[Vaccin] Đổ xô đi tiêm vắc-xin phế cầu

Rate this post
Phế cầu khuẩn (Pneumococci) là vi khuẩn xuất hiện trong vòm họng ở khoảng 5 đến 20% dân số trên toàn thế giới. Phế cầu khuẩn cư trú trong vòm họng của con người, hầu hết không gây ra triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, nếu lây lan cục bộ, chúng có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp trên (viêm xoang, viêm tai giữa) và đường hô hấp dưới (viêm phổi). Nghiêm trọng nhất khi phế cầu khuẩn xâm nhập vào các vùng vô trùng của cơ thể như hệ tuần hoàn và não bộ. Nhiễm trùng huyết thường xảy ra cùng với bệnh viêm phổi. Phế cầu khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm phổi, bệnh viêm màng não do vi khuẩn ở người lớn và trẻ nhỏ và là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây ngộ độc máu ở trẻ sơ sinh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiễm trùng phế cầu là một trong những nguyên nhân gây tử vong quan trọng nhất trên toàn thế giới.
Người lớn có bị bệnh do viêm phế cầu khuẩn? | Vinmec
Phế cầu được truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Điều này có thể xảy ra, chẳng hạn như khi bạn ho hoặc hắt hơi. Các giọt truyền nhiễm bay vào không khí. Hít phải những giọt nước này có thể truyền vi khuẩn. Do đó, con đường lây nhiễm này còn được gọi là nhiễm trùng giọt.
Nguy cơ mắc bệnh do nhiễm phế cầu khuẩn phụ thuộc vào độ tuổi. Trẻ em trong hai năm đầu đời và người già thuộc vào nhóm có nguy cơ cao bị bệnh bởi phế cầu khuẩn gây ra. Có hơn 90 chủng phế cầu khuẩn khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh chỉ do một số chủng gây ra và việc chủng ngừa sẽ bảo vệ chống lại những bệnh này. Tiêm phòng có thể làm giảm tới 90% nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn hoặc các biến chứng của nó. Do đó, vaccine phế cầu khuẩn được khuyến nghị cho tất cả trẻ sơ sinh từ 2 tháng tuổi và người già trên 60 tuổi. Ngoài ra, những người mắc các bệnh mãn tính về phổi hoặc tim, những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc liệu pháp ức chế miễn dịch hoặc bị tiểu đường cũng có nguy cơ cao hơn và do đó nên được tiêm phòng.
Vaccine bất hoạt được sử dụng để tiêm phòng phế cầu. Chúng chứa các thành phần đặc trưng từ vỏ vi khuẩn. Sau khi tiêm, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng bằng cách hình thành các kháng thể đặc hiệu chống lại các thành phần này. Các kháng thể này sẽ bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn trong trường hợp bị nhiễm trùng phế cầu khuẩn xâm nhập.
Vaccine Pneumovax 23 chống lại phế cầu khuẩn đã được cấp phép từ những năm 1970 cho trẻ em từ hai tuổi trở lên. Pneumovax 23 có chứa các thành phần vỏ đặc trưng của 23 biến thể phế cầu khuẩn khác nhau. Synflorix, Prevenar 13 là hai loại vaccine chủng ngừa phế cầu được phát triển gần đây. Trong hai loại vaccine này, các thành phần vỏ đặc trưng của các phế cầu khác nhau được liên kết với chất mang là protein. Điều này cải thiện phản ứng miễn dịch và do đó hiệu quả của việc tiêm chủng cũng được tăng lên. Synflorix bảo vệ chống lại 10 loại phế cầu khuẩn khác nhau. Synflorix được chấp thuận cho trẻ em dưới 5 tuổi. Prevenar 13 cung cấp khả năng bảo vệ nhiều hơn so với vắc xin Synflorix vì nó dựa trên các thành phần vỏ bọc của 13 loại phế cầu khuẩn. Prevenar 13 được chấp thuận cho mọi lứa tuổi.
