I. NHẮC LẠI SINH LÝ
Axit uric là một chất có TLPT 169 dalton, có nguồn gốc từ quá trình dị hóa các bazơ purin (adenin và guanidin) của các axit nucleic
Các nguồn chính tạo nên axit uric trong cơ thể bao gồm:
- Các thức ăn chứa purin (100-200mg/ngày)
- Từ nguồn axit uric nội sinh do quá trình thoái biên các axit nucleic của cơ thể (600mg/ngày)
Quá trình tổng hợp nói trên được thực hiện chủ yếu ở gan và ở mức ít hơn tại niêm mạc ruột. Quá trình tổng hợp axit uric cần tới sự xúc tác của enzym xanthin oxydase. Allopurinol ức chế enzym này và được sử dụng để điều trị tình trạng tăng axit uric máu.
Các con đường thải trừ chính của axit uric trong cơ thể bao gồm:
- Qua nước tiểu(400-1000 mg/ngày): Ở thận Axit uric được lọc qua cầu thận, 95% lượng nước lọc được tái hấp thu ở các ống lượn gần, rồi được bài xuất tích cực ở các ống lượn xa.
- Qua đường tiêu hóa( 100-200mg/ngày): Mặc dù đây là con đường thải trừ yếu, tuy vậy có thể thấy axit uric trong mật, dịch vị và các dịch tiết của ruột.
Tăng quá mức nồng độ axit uric trong huyết thanh có thể gây tình trạng lắng đọng chất này tại các khớp và mô mềm gây bệnh gout (một tình trạng đáp ứng viêm đối với sự lắng đọng của các tinh thể urat).Các tình trạng gây nên một vòng quay tế bào (turnover) nhanh và/hoặc gây chậm trễ bài tiết axit uric của thận có thể gây tăng nồng độ axit uric huyết thanh (tăng nồng độ axit uric máu [hyperuricemia]. Lượng axit uric trong nước tiểu tăng quá mức có thể bị kết tủa và hình thành sỏi urat trong hệ tiết niệu. Các nguyên nhân gây tích tụ axit uric trong cơ thể thường gặp nhất là cơ địa di truyền với khuynh hướng gây tăng sản xuất quá mức axit uric và suy giảm chức năng thận gây giảm khả năng bài tiết axit uric
Cần nhắc lại là các axit uric kết tủa khi nước tiểu có pH axit và các tinh thể axit uric thấu tia X (không cản quang). Khi nghi ngờ có sỏi thận loại axit uric do chụp phim X-quang bụng không thấy sỏi cản quang, chẩn đoán cần dựa trên siêu âm hay chụp hệ tiết niệu có tiêm thuốc cản quang (UIV).Trong trường hợp viêm khớp, định lượng axit uric trong dịch khớp hữu ích trong chẩn đoán phân biệt giữa viêm khớp do tăng axit uric trong máu (bệnh gout) với viêm khớp do các nguyên căn khác (chấn thương, thoái khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp do pyrophotsphat hay do viêm)
Cần ghi nhận là nguy cơ bị viêm khớp trong bệnh gout có mối tương quan với nồng độ axit uric trong máu và nguy cơ này trở nên quan trọng khi nồng độ axit uric trong máu >530umol/L (9 mg/dL). Tuy vậy, có từ 20 đến 30% có trường hợp viêm khớp do gout có nồng độ axit uric huyết thanh bình thường.
II. MỤC ĐÍCH VÀ CHỈ ĐỊNH XÉT NGHIỆM
Để chuẩn đoán các bệnh lý gây biến đổi nồng độ axit uric
III. CÁCH LẤY BỆNH PHẨM
Máu: XN được tiến hành trên huyết tương. Thường cần yêu cầu BN phải nhịn ăn 4-8h trước khi lấy máu XN tùy theo kĩ thuật xét nghiệm được sử dụng.
Nước tiểu: thu bệnh phẩm nước tiểu 24h
IV. PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH LƯỢNG
Định lượng nồng độ axit uric huyết thanh có thể được thực hiện theo các phương pháp
- Dùng enzym
- Đo màu
Tuy vậy, kết quả của phương pháp định lượng nồng độ axit uric bằng cách đo màu có thể bị biến đổi khi trong huyết thanh có mặt một số chất như:
- Cystin
- Glucose
- Phenol
- Vitamin C (Axit ascorbic)
- Tryptophan
- Tyrosin
V. GIÁ TRỊ BÌNH THƯỜNG
1.Nồng độ axit uric trong máu
- Nam: 3,6 – 8,5 mg/dL hay 214 – 506 µmol/L
- Nữ: 2,3 – 6,6 mg/dL hay 137 – 393 µmol/L
2.Nồng độ axit uric trong nước tiểu
250 – 1000 mg/24h hay 1,5 – 5,9 mmol/24h
3.Nồng độ axit uric trong dịch khớp
2 – 6 mg/dL hay 0,1 – 0,3 mmol/L
VI. TĂNG NỒNG ĐỘ AXIT URIC TRONG MÁU
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
1. Tăng sản xuất axit uric
- Tăng axit uric máu tiên phát (30% BN gout thuộc loại vô căn)
- Phá hủy tổ chức (Vd: sau hóa trị liệu, xạ trị)
- Gia tăng chuyển hóa tế bào(Vd: bệnh lơ xê mi cấp, u lympho)
- Thiếu máu do tan máu(Vd: sốt rét, bệnh hồng cầu hình liềm, thiếu G6PD)
- Thức ăn chứa nhiều purin
- Béo phì
- Nhịn đói
2. Giảm đào thải axit uric qua thận
- Suy thận
- Nghiệm rượu cấp
- Dùng thuốc lợi tiểu
- Tổn thương các ống thận xa
- Nhiễm toang lactic
- Suy tim ứ huyết
- Các thuốc gây giảm thải axit uric qua nước tiểu: aspirin(liều thấp), thuốc lợi tiểu, probenecid (với liều thấp), phenylbutazon( với liều thấp)
3. Các nguyên nhân khác
- Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng cấp (hay bệnh nhiễm virus Epstein-Barr)
- Nhiễm độc thai nghén và tiền sản giật
- Suy thận giáp trạng
- Suy giáp
- Ngộ độc chì
- Chấn thương
VII. GIẢM NỒNG ĐỘ AXIT URIC TRONG MÁU
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
1. Hòa lẫn máu
2. Hội chứng tiết hormon chống bài niệu(ADH) không thích hợp (SIADH)
3. Tổn thương các ống thận gần(vd: do tình trạng khiếm khuyết tai hập thụ)
4. Hội chứng Fanconi
5. Các thuốc gây tăng thải axit uric qua nước tiểu:
- Benzbromaron
- Allopurinol
- Probenecid( với liều cao)
- Cortison
- Phenylbutazon(với liều cao)
- Sulfinpyrazon
- Salicylat( với liều cao)
- Axit ascorbic
- Các thuốc gây độc cho tế bào để điều trị ung thư (cytotoxic drugs)
- Thuốc cản quang
6. Bệnh Wilson
7. Thiếu enzym xanthin oxydase
8. To đầu chi
9. Bệnh Cellac
10. Bệnh Hodgkin
VIII. CÁC YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM THAY ĐỔI KẾT QUẢ THÍ NGHIỆM
– Các thuốc có thể làm tăng nồng độ axit uric máu là: Adrenalin, acetaminophen, ampicillin, axit ascorbic, thuốc chẹn beta giao cảm, caffein, các hóa chất điều trị ung thư, cyclosporin, diltiazem, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid, G-CSF, Isonlazid, levodopa, lisinopril, methildopa, nlacin, thuốc kháng viêm không phải steroid, phenothiazin, rifampin, salicylat, sidenafil, theophyllin, warfarin.
– Các thuốc có thể giảm nồng độ axit uric trong máu là Acetazolamid, allopurinol, aspirin (liều cao), chlorpromazin, