở vú.

Somatotropes đổi màu mạnh trong môi trường acid và do đó còn được gọi là acidophils. Do đó, các khối u tuyến yên tiết một lượng lớn GH được gọi là các u acidophils.

Các hormone tuyến yên sau được tổng hợp tại các thân tế bào trên vùng dưới đồi. Thân các tế bào tiết ra những hormone tuyến yên sau không nằm trong tuyến yên mà là những neuron lớn, gọi là magnocellular neurons, nằm ở vùng trên giao thoa thị và các nhân cận giao thoa thị giác ở vùng dưới đồi. Các hormone sau đó được vận chuyển qua sợi trục đi từ vùng dưới đồi đến thùy sau tuyến yên. Cơ chế này sẽ được giải thích sau.

VÙNG DƯỚI ĐỒI ĐIỀU KHIỂN SỰ BÀI TIẾT CỦA TUYẾN YÊN

Hầu hết tất cả sự bài tiết của tuyến yên được điều khiển bởi các tín hiệu nội tiết hoặc thần kinh từ vùng dưới đồi. Thực tế, khi tuyến yên được lấy bỏ khỏi vị trí của nó bên dưới vùng dưới đồi và ghép và một vị trí khác của cơ thể, độ bài tiết các hormone (trừ prolactin) giảm xuống tới một mức rất thấp.

Sự bài tiết ở tuyến yên sau được điều khiển bởi các tín hiệu thần kinh từ vùng dưới đồi và kết thúc ở tuyến yên sau. Ngược lại, sự bài tiết ở tuyến yên trước được điều khiển bởi các hormone kích thích và hormone (yếu tố) ức chế tiết ra tại vùng dưới đồi và sau đó gây tác dụng, như Hình 76-4, đi tới tuyến yên trước qua các mạch máu nhỏ gọi là hệ mạch cửa dưới đồi- yên. Tại tuyến yên trước, các hormone kích thích và ức chế tác động lên các tế bào tuyến để điều khiển sự bài tiết của chúng. Cơ chế này sẽ được mô tả ở phần tiếp theo.

Vùng dưới đồi nhận được nhiều tín hiệu truyền từ nhiều vùng trong hệ thần kinh. Do đó, khi một người bị đau, một lượng lớn tín hiệu đau sẽ được chuyển lên vùng dưới đồi. Tương tự, khi người ta cảm thấy cực kì buồn chán hoặc phấn khích, một lượng lớn tín hiệu sẽ được chuyển lên vùng dưới đồi. Sự kích thích của các mùi dễ chịu hay khó chịu tạo ra một tín hiệu mạnh đi trực tiếp và đi qua nhân hạnh nhân vào vùng dưới đồi. Ngay cả nồng độ các chất dinh dưỡng, điện, nước và một số hormone trong máu cũng kích thích hoặc ức chế một số phần của vùng dưới đồi.

Do đó, vùng dưới đồi là một trung tâm thu nhận thông tin liên quan đến các trạng thái của cơ thể, và những tín hiệu này được dùng để điều khiển sự bài tiết các hormone có tác dụng toàn thân từ tuyến yên.

HỆ MẠCH CỬA DƯỚI ĐỒI- YÊN CỦA TUYẾN YÊN TRƯỚC

Thùy trước tuyến yên là một tuyến giàu mạch máu với rất nhiều xoang mạch bao quanh các tế bào tuyến. Hầu hết các mạch máu đi vào các xoang đầu tiên đều đi qua giường mao mạch ở phần dưới vùng dưới đồi. Dòng máu sau đó chảy qua các mạch cửa dưới đồi- yên rồi đổ vào các xoang ở tuyến yên trước. Hình 76-4 trình bày phần thấp nhất của vùng dưới đồi, hay còn gọi là vùng lồi giữa, liên kết ở phía dưới với cuống yên. Các động mạch nhỏ đi vào vùng lồi giữa và sau đó tách thành các mạch đi trên bề mặt vùng này, rồi cùng tạo thành các mạch cửa dưới đồi- yên. Các mạch này đi qua cuống yên xuống cấp máu cho các xoang ở tuyến yên trước.

Các hormone kích thích và ức chế của vùng dưới đồi được tiết vào vùng lồi giữa. Các neuron đặc biệt ở vùng dưới đồi tổng hợp và bài tiết các hormone kích thích và ức chế điều khiển sự bài tiết các hormone tuyến yên trước. Nguồn gốc các neuron này từ nhiều vị trí trên vùng dưới đồi và cho các sợi đi tới vùng lồi giữa và củ xám, một mô mở rộng từ vùng dưới đồi vào cuống yên.

Tận cùng của các sợi này khác với hầu hết các đầu tận cùng của hệ thần kinh trung ương, bởi vì chức năng của chúng không phải truyền tín hiệu từ một neuron đến một neuron khác mà bài tiết các hormone kích thích và ức chế vào các dịch mô. Những hormone này ngay lập tức đi vào hệ mạch cửa dưới đồi- tuyến yên và được vận chuyển trực tiếp đến các xoang ở tuyến yên trước.

Các hormone vùng dưới đồi kích thích hoặc ức chế sự bài tiết của tuyến yên trước. Chức năng của các hormone kích thích và ức chế của vùng dưới đồi là điều khiển sự bài tiết của tuyến yên trước. Đối với hầu hết các hormone tuyến yên trước, các hormone kích thích có vai trò quan trọng, nhưng với prolactin, hormone ức chế của vùng dưới đồi có vẻ như điều khiển nhiều hơn. Các hormone chính của vùng dưới đồi, được trình bày ở Bảng 76-2, bao gồm:

  1. Hormone thyrotropin-releasing (TRH), gây bài tiết hormone kích thích tuyến giáp (TSH)
  2. Hormone corticotropin-releasing (CRH), gây bài tiết hormone kích thích vỏ thượng thận (ACTH)
  3. GHRH, gây bài tiết hormone tăng trưởng (GH), và hormone ức chế GH (GHIH), hay còn gọi là somatostatin, ức chế bài tiết GH.
  4. Hormone giải phóng hormone sinh dục (GnRH), gây bài tiét các hormone hướng sinh dục, hormone hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH)
  5. Hormone ức chế prolatin (PIH), ức chế bài tiết prolactin.

Các hormone dưới đồi còn lại gồm có hormone kích thích bài tiết prolactin và vài loại hormone khác ức chế bài tiết các hormone thùy trước yên. Các hormone quan trọng của vùng dưới đồi được mô tả chi tiết như những hệ nội tiết đặc biệt, được trình bày trong chương này và các chương tiếp theo.

Các vị trí khác nhau ở vùng dưới đồi điều khiển sự bài tiết các hormone kích thích và ức chế của vùng này. Hầu hết các hormone dưới đồi đều được tiết ra ở các đầu tận dây thần kinh ở vùng lồi giữa trước khi được vận chuyển đến thùy yên trước. Một kích thích điện vào vùng này kích hoạt các đầu tận dây thần kinh và gây bài tiết tất cả các loại hormone dưới đồi. Tuy nhiên, thân các tế bào thần kinh có các đầu tận đi vào vùng lồi giữa được liên kết với các vùng gián đoạn khác của vùng dưới đồi hoặc liên kết chặt chẽ với các vùng ở nền não. Các vị trí khác nhau của các thân tế bào thần kinh tạo thành các hormone kích thích và ức chế khác nhau của vùng dưới đồi hiện vẫn chưa được biết rõ, nên có thể phần nhận định này là sai.

CÁC CHỨC NĂNG SINH LÝ CỦA HORMONE TĂNG TRƯỞNG

Tất cả các hormone chính của tuyến yên trước, trừ GH, thể hiện những ảnh hưởng chính dựa trên sự kích thích các tuyến đích, bao gồm tuyến giáp, vỏ thượng thận, buồng trứng, tinh hoàn và tuyến vú. Các chức năng của mỗi hormone yên trước này liên quan rất mật thiết với chức năng của các tuyến đích, ngoại trừ hormone GH, các chứng năng của GH được mô tả ở các chương tiếp theo cùng với các tuyến đích. Tuy nhiên, hormone GH không gây ảnh hưởng tại các mô đích nhưng lại gây tác động trực tiếp tới hầu hết các mô của cơ thể.

HORMONE GH ĐIỀU KHIỂN SỰ PHÁT TRIỂN CÁC MÔ CƠ THỂ

Hormone GH, hay còn gọi là các hormone somatotropin, là một phân tử protein nhỏ đơn chuỗi gồm 191 amino acid và có trọng lượng phân tử 22.005. Nó tạo ra sự phát triển của hầu hết các mô có thể phát triển của cơ thể. GH điều khiển làm tăng kích thước tế bào và tăng nguyên phân, cùng sự tăng sinh mạnh số lượng tế bào của các loại tế bào khác nhau như tạo cốt bào và các tế bào cơ còn non.

Hình 76-5 cho thấy bảng theo dõi trọng lượng trung bình của hai chuột cùng lứa; một con được tiêm GH hàng ngày, con còn lại không được tiêm. Hình này chỉ ra sự tăng trưởng rõ rệt của chuột được tiêm GH từ những ngày đầu sinh ra và ngay cả sau khi trưởng thành. Trong giai đoạn đầu phát triển, tất cả cơ quan của chuột được tiêm GH đều tăng tỉ lệ tương ứng về kích thước; sau khi trưởng thành, hầu hết các xương không dài thêm nữa nhưng nhiều mô mềm vẫn tiếp tục phát triển. Kết quả này từ thực tế: một khi đầu các xương dài đã liên kết với các trục, xương sẽ không thể dài ra thêm nữa, mặc dù các mô mềm khác vẫn có thể tiếp tục phát triển.

HORMONE TĂNG TRƯỞNG GÂY CÁC ẢNH HƯỞNG LÊN CHUYỂN HÓA

Bên cạnh tác dụng chung của GH trên sự phát triển cơ thể, GH cũng có các tác dụng trên phức hợp chuyển hóa, gồm (1) tăng tạo protein ở hầu hết tế bào của cơ thể; (2) tăng huy động các acid béo từ mô mỡ, tăng tỉ lệ acid béo tự do trong máu, và tăng sử dụng acid béo làm năng lượng; (3) làm giảm sử dụng glucose toàn cơ thể. Do đó, trong tác dụng của mình, GH làm tăng protein, giảm dự trữ mỡ, và tăng dự trữ carbohydrat.

GH điều khiển sự lắng đọng protein vào các mô

Dù cơ chế chính xác của việc GH làm tăng lắng đọng protein còn chưa được hiểu rõ, một loạt các ảnh hưởng khác nhau đã được tìm ra, tất cả đều có thể dẫn đến tăng lắng đọng protein.

Tăng cường vận chuyển Amino Acid qua màng tế bào. GH trực tiếp làm tăng vận chuyển hầu hết các amino acid qua màng tế bào đến phần trước của tế bào, làm tăng nồng độ amino acid trong tế bào và được coi là tham gia một phần vào sự tăng tổng hợp protein. Sự điều khiển vận chuyển amino acid này tương tự như tác dụng của insulin điều khiển vận chuyển glucose qua màng tế bào (xem Chương 68 và 79)

Tăng cường dịch mã ARN để các ribosome tổng hợp protein. Ngay cả khi nồng độ amino acid trong tế bào không tăng, GH vẫn làm tăng dịch mã ARN, kích thích việc tổng hợp protein với một lượng lớn hơn từ các ribosome trong tế bào chất

Tăng cường phiên mã nhân AND để tạo ARN. Trong khoảng thời gian dài hơn (24- 48 giờ), GH còn kích thích phiên mã AND trong nhân, làm tăng số lượng ARN. Việc này điều khiển hình thành protein nhiều hơn và sẽ phát triển nếu có đủ năng lượng, amino acid, vitamin và các điều kiện cơ bản cần cho tăng trưởng. Xa hơn nữa, chức năng này có thể là chức năng quan trọng nhất của GH.

Giảm bớt quá trình dị hóa protein và amino acid. IBên cạnh làm tăng tổng hợp protein là chức năng làm giảm phân giải protein tế bào. Một lý do chắc chắn của tác động ức chế này là GH còn huy động lượng lớn acid béo từ mô mỡ, và acid béo tham gia tạo thành năng lượng chủ yếu cho các tế bào của cơ thể, vì thế GH hoạt động như một “protein bổ sung”.

Tóm lại: GH tăng cường hầu hết các loại tái hấp thu amino acid và tổng hợp protein của tế bào, và cùng lúc làm giảm sự giáng hóa protein.

GH tăng cường sử dụng mỡ để tạo năng lượng

GH có một chức năng đặc biệt đó là gây bài tiết các acid béo từ mô mỡ và do đó làm tăng nồng độ acid béo trong dịch cơ thể. Hơn nữa, trong các mô cơ thể, GH tăng cường chuyển acid béo thành acetyl coenzyme A (acetyl-CoA) và sau đó sử dụng để tạo năng lượng. Vì vậy, dưới tác động của GH, mỡ hay được dùng để sinh năng lượng hơn là carbohydrat và protein.

Advertisement

Khả năng điều khiển việc sử dụng mỡ của GH cùng với tác dụng đồng hóa protein làm tăng khối lượng cơ của cơ thể. Tuy nhiên, việc sử dụng chất béo dưới ảnh hưởng của hormone GH cần vài giờ để có thể diễn ra, trong khi tăng cường tổng hợp protein có thể bắt đầu trong vòng vài phút.

Tác dụng “ketogenic” của GH.

Dưới ảnh hưởng của một lượng dư thừa GH, sự huy động chất béo từ mô mỡ đôi khi diễn ra quá mức khi lượng lớn acid acetoacetic được tạo thành ở gan và đi vào dịch cơ thể, do đó gây ra ketosis. Sự huy động quá mức chất béo từ mô mỡ cũng thường gây ra gan nhiễm mỡ.

GH làm giảm sử dụng carbohydrat

Hormone GH gây ra các phức hợp tác động lên chuyển hóa carbohydrate, bao gồm (1) giảm hấp thu glucose ở các mô như cơ xương và mô mỡ, (2) tăng tạo glucose ở gan, và (3) tăng bài tiết insulin.

Các thay đổi này là kết quả “cản trở insulin” của GH, làm giảm hoạt động của insulin để kích thích hấp thu và sử dụng glucose ở cơ xương và mô mỡ và ức chế tân tạo glucose ở gan; việc này dẫn đến tăng nồng độ glucose máu và bù lại cũng làm tăng bài tiết insulin. Vì các lý do này, các tác dụng của GH được gọi là “yếu tố gây đái tháo đường”, và sự bài tiết quá mức GH có thể gây ra rối loạn chuyển hóa tương tự như được phát hiện ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 (không phụ thuộc insulin), và ở những người kháng insulin.

Chúng tôi không biết cơ chế chính xác của việc GH gây kháng insulin và làm giảm sử dụng glucose tại tế bào. Tuy nhiên, việc hormone GH làm tăng nồng độ acid béo trong máu rất có thể góp phần làm giảm hoạt động của insulin lên sử dụng glucose tại mô. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy sự tăng nồng độ acid béo trong máu nhanh hơn bình thường làm giảm độ nhạy của gan và cơ xương với tác dụng chuyển hóa carbohydrat của insulin.

Sự cần thiết của insulin và carbohydrate cho chức năng kích thích sinh trưởng của GH

GH không có tác dụng ở những động vật không có tụy; và cũng không có tác dụng tăng trưởng nếu trong chế độ ăn không có carbohydrate. Các hiện tượng này cho thấy khi có đầy đủ hoạt tính của insulin và dự trữ đủ carbohydrate rất cần cho hoạt động chức năng của GH. Một phần của sự đòi hỏi này là vì carbohydrate và insulin cung cấp năng lượng cần thiết cho chuyển hóa tăng trưởng, nhưng dường như vẫn còn các tác dụng khác nữa. Đặc biệt quan trọng là khả năng tăng vận chuyển các amino acid vào tế bào của insulin, cũng như khả năng tăng cường vận chuyển glucose vào tế bào của hormone này.

GH KÍCH THÍCH PHÁT TRIỂN SỤN VÀ XƯƠNG

Mặc dù GH làm tăng lắng đọng protein và tăng trưởng hầu hết các mô cơ thể, nhưng tác dụng rõ rệt nhất của GH là gây phát triển khung xương. Kết quả này là từ các phức hợp tác dụng của GH lên xương, bao gồm (1) tăng lắng đọng protein tại các tế bào sụn và tạo cốt bào dẫn đến phát triển xương, (2) kích thích phân chia tế bào và (3) một tác dụng nữa là chuyển tế bào sụn thành tạo cốt bào, do đó tạo ra sự lắng đọng ở xương mới.

Sự phát triển xương có 2 cơ chế chính. Thứ nhất, khi đáp ứng với kích thích của GH, các xương dài phát triển chiều dài của lớp sụn đầu xương, nơi các lớp sụn đầu xương tách ra khỏi thân xương. Việc này đầu tiên hình thành lớp sụn mới, tiếp theo là lớp sụn này chuyển thành xương mới, do đó kéo dài thân xương và đẩy lớp sụn đầu xương ngày càng xa nhau hơn. Cùng lúc, lớp sụn đầu xương cũng dần dần được sử dụng hết, do đó vào cuối giai đoạn vị thành niên, không có lớp sụn đầu xương nào được bồi vào để làm cho xương dài thêm nữa. Khi đó, sự tạo xương xảy ra giữa thân và lớp sụn ở mỗi đầu, vì thế xương không dài thêm được nữa.

Thứ hai, nguyên bào xương ở vỏ xương và trong một số khoang xương gây lắng đọng xương mới vào bề mặt của các xương cũ. Đồng thời, nguyên bào xương (xem Chương 80) cũng phá hủy xương cũ. Khi tốc độ lắng đọng lớn hơn tốc độ phá hủy, độ dày của xương tăng lên. GH kích thích rất mạnh nguyên bào xương. Do đó, các xương vẫn có thể tiếp tục trở nên dày hơn về sau này dưới tác động của GH; điều này đặc biệt đúng với lớp màng xương. Ví dụ, xương hàm có thể được kích thích để phát triển sau tuổi vị thành niên, làm cằm và hàm dưới lồi ra. Tương tự, các xương sọ có thể phát triển bề dày và tạo ra những chỗ lồi lõm phía trên mắt.

HORMONE GH THỰC HIỆN HẦU HẾT CÁC CHỨC NĂNG THÔNG QUA CÁC CHẤT TRUNG GIAN – SOMATOMEDIN

Khi GH tác động trực tiếp vào các tế bào sụn được nuôi cấy bên ngoài cơ thể, sự tăng sinh của sụn thường không xảy ra. Ngược lại, GH được tiêm vào cơ thể động vật thì lại gây tăng sinh và phát triển các tế bào tương tự.

Nói ngắn gọn, GH kích thích gan (và các mô khác với một mức thấp hơn) tạo ra các protein phân tử nhỏ gọi là somatomedin tác dụng mạnh làm tăng mọi phương diện phát triển của xương. Một số tác dụng của somatomedin lên sự phát triển tương tự như các tác dụng của insulin lên sự phát triển. Do đó, các somatomedin còn được gọi là Yếu tố phát triển giống insulin (IGF).

Có ít nhất 4 loại somatomedin đã phân lập được, nhưng trong đó quan trọng nhất là somatomedin C (còn được gọi là Yếu tố phát triển giống insulin-1 hay IGF-1). Trọng lượng phân tử của IGF-1 khoảng 7500, và nồng độ trong huyết tương phụ thuộc chặt chẽ vào mức độ bài tiết hormone GH.

Những người lùn Pigmy ở Châu Phi không có khả năng tổng hợp lượng IGF-1 đủ mức để có tác dụng. Do đó, dù nồng độ GH trong huyết tương của họ bình thường hoặc cao, nhưng huyết tương họ vẫn bị thiếu IGF-1, làm cho họ có đặc điểm là mang tầm vóc nhỏ bé. Một vài giống người lùn khác (như người lùn Lévi-Lorain) cũng gặp vấn đề tương tự.

Hầu hết đã được công nhận, nhưng không phải hoàn toàn, những ảnh hưởng của GH thông qua IGF-1 và các somatomedin khác, hơn là những tác động trực tiếp của GH lên các xương và mô sụn

Vì vậy, các thử nghiệm đã chứng minh rằng tiêm GH trực tiếp vào lớp sụn đầu xương trên động vật sống gây ra sự phát triển ở các vùng sụn này, và chỉ cần một lượng rất nhỏ GH để làm cho sự phát triển này diễn ra. Một vài dạng giả thuyết về somatomedin vẫn đang còn là dấu chấm hỏi. Có khả năng là hormone GH có thể kích thích sản xuất đủ lượng IGF-1 tại các mô tại vùng để làm cho vùng đó phát triển. Còn có khả năng GH phản hồi trực tiếp với sự phát triển của một số mô và cơ thế somatomedin là một cách thức khác của sự phát triển nhưng không phải lúc nào cũng cần thiết.

Hormone GH có khoảng tác dụng ngắn nhưng IGF-1 có khoảng tác dụng kéo dài

GH chỉ gắn lỏng lẻo với protein huyết tương. Do đó, GH di di chuyển từ huyết tương vào các mô một cách nhanh chóng, và có thời gian bán hủy trong máu nhỏ hơn 20 phút. Ngược lại, IGF-1 gắn chặt vào một protein mang trong máu, protein này cũng tương tự như IGF-1, được sinh ra do kích thích của GH. Kết quả là IGF-1 được tiết từ máu vào mô rất chậm, với thời gian bán hủy kéo dài khoảng 20 giờ. Sự bài tiết rất chậm này giúp kéo dài tác dụng sinh trưởng của đỉnh tiết hormone GH như trong Hình 76-6.

ĐIỀU HÒA SỰ BÀI TIẾT HORMONE TĂNG TRƯỞNG

Sau tuổi vị thành niên, sự bài tiết giảm dần theo tuổi, cuối cùng giảm còn khoảng 25% khi rất già so với giai đoạn vị thành niên.

Hormone GH được tiết ra theo nhịp, tăng và giảm. Cơ chế chính xác điều khiển sự bài tiết GH vẫn chưa được hiểu một cách hoàn toàn, nhưng có vài yếu tố liên quan tới mức độ dinh dưỡng của cơ thể hoặc căng thẳng đã được biết là các yếu tố gây kích thích bài tiết GH: (1) thiếu ăn, nhất là khi bị giảm protein nặng; (2) tụt đường huyết hoặc giảm nồng độ acid béo trong máu; (3) thể dục; (4) hưng phấn; (5) chấn thương; và (6) ghrelin- một hormone được tiết ra ở dạ dày trước bữa ăn. Hormone GH còn tăng lên trong 2 giờ đầu sau khi ngủ sâu, được trình bày ở Hình 76-6. Bảng 76-3 tổng hợp một số yếu tố đã biết gây ảnh hưởng đến sự bài tiết GH.

Bình thường nồng độ GH trong huyết tương người trưởng thành vào khoảng giữa 1,6- 3ng/ml; ở trẻ em hoặc vị thành niên là khoảng 6ng/ml. Những giá trị này có thể tăng lên đến 50ng/ml sau khi cơ thể cạn kiệt dự trữ protein hoặc carbohydrate khi bị đói ăn kéo dài.

Trong tình trạng cấp tính, tụt đường huyết là một kích thích mạnh đến sự bài tiết hormone GH hơn là khi bị giảm protein cấp tính. Ngược lại, trong tình trạng mạn tính, sự bài tiết GH dường như liên quan tới mức độ thiếu protein tế bào hơn là mức độ hạ đường huyết. Ví dụ, nồng độ rất cao GH được tiết ra khi bị thiếu ăn liên quan chặt chẽ với lượng protein bị thiếu hụt.

Hình 76-7 cho thấy ảnh hưởng của sự thiếu hụt protein lên nồng độ GH huyết tương và sau đó là ảnh hưởng của bổ sung protein vào bữa ăn. Cột đầu tiên biểu diễn lượng lớn GH ở trẻ em bị thiếu protein nặng khi bị suy dinh dưỡng kwashiorkor; cột thứ hai biểu diễn mức GH của cùng đứa trẻ đó sau 3 ngày được điều trị với lượng carbohydrate trong bữa ăn nhiều hơn mức cần thiết, cho thấy carbohydrate không làm giảm nồng độ GH huyết tương. Cột thứ 3 và 4 biểu diễn mức GH sau khi điều trị bằng bổ sung protein trong khoảng từ 3- 25 ngày tương ứng với sự sụt giảm hormone GH.

Các kết quả này chứng minh rằng trong tình trạng suy dinh dưỡng protein nặng, cung cấp đủ calo chưa đủ để điều chỉnh sự bài tiết hormone GH. Sự thiếu hụt protein cũng phải được điều chỉnh trước khi nồng độ hormone GH trở lại bình thường.

Vai trò của vùng dưới đồi, hormone kích thích tiết GH, và somatostatin trong việc điều khiển sự bài tiết hormone GH

Ở các phần trước nói về các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự bài tiết GH, ta có thể dễ dàng thấy được sự lúng túng của các nhà sinh lý học khi cố gắng làm sáng tỏ bí ẩn của sự bài tiết hormone GH. Ta đã biết rằng sự bài tiết GH được điều khiển bởi hai yếu tố bài tiết trên vùng dưới đồi và sau đó được vận chuyển đến thùy yên trước qua hệ mạch cửa dưới đồi- yên. Chúng là những hormone kích thích tiết GH (GHRH) và hormone ức chế tiết GH (somatostatin). Cả hai loại đều là những polypeptide; GHRH gồm chuỗi 44 amino acid, và somatostatin gồm chuỗi 14 amino acid.

Vị trí ở vùng dưới đồi tiết ra GHRH là vùng nhân bụng; cũng là vị trí nhạy cảm với nồng độ glucose máu tại vùng dưới đồi, gây ra cảm giác no khi tăng đường máu và cảm giác đói khi hạ đường máu. Sự bài tiết somatostatin được điều khiển ở các vị trí khác trên vùng dưới đồi. Do đó, có khả năng một số tín hiệu tương tự mà thay đổi hành vi ăn uống cũng làm thay đổi sự bài tiết GH. Cùng cách này, các tín hiệu dưới đồi diễn tả tâm trạng, căng thẳng, và chấn thương hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới sự bài tiết GH.

Trên thực tế, thực nghiệm cho thấy các catecholamine, dopamine và serotonin, mỗi chất đều được bài tiết từ các hệ thần kinh khác nhau ở vùng dưới đồi, đều làm tăng sự bài tiết hormone GH.

Hầu hết sự điều khiển bài tiết hormone GH có lẽ thông qua hormone GHRH hơn là hormone somatostatin. GHRH kích thích bài tiết GH qua việc gắn với các receptor đặc hiệu trên bề mặt màng ngoài của các tế bào tiết GH ở thùy yên trước. Các receptor kích hoạt hệ adenylyl cyclase phía trong màng tế bào, tăng lượng AMP vòng nội bào. Sự kich thích này có cả tác dụng ngắn lẫn tác dụng kéo dài. Tác dụng ngắn là là tăng lượng ion Calci vận chuyển vào trong tế bào; trong vài phút, hiện tượng này gây ra sự hòa màng của các túi tiết GH và bài tiết GH vào trong máu.Tác dụng kéo dài là làm tăng sự dịch mã trong nhân thông qua các gen để kích thích sự tổng hợp hormone mới.

Khi hormone GH được đưa trực tiếp vào máu của con vật trong vòng vài giờ, mức độ bài tiết hormone tăng trưởng nội sinh giảm xuống. Sự suy giảm này chứng tỏ sự bài tiết hormone GH được điều khiển bởi cơ chế feedback âm tính điển hình, tương tự như bản chất của tất cả các hormone. Bản chất cơ chế feedback này và liệu có qua trung gian là sự ức chế GHRH hay là sự tăng cường bài tiết somatostatin (ức chế bài tiết hormone GH) vẫn còn chưa chắc chắn.

Tóm lại, những kiến thức chúng ta đã biết về sự điều khiển bài tiết hormone GH vẫn chưa đủ để vẽ nên một bức tranh tổng quát. Do đó, vì có sự bài tiết cực mạnh hormone GH khi bị thiếu ăn và tác dụng lâu dài quan trọng trong điều khiển sự tổng hợp protein và sự phát triển mô cơ thể, chúng tôi cho rằng: chất có tác dụng kéo dài điều khiển sự bài tiết hormone GH là tình trạng kéo dài về dinh dưỡng của các mô, đặc biệt là mức độ suy dinh dưỡng protein. Có nghĩa là, thiếu hoặc thừa dinh dưỡng tại các mô cần thiết protein (ví dụ sau một hiệp tập thể dục khi cơ ở trong tình trạng nợ oxy sẽ làm tăng mức độ bài tiết hormone GH. Hormone GH, đến lượt mình, điều khiển sự tổng hợp các protein mới đồng thời duy trì các protein nội bào.

Bất thường bài tiết hormone GH Suy tuyến yên trước

Suy tuyến yên trước tức là giảm sự bài tiết của tất cả các hormone tuyến yên trước. Sự suy giảm bài tiết có thể do bẩm sinh (từ khi sinh ra), hoặc có thể diễn ra đột ngột hoặc từ từ ở bất kì thời gian nào trong đời, hầu hết thường do hậu quả của u tuyến yên phá hủy tuyến.

Suy tuyến yên trước ở người trưởng thành

Suy tuyến yên trước hay xảy ra trong giai đoạn trưởng thành là hậu quả của 3 bất thường hay gặp nhất. Hai loại u tuyến yên, u sọ hầu hoặc u không nhuộm màu, có thể chèn ép tuyến yên đến mức làm cho chức năng của các tế bào chế tiết thùy trước yên bị phá hủy toàn bộ hoặc gần toàn bộ. Nguyên nhân thứ ba là do huyết khối mạch máu tuyến yên. Hiện tượng bất thường này xảy ra khi sản phụ bị sốc tuần hoàn sau khi sinh.

Những ảnh hưởng tiên phát của suy tuyến yên trước ở người lớn gồm (1) suy giáp, (2) giảm sản xuất glucocorticoid ở tuyến vỏ thượng thận, và (3) ức chế sự bài tiết các hormone hướng sinh dục nên bị mất đi các chức năng sinh dục. Vì thế, ảnh dưới đây là một người bị đần độn (do thiếu các hormone tuyến giáp), người này tăng trong lượng (vì thiếu sự huy động mỡ của các hormone GH, hormone kích thích vỏ thượng thận và hormone vỏ thượng thận, hormone tuyến giáp) và bị mất toàn bộ chức năng sinh dục. Trừ các chức năng sinh dục, còn lại bệnh nhân có thể điều trị các rối loạn khác bằng bổ sung hormone vỏ thượng thận và hormone tuyến giáp.

Chứng lùn

Hầu hết các trường hợp bị lùn là hậu quả của suy giảm toàn bộ chức năng bài tiết thùy yên trước (suy tuyến yên trước) trong giai đoạn thơ ấu. Nói chung, tất cả các phần cơ thểphát triển vẫn theo các tỷ lệ thích hợp, nhưng tốc độ phát triển bị giảm mạnh. Một trẻ 10 tuổi có thể có cơ thể của một trẻ 4- 5 tuổi, và tương tự với người 20 tuổi có thể cơ thể chỉ phát triển bằng một trẻ 7- 10 tuổi. Người bị lùn tuyến yên không dậy thì và không thể bài tiết đủ lượng hormone hướng sinh dục để phát triển các chức năng sinh dục của người lớn. Tuy nhiên trong 1/3 số người lùn chỉ hormone GH bị suy giảm; những người này vẫn có trưởng thành chức năng tình dục và có thể sinh sản. Ở một kiểu người lùn (người lùn cổ Châu Phi và người lùn Lévi-Lorain), mức độ bài tiết hormone GH vẫn bình thường hoặc cao, nhưng không có khả năng tổng hợp somatomedin C (do di truyền)- là một bước quan trọng trong quá trình phát triển bởi hormone GH.

Điều trị bằng hormone GH

Các hormone tăng trưởng từ các loại động vật khác nhau rất khác nhau nên chúng chỉ gây tác dụng trên một loài, hoặc các loài có quan hệ lân cận. Vì thế, hormone GH của các động vật bậc thấp hơn (ở một mức độ nào đó ngoại trừ loài linh trưởng) không gây tác dụng trên người. Do đó, hormone sinh trưởng của người được gọi là hGH (human-GH) để phân biệt với các loài khác. Trước đây, vì GH phải được lấy từ tuyến yên người nên rất khó lấy được lượng đủ để điều trị cho bệnh nhân suy tuyến yên, trừ trên mục đích thử nghiệm. Tuy nhiên, hormone hGH bây giờ có thể tổng hợp từ vi khuẩn E.coli sau việc ứng dụng thành công công nghệ tái tổ hợp ADN. Vì thế, hormone này bây giờ đã có sẵn cho mục đích điều trị suy giảm hormone GH. Người lùn bị suy hormone GH đơn thuần có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm. Hormone tăng trưởng người còn có thể chứng minh lợi ích của mình ở các rối loạn khác vì có các chức năng chuyển hóa rộng rãi.

Bệnh khổng lồ. Đôi khi, các tế bào ái toan tiết hormone GH ở tuyến yên trước hoạt động quá mức, hay thậm chí có khối u tế bào ái toan trong tuyến. Hậu quả là, lượng lớn hormone GH được tiết ra. Tất cả mô cơ thể phát triển rất nhanh, bao gồm cả các xương. Nếu tình trạng này xảy ra trước tuổi vị thành niên, trước khi sụn các đầu xương dài cốt hóa, chiều cao sẽ tăng nhiều và người đó trở thành người khổng lồ- có thể cao tới 2,44m (8 ft).

Người khổng lồ thường có tăng đường máu, và các tế bào beta ở các đảo Langerhans của tụy dễ bị thoái hóa do chúng bị quá tải vì tăng đường máu. Vì thế, ở khoảng 10% người khổng lồ, cuối cùng sẽ dẫn đến đái tháo đường tiến triển.

Ở hầu hết người khổng lồ, ở giai đoạn cuối sẽ tiến triển thành suy tuyến yên trước nếu họ không được điều trị vì bệnh khổng lồ thường do khối u tuyến yên phát triển cho đến lúc phá hủy tuyến. Sự suy giảm hormone tuyến yên thường gây chết trong giai đoạn đầu sau khi trưởng thành. Tuy nhiên, một khi được chẩn đoán bệnh khổng lồ, các ảnh hưởng nặng nề có thể được ngăn chặn bằng vi phẫu khối u thần kinh hoặc xạ trị tuyến yên.

Bệnh to cực chi. Nếu một khối u không nhuộm màu xuất hiện sau tuổi vị thành niên, tức là sa u khi diễn ra sự cốt hóa sụn vào thân xương dài, người đó không thể cao thêm được nữa, nhưng xương vẫn có thể dày lên và các mô mềm vẫn có thể phát triển. Khi đó Hình 76-8, iđược gọi là Bệnh to cực chi. Đặc trưng bệnh này là sự phì đại các xương tứ chi và các màng xương, bao gồm xương sọ, mũi, trán, ụ trán, xương hàm dưới, và các đốt sống, bởi vì sự phát triển của chúng không dừng lại ở tuổi vị thành niên. Do đó, xương hàm dưới bị nhô ra trước, đôi khi nhô đến 1,3cm, trán dốc ra trước vì ụ trán nhô ra, mũi to lên gấp đôi, chân phải dùng giày cỡ 14 hoặc to hơn, và các ngón tay to lên gấp gần 2 lần bình thường. Bên cạnh những ảnh hưởng trên, những sự biến đổi ở đốt sống thường dẫn đến gù lưng (gù sột sống). Cuối cùng, nhiều tạng mềm như lưỡi, gan hoặc thậm chí là thận cũng to lên.

Vai trò của giảm bài tiết hormone GH gây ra các biến đổi liên quan đến sự lão hóa

Ở những người mất chức năng bài tiết GH, một số đặc tính của quá trình lão hóa được thúc đẩy nhanh hơn. Ví dụ, 1 người 50 tuổi bị thiếu hormone GH trong nhiều năm có thể có bề ngoài như người 65 tuổi. Kiểu hình theo độ tuổi chủ yếu là kết quả của việc giảm lắng đọng protein ở các mô cơ thể và thay vào đó là tăng lắng đọng mỡ ở các mô này. Các ảnh hưởng thực thể và sinh lý làm tăng nếp nhăn, giảm chức năng một số cơ quan, và giảm kích thước cũng như độ chắc các cơ.

TUYẾN YÊN SAU VÀ MỐI LIÊN QUAN VỚI VÙNG DƯỚI ĐỒI

Tuyến yên sau, hay còn gọi là tuyến yên thần kinh, được tạo nên chủ yếu từ các tế bào giống tế bào thần kinh đệm, hay còn gọi là các tế bào ngoại mạch.Các tế bào ngoại mạch không bài tiết hormone; chúng hoạt động độc lập như là một cấu trúc nâng đỡ cho một lượng lớn các nút giao của các sợi thần kinh và nút giao các đầu tận thần kinh từ các đường thần kinh có nguồn gốc từ nhân trên thị và nhân cận não thất ở vùng dưới đồi Hình 76-9. Các đường thần kinh này đi xuống tuyến yên thần kinh qua cuống yên. Các đầu tận thần kinh là các synap chứa các bọc chế tiết. Các đầu tận này nằm trên giường mao mạch; nơi chúng bài tiết hai hormone tuyến yên trước: (1) hormone chống bài niệu (ADH) hay còn gọi là vasopressin và (2) oxytocin.

Nếu cuống yên bị cắt phía trên tuyến yên nhưng vùng dưới đồi vẫn nguyên vẹn, các hormone tuyến yên sau vẫn được bài tiết bình thường sau khi bị giảm thoáng qua trong vài ngày; sau đó chúng được bài tiết từ các đầu bị cắt của các sợi vùng dưới đồi chứ không phải từ các đầu tận ở tuyến yên sau. Lý do vì các hormone bắt đầu được tổng hợp tại các thân tế bào tại nhân trên thị và nhân cận não thất, sau đó được vận chuyển ở dạng gắn với các protein “mang” xuống các đầu tận thần kinh ở tuyến yên sau, sự di chuyển này mất khoảng vài ngày.

ADH được sản xuất chủ yếu ở nhân trên thị, trong khi oxytocin được sản xuất chủ yếu ở nhân cận não thất. Các nhân này có thể tổng hợp lượng hormone phụ bằng 1/6 lượng hormone chính.

Khi tín hiệu thần kinh được chuyển xuống qua các sợi từ nhân trên thị hay nhân cận não thất, hormone ngay lập tức được tiết ra từ các túi tiết ở các đầu tận thần kinh qua cơ chế bài tiết thông thường của oxytocin và chúng được hấp thụ vào các mao mạch cạnh đó. Cả protein mang và hormone được tiết ra cùng lúc, nhưng vì chỉ gắn lỏng lẻo với nhau, hormone tách ra gần như ngay lập tức. Hiện tại vẫn chưa tìm được chức năng nào của các protein mang sau khi ra khỏi các nút thần kinh.

Cấu trúc hóa học của ADH và oxytocin

Cả oxytocin và ADH (vasopressin) là polipeptid, đều chứa 9 amino acid. Thứ tự các amino acid như sau:

Vasopressin: Cys-Tyr-Phe-Gln-Asn-Cys-Pro-Arg-GlyNH2

Oxytocin: Cys-Tyr-Ile-Gln-Asn-Cys-Pro-Leu-GlyNH2

Chú ý rằng hai hormone này gần giống nhau trừ ở vasopressin: phenylamin và arginin thế chỗ isoleucin và leucine của phân tử oxytocin. Sự giống nhau về phân tử giải thích cho chức năng tương tự nhau của hai hormone này.

CHỨC NĂNG SINH LÝ CỦA HORMONE CHỐNG BÀI NIỆU

Tiêm một lượng cực nhỏ ADH (2 nanogam) có thể làm hạn chế sự bài tiết nước ở thận (chống bài niệu). tác dụng chống bài niệu được nói đến ở Chương 29. Nói ngắn gọn, khi thiếu ADH, các ống góp trở nên hầu như không thấm nước, ngăn đáng kể sự tái hấp thu nước và do đó cho phép lượng lớn nước mất theo nước tiểu, và còn làm loãng nước tiểu. Ngược lại, khi có mặt ADH, tính thấm của ống góp với nước tăng lên rất nhiều và cho phép hầu hết nước được tái hấp thu qua thành ống, do đó duy trì được lượng nước trong cơ thể và cô đặc nước tiểu.

Không có ADH, màng luminal của các tế bào biểu mô ống góp hầu như không thấm nước. Tuy nhiên, ngay lập tức bên trong màng tế bào có một lượng lớn các hạt đặc biệt có rất nhiều lỗ thấm nước gọi là aquaporin. Khi ADH hoạt động trên tế bào, đầu tiên gắn với các receptor màng để hoạt hóa adenylyl cyclase tổng hợp AMP vòng trong lòng ống tế bào chất. Quá trình tổng hợp này gây ra sự phosphoryl hóa các yếu tố trong các hạt đặc biệt, sau đó khiến các hạt này gắn vào phía đỉnh màng tế bào, do đó tạo thành nhiều vùng thấm nước mạnh. Tất cả diễn ra trong 5- 10 phút. Nếu tiếp tục thiếu hụt ADH, toàn bộ quá trình bị đảo ngược trong sau 5- 10 phút. Do đó, quá trình này tạm thời mang đến nhiều lỗ cho phép nước khuếch tán tự do từ lòng ống qua lớp tế bào biểu mô ống và vào trong dịch kẽ thận. Sau đó nước được hấp thu từ các ống góp qua thẩm thấu (xem Chương 29: mối liên hệ với cơ chế cô đặc nước tiểu của thận).

ĐIỀU HÒA BÀI TIẾT HORMONE CHỐNG BÀI NIỆU (ADH)

Tăng áp suất thẩm thấu dịch ngoại bào kích thích bài tiết ADH. Khi dịch ưu trương được tiêm vào trong động mạch cấp máu cho vùng dưới đồi, các neuron ADH ở nhân trên thị và nhân cận não thất lập tức chuyển xung đến tuyến yên sau để bài tiết lượng lớn ADH vào máu, đôi khi ADH có thể được bài tiết nhiều gấp 20 lần bình thường. Ngược lại, tiêm dịch nhược trương vào động mạch này làm tạm ngắt xung thần kinh do đó ngừng hầu hết sự bài tiết ADH. Vì vậy, nồng độ ADH trong dịch cơ thể có thể biến thiên từ một lượng rất nhỏ đến lượng rất lớn hoặc ngược lại trong vòng vài phút.

Ỏ vùng nào đó gần vùng dưới đồi là các receptors neuron được biến đổi gọi là các receptor thẩm thấu. Khi dịch ngoại bào trở nên quá ưu trương, do áp suất thẩm thấu nên dịch sẽ đi ra ngoài các tế bào receptor thẩm thấu, làm giảm kích thước tế bào và phát ra các tín hiệu lên vùng dưới đồi để tăng bài tiết ADH. Ngược lại, khi dịch ngoại bào trở nên quá nhược trương, do áp suất thẩm thấu, nước đi theo hướng ngược lại (vào trong tế bào), sẽ làm giảm tín hiệu bài tiết ADH. Mặc dù một số người coi những receptor thẩm thấu thuộc vùng dưới đồi (hay thậm chí ở nhân trên thị), một số khác lại cho rằng chúng liên kết với organum vasculosum, một cấu trúc giàu mạch máu ở anteroventral wall của não thất ba.

Chưa cần quan tâm đến cơ chế, dịch cơ thể ưu trương kích thích nhân trên thị, trong khi dịch nhược trương ức chế chúng. Có một hệ thống feedback để điều khiển toàn bộ áp suất thẩm thấu của dịch cơ thể.

Bằng chứng cụ thể hơn của sự điều khiển bài tiết ADH và vị trí của ADH trong điều hòa chức năng thận cũng như áp suất thẩm thấu dịch cơ thể có tại Chương 29.

Giảm thể tích tuần hoàn và giảm huyết áp kích thích bài tiết ADH- tác dụng co mạch của ADH

Trong khi một nồng độ nhỏ ADH làm tăng giữ nước thông qua thận, nồng độ cao ADH có tác dụng mạnh gây co các tiểu động mạch toàn cơ thể và do đó làm tăng huyết áp động mạch. Vì thế, ADH còn có tên khác là vasopressin (co mạch)

Một trong những tác nhân kích thích bài tiết lượng lớn ADH là giảm thể tích tuần hoàn. Hiện tượng này xảy ra mạnh khi thể tích tuần hoàn bị giảm từ 15- 25% trở lên; mức bài tiết sau đó thường tăng cao gấp 50 lần bình thường. Nguyên nhân là do:

Tâm nhĩ có các receptor sức căng, được kích thích bởi đổ đầy. Khi được kích thích, chúng gửi các tín hiệu lên não để ức chế bài tiết ADH. Ngược lại, khi các receptor không được kích thích do hậu quả của máu về tim ít, các hiện tượng diễn ra ngược lại, ADH được bài tiết nhiều hơn. Giảm sức căng của các receptor nhận cảm áp lực của động mạch cảnh, động mạch chủ và các vùng phổi cũng kích thích bài tiết ADH. Cụ thể hơn về cơ thế feedback áp lực- thể tích máu được nói đến ở Chương 29.

CHỨC NĂNG SINH LÝ CỦA OXYTOCIN

Oxytocin làm co tử cung khi mang thai

Hormone oxytocin, kích thích mạnh mẽ co tử cung khi mang thai, nhất là trong giai đoạn cuối của thai kì. Do đó, nhiều nhà sản khoa cho rằng hormone này cũng đóng góp một phần tham gia vào quá trình sinh sản. Việc này dựa vào những bằng chứng thực tế: (1) ở động vật bị cắt bỏ tuyến yên, quá trình chuyển dạ kéo dài hơn, cho thấy có sự tác động của oxytocin trong giai đoạn này; (2) lượng oxytocin trong huyết tương tăng lên trong quá trình chuyển dạ, nhất là trong giai đoạn cuối; và (3) sự kích thích vào khung chậu ở động vật mang thai tạo ra các tín hiệu thần kinh đi lên vùng dưới đồi và gây ra tăng bài tiết oxytocin. Những tác dụng này và cơ chế này để aiding quá trình chuyển dạ được nói kĩ hơn tại Chương 83.

Oxytocin khiến vú bài xuất sữa

Oxytocin cũng có vai trò rất quan trọng trong sự cung cấp sữa mẹ- một vai trò được biết cụ thể hơn so với vai trò làm co tử cung. Trong giai đoạn cho con bú, oxytocin làm cho sữa được bài xuất từ nang (alveoli) vào trong ống tuyến vú để đứa trẻ có thể mút được.

Cơ chế này hoạt động như sau: Động tác mút kích thích đầu ti tạo ra các tín hiệu để được vận chuyển qua các neuron xúc giác đến các neuron oxytocin tại nhân cận não thất và nhân trên thị ở vùng dưới đồi, khiến oxytocin được bài tiết ở tuyến yên sau. Oxytocin sau đó đi theo máu xuống vú, tại đây oxytocin làm co các tế bào biểu mô cơ nằm ở rìa và tạo thành hàng rào bao quanh các nang tuyến sữa. Chưa đến 1 phút sau khi trẻ bắt đầu mút, sữa bát đầu chảy ra. Cơ chế này được gọi là bài xuất sữa, được nói cụ thể hơn ở Chương 83 ở phần sự liên quan với sinh lý sữa mẹ.

Bài viết được dịch từ sách: Guyton and Hall text book of Medical and Physiology

Giới thiệu nguyentrungtin7

Check Also

[Xét nghiệm 57] Hormone kích thích tạo nang trứng (FSH)

HORMON KÍCH THÍCH TẠO NANG TRỨNG (FSH) (Folliculostimuline Hypophysaire / Follicular-Stimulating Hormone [FSH])   Nhắc …