Pneumovax 23 Vaccine 0.5 ml Price, Uses, Side Effects, Composition - Apollo  Pharmacy
Người lớn khỏe mạnh dưới 60 tuổi không cần được tiêm phòng phế cầu khuẩn vì đã có sức đề kháng tốt của hệ miễn dịch. Trẻ em dưới 2 tuổi được chủng ngừa tổng cộng ba lần và nên được thực hiện khi trẻ được 3 tháng tuổi, 5 tháng tuổi và 12 tháng tuổi. Để tránh các bệnh nghiêm trọng ở trẻ nhỏ và gây biến chứng nguy hiểm, thời điểm bắt đầu tiêm phòng vào tháng thứ 3 của cuộc đời cần được tuân thủ.
Ngay cả trong thời điểm có dịch bệnh, trẻ em vẫn nên được tiêm vaccine đúng lịch. Vì hệ miễn dịch của trẻ còn chưa hoàn thiện, việc trì hoãn lịch tiêm sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ khiến các bệnh truyền nhiễm, bội nhiễm như cúm, sởi, thủy đậu, viêm phổi… trở nặng và khó điều trị hơn.
Nguy cơ mắc các bệnh nặng do phế cầu khuẩn tăng lên đáng kể từ 60 tuổi trở lên. Do đó tất cả người già đều nên được tiêm phòng ít nhất một lần. Những bệnh nhân có nguy cơ cao và thuộc vào nhóm có chỉ định tiêm phòng như mắc các bệnh mãn tính về phổi hoặc tim, bị suy giảm miễn dịch… cũng nên được chủng ngừa. Việc tiêm phòng cho nhóm này nên được lặp lại sáu năm một lần.
Trong các cuộc khủng hoảng y tế, chẳng hạn như đại dịch coronavirus Sars-CoV-2, có thể có tắc nghẽn trong việc phân phối – bao gồm cả vaccine phế cầu. Theo các chuyên gia của Viện dịch tễ Robert Koch của Đức, lúc này thì những nhóm có nguy cơ cao nên được ưu tiên tiêm vaccine. Vì bệnh nhân thuộc nhóm này có nhiều nguy cơ bị bệnh phế cầu khuẩn nặng và gây tử vong. Cụ thể, trẻ em từ hai tháng đến hai tuổi sẽ được chủng ngừa phế cầu bằng vắc xin phối hợp Prevenar 13. Nếu vaccine Prevenar 13 không có sẵn có thể sử dụng Synflorix. Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, người cao niên trên 70 tuổi và bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mãn tính nên được tiêm phòng phế cầu bằng vắc xin Pneumovax 23.
Advertisement
Việc chủng ngừa phế cầu khuẩn không bảo vệ mọi người khỏi COVID-19, vì COVID-19 có nguyên nhân là virus Sars-CoV-2. Tuy nhiên, nhiễm trùng phế cầu có thể dẫn đến viêm phổi nặng và nhiễm trùng huyết và bệnh nhân cần được chăm sóc trong phòng đặc biệt. Điều này sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho một hệ thống y tế vốn đã quá tải nặng nề. Ngoài ra, việc tiêm vaccine cũng giúp cho bệnh nhân không bị nhầm lẫn với bệnh khác và gây bất an. Trong thời điểm này nếu bệnh nhân bị sốt hay ho kéo dài sẽ gây bối rối cho gia đình và cộng đồng, không biết bệnh nhân mắc Covid 19 hay bị bệnh gì khác.
TS. DS. Tạ Thanh Sơn
Cảm ơn tác giả Tạ Thanh Sơn đã chia sẻ nội dung này lên Diễn đàn Y Khoa
Nguồn:TS. DS. Tạ Thanh Sơn

Giới thiệu TrangSky

Check Also

CÁC LOẠI MỤN PHỔ BIẾN VÀ CÁCH XỬ LÝ

CÁC LOẠI MỤN PHỔ BIẾN VÀ CÁCH XỬ LÝ 1. Nhóm mụn viêm sưng tấy: …