[Xét nghiệm 51] Haptoglobin (Haptoglobine/ Haptoglobin)

Rate this post

Nhắc lại sinh lý

Haptoglobin là một glycoprotein (protein alpha-2 globin) chủ yếu được gan tổng hợp. Chức năng  chính của protein này là cố định với hemoglobin tự do trong máu để ngăn không cho các phân tử hemoglobin tự do xuất hiện trong dòng tuần hoàn.

Trong điều kiện bình thường có rất ít hemoglobin trong dòng tuần hoàn, tuy nhiên khi các hồng cầu  bị phá hủy, nó sẽ giải phóng ra hemoglobin. Sau khi haptoglobin gắn với hemoglobin tự do, phức chất được tạo thành (haptoglobin-hemoglobin [Hp/Hb]) được các đại thực bào vận chuyển ngược trở lại gan và tại đó các thành phần của phức chất này (vd: sắt và hem) được tái sử dụng. Quá trình nói trên giúp bảo tồn kho sự trữ sắt của cơ thể do ngăn không cho sắt bài xuất vào nước tiểu. Quá trình tái quay vòng sử sụng này sẽ phá hủy haptoglobin của cơ thể.

Khi có một số lượng lớn các hồng cầu bị phá hủy, tốc độ phá hủy haptoglobin tại gan sẽ cao hơn tốc độ tạo mới cũng tại gan của haptoglobin. Như vậy, nồng độ haptoglobin trong máu sẽ giảm đi. Bất kỳ một tình trạng nào phá hủy hồng cầu (vd: thiếu máu tan máu, van cơ học tim bị đứt hỏng và có các kháng thể như được thấy trong phản ứng truyền máu) đều có thể gây tình trạng thiếu hụt nồng độ haptoglobin rất nhanh, do protein này không thể được thay đổi trong thời gian ngắn. Haptoglobin cũng là một chất phản ứng pha cấp (acute-phase reactant).

 

Mục đích và chỉ định xét nghiệm

  1. Để đánh giá tình trạng tan máu xảy ra trong lòng mạch
  2. Để đánh giá hội chứng viêm

 

Cách lấy bệnh phẩm

XN được tiến hành trên huyết thanh. Không nhất thiết yêu cầu BN phải nhịn ăn trước khi lấy máu làm XN.

Sau khi thu được bệnh phẩm cần vận chuyển ngay tới phòng XN. Chú ý tránh không được lắc ống nghiệm để tránh gây vỡ hồng cầu và ảnh hưởng đến kết quả XN.

 

Giá trị bình thường

36 – 195 mg/dL hay 0.36 – 1.95 g/L

 

Tăng nồng độ haptoglobin máu

Các nguyên nhân chính thường gặp là:

– Các tình trạng đi kèm với tăng tốc độ lắng hồng cầu và α-2 globulin, vì vậy bệnh nhân có tình trạng này có thể làm lu mờ tình trạng tan máu đi kèm:

  • Nhiễm trùng cấp
  • Bệnh thấp khớp cấp
  • Nhiễm trùng mạn
  • Bệnh tạo u hạt (granulomatous disease)
  • Bệnh amyloidosis
  • Tình trạng viêm
  • Hoại tử mô
  • Lao
  • Viêm đại tràng loét
  • Viêm gan
  • Chấn thương
  • Hội chứng thận hư
  • Bệnh lý khối u tăng sinh ác tính lan tỏa (vd: bệnh Leukemia, u lympho)

– Bệnh nhân bị bệnh lý tắc mật (1/3 số bệnh nhân)

– Điều trị bằng steroid hoặc androgen

– Thiếu máu bất sản (nồng độ haptoglobin có thể từ bình thường tới rất cao)

– Bệnh động mạch

– Loét dạ dày tá tràng

– Sau nhồi máu cơ tim

– Có thai

– Đái tháo đường

– Hút thuốc lá

– Tuổi cao

– Thiếu vitamin C hay bệnh scorbut (scurvy)

 

Giảm nồng độ haptoglobin máu

Các nguyên nhân chính thường gặp:

– Tan máu trong lòng mạch:

  • Thiếu máu tan máu tự miễn
  • Bệnh hồng cầu hình cầu di truyền (hereditary spherocytosis) đi kèm với tình trạng tan máu rõ rệt
  • Hemoglobin niệu kịch phát xảy ra vào ban đêm (paroxysmal nocturnal hemoglobinuria)
  • Phản ứng truyền máu
  • Nhiễm ký sinh trùng sốt rét
  • Thiếu hụt Enzyme G6-PD

– Tan máu ngoài lòng mạch (extravascular hemolysis) (vd: khối máu tụ sau phúc mạc)

– Tan máu trong tủy xương (intramedullary hemolysis):

  • Chứng loạn nguyên hồng cầu ở trẻ sơ sinh (Erythroblastosis fetalis)
  • Bệnh hồng cầu hình liềm
  • Bệnh thiếu máu vùng biển (thalassemia)

– Không có haptoglobin máu bẩm sinh do di truyền (được gặp ở 1% các người Mỹ da trắng và 4-10% người da đen)

– Bệnh lý tế bào gan (Hepatocellular disease)

– Tăng huyết áp

– Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng

– Bệnh gan

– Van tim nhân tạo

– Bệnh lupus ban đỏ hệ thống

– Ban xuất huyết giảm tiểu cầu tắc mạch (thrombotic thromb-ocytopenic purpura)

– Hội chứng tăng ure máu

 

Các yếu tố góp phần làm thay đổi kết quả xét nghiệm

  • Mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu sẽ làm thay đổi kết quả XN
  • Các thuốc có thể làm tăng nồng độ haptoglobin máu: androgen, corticosteroid
  • Các thuốc có thể làm giảm nồng độ haptoglobin máu: Chlorpro-mazin, diphenhydramin, estrogen, indomethacin, isoniazid, nitrofurantoin, thuốc ngừa thai uống, quinidin, streptomycin

 

Lợi ích của xét nghiệm định lượng haptoglobin máu

  1. XN hữu ích để chẩn đoán hội chứng viêm: Haptoglobin cũng như tất cả các protein trong huyết thanh được gọi là protein viêm (proteines inflammatoires) sẽ tăng lên trong các hội chứng viêm bất kể do nguyên nhân nào gây nên hội chứng này (vd: viêm đa khớp dạng thấp, bệnh hệ thống tạo keo…)
  2. Nồng độ haptoglobin máu bị giảm đi khi có tình trạng giảm tổng hợp protein này tại gan (vd: khi bị bệnh lý gan), hay khi có tăng dị hóa haptoglobin (vd: trong tình trạng tan máu). Giảm nặng nồng độ haptoglobin, thậm chí là mất haptoglobin máu là một bằng chứng tốt gợi ý cho tình trạng tan máu trong lòng mạch gây giải phóng hemoglobin vào huyết tương và hình thành các phức hợp Hp/Hb.
  3. XN hữu ích để tìm kiếm nguyên nhân gây thiếu máu (nhất là thiếu máu do tan máu). XN được coi là rất nhạy để tìm kiếm tình trạng phá hủy hồng cầu. Vì vậy, khi đánh giá tình trạng thiếu máu, có thể định lượng nồng độ haptoglobin cùng với đánh giá số lượng hồng cầu lưới và công thức máu:
  4. Advertisement
  • Thiếu máu do tan máu thường gây giảm nồng độ haptoglobin, tăng số lượng hồng cầu lưới và giảm số lượng hồng cầu, hemoglobin và hematocrit.
  • Nếu nồng độ haptoglobin bình thường song lại thấy tăng số lượng hồng cầu lưới, ít có khả năng là tình trạng phá hủy hồng cầu này xảy ra trong lòng mạch. Rất nhiều khả năng là tình trạng này xảy ra ở lách và gan. Do trong tình huống này không có hemoglobin tự do được giải phóng vào trong vòng tuần hoàn, vì vậy không xảy ra tình trạng gắn với hemoglobin tự do với haptoglobin.
  • Nếu cả nồng độ haptoglobin và số lượng hồng cầu lưới bình thường, nhiều khả năng là tình trạng thiếu máu không phải do tan hồng cầu gây nên.

 

Nguồn: “Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng” – do PGS.TS Nguyễn Đạt Anh và Dược sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hương biên soạn.

Xem tất cả xét nghiệm tại: http://ykhoa.org/category/khoa-hoc/khoa-hoc-can-lam-sang/xet-nghiem/

Giới thiệu Lê Minh Thư

Check Also

[Xét nghiệm 57] Hormone kích thích tạo nang trứng (FSH)

HORMON KÍCH THÍCH TẠO NANG TRỨNG (FSH) (Folliculostimuline Hypophysaire / Follicular-Stimulating Hormone [FSH])   Nhắc …