[Tài liệu] Bàn chân bẹt – Flat foot – Pes planus

Rate this post

BÀN CHÂN BẸT – FLAT FOOT – PES PLANUS

Trong thời gian gần đây, trong việc trả lời vài thắc mắc của các mẹ bỉm sữa bên nhóm Vì Con, tôi giật mình khi nhận ra hình như có quá nhiều trẻ ở VN được chẩn đoán flat foot và được điều trị, trong khi ở Mỹ thì số trẻ phải được điều trị ít hơn nhiều (dĩ nhiên đây là cảm nhận của tui chứ không theo số liệu chính xác).
Vòm xương bàn chân có tác dụng như bộ phận giảm xóc và phân chia sức ép lên bàn chân, khi không có vòm xương hay có rất ít, sức nặng cơ thể sẽ dồn nhiều vào gót chân và mất bộ giảm xóc nên dễ tổn thương hơn.
TUỔI NÀO THÌ CÓ THỂ CHẨN ĐOÁN BÀN CHÂN BẸT?
Thông thường trẻ nhỏ hơn 6 tuổi sẽ có bàn chân bẹt tự nhiên, vì các lý do sau đây:
– Xương bàn chân chưa phát triển, còn mềm, vòm xương chưa định hình, các khớp còn rất dẻo
– Trẻ nhỏ có một lớp mỡ dày phía bên trong bàn chân nên sẽ che mất vòm xương bàn chân nên lúc nào nhìn cũng bẹt.
Như vậy hiện tượng bàn chân bẹt ở trẻ nhỏ là một hiện tượng sinh lý bình thường và không gây hại gì, không cần phải điều trị, trừ khi trẻ có thêm các bất thường về giải phẫu khác. Con bạn nếu chạy nhảy vui chơi bình thường thì không cần lo lắng gì cả.
NGUYÊN NHÂN CỦA BÀN CHÂN BẸT.
Sau 6 tuổi thì có một số trẻ không hình thành vòm xương và có bàn chân bẹt thực sự. Nguyên nhân chủ yếu là do di truyền, ngoài ra còn có các nguyên nhân khác.
– Béo phì
– Chấn thương
– Viêm khớp dạng thấp (người lớn)
– Tiểu đường
– Thoái hoá khớp ở người già.
Ở trẻ con thì chủ yếu là do di truyền hay béo phì, kém vận động, gân gót quá căng.
BCB rất dễ phát hiện, nhìn từ phía trong bàn chân khi đứng trên nền cứng, nhìn lòng bàn chân khi nhón gót nhẹ, nhìn cách đi cổ chân hơi vẹo vào phía trong, nhìn đế giày mòn nhiều hơn ở phía trong.
TÁC HẠI CỦA BÀN CHÂN BẸT.
Hầu hết BCB không gây hại gì, người có BCB có thể sinh hoạt, chơi thể thao bình thường mà không hề có triệu chứng gì, nhất là trẻ con.
BCB KHÔNG làm ảnh hưởng đến sự phát triển chân và chiều cao cũng như không làm yếu chân, không gây té ngã, không có gì phải sợ.
Tuy nhiên có một số trường hợp BCB có thể gây đau gót chân và lòng bàn chân, đặc biệt sau khi vận động nhiều. Ngoài ra còn có thể làm căng cứng gân gót chân là chân bị cứng nhất là buổi sáng.
Ở người lớn, một số ít trường hợp nặng có thể làm lệch trục khớp cổ chân, gây đau cổ chân khớp gối, khớp háng, lồi củ xương (bunion), viêm khớp, …
KHI NÀO CẦN ĐIỀU TRỊ?
Tôi không coi BCB là một bệnh, đúng hơn đây là một sự phát triển khác thường của cơ thể, giống như người mũi cao và người mũi thấp vậy thôi. Chúng ta không cần phải điều trị trừ khi BCB gây triệu chứng như đau gót chân và lòng bàn chân thôi.
Chính vì vậy ở Mỹ không tầm soát BCB, chỉ khi nào trẻ bị đau một cách bất thường thì mới xem xét xem có bị BCB hay không, và có phải là nguyên nhân gây đau hay không?
Đau ở đây là phải đau nhiều, đau thường xuyên, đau khi cả hoạt động bình thường. Chứ nếu trẻ hôm nay đá hai trận banh, tối về than đau chân thì là bình thường, bẹt hay không bẹt gì cũng thế.
Người lớn thì điều trị theo nguyên nhân nếu có.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ.
Phương pháp điều trị tuỳ theo mức độ nặng của triệu chứng, hầu hết là điều trị hỗ trợ là chính.
– Nghỉ ngơi khi đau, để thời gian cho tổn thương được hồi phục, giảm bớt các loại vận động có tác động tới chân như chạy nhảy, khuyến khích các môn thể thao như bơi lội, đi bộ, chạy xe đạp,…
– Uống thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen nếu cần.
– Tập các động tác giãn gân gót chân.
https://www.healthline.com/health/flat-feet-exercises…
– Vật lý trị liệu
– Giảm cân
– Mang giày thể thao có lớp đệm tốt và hỗ trợ cổ chân, tránh đi chân không, mang dép lê, sandal, thậm chí ở nhà. Ở nhà tôi dùng loại dép có đế mềm và dày vì tôi cũng bị BCB.
– Với trẻ lớn có thể dùng các miếng lót trong giày hỗ trợ cho BCB, bên Mỹ có hiệu nổi tiếng là Dr Scholl, trẻ nhỏ thì phải được thiết kế đặc biệt theo kích cỡ chân chứ không mua ở tiệm được. Mang giày thể thao và dùng miếng lót chính là gia cố lại bộ giảm xóc thôi, vì bộ giảm xóc của mình kém chất lượng.
– Các loại giày hỗ trợ, đế chỉnh hình bình thường không cần đến, chỉ dùng một số ít trường hợp nặng hoặc có các bất thường về khớp kèm theo.
– Phẫu thuật: chỉ dành cho các trường hợp kèm theo bất thường về xương, dính xương, đứt gân, BCB thể cứng (rigid pes planus).
Tóm lại, BCB không có gì phải quá lo lắng, cũng không phải đi tìm nó làm gì, chừng nào nó làm phiền mình thì hãy kiếm nó.
Hai cha con tôi đều bị BCB, tôi mỗi ngày đều chạy 40 phút, thằng con tôi nó đánh tennis đều đều mỗi tuần, không có gì phải xoắn.
Tôi chỉ bị đau gót chân khi còn làm bs nội trú bên Mỹ, một tuần phải làm việc 80 tiếng, đau gót chân hoài không hết, phải dùng tới miếng lót Dr Scholl thì mới giảm. Sau khi xong nội trú, làm việc 40 tiếng một tuần thì hết đau.
Advertisement
Nếu con bạn dưới 6 tuổi mà có bàn chân bẹp là BÌNH THƯỜNG, còn nếu trên 6 tuổi có BCB mà nó chạy nhảy bình thường thì kệ nó đi, bày đặt trị làm gì cho tốn tiền còn mệt người. Các phương pháp điều trị KHÔNG làm nó hết bẹt, chỉ làm giảm triệu chứng, hỗ trợ và giảm bớt các bất thường về khớp nếu có, mà đã không có triệu chứng thì trị làm gì?
Còn nếu bạn sống lâu năm với cái bàn chân bẹp mà không có sao, tới ngày nào đó bạn đau gối, đau lưng, khoan hãy đổ thừa cho bàn chân bẹp, mấy chục năm nay nó không đau, giờ sao lại đau? Có biết bao nhiêu lý do làm đau khớp gối ở người già, đó là phức hợp của tuổi già. Tui viết câu này vì thấy có nhiều người hù doạ bây giờ không chỉnh thì mai mốt sẽ đau, nhớ là hiện tại chưa có phương pháp nào làm cho cái chân bẹp của bạn cong trở lại đâu nhé trừ khi có nguyên nhân cụ thể như chấn thương.

Giới thiệu Haunguyen

Check Also

[Tài liệu] Tổng hợp tài liệu Hội nghị Hồi sức cấp cứu

TỔNG HỢP TÀI LIỆU HỘI NGHỊ HỒI SỨC CẤP CỨU 1. Áp lực đẩy: Khái …