[Vi sinh lâm sàng 27] Các loại virus ARN khác.

Rate this post

Những con muỗi khó chịu, đau đầu, tiêu chảy, chó dại cắn, cảm lạnh và vũ khí sinh học! Chúng tôi đã đề cập đến ở những chương trước đó về một số họ virus ARN: retroviridae, orthomyxoviridae, và paramyxoviridae. Bây giờ chúng ta sẽ cùng xem xét ngắn gọn:
1) Họ
virus lây truyền qua động vật chân khớp (ARthropod BOrne Virus), chúng còn được gọi là arbovirus: Những virus ARN này bao gồm togaviridae, flaviviridae, và bunyaviridae. Mặc dù không được lây truyền bởi các loài động vật chân khớp, rubivirus (loài virus gây ra bệnh rubella) và hantavirus (hội chứng phổi do hantavirus) cũng sẽ được thảo luận ở đây bởi vì chúng cũng là thành viên thuộc họ togaviridae và bunyaviridae.
Virus West Nile là một flavivirus được lây truyền bởi loài muỗi cũng sẽ được lưu ý bởi vì hiện nay nó gây ra rất nhiều vụ dịch địa phương ở Mỹ.
2)
Picornaviridae, là một chi lớn của loài enterovirus (ENTERO = GI, tức là lây truyền qua đường phân – miệng): poliovirus, coxsackie A và B; echovirus và loài enterovirus mới.
3) Loài virus gây ra chứng cảm lạnh thông thường:
rhinovirus (thực ra là thuộc họ picornaviridae) và coronaviridae. Một thành viên đáng sợ mới của coronaviridae, chúng là nguyên nhân gây ra chứng cảm lạnh cực chết người đó là virus SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome)
4) Virus gây ra tiêu chảy:
rotavirus caliciviridae (bao gồm cả virus Norwalk).
5) Bệnh dại được gây ra bởi
rhabdoviridae.
6) Những loại virus gây ra sốt xuất huyết và là những vũ khí sinh học tiềm năng. Những loại này bao gồm
Filoviridae chết người, cụ thể đó là Ebola Virus Marburg; và Arenaviridae, như là Virus Lassa Fever.
ARBOVIRUS
29.1. Các loại virus thuộc họ arboviridae bao gồm bunyaviridae, togaviridae flaviviridae. Tất cả
đều được lây truyền bởi các loài chân khớp hút máu và gây ra sốt và viêm não. Người khai thác gỗ huyền thoại của Mỹ là Paul
Bunyan*, đang mặc một chiếc
* Paul Bunya: là một anh hùng trong truyền thuyết nước Mỹ. Ông được mô tả là cao hơn 2,1m với sức khỏe vô địch
nên đã tạo ra vô số những kỳ công vĩ đại như tạo ra hẻm núi Grand Canyon, đào hồ Michigan, thuần hóa con sông dữ Whistling… -ND-
áo choàng toga (một loại áo choàng ngoài của những người đàn ông thời La Mã), toát ra mùi hương (flavor) lộng lẫy làm thu hút những con muỗi và các loài động vật chân đốt khác tấn công anh ta. Anh ta sắp sửa chặt một cái cây (cây = ARBOL trong tiếng Tây Ban Nha). Ban có thể hình dung là Paul Bunyan có một cơn đau đầu nặng (viêm não) do có một kẻ hút máu đang bám vào áo choàng toga của anh ta!
Togaviridae
Có hai thành viên thuộc họ này lây nhiễm cho con người:
1)
Virus Alpha ở bán cầu Tây được lây truyền bởi loài muỗi và gây ra viêm não, một loại viêm nhiễm ở não kèm theo sốt, đau đầu, thay đổi nhận thức và khiếm khuyết thần kinh cục bộ (focal neurologic deficit).
2)
Rubivirus gây ra rubella. Virus Alpha
Có 3 loại virus alpha chính đều gây ra viêm não cho ngựa, chim và người. Chúng sử dụng muỗi như là một vector truyền bệnh.
29.2. Virus alpha togaviridae. Hình ảnh Paul Bunyan đang cưỡi trên một chiếc tàu lượn siêu tốc, anh ta đang mặc chiếc áo toga (togaviridae) cùng với một con muỗi (vector muỗi) trên đầu anh ta. Các hành khách đang la hét khác đại diện cho ba loại bệnh lý chính được gây ra bởi virus alpha togaviridae, những bệnh lý này được đặt
tên theo từng khu vực địa lý:
WEE: Viêm não ngựa miền Tây (Western
Equine Encephalitis), miền Tây nước Mỹ và
Canada.
EEE: Viêm não ngựa miền Đông (Eastern
Equine Encephalitis), miền Đông nước Mỹ.
VEE: Viêm não ngựa Venezuela (Venezuelan
Equine Encephalitis), thuộc Nam và Trung Mỹ,
miền nam nước Mỹ.
Virus Chikungunya là một loại virus alpha được lây truyền bởi loài muỗi, loài virus này thường không gây ra viêm não. Virus Chikunguna có gốc từ vùng Châu Phi và Châu Á nhiệt đới, nơi mà chúng được lây truyền bởi
loài muỗi
Aedes. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, phát ban và sưng/đau khớp. Thường thì sốt và phát ban sẽ tự lui dần sau một vài ngày, nhưng đau khớp có thể kéo dài một khoảng thời gian lâu hơn nữa. Bệnh lý này đã được mô tả lần đầu tiên vào năm 1950, nhưng dạo gần đây nó đã được ghi nhận do có một ổ dịch bùng phát được mô tả ở Ravenna, Ý.

Rubivirus
Rubivirus là một loại togavirus, nhưng nó không phải là một arbovirus bởi vì duy nhất chỉ có con người là bị lây nhiễm. Rubivirus gây ra rubella, là một bệnh sốt nhẹ kèm theo một cơn phát ban. Điều quan trọng của loại virus này nằm ở chỗ là nó có khả năng đi qua được hàng rào nhau thai và gây ra những khiếm khuyết bẩm sinh ghê sợ, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ nhất. Rubella (“Bệnh sởi Đức”) là một loại bệnh sởi nhẹ. Giống như các bệnh sởi khác, rubella được lây lan bởi dịch tiết đường hô hấp và có một cơn tiền triệu chứng sốt, sưng to hạch bạch huyết và các triệu chứng giống cúm. Tiếp theo sau đó là các phát ban đỏ dát sẩn lan ra từ trán đến khuôn mặt đến thân mình và các chi. Không giống như các bệnh sởi khác, bệnh nhân ít khi bị “ốm”, các biến chứng như là viêm não hiếm khi xảy ra, và phát ban kéo dài chỉ khoảng 3 ngày, chứ không phải 6 ngày. Do đó nó còn có tên khác là: “sởi 3 ngày”. Ở phụ nữ trẻ tuổi có thể tiến triển viêm khớp tự giới hạn (self – limiting arthritis) kèm theo sự nhiễm khuẩn.
R trong TORCHES (xem Hình 27.2) là từ viết tắt trong dị tật bẩm sinh do rubella (congenital rubella). Nguy cơ xảy ra các dị tật bẩm sinh do rubell xảy ra rất sớm trong quá trình phát triển thai nhi, khi mà sự biệt hóa tế bào (cell differentiation) đạt tới đỉnh điểm. Các tế bào phôi thai (embryo cell) người bị lây nhiễm rubivirus cho thấy sự phá vỡ của nhiễm sắc thể và gây ức chế sự phân bào.
Các vùng của cơ thể bị ảnh hưởng trong rubella bẩm sinh bao gồm:
1)
Tim: còn ống động mạch, thông liên thất, hẹp động mạch phổi và nhiều loại khác.
2)
Mắt: đục thủy tinh thể, viêm màng mạch – võng mạc mắt và nhiều loại khác.
3)
Thần kinh trung ương: chậm phát triển tí tuệ, chứng đầu nhỏ, điếc. Một loại vaccin rubella giảm độc lực được chỉ định cho tất cả trẻ em ở Mỹ. Nó không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ có thai bởi vì về mặt lý thuyết có nguy cơ làm lây nhiễm cho thai nhi. Tuy nhiên, chưa có bằng nào cho thấy là vaccin gây ra các dị tật bẩm sinh.
Flaviviridae
Họ flaviviridae có rất nhiều điểm tương đồng với họ togaviridae:
Tương đồng về đặc điểm hình thái học (xem
Hình 29.10).
Chúng gây ra viêm não, với tên gọi được đặt theo khu vực địa lý (viêm não Nhật Bản, viêm
não Liên Bang Nga, v.v.)
Viêm não St. Louis là nguyên nhân phổ biến đứng thứ hai trong viêm não địa phương do virus ở Mỹ. Một lần nữa, nó cũng được đặt tên theo khu vực địa lý, nơi mà lần đầu tiên phát hiện ra chúng. Nó chiếm hàng chục đến hàng trăm trường hợp trong một năm và lên đến 3000 trường hợp trong những năm có xảy ra dịch bệnh.
29.3. Họ flaviviridae được lây lan qua vector muỗi, gây lây nhiễm cho người và chim.


Họ flaviviridae còn gây ra bệnh lý
sốt vàng sốt Dengue.
1)
Sốt vàng (yellow fever) đã trở nên nổi tiếng bởi dự án kênh đào Panama. Chính flavivirus (virus sốt vàng) đã lây nhiễm cho những công nhân đào kênh bởi loài muỗi. Một tuần sau đó họ tiến triển cơn viêm gan kèm theo vàng da, sốt, đau lưng, buồn nôn và nôn mửa. Khi đã phát hiện ra vector truyền bệnh là loài muỗi, thuốc diệt côn trùng đã được sử dụng để kiểm soát bệnh lý. Việc phun thuốc tiếp tục ở các trung tâm đô thị ở Nam Mỹ và Mỹ La-ting nên hầu như đã loại trừ được sốt vàng ở vùng đô thị. Sốt vàng vẫn còn là một mối lo ngại chủ yếu ở Châu Phi, nơi mà hiện nay xảy ra hơn 90% trong tổng số các trường hợp. Việc chủng ngừa là điều rất cần thiết cho những du khách và những người sống tại những vùng đang có lưu hành dịch.
2)
Sốt Dengue (Dengue fever) là một bệnh lý được lây truyền bởi loài muỗi xảy ra chủ yếu ở  những vùng nhiệt đới ẩm, nhưng chúng có sự phân bố trên toàn thế giới, bao gồm các các trường hợp có tính định kỳ ở Tây Nam Mỹ dọc theo biên giới với Mexico (chỉ có các vùng không bị lây lan đó là Châu Âu và Châu Nam Cực). Khi trái đất đang có chiều hướng nóng dần lên (hiện tượng nóng lên toàn cầu) thì có thể bạn sẽ được nghe nhiều hơn về bệnh lý đau nhức (painful illness) này. Nó còn được gọi là “sốt vỡ xương” (break bone fever) bởi vì bệnh nhân có những cơn đau lưng nặng, đau cơ và khớp và đau đầu nặng. Cơn sốt đau đớn!
Virus Dengue có 4 type huyết thanh chính. Nhiễm khuẩn nhắc lại với một loại huyết thanh thứ phát, nhất là type huyết thanh thứ 2, bệnh nhân có khuynh hướng mắc một bệnh lý biến thể (variant of disease) được gọi là sốt xuất huyết Dengue (Dengue hemorrhagic fever), bệnh lý này gây ra xuất huyết hoặc sốc, đặc biệt là ở trẻ em với tỷ lệ tử vong gần 10%. (Hãy ghi nhớ, Dengue sẽ hạ bệ bạn xuống vị trí thứ hai -type huyết thanh 2-).

Virus West Nile
Virus West Nile
gây bệnh cho con người ở Bắc Mỹ lần đầu tiên vào năm 1999. Một đợt bùng phát bệnh viêm não và viêm màng não ở Queens, New York đã xác minh được nguyên nhân gây ra là do virus West Nile, một loại virus trước đó chỉ được phát hiện ở Châu Phi, Châu Âu, Trung Đông và Châu Á. Virus này là thành viên của một chi virus có quan hệ rất gần gũi với chi flavivirus bai gồm virus viêm não Nhật Bản, virus viêm não St. Louis và virus gây sốt Kunjun Murray Valley. Loại virus này rất có thể được lây truyền bởi loài chim hoặc muỗi trên máy bay hoặc bởi sự di trú của những loài chim. Trình tự gen của chúng rất giống với một loại virus được phân lập ở Israel. Trong những năm tiếp theo, virus đã lây lan đến những khu vực địa lý lớn hơn và rộng hơn, gây ra các vụ dịch bệnh trên khắp nước Mỹ. Hầu hết các chuyên gia tin rằng hiện nay, virus đã có một “chỗ đứng vững chắc” ở Bắc Mỹ và
sẽ gây ra các đợt bùng phát dịch hằng năm cho những loài động vật và con người trong mùa muỗi nổi lên. Virus này có thể lây nhiễm cho rất nhiều loài động vật – trong đó chúng gây chết nhiều nhất là loài chim và ngựa. Hầu hết các trường hợp do virus West Nile gây ra đều được lây truyền qua vết muỗi đốt, nhưng kể từ khi nó lan tràn đến Mỹ thì nó được lây truyền chủ yếu qua việc truyền máu và cấy ghép tạng nhiều lần, lây truyền qua thai nhi và có thể lây truyền qua sữa mẹ, do tai nạn giao thông dẫn đến việc lây nhiễm vào trong máu.

Biểu Hiện Lâm Sàng Trong Nhiễm Virus West Nile

Hầu hết các bệnh nhân đều không có triệu chứng. Các nghiên cứu huyết thanh học cho thấy việc nhiễm khuẩn có triệu chứng so với nhiễm khuẩn “im lặng và bí mật” có tỷ lệ dao động khoảng 1:50. Một vài bệnh nhân bị lây nhiễm có tiến triển cơn sốt West Nile thường kèm theo đau đầu và đôi lúc có phát ban dát sẩn. Mặc dù dạng bệnh này trước đây được cho là sẽ tự khỏi và kéo dài khoảng 1 tuần thì các báo cáo hiện nay cho thấy rằng rất nhiều người còn có thể tiếp diễn cơn mệt mỏi, suy nhược và khó tập trung trong nhiều tháng. Những người bị lây nhiễm khác có bệnh lý thể thần kinh (neuroinvasive disease): hoặc là một loại viêm màng não vô trùng, hoặc cơn viêm não rõ ràng có kèm theo suy giảm mức độ nhận thức, hoặc suy yếu vận cơ (yếu cơ), hoặc liệt. Hầu như bệnh nhân có những triệu chứng vận động này đều có hội chứng giống bệnh bại liệt (polio – like syndrome) kèm theo bệnh lý ở sừng trước tủy sống trong một số bệnh nhân khác lại có bệnh lý tương tự hội chứng Guillain – Barre kèm sự hủy hoại bao myelin. Sự viêm nhiễm bao myelin này có thể xảy ra một cách độc lập hoặc trong bối cảnh có xảy ra viêm não.
Trong một vụ dịch ở New York, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc chứng viêm não khoảng 19%; cộng thêm sự suy yếu rễ vận động tủy sống thì tỷ lệ tử vong khoảng 30%. Ở người cao tuổi hoặc người bị suy giảm miễn dịch (bệnh nhân ung thư đang hóa trị liệu v.v.) nhiều khả năng là có các triệu chứng lâm sàng rất nghiêm trọng và có tiên lượng kém. Trẻ em có vẻ có tiên lượng tốt nhất
khi mà ở trẻ em thường rất ít khi có tiến triển các biểu hiện thần kinh, mặc dù các báo cáo về bệnh lý thần kinh ở trẻ em đang ngày càng gia tăng trong khi các lý giải thì lại chưa rõ ràng (có lẽ
là do sự gia tăng về nhận thức và chẩn đoán về chúng).
Chẩn Đoán Nhiễm Virus West Nile
Virus West Nile có thể được chẩn đoán theo 1 trong 4 cách sau:
1) Phát hiện virus bằng phương pháp phân lập (nuôi cấy) hoặc bằng các kỹ thuật khuếch đại acid nucleic như là PCR.
2) Huyết thanh IgM kháng WNV cùng với các kháng thể trung hòa IgG kháng WNV trong vùng một mẫu.
3) IgM kháng WNV trong dịch não tủy.
4) Tăng gấp 4 lần số lượng kháng thể trong huyết thanh. IgM trong huyết thanh hoặc trong dịch não tủy (kháng thể kháng virus) hiện nay là xét nghiệm có độ nhạy cảm nhất. Phản ứng chuỗi polymerase dịch não tủy thỉnh thoảng có thể phát hiện bộ gen của virus và tiên lượng về một kết quả xấu, nhưng hầu hết bệnh nhân đã diệt trừ được virus  ra khỏi máu và dịch não tủy và đang tiến triển kháng thể
tại thời điểm làm xét nghiệm. Việc chẩnđoán có thể dễ dàng bị sai lầm khi mà chỉ gửi kết quả PCR mà không có định lượng kháng thể. Có một số phản ứng chéo giữa các xét nghiệm IgM trong viêm não St. Louis và sốt vàng và sốt Dengue. Hơn nữa, IgM trong West Nile có thể tồn tại lâu hơn một năm, do đó một xét nghiệm cho kết quả dương tính không đảm bảo tính chính xác cho việc chẩn đoán. Vì thế, kháng thể trung hòa IgG kháng WNV mải hiện diện trong cùng một mẫu để củng cố cho việc chẩn đoán.
Ngăn Ngừa Và Điều Trị West Nile
Vaccin đang trong quá trình hoàn thiện. Hiện nay, các phòng ngừa tốt nhất là loại bỏ những nơi sinh sản của muỗi (nước đọng) và bảo vệ bản thân, mặc áo dài tay và quần dài và thuốc diệt côn trùng có chứa chất DEET* ở những khu vực bùng phát dịch, nhất là sau khi trời mờ tối. Rất nhiều nghiên cứu đang đánh giá tính hiệu quả của thuốc diệt côn trùng có chứa chất DEET trong một loạt các chiến lược hỗ trợ phòng chống muỗi (gia tăng nồng độ DEET để tăng cường phòng ngừa muỗi). Hiện nay vẫn điều trị mang tính hỗ trợ chứ chưa có một liệu pháp điều trị thật sự khi bị nhiễm khuẩn.

Bunyaviridae
Bunyaviridae còn gây ra các bệnh lý được đặc trưng bởi sốt và viêm não, chẳng hạn như viêm não California sốt Thung Lũng Rift. Để so sánh bunyaviridae với các loại arbovirus khác (toga và flavi), xem thêm Hình 29.10.


Hội Chứng Phổi Do Hantavirus
Vào tháng 5 năm 1993, các báo cáo bắt đầu nổi lên từ Four Corners thuộc vùng New Mexico, Arizona, Colorado và Utah, về một loại bệnh lý giống cúm rồi sau đó là một cơn suy hô hấp đột ngột, thường dẫn đến tử vong. Có rất nhiều người trong số những bệnh nhân này trước đây là những người trưởng thành hoàn toàn khỏe mạnh. Tác nhân gây bệnh là một loại virus trong họ bunyaviridae, thuộc chi hatavirus. Hantavirus trước đây chỉ có liên quan đến bệnh lý sốt xuất huyết kèm theo suy thận ở Châu Á và Châu Âu. Bốn loài hantavirus đã được biết đến là có gây ra hội chứng phổi do hantavirus (HPS) ở Mỹ, mỗi loài đều có riêng một vector truyền bệnh và đều là động vật gậm nhấm. Chuột hươu là vector chính của virus Sin Nombre (virus không có tên riêng), phân bố chủ yếu ở Tây Nam Mỹ và các loài hantavirus là nguyên nhân chính gây ra bệnh lý ở Mỹ. Tính đến tháng 2, năm 2013, đã có 617 trường hợp mắc hội chứng phổi do hantavirus đã được xác nhận ở Mỹ. Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt cao, đau nhức cơ, ho, buồn nôn và nôn mửa. Nhịp tim và hô hấp tăng nhanh và xét nghiệm máu có thể thấy số lượng bạch cầu và hồng cầu tăng cao, lượng tiểu cầu giảm thấp. Chẩn đoán được củng cố bằng xét nghiệm huyết thanh học về các kháng thể IgM và IgG đối với virus Sin Nombre. Tính thấm mao mạch phổi (lung capillary permeability) bị thay đổi làm tiết dịch vào trong lòng phế nang (phù phổi). Phế nang chứa đầy chất dịch không thể cung cấp oxy vào trong dòng máu vì thế việc đặt ống nội khí quản cùng với thở máy là điều rất cần thiết để nâng mức khí oxy trong khoảng 90% bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong nói chung trong HPS xấp xỉ 40%. Bệnh lý này nên được xem xét kỹ lưỡng ở độ tuổi thanh niên khi có các triệu chứng giống cúm vì họ có thể tiến triển cơn phù phổi. Điều trị vẫn là hỗ trợ vì vẫn chưa có liệu pháp kháng virus thật sự, mặc dù có một vài bằng chứng ban đầu cho rằng ribavirin có thể có chút hiệu quả.

PICORNAVIRIDAE
Các loại virus trong họ này đều có cấu trúc và sự sao chép tương tự nhau. Có 4 loại virus có chứa các mầm bệnh quan trọng gây bệnh cho con người: enterovirus , rhinovirus, hepatovirus (virus viêm gan A) và parechovirus (một loại virus mới được xác nhận, trước đây được phân loại là echovirus).

Enterovirus
1) Enterovirus có 5 nhóm phụ:
a) Poliovirus
b) Virus Coxsackie A
c) Viruc Coxsackie B
d) Echovirus
e) Enterovirus mới
Tất cả chúng đều được gọi là enterovirus bởi vì tất cả chúng đều lây nhiễm lên tế bào biểu mô ruột và tế bào lympho (hạch amidan, các mảng Peyer). Chúng được bài xuất theo phân và lây lan theo con đường phân – miệng. Việc virus sao chép trong các hạch amidan còn dẫn đến việc phát tán virus thông qua các dịch tiết ở vùng hầu họng. Poliovirus sẽ được bàn luận trước tiên vì chúng có vai trò quan trọng trong việc gây ra bệnh viêm tủy xám, poliomyelitis
*. Phần còn lại sẽ được bàn luận cùng với nhau do có sự lây nhiễm chéo đáng kể trong những bệnh lý mà chúng gây ra.
Poliomyelitis: Là từ trong tiếng Latin, hay còn gọi là bệnh bại liệt. Chúng tôi sẽ sử dụng bệnh viêm tủy xám để dễ
phân biệt với từ paralytic (thể liệt). Vd: Paralytic poliomyelitis: bệnh viêm tủy xám thể liệt.
2) Rhinovirus gây ra chứng cảm lạnh thông thường và sẽ được bàn luận cuối cùng.

Poliovirus
Hy vọng rằng, quá trình học về poliovirus và về bệnh viêm tủy xám sẽ sớm còn là mang tính lý thuyết thuần túy mà thôi. Chúng ta đang sống giữa các chiến dịch loại trừ bệnh viêm tủy xám trên toàn thế giới với việc chỉ còn lại vài ổ lây nhiễm, chủ yếu là ở Ấn Độ, Pakistan và Nigeria. Mục tiêu trong việc loại trừ tận gốc bệnh viêm tủy xám là vào năm 2005, nhưng không may là mục tiêu vẫn còn rất khó kiểm soát. Poliovirus có khả năng lây nhiễm lên các tế bào ở:
1) Các mảng Peyer ở đường ruột
2) Các dây thần kinh vận động Điều này giải thích cho việc:
1) Phương thức lây truyền qua đường phân – miệng.
2) Bệnh viêm tủy xám thể liệt (paralytic poliomyelitis).
Bệnh viêm tủy xám thể liệt là một trong những chứng bệnh đáng lo ngại của thế kỷ 20. Trong những năm 1950, có 6 nghìn trường hợp bệnh bại liệt đã xảy ra mỗi năm ỡ Mỹ. Bệnh lý này một phần là do các
cải thiện về điều kiện vệ sinh. Trẻ em có xu hướng ít bị các biến chứng bại liệt hơn so với người lớn trong nhiễm poliovirus. Một khi môi trường sống được cải thiện và các chất gây ô nhiễm môi trường được dọn sạch thì số người bị phơi nhiễm với poliovirus ngày ít hơn so với trẻ em, do đó có rất nhiều người trưởng thành bị lây nhiễm. Cơ hội tiến triển bệnh viêm tủy xám thể liệt tăng lên một khi trở nên già đi, do đó giải thích được sự gia tăng chứng viêm tủy xám thể liệt đi cùng với sự cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường. Hiện nay vaccin đã được phát triển vì thế tỷ lệ mắc bệnh cũng giảm rõ rệt. Bệnh Viêm Tủy Xám Ban đầu, virus thực hiện sự sao chép ở trong hạch amidan và các mảng Peyer, sau đó lây lan vào trong máu, và vượt qua hàng rào máu – não để đến sừng trước tủy sống. Do lúc ban đầu virus thực hiện sự sao chép ở hạch amidan, nên chúng có thể lan rộng qua dịch tiết của đường hô hấp, cũng như là qua đường phân – miệng, trong giai đoạn sớm của nhiễm khuẩn.
Có 3 loại biểu hiện bệnh lý:

1) Bệnh nhẹ: Một nhiễm khuẩn không triệu chứng hay một cơn sốt nhẹ do nhiễm virus thường là thể phổ biến nhất. Nhất là khi xảy ra ở những đứa trẻ sơ sinh ở các quốc gia kém phát triển, nơi có điều kiện vệ sinh kém.
2)
Viêm màng não vô khuẩn: Sốt và các chứng kích thích màng não có thể tiến triển khi poliovirus xâm nhiễm vào màng não. Phục hồi hoàn toàn sau khoảng 1 tuần.
3)
Viêm tủy xám thể liệt: Đây là biểu hiện đáng lo ngại nhất trong nhiễm poliovirus!!! Sự lây nhiễm virus gây phá hủy các dây thần kinh vận động trước synap ở sừng trước của tủy sống cũng như là các dây thần kinh sau synap. Sự tổn thương của các dây thần kinh vận động ly tâm dẫn đến các biểu hiện lâm sàng do khiếm khuyết chức năng thần kinh vận động ngoại biên, trong khi sự tổn thương thần kinh vận động trước synap gây ra các khiếm khuyết chức năng của thần kinh vận động trung ương.
Đây là bệnh lý thật sự rất đáng sợ. Một cơn sốt nhẹ sau khi tự khỏi thì sau 5 đến 10 ngày cơn sốt sẽ tái diễn trở lại, rồi tiếp theo sau đó là xuất hiện chứng kích thích màng não và chứng liệt mềm bất đối xứng. Cơn bại liệt có thể có phạm vi từ 1 chân hoặc cánh tay cho đến liệt hai chi dưới, liệt tứ chi, hay thậm chí là liệt cơ hô hấp. Một loại các biến chứng nguy hiểm sau này thường xảy ra ở những người lớn hơn 15 tuổi. Các phần chi bị ảnh hưởng ban đầu sẽ bị các cơn co thắt cơ đau nhức. Sau đó tiến triển chứng liệt cơ bất đối xứng. Cuối cùng sẽ xuất hiện chứng teo cơ và mất phản xạ (nhưng không có sự thương tổn về cảm giác).
Các Loại Vaccin
Vaccin bại liệt bất hoạt
(inactivated polio vaccine), được phát triển bởi Jonas Salk, có chứa virus bị bất hoạt bởi formalin và được sử dụng tiêm dưới da, kích thích đáp ứng của kháng thể IgG để giúp chống lại sự lây nhiễm của virus trong tương lai. Vaccin bại liệt dạng uống (oral polio vaccin) được phát triển bởi Albert B. Sabin. Loại vaccin này có chứa poliovirus sống giảm độc lực, chúng bị mất khả năng nhân đôi (multiply) ở trong hệ thần kinh trung ương. Nó được chỉ định đường uống và virus vẫn thực hiện sự sao chép cùng việc thải ra theo phân theo cách thông thường nhưng lại không gây ra chứng viêm tủy xám thể liệt. Loại vaccin này hoạt động bằng việc thay thế chủng poliovirus hoang dã (chủng gây ra bệnh lý) bằng những bản sao đã suy giảm độc lực. Chúng ta KHÔNG thể loại trừ hoàn toàn poliovirus mà chỉ đang cố gắng loại trừ bớt các chủng độc lực. Trong trường hợp vaccin đậu mùa, việc tiêm chủng trong toàn dân đã làm tiệt trừ hoàn toàn nơi cư trú (con người) của virus vì thế virus đã bị loại trừ hoàn toàn.
Có những ưu điểm và nhược điểm về vaccin Sabin dạng uống:
Ưu điểm
1) Nó là một vaccin dạng uống
2) Virus di chuyển theo đường tiêu hóa và thực hiện đầy đủ quá trìh nhân bản nên cho phép hình thành cả IgG trong máu và IgA trong đường tiêu hóa.
3) Virus sống giảm độc lực lây lan đến nơi khác trong cơ thể, dẫn đến sự nhiễm khuẩn thứ phát và gây tính miễn dịch ở những người này.
Nhược điểm
Vaccin – có liên quan đến chứng viêm tủy xám thể liệt
: Vaccin có thể tiến triển trở lại tính độc lực và ra chứng bại liệt ở những người đang sử dụng vaccin hoặc bị phơi nhiễm từ những người khác (ba mẹ thay tã lót cho những đứa trẻ đã được chủng ngừa). Điều này là cực kỳ hiếm gặp (1/2,6 triệu trường hợp), nhưng trong số 138 trường hợp bại liệt do poliovirus giữa năm 1973 và 1984 thì có 105 trường hợp được xem là có liên quan đến việc sử dụng vaccin. Những người bị suy giảm miễn dịch không nên sử dụng vaccin sống giảm độc lực dạng uống. Kể từ khi vaccin bại liệt dạng uống (Sabin) được thay thế hoàn toàn bằng vaccin bại liệt dạng tiêm (Salk) ở Mỹ vào năm 2000 thì chưa có trường hợp bị bại liệt nào có liên quan đến việc sử dụng vaccin. Tóm lại, cả hai loại vaccin đều có rất có hiệu quả, giúp kiểm soát được gần như hoàn toàn poliovirus độc lực ở những khu vực địa lý đã được chủng ngừa.
Coxsackie A và B, Echovirus, Enterovirus Mới
Phần còn lại của chi Enterovirus thuộc họ Picornaviridae chịu trách nhiệm cho việc gây một loạt các bệnh lý. Do đó sự tương đồng về mặt cấu trúc nên các loại virus khác nhau có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng giống nhau. Virus Coxsackie (A và B), echovirus và enterovirus mới đều rất đa dạng về mặt huyết thanh học và đều có thể gây ra:
1) Nhiễm khuẩn không triệu chứng hoặc nhẹ
2) Các triệu chứng ở đường hô hấp (“cảm lạnh”)
3) Phát ban
4) Viêm màng não vô khuẩn: Enterovirus là nguyên nhân phổ biến nhất trong việc gây ra viêm màng não không do vi khuẩn (vô khuẩn) ở Mỹ.
Coxsackie A
Coxsackie A có thể phân biệt được B bằng cách dựa vào tác động của nó trên chuột.
Coxsackie A gây ra chứng bại liệt và gây chết cho chuột với việc gây ra chứng hoại tử sâu cơ vân. Ngoài ra Coxsackie A còn có thể gây ra:
Herpangina. Một loại bệnh nhẹ tự giới hạn đặc trưng bởi cơn sốt, viêm họng và các mụn nước nổi trên nền hồng ban ở vùng hầu họng.
Hội chứng tay, chân, miệng. Một bệnh lý cấp tính khá phổ biến, chủ yếu xảy ra ở trẻ em, đặc trưng bởi cơn sốt, nổi mụn nước ở miệng, các tổn thương nhỏ và ít đau ở tay, chân và mông (Tôi tự hỏi làm thế nào nó lại có cái tên như thế?!)
Coxsackie B
Coxsackie B gây ra bệnh lý ít nghiêm trọng hơn ở chuột nhưng đa phần các cơ quan có thể bị tổn thương, chẳng hạn như tim, não, gan, tụy, cơ vân. Ngoài ra nó còn gây:
1)
Cơn đau thắt ngực (pleurodynia). Sốt, đau đầu và cơn đau nhói ngực nghiêm trọng (kiểu đau màng phổi) cho thấy sự lây nhiễm lên đường hô hấp của virus Coxsackie B.
2)
Viêm cơ tim/Viêm ngoại tâm mạc. Virus lây nhiễm và gây viêm cơ tim và lớp ngoại tâm mạc có thể dẫn đến cơn đau ngực tự giới hạn (self – limited chest pain) hoặc các biến chứng nghiêm trọng hơn như là chứng rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim, suy tim. Có rất nhiều loại virus có thể gây ra điều này, nhưng coxsackie B có liên quan trong khoảng 50% các trường hợp!
29.4. Bảng so sánh các loại virus thuộc Enterovirus.

BỆNH LÝ COXSACKIE ECHOVIRUS &
A B ENTEROVIRUS MỚI
Nhiễm khuẩn không triệu chứng + + +
Nhiễm khuẩn đường hô hấp + + +
Phát ban (“ngoại ban”) + + +
Viêm màng não vô khuẩn + + +
Herpangina +
Cơn đau thắt ngực +
Viêm cơ tim +
Viêm ngoại tâm mạc + +

VIRUS GÂY “CẢM LẠNH”
29.5. Một con tê giác (Rhinoceros) bị mắc chứng cảm lạnh thông thường, đang uống một chai bia
Corona. Điều này sẽ giúp bạn nhớ được rằng là cả rhinovirus coronaviridae đều gây ra chứng cảm lạnh thông thường.

Rhinovirus có hơn 100 kiểu huyết thanh khác nhau tham gia vào việc gây chứng cảm lạnh thông thường. Sự lây nhiễm xảy ra khi có sự tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch tiết từ niêm mạc.
Coronaviridae gây ra chứng cảm lạnh không thể phân biệt được với chứng cảm lạnh thông thường do rhinovirus. Có khoảng 15% người trưởng thành bị cảm lạnh là do coronaviridae gây ra.
VIRUS SARS
Vào tháng 11 năm 2002, một đợt bùng phát viêm phổi cấp tính nghiêm trọng xảy ra ở Trung Quốc. Nguyên nhân gây ra đợt bùng phát khi đó vẫn chưa được làm sáng tỏ. Vào đầu năm 2003, bệnh lý này đã lây lan qua Hong Kong, Singapore và Toronto, Canada; và hội chứng này được gọi là SARS (Hội Chứng Hô Hấp Cấp Tính Nặng, Severe Acute Respiratory Syndrome). Trong vòng một vài tuần sau khi nhận biết được hội chứng này, người ta đã phát hiện ra được rẳng SARS được gây ra bởi một loại virus, một loài coronavirus mới (SARS – CoV). Coronavirus là một loại virus thuộc họ virus có một chuỗi ARN đơn độc, có lớp vỏ bao bên ngoài, trước đó chỉ được biết đến là có gây ra cảm lạnh thông thường cho người. Trước khi đợt bùng phát được kiểm soát, nó đã lây lan trên 29 quốc gia và vùng lãnh thổ và lây nhiễm cho hơn 8000 người.
SARS là một ví dụ điển hình cho một cho một
căn bệnh lây nhiễm đang nổi lên. Trước đây, virus này chưa từng được biết đến, và kể từ khi dịch bùng phát ban đầu nó đã không gây ra thêm bất kỳ đợt bùng phát nào nữa. Một loại coronavirus giống SARS (SARS-like) đã từng được phân lập từ loài cầy vằn Himalayan và từ loài gấu mèo ở Trung Quốc. Làm thế nào mà con người lại bị lây nhiễm đầu tiên với loại virus này thì đến nay vẫn chưa được biết rõ nhưng có một số ý kiến cho rằng đây là một loại virus đã bị biến đổi xuất phát từ những loài động vật, sau đó đã vượt qua được hàng rào chủng loài (species barrier) và gây ra dịch bệnh. Các Đặc Điểm Lâm Sàng Của SARS
Phương thức lây truyền chủ yếu đó là do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp của lớp niêm mạc (mắt, mũi hoặc miệng) với dịch tiết từ đường hô hấp. Mặc dù loại virus này không hề lây truyền như đã từng được biết đến, dường như là có một vài người đóng vai trò trong lây việc làm phát tán virus nhiều hơn, đó được gọi là sự kiện siêu lây nhiễm. Có rất nhiều sự lây nhiễm virus từ một người này sang người khác xảy ra ở trong các bệnh viện hoặc các trung tâm chăm sóc sức khỏe khác. Sau thời gan ủ bệnh 2 – 10 ngày, những người bị lây nhiễm SARS thường có biểu hiện sốt, đau nhức cơ và ớn lạnh; sau đó là tiến triển cơn ho khan, đau ngực (đau kiểu màng phổi) và thở nhanh nông (khó thở). Đáng ngạc nhiên là có một vài bệnh nhân tiến triển cơn viêm họng hoặc sổ mũi như là một bệnh cảnh có thể hiểu lầm là do coronavirus gây ra. Hầu hết các bệnh nhân đến với bác sỹ sẽ có bất thường trên phim X-Quang hoặc CT-Scan với hình ảnh đông đặc phổi, và nó có thể tiến triển thành ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp). Có khoảng 20 – 30% bệnh nhân được đưa vào ICU, và hầu như họ cần phải cho thở máy. Khoảng 8% bệnh nhân SARS bị tử vong, nguyên nhân chủ yếu là do suy hô hấp.

Chẩn Đoán
Trong quá trình diễn ra đợt bùng phát, định nghĩa về một trường hợp bị lây nhiễm đã được phát triển bởi Tổ chức Y tế Thế giới, khi trường hợp đó có độ nhạy cao nhưng độ đặc hiệu lại rất thấp. Điều này là do các triệu chứng trên lâm sàng không phải chỉ do loại virus này hay là một loại bệnh lý đơn thuần gây ra. Việc chẩn đoán có thể chính xác hơn khi thực hiện phản ứng chuỗi polymerase (định lượng) enzym phiên mã ngược (reverse transcriptase – PCR) để kiểm tra ARN của virus trong dịch tiết đường hô hấp, nước tiểu và từ mô sinh thiết phổi hoặc đảo ngược huyết thanh (bằng cách phát hiện các kháng thể trong máu).
Điều Trị
Việc điều trị triệt để SARS đến nay vẫn chưa có. Những bệnh nhân bị nghi ngờ nhiễm SARS thường được điều trị theo kinh nghiệm bằng các thuốc kháng khuẩn phổ rộng, điều này có tác dụng chống lại các tác nhân khác gây ra viêm phổi mắc phải ở cộng đồng. Ribavirin thường được sử dụng để điều trị SARS, nhưng trên mô hình thử nghiệm ở động vật thì loại thuốc này lại không có tác dụng chống lại được virus này. Corticosteroid cũng được sử dụng khá thường xuyên, cho dù chưa có số liệu chắc chắn về tính hiệu quả trên động vật hay trên lâm sàng để hỗ trợ cho việc sử dụng chúng. Điều trị thông thường nhất là điều trị hỗ trợ kèm theo thở máy và chăm sóc đặc biệt.
VIRUS GÂY TIÊU CHẢY
Là những loại virus gây ra viêm dạ dày – ruột được lây truyền qua đường phân – miệng và thường lây nhiễm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mặc dù các đợt bùng phát bệnh lại hay xảy ra ở
người trưởng thành.
Sốt, nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy xảy ra sau 1 – 2 ngày ủ bệnh và các triệu chứng tự lui
dần trong khoảng 4 – 7 ngày.
Trẻ sơ sinh tử vong thứ phát do mất quá nhiều nước và chất điện giải.
TIÊU CHẢY = TỬ VONG DO MẤT NƯỚC
Có 4 nhóm virus có liên quan đến việc gây ra tiêu chảy: calicivirus (bao gồm virus Norwalk và norovirus), rotavirus, adenovirus (được bàn luận ở Chương 28), và astrovirus.
29.6. Nếu con mèo tam thể của bạn (calico cat) bị tiêu chảy, hoặc thay luân phiên (rotate) kitty litter (một loại cát vệ sinh cho mèo) một cách thường xuyên, hoặc hãy đưa con mèo tam thể đi đến Na Uy (Norway). Bức tranh bên dưới đây sẽ giúp bạn nhớ được bệnh lý viêm dạ dày – ruột (tiêu chảy) được gây ra bởi họ caliciviridae, bao gồm cả virus Norwalk, và thông thường nhất là rotavirus.

1) Caliciviridae chủ yếu lây nhiễm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh lý viêm dạ dày – ruột không thể nào phân biệt được với rotavirus vì chúng chỉ bao gồm tiêu chảy, nôn mửa và sốt.
2)
Virus Norwalk có thể lây nhiễm ở người trưởng thành, nhưng virus này lại được đặt tên sau khi gây ra một đợt bùng phát dịch ở trường tiểu học tại Norwalk, Ohio. Khi đó, có khoảng 50% học sinh bị tiêu chảy và nôn mửa nghiêm trọng.
3)
Norovirus (hay một loại virus tương tự virus Norwalk) là một nguyên nhân chủ yếu gây ra các đợt bùng phát tiêu chảy nhiễm khuẩn cấp tính, như là trên các du thuyền hoặc hậu quả của cơn bão Katrina vào năm 2005. Trong số 24.000 người sơ tán bên trong sân vận động Louisana Superdome thì có 1.619 trường hợp được báo cáo là có các triệu chứng của viêm dạ dày – ruột cấp. Norovirus được xác nhận là có trong khoảng 50% các mẫu được phân tích.
4)
Rotavirus là một thành việc trong họ reoviridae (Respiratory Enteric Orphan*). Nó là một trong những nguyên nhân đứng hàng đầu gây ra tiêu chảy nhiễm khuẩn cấp tính và là một nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh trên toàn thế giới. Vaccin rotavirus sống giảm độc lực, RotaShield, đã từng được đưa ra sử dụng ở Mỹ nhưng lại bị thu hồi do có liên quan đến chứng lồng ruột (intussusception). Lồng ruột là một tình trạng mà một đoạn ruột non lồng vào bên trong bản thân nó, nó trông giống như là việc đóng một cái kính viễn vọng cũ hoặc hình dạng một tờ áp phích bị cuộn lại (phần ruột phía trên) trượt vào trong ống áp phích (phần ruột phía dưới).
*
Respiratory Enteric Orphan: nghĩa là virus mồ côi ở đường tiêu hóa và đường ruột. Virus “mồ côi” ở đây có
nghĩa là virus chỉ thấy ở con mà không thấy ở bố mẹ, hay virus không rõ bố mẹ. -ND
Có 2 loại vaccin rotavirus mới được xuất hiện gần đây, chúng đã được FDA cho phép, và hiện
nay là một phần trong kế hoạch tiêm chủng mở rộng ở trẻ em của CDC. Chúng là
RotaTeq, một
loại vaccin tái tổ hợp bò – người (human – bovine reassortant vaccine), và
Rotarix, một loại
vaccin sống giảm độc lực. Cả 2 loại vaccin đều được chỉ định dùng đường uống và đều
không
liên quan đến chứng lồng ruột.
5)
Astrovirus gây ra đợt bùng phát chứng tiêu chảy theo định kỳ ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và
người cao tuổi.
Việc điều trị cho tất cả các loại này đó là điều trị hỗ trợ, kèm bù dịch và các chất điện giải.

Advertisement
Liệu pháp bù nước bằng đường uống đã tối ưu hóa việc điều trị tiêu chảy ở các quốc gia kém
phát triển, nơi mà sản phẩm dịch truyền IV là rất hiếm hoi.
RHABDOVIRIDAE VÀ BỆNH DẠI
29.7. Rhabdovirus có hình dạng như viên đạn, có lớp vỏ bao bên ngoài, nucleocapsid có dạng đối xứng xoắn ốc.
Virus Rabies (virus dại) là loại virus duy nhất thuộc họ này, thường lây nhiễm cho người. Virus Rabies có thể lây nhiễm cho tất cả các loài động vật máu nóng như chó, mèo, chồn, sói, cáo, gấu mèo, dơi như là những nơi cư trú của virus. Những sinh vật bị lây nhiễm sẽ tiến triển chứng viêm não và có thể trở nên kích động, hung hăng và mất định hướng.

29.8. Khi một người bị cắn, virus sẽ sinh sôi tại vết thương trong một vài ngày, sau đó chúng di chuyển (từ vài tuần đến vài năm) theo các sợi trực thần kinh để đến hệ thần kinh trung ương, gây ra chứng viêm não chết người.

29.9. Các tế bào não bị nhiễm virus dại cho thấy có các biến đổi về bệnh lý thần kinh và các
virion nằm bên trong bào tương của tế bào não được gọi là
thể Negri (Negri body). Sau vết cắn bởi một con vật bị dại thì có một thời kỳ ủ bệnh, đây là thời kỳ có sự dao động rất lớn, từ 1 tuần cho đến vài năm! Một khi đã tiến triển các triệu chứng, thì chúng lại tiến triển rất nhanh đến tử vong, khoảng 1 – 2 tuần:


1)
Tiền triệu chứng: Ở một người bị lây nhiễm đầu tiên sẽ tiến triển các triệu chứng không đặc hiệu như là sốt, đau đầu, viêm họng, mệt mỏi, buồn nôn, các dây thần kinh nhạy cảm với cảm giác đau ở xung quanh vùng vết thương. Các cơ xung quanh vết cắn thậm chí có thể bị co cứng cục bộ (fasciculate).
2)
Viêm não cấp tính: Tăng động và kích động dẫn đến chứng lú lẫn, kích thích màng não và thậm chí là các cơn động kinh. Điên cuồng!!!
3)
Viêm thân não thể cổ điển: Sự viêm nhiễm ở thân não gây ra rối loạn chức năng thần kinh sọ não và các cơn co thắt cơ hầu họng đau đớn khi nuốt các chất dịch (“chứng sợ nước”). Điều này làm cho bệnh nhân khó có thể nốt nước bọt và “foaming of the mouth”.
4)
Tử vong xảy ra cuối cùng do rối loạn chức năng trung khu hô hấp. Bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao nhất so với bất kỳ bệnh lý truyền nhiễm nào khác. Một trường hợp đầu tiên được xác nhận là đã hồi phục khi có bệnh dại đang ở thể hoạt động xảy ra vào đầu năm 2005. Trường hợp này là một cô bé gái 15 tuổi bị cắn bởi một con dơi đã gây được sự chú ý trên toàn quốc (Willoughby và cộng sự, NEJM 2005;352:2508). Việc điều trị cho cô bé này bằng cách gây an thần với ketamine và midazolam trong khi chờ đợi đáp ứng miễn dịch của cô được hình thành; vaccin dại không được sử dụng và cô còn được điều trị bởi các loại thuốc kháng virus ribavirin và amantadine (xem Chương 30). Cô được cho xuất viện sau 76 ngày nhưng vẫn còn được xem chừng và còn khả năng lây nhiễm; còn chứng múa vờn, rối loạn vận ngôn (dysarthria) và đi không vững. Vào năm 2011, một trường hợp thứ 2 được xác nhận là đã hồi phục khi có bệnh dại đang ở thể hoạt động, đó là một cô bé 8 tuổi ở California. Phương thức điều trị cũng tương tự như trên.
Thông qua các chiếc lược kiểm soát và điều trị hiệu quả, thì hiện nay số lượng các trường hợp
mắc bệnh dại đã giảm một cách đáng kể.
1) Tiêm chủng chó và mèo đã rất có hiệu quả ở Mỹ, với chỉ 44 trường hợp được báo cáo từ
năm 1995 tới 2009 (www.CDC.gov/rabies).
2) Khi một người bị cắn hoặc một vết thương hở bị liếm bởi một con vật có khả năng bị dại,
lúc đó vết thương nên được rửa sạch một cách tích cực bằng xà phòng và nước. Việc rửa như vậy
sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm khuẩn.
3) Động vật nên được bắt giữ hoặc tiêu hủy. Động vật bị bắt giữ phải được theo dõi, nếu như
các triệu chứng không tiến triển ở động vật trong vòng 10 ngày, thì chúng không mắc bệnh dại.
Nếu bị tiêu hủy, não của những loài động vật bị chết có thể được cho kiểm tra thể Negri hoặc
được kiểm tra bằng các kháng thể gắn huỳnh quang với các virus dại.
4) Nếu động vật không được bắt giữ hoặc khi các xét nghiệm trên dương tính, thì những người
bị cắn nên được cho dùng globulin miễn dịch dại từ người, human rabies immune globulin, (tiêm
chủng thụ động), tiếp theo là 5 mũi vaccin ngừa bệnh dại (tiêm chủng chủ động). Ý tưởng ở đây
đó là kích thích miễn dịch trong khi virus vẫn còn đang ở trong giai đoạn ủ bệnh kéo dài.
Cần chú ý những điểm tương đồng trong điều trị bệnh dại với chỉ định cho những người đang
có biểu hiện uốn ván (xem Chương 6).
VIRUS GÂY RA SỐT XUẤT HUYẾT VÀ VŨ KHÍ SINH HỌC
1) Filoviridae: Ebola và Virus Marburg
VIRUS EBOLA: Ngày 4, tháng 4, 1995:
Nó là một buổi sáng mùa hè ở thành phố Kikwit, Zaira (dân số 400.000). Một nhân viên phòng xét nghiệm của bệnh viên bị sốt và đau nữa đầu kèm đau nhức các cơ và vai. Anh ta đi ra khỏi nhà và xoay cánh tay, hy vọng rằng sẽ bớt đau. Nhưng cảm giác vẫn còn; cơn mệt mỏi và đau bụng xuất hiện sớm. Chắc là bệnh cúm, anh ta nghĩ. Tại nơi làm việc, anh ta bưng cái cốc nước với bàn tay đầy mồ hôi và run lẩy bẩy khi đưa lên miệng uống. Cổ họng anh ta đau khi nuốt. Anh ta ít chú ý về các cơn nấc mà anh ta phải chịu đựng kéo dài trong nửa giờ, sau đó cơn đau ruột tăng lên. Anh ta bị vấp chân ở nhà vệ sinh và có một cơn tăng mạnh nhu động ruột. Rồi lúc sau, anh bắt đầu chao đảo và thấy có máu đỏ trong nước vệ sinh. Ngã xuống đất, anh ho và máu bắt đầu chảy từ mũi và miệng. Quần của anh ta bị dơ bẩn do tiêu chảy kèm theo máu. Các bác sỹ nghi ngờ rằng bệnh nhân này đã bị thủng ruột và chỉ định phẫu thuật. Trong vòng 2 tuần sau khi xảy ra sự việc trên, rất nhiều nhân viên của bệnh viện đã bị bệnh với các triệu chứng tương tự: sốt (94%), tiêu chảy (80%), mệt mỏi (74%), nuốt khó (41%), nấc (15%) và chảy máu từ
lớp niêm mạc đường tiêu hóa, âm đạo và da (38%). Bệnh lý nảy ảnh hưởng lên nam và nữ như nhau. (MMWR, ngày 30 tháng 7, 1995). Vào ngày 17 tháng 5, có 93 người bị lây nhiễm và vào ngày 25 tháng 7 là 296 người.
Nghi ngờ rằng các trường tử vong xảy ra thứ phát sau cơn bệnh tương tự sốt xuất huyết (VHF – like illness) do virus gây ra, có thể thấy trong trường hợp do virus Ebola và virus Marburg, các mẫu máu được cho làm xét nghiệm PCR và ELISA và cho thấy có dương tính với virus Ebola. Filo, trong filoviridae, có nghĩa là “filament” (hay “sợi tơ”) trong tiếng Latin và ARN của virus Ebola và Marburg trong họ filovirus được mô tả là có dạng sợi tơ mỏng. Có có vai trò trong việc gây ra các đợt bùng phát sốt xuất huyết hiếm gặp ở Châu Phi hạ Sahara (Zaire, Sudan, Uganda, Kenya) hoặc ở Mỹ và Châu Âu sau khi tiếp xúc với những con khỉ đến từ những khu vực hạ Sahara đã kể trên. Người và khỉ bị đều lây nhiễm trong quá trình xảy ra đợt bùng phát nhưng lại không biết là sinh vật nào hoạt động như là nguồn lây nhiễm giữa các vụ dịch. Các nghiên cứu huyết thanh học đã chứng minh có 17% dân số được chọn lựa từ trung tâm Châu Phi có huyết thanh dương tính với Ebola. Trong đó cao nhất là những người đi săn bắt – hái lượm như người Aka Pygmies (37,5% có huyết thanh dương tính), là những người chuyên giết động vật bằng tay không (Johnson, 1993). Đến nay vẫn chưa rõ điều gì đã gây ra các đợt dịch sốt xuất huyết do vrus hiếm gặp và nguy hiểm này.
Cả virus Ebola và Marburg đều được biết đến là đã được vũ khí hóa.

Lây Truyền Và Kiểm Soát
Trong hầu hết các vụ dịch ở Châu Phi thì các nhóm thường bị lây nhiễm là những nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người chăm sóc tại nhà và các thành viên trong gia đình (nhất là vợ chồng). Hầu như là do tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể. Tuy nhiên, cũng có trường hợp các nhân viên chăm sóc sức khỏe bị nhiễm khuẩn bệnh viện do đó không thể loại trừ việc lây nhiễm qua đường không khí.
Việc tiếp xúc trực tiếp với máu, chất nôn (votimus), nước tiểu, phân hoặc tinh dịch, từ bệnh nhân còn sống hay đã tử vong, dường như là con đường lây truyền quan trọng nhất. Điều này có thể xảy ra thông qua việc tiếp xúc giữa da và lớp niêm mạc với chất dịch cơ thể đã bị lây nhiễm virus. Việc tái sử dụng các kim tiêm không vô khuẩn là nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh ở

Kikwit, Zaire.
Hiện nay các hướng dẫn của CDC khuyến cáo nên tiếp xúc một cách chặt chẽ và sử dụng đồ bảo hộ bên ngoài, cũng như là các biện pháp phòng ngừa qua đường
giọt nước* (mặt nạ phẫu thuật khi ở trong vòng 2 mét). Một vài đợt bùng phát ở Châu Phi đã được kiểm soát bằng các biện pháp đơn độc này. Nhưng vì có những trường hợp có thể lây lan qua đường không khí, các biện pháp phòng ngừa cẩn trọng hơn bằng đường không khí (mặt nạ phòng độc N95 và cách ly bệnh nhân trong những căn phòng có áp suất âm). Điều này đã được khuyến cáo bởi John
Hopkins Working Group ở Civilian Biodefense

Các vụ dịch đã được kiểm soát bởi các biện pháp phòng ngừa để tránh tiếp xúc với dịch cơ thể đã bị lây nhiễm, sử dụng kim tiêm vô khuẩn, hạn chế xét nghiệm máu trong phòng thí nghiệm và xử lý các xác chết một cách hợp lý (niêm phong trong vật liệu chống rò rỉ và hỏa táng hoặc chôn
* Đường giọt nước: các chất dịch cơ thể có thể bắn ra, làm lây nhiễm môi trường xung quanh. -NDtrong quan tài). Giặt sạch quần áo và các trang thiết bị phải được đốt bỏ, hấp hoặc rửa sạch bằng chất tẩy.
Đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Hiện nay chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Vì bệnh nhân bị hạ huyết áp do rò mao mạch (capillary leak), nên bệnh nhân cần phải được chăm sóc đặc biệt và được hỗ trợ thuốc huyết áp.
2) Arenaviridae
Đây là họ virus bao gồm virus Lassa Fever và 4 loại virus Sốt Xuất Huyết Nam Mỹ: Argentia (virus Junin), Bolivia (virus Machupo), Venezuela (virus Guanarito) và Brazil virus Sabia). Nhóm virus này gây ra bệnh lý có các biểu hiện tương tự như loài filovirus nhưng lại khởi phát bệnh chậm hơn. Cách thức lây truyền chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp và qua các giọt nước, nhưng cũng không thể loại trừ việc lây truyền qua đường không khí. Trái ngược với loài
filovirus, những virus này có thể điều trị được. VỚi liều lượng cao, ribavirin tiêm tĩnh mạch giúp làm giảm nguy cơ tử vong.
3)
Virus Rift Valley Fever (họ bunyaviridae) và virus Yellow Fever (họ flaviviridae) đã được đề cập trước đó, và ngoài ra chúng còn gây ra sốt xuất huyết. Chúng được cho là đã được vũ khí hóa. Những virus này đều không lây truyền từ người sang người, mặc dù có xảy ra sự lây nhiễm giữa các nhân viên phòng thí nghiệm qua đường không khí từ các bệnh phẩm. Bệnh sốt Thung Lũng Rift có thể được điều trị bằng ribavirin tiêm tĩnh mạch liều cao, còn bệnh sốt vàng thì lại không thể.
29.10. Bảng Tóm Tắt “Các Loại Virus ARN Khác”

Bài viết được dịch từ sách ” Clinical Microbiology made ridiculously simple 

Xem tất cả bài biết   tại: https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/vi-sinh-lam-sang/

Giới thiệu Lac Thu

Check Also

[Xét nghiệm 57] Hormone kích thích tạo nang trứng (FSH)

HORMON KÍCH THÍCH TẠO NANG TRỨNG (FSH) (Folliculostimuline Hypophysaire / Follicular-Stimulating Hormone [FSH])   Nhắc …