1. BỆNH HẠCH BẠCH HUYẾT
Tiếp xúc với kháng nguyên qua một vết thương ở da hoặc niêm mạch dẫn đến kháng nguyên bị bắt giữ bởi tế bào trình diện kháng nguyên và được vận chuyển trong kênh bạch huyết đến hạch lympho gần nhất. Các kênh bạch huyết chảy trong khắp cơ thể ngoại trừ ở não và xương. Bạch huyết vào trong hạch qua mạch bạch huyết đến và ra khỏi hạch qua mạch bạch huyết đi. Khi các tế bào trình diện kháng nguyên đi qua hạch lympho, chúng trình diện kháng nguyên đến các lympho bào đang nằm sẵn. Các lympho bào trong hạch được thay thế liên tục bởi các lympho bào “ngây thơ” có trong máu. Chúng được giữ lại trong hạch qua các thụ thể homing đặC biệt. Tế bào B nằm trong các nang lympho trong vùng vỏ; tế bào T nằm trong vùng cận vỏ. Khi một tế bào B gặp và immunoglobulin bề mặt của nó có thể kết hợp được với kháng nguyên, nó ở lại trong nang một vài ngày và hình thành trung tâm mầm nơi các gene immunoglobulin bị đột biến để cố gắng tạo ra kháng thể có ái lực cao với kháng nguyên. Tế bào B sau đó di chuyển đến vùng tuỷ, biệt hoá thành tương bào, và tiết ra immunoglobulin vào trong mạch bạch huyết đi.
Khi một tế bào T tiếp xúc với một kháng nguyên mà nó nhận ra, nó sẽ tăng sinh và đến mạch bạch huyết đi. Mạch bạch huyết đi chứa đầy các kháng nguyên và tế bào T đặc hiệu cho kháng nguyên đi qua nhiều hạch khác trên đường đi cho đến ống ngực, nơi dẫn lưu bạch huyết từ khắp nơi trong cơ thể. Từ ống ngực, bạch huyết đi vào dòng máu ở TM dưới đòn trái. Bạch huyết ở vùng đầu cổ và tay phải dẫn lưu vào TM dưới đòn phải. Từ dòng máu, kháng thể và tế bào T đi đến và khu trú ở các vị trí có nhiễm trùng.
Bệnh bạch huyết có thể do nhiễm trùng, bệnh ở hệ miễn dịch, bệnh ác tính, bệnh do tích trữ lipid, hoặc các bệnh khác chưa rõ nguyên nhân (vd, sarcoidosis, bệnh Castleman; Bảng 50-1). Hai cơ chế chính của bệnh là tăng sản, để phản ứng với kích thích miễn dịch hoặc nhiễm trùng, và thâm nhiễm, do các tế bào ung thư hoặc các đại thực bào ứ đầy lipid hoặc glycoprotein.
2.LÁCH TO
Cũng như hạch bạch huyết là “chuyên gia” tiêu diệt mầm bệnh trong mô, lách là cơ quan lympho chuyên biệt để chiến đấu các mầm bệnh sinh ra từ máu. Nó không có hệ bạch huyết đến. Trong lách có một vùng đặc biệt giống như hạch lympho để sản xuất kháng thể (nang) và khuếch đại các tế bào T đặc hiệu kháng nguyên (bao lympho quanh động mạch, hoặc PALS).
Thêm vào đó, nó có một hệ lưới nội mô phát triển để loại bỏ các phân tử và vi khuẩn được bao bởi kháng thể. Dòng máu chảy qua lách cho phép lọc được mầm bệnh từ máu và duy trì việc kiểm soát chất lượng hồng cầu— chúng bị phá huỷ khi già và không biến dạng, và các thể vùi nội bào (thỉnh thoảng có chứa các mầm bệnh Babesia và Plasmodium) được chọn lọc từ tế bào trong một quá trình gọi là pitting. Ở một số trường hợp, lách có thể tạo ra các tế bào tạo máu thay cho tuỷ xương.
Lách bình thường dài 12 cm và rộng 7 cm và thường không sờ được. Có thể gõ được vùng đục của lách ở vị trí giữa xương sườn 9 và 11 khi BN nằm nghiêng bên phải. Sờ lách tốt nhất khi BN ở tư thế nằm ngửa với gập gối. Có thể cảm nhận được lách đi xuống khi BN hít vào. Chẩn đoán trên lâm sàng thường không nhạy. CT hoặc siêu âm tốt hơn.
Lách to xảy ra do ba cơ chế căn bản: (1) tăng sinh hoặc phì đại do tăng nhu cầu chức năng lách (vd, bệnh hồng cầu hình cầu di truyền cần phải loại bỏ một lượng lớn hồng cầu bị khiếm khuyết hoặc tăng sinh miễn dịch để phản ứng với nhiễm trùng hệ thống hoặc bệnh miễn dịch); (2) sung huyết do tăng áp lực TM cửa; và (3) thâm nhiễm các tế bào ác tính, đại thực bào ứ đọng lipid hoặc glycoprotein, hoặc amyloid (Bảng 50-2). Lách to khổng lồ, sờ được lách >8 cm dưới bờ sườn trái, thường là biểu hiện của bệnh tăng sinh mô bạch huyết hoặc tăng sinh tuỷ xương.
Đếm hồng cầu trong máu ngoại biên, bạch cầu và tiểu cầu có thể bình thường, giảm hoặc tăng tuỳ thuộc vào bệnh lý nền. Giảm một hoặc nhiều dòng tế bào gợi ý cường lách, tăng phá huỷ. Trong trường hợp cường lách, lách được cắt bỏ và tình trạng giảm tế bào thường bị đảo ngược. Nếu không cường lách, đa số các nguyên nhân của lách to được chẩn đoán dựa vào triệu chứng và dấu chứng và các xét nghiệm bất thường liên quan đến bệnh nền. Hiếm khi cắt lách để phục vụ chẩn đoán.
BN bị cắt lách có nguy cơ cao nhiễm trùng huyết do nhiều loại vi khuẩn như phế cầu và Haemophilus influenzae. Nên chích vaccine của các tác nhân này trước khi cắt lách. Cắt lách làm giảm đáp ứng miễn dịch với các kháng nguyên phụ thuộc tế bào T.
Nguồn: Harrison Manual of Medicine 18th
Tham khảo bản dịch của nhóm ” chia ca lâm sàng”