Câu nói trên đó là trăn trở của Bác sĩ Trần Văn Phúc khi xảy ra sự việc Bệnh viện Chợ Rẫy được Bộ Y tế yêu cầu chấn chỉnh về chuyên môn.
Đừng coi sai lầm của BS là hành động giết người
Một bác sĩ trưởng ê kíp trực Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) vừa bị đình chỉ công tác vì chưa theo dõi sát tua trực; chưa phân công, sắp xếp hợp lí để phát hiện và xử trí kịp thời khi bệnh nhân có diễn biến bất thường.
Cũng trong ê kíp đó, còn có một bác sĩ nữa bị đình chỉ công tác vì chưa có kinh nghiệm khi khám và xử lí bệnh nhân có nhiều bệnh nền, chưa xác định chính xác tình trạng của người bệnh.
Cả 2 bác sĩ đều liên quan đến cái chết của bà Nguyễn Thị Trí (57 tuổi, ngụ Q8 – TP. HCM).
Tôi nhận thấy rằng, bệnh viện hôm nay an toàn hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng nó cũng phức tạp hơn. Trong y học, các kĩ thuật phức tạp sẽ cứu sống và chữa khỏi cho nhiều người bệnh, nhưng có thể mang lại rủi ro cho bệnh nhân, ngay cả trong trường hợp kĩ thuật được thực hiện bởi những bác sĩ tốt nhất.
Tôi hoàn toàn thông cảm với dư luận xã hội khi cho rằng, việc đình chỉ công tác 2 bác sĩ là chưa có gì đáng kể nếu so với cái chết của bệnh nhân, so với sự tổn thương mất mát của gia đình.
Có thể đồng nghiệp của tôi đã phạm phải những sai lầm khủng khiếp, 2 bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ cảm thấy vô cùng tồi tệ, người bệnh và dư luận xã hội sẽ không bao giờ tha thứ cho họ.
Nhưng chúng tôi là những con người, chẳng ai tuyệt đối hoàn hảo để không phạm phải sai lầm, trước một lỗi hay một sự cố y khoa chúng tôi phải loay hoay tìm cách vượt qua, phải vượt qua để có thể tiếp tục thực hiện công việc khám chữa bệnh.
Nếu chúng tôi không vượt qua được, không lấy lại được niềm tin vào trình độ và tay nghề của mình, thì sẽ lại tiếp tục có những sự cố khác. Nhưng để vượt qua được vùng nguy hiểm, cần phải có sự thay đổi từ 3 phía, đó là hệ thống y tế, bác sĩ và người bệnh; phải tránh xa nền văn hóa coi sai lầm của bác sĩ là hành động giết người.
Bởi chúng tôi ai cũng phải đặt tay lên ngực với lời thề thiêng liêng: Bác sĩ, điều trước tiên là không làm hại bệnh nhân!
Bác sĩ thường phải đối đầu thế nào với sự cố y khoa?
Bạn tôi, một nữ bác sĩ nhi khoa có thâm niên công tác 22 năm ở một bệnh viện lớn.
Sự cố y khoa nghiêm trọng đầu tiên mà cô mắc phải: Một cháu bé mắc căn bệnh hiểm nghèo được cô nhận điều trị trực tiếp, đứa trẻ yếu đuối dần mà cô không bằng cách nào tiên lượng được, gia đình liên tục đưa ra những yêu cầu chuyên môn và cô cảm thấy không hợp lí nên đã có những bức xúc, đứa trẻ chết sau đó 9 ngày.
“Rõ ràng em đã điều trị đúng phác đồ, đã tính toán liều lượng thuốc cẩn thận đến từng mililit, theo dõi diễn biến bệnh nhân những ngày đầu tiến triển tốt em đã rất vui mừng” – cô bác sĩ đã nói với tôi như vậy trong hai hàng nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt.
Buổi trưa hôm đó, gia đình thấy bệnh nhi sốt rất cao, nói lảm nhảm, mắt trợn ngược đã lao đi tìm gọi bác sĩ; cháu bé được chuyển ngay sang đơn vị hồi sức tích cực nhưng đã không qua khỏi vào sáng hôm sau.
Tiếp theo là những thời khắc kinh hoàng!
Vài chục phút sau khi cháu bé mất, người nhà kéo rất đông đến viện, họ yêu cầu làm sáng tỏ vụ việc, có một vài người không kiềm chế nổi đòi hành hung bác sĩ.
Các đồng nghiệp nhanh chóng đẩy cô vào một căn phòng gần đó, khóa cửa lại, để cách li cô với những người quá khích xung quanh. Khi có cơ hội trốn thoát, một số người vội vã hộ tống cô ra lối cửa sau, rời khỏi khuôn viên bệnh viện nơi cô đã từng gắn bó suốt 22 năm.
Chạy trốn như cô bạn của tôi là cách khởi đầu mà bác sĩ thường áp dụng khi xảy ra sự cố!
Với người bác sĩ, mọi sự cố y khoa đều trở thành bi kịch, bởi họ không có từ ngữ nào để thanh minh tốt hơn bằng sự im lặng chịu trận, không có cách nào để giải thích rõ ràng sự việc tại sao lại xảy ra như vậy.
Bản thân tôi bắt đầu tìm hiểu lỗi y khoa kể từ khi mới là một sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Trước đó, ở trên giảng đường tôi được học tất cả những gì tôi phải biết, ngoại trừ cách đối mặt với những sự cố, đối mặt với những sai lầm mà sau này tôi biết mọi bác sĩ thực hành đều mắc phải.
Gần 20 năm về trước, tôi là một bác sĩ trẻ chưa có kinh nghiệm, nhưng lại rất nhiệt tình hăng hái cập nhật, luôn tìm cách học hỏi để triển khai những kĩ thuật y khoa mới mẻ.
Một bệnh nhân của tôi bị áp xe gan trái, tôi quyết định chọc hút dưới hướng dẫn siêu âm, để tránh cho bệnh nhân một cuộc mổ. Áp xe gan trái không chọc hút sớm rất dễ gây tràn mủ lên màng tim, màng phổi, hay nhẹ hơn là mủ tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc toàn thể đe dọa tính mạng.
Tôi làm bài toán cẩn thận trong đầu: Chiều dày thành bụng 25mm, xuyên qua nhu mô gan phải 40mm, tiếp cận vào trong ổ áp xe 10mm, tổng cộng là 75mm. Tôi còn cẩn thận dán mẩu băng dính lên vị trí kim để biết điểm dừng, điều đó đảm bảo chắc chắn nếu tôi dùng siêu âm kiểm soát đầu kim sẽ không bao giờ bị chọc xuyên lên tim hay phổi.
Vừa hút xong mủ, tôi chưa kịp rút kim thì bệnh nhân kêu đau dữ dội vùng thượng vị, hoa mắt chóng mặt, da tái mét, vã mồ hôi hột.
“Thằng chó! Mày giết bố tao à. Xảy ra chuyện gì bố giết chết mày con ạ. Ranh con không làm được thì để trưởng khoa làm” – Thời đó bác sĩ chúng tôi thường bị gọi là chó và cũng có nhiều người nhận làm bố chúng tôi.
Đang lúc kinh hoàng, bối rối, sợ hãi vì con trai bệnh nhân đe dọa, nhưng tôi phải cố trấn tĩnh để phán đoán thật nhanh rồi đưa ra giải pháp xử lí; bỗng nhiên bệnh nhân hết đau và bình thường trở lại.
Sau sự cố, tôi hỏi thầy và được chỉ cho biết thủ thuật can thiệp vùng thượng vị có thể xuất hiện cơn đau đám rối dương, thậm chí là choáng sốc. Thầy dặn lần sau phải đặt đầy đủ đường truyền tĩnh mạch, đủ dụng cụ cấp cứu, chuẩn bị sẵn thuốc và hộp chống sốc đề phòng xảy ra sự cố.
Đặc thù trong y học: Bác sĩ ai cũng là thầy!
Chúng tôi, để thi đỗ trường y đều phải đạt điểm tốp đầu, thậm chí điểm cận tối đa.
Trường ĐHY Hà Nội nơi tôi học, chắc chắn không sợ chuyện thi tuyển đầu vào lọt những thí sinh gian lận điểm như ở Hà Giang, Sơn La, hay Hòa Bình; bởi vì nếu có gian lận thì chỉ một năm sau sinh viên đó sẽ phải tự ra khỏi trường vì khối lượng kiến thức quá khủng khiếp mà sự gian lận không đủ sức chịu đựng.
Dù có tốt nghiệp bác sĩ loại giỏi thì chúng tôi khi mới ra trường vẫn chỉ biết tập tọe về nghề. Anh lớn đi trước kèm cặp em sau. Sức khỏe con người là đặc biệt, nên môi trường bệnh viện không có sự độc lập tuyệt đối trong công việc của một bác sĩ, thay vào đó là cơ chế kiểm soát chuyên môn phân theo cấp bậc.
Đó là lí do để các bệnh viện phân tua trực theo cọc I – II – III, nghĩa là cọc II làm thầy và kiểm soát cọc III, cọc I làm thầy và kiểm soát 2 cọc còn lại.
Tôi quan niệm môi trường thực hành bệnh viện không có sự phân biệt kĩ thuật cao với kĩ thuật thấp, càng không có chuyên khoa này quan trọng đòi hỏi phải phân công bác sĩ giỏi có kinh nghiệm, còn chuyên khoa kia thì đơn giản nên không cần bác sĩ giỏi.
Theo tôi, mọi kĩ thuật đòi hỏi phải có kiến thức và kĩ năng, nghĩa là phải được trau dồi và rèn luyện lặp đi lặp lại dưới sự kèm cặp của các bậc đàn anh.
Đó là lí do tại sao một bác sĩ trẻ vẫn trực Khoa Cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Những cơn dằn vặt
Đêm muộn, tôi mở các tài khoản mạng xã hội, thấy phía bên kia cô bạn vẫn online.
“Em đang làm gì?” – tôi nhắn tin hỏi và nhận được câu trả lời lặp lại mỗi đêm – “Em đang khóc anh ạ! Giờ này chồng và con em đang ngủ, còn em ngồi suy nghĩ về bệnh nhi tử vong, rồi em chỉ còn biết khóc cho vơi đi nỗi buồn”.
“Hàng trăm ngàn kĩ thuật được thực hiện mỗi ngày ở Việt Nam. Con số ấy muốn nói cho người bệnh đừng hiểu nhầm bệnh viện là nơi không an toàn.
Hầu hết các lỗi y khoa không phải do cá nhân, thay vào đó, chúng liên quan đến nhiều sự cố hệ thống, lỗi có thể xảy ra với cả bác sĩ giỏi, sẽ là sai lầm khi khắc phục sự cố bằng cách tập trung trừng trị cá nhân bác sĩ.”
Lựa chọn theo nghề bác sĩ là điều cô mơ ước, nhưng ngay khi bước chân vào ĐHY Hà Nội, cô đã quyết định sẽ trở thành bác sĩ nhi khoa như một bản năng tự nhiên. Từ những ngày đi thực tập thời sinh viên, cho đến 3 năm học nội trú sau đại học, cô đắm chìm trong bệnh viện với những đứa trẻ mắc các bệnh từ ho sốt cho đến các bệnh hiểm nghèo như ung thư.
Cô quá yêu nghề nghiệp và quá yêu các bệnh nhân của mình. Cô đã từng viết nhiều bài thơ cho bệnh nhi, cô dành nhiều thời gian để chăm sóc những đứa trẻ sắp chết, cô an ủi giúp đỡ tinh thần cho những ông bố bà mẹ phải mất con.
Ngay hôm bệnh nhi tử vong, bệnh viện nhanh chóng ra quyết định đình chỉ công tác, để phục vụ cơ quan cảnh sát điều tra.
Cô lái xe về nhà, hoảng sợ với những gì đã xảy ra, hoang mang không biết rồi điều gì sẽ chờ đón cô ở phía trước. Cô vừa phải vật lộn với cái chết của bệnh nhi, vừa lo lắng sẽ mất đi sự nghiệp mà cô yêu thích, điều đó làm cho cô khóc liên tục.
“Em dằn vặt với câu hỏi về năng lực và giá trị của bản thân!” – trong một gặp mặt cô đã không dừng được tiếng khóc – “Bác sĩ là công việc mà em đam mê, là cốt lõi cuộc sống của em, nên em đã đánh đổi mọi thứ để có được công việc này.”
“Mỗi ngày chồng em dành thời gian đưa cả nhà đi chơi đâu đó, có thể ăn nhà hàng; em giặt giũ, lau dọn nhà cửa, làm các công việc nội trợ và chăm sóc chồng con. Nhưng chừng đó không đủ để chám hết thời gian quá dài 24 tiếng mỗi ngày.
Rất may, bên cạnh em có một người chồng tuyệt vời để chia sẻ với em mọi thứ, có những đứa con để em phải gạt đi những suy nghĩ tiêu cực”.
Khắc phục sự cố bằng sự trừng trị cá nhân là sai lầm
Một bác sĩ đã tìm kiếm cuốn từ điển khổng lồ và những cuốn sách y khoa dày cộp. Anh không mở những trang sách để học hỏi kiến thức, mà kê cao thành một chồng, rồi bước lên trên đó để tự treo mình.
Đó là một người thầy vô cùng tài hoa của ĐHY Hà Nội, một bác sĩ nhãn khoa, cái chết của anh cách đây 25 năm không phải là một sự thừa nhận tội lỗi, mà là một quyết định tuyệt vọng khi dư luận xã hội và cơ quan chức năng đã buộc tội anh trước khi có một bản án thực sự phân xử đúng sai.
Cái chết của anh, cứ tưởng sẽ mở mắt cho cả xã hội, sẽ truyền cảm hứng để toàn hệ thống y tế thay đổi; nhưng ngược lại, suốt nhiều năm sau đó cái hố ngăn cách giữa bác sĩ và bệnh nhân càng ngày càng bị khoét sâu hơn.
Ngày bác sĩ ấy ra đi, cô em gái út đạt bốn điểm 10 ở lớp, nhưng tâm nguyện cuối cùng của người anh trai lại không muốn em mình đi theo nghiệp bác sĩ.
Y học đã tháo chạy khỏi rất nhiều gia đình có truyền thống như thế!
Con gái nuôi của tôi thông minh và giỏi giang, suốt ngày đòi bố cho đến bệnh viện để được khoác chiếc áo Blouse của bố, được gắn tấm thẻ bác sĩ lên trên ngực áo.
Năm lớp 11, tôi chiều con cho đến bệnh viện vào những ngày tôi trực, còn hứa sẽ dạy con 3 môn toán – hóa – sinh đủ điểm thi đỗ ĐHY Hà Nội.
Sau vài buổi, con tâm sự với tôi rằng, con rất yêu nghề bác sĩ của bố, nhưng khối lượng công việc quá khủng khiếp, sự khủng khiếp còn lớn hơn rất nhiều khi phải đối diện với những hành vi bạo lực mà bệnh nhân và gia đình dành cho bác sĩ, điều mà con không biết làm cách nào để xử lí được nó.
Cuối cùng con gái nuôi của tôi từ bỏ nghề y và đi theo nghệ thuật.
Hàng trăm ngàn kĩ thuật được thực hiện mỗi ngày ở Việt Nam. Con số ấy muốn nói cho người bệnh đừng hiểu nhầm bệnh viện là nơi không an toàn. Hầu hết các lỗi y khoa không phải do cá nhân, thay vào đó, chúng liên quan đến nhiều sự cố hệ thống, lỗi có thể xảy ra với cả bác sĩ giỏi, sẽ là sai lầm khi khắc phục sự cố bằng cách tập trung trừng trị cá nhân bác sĩ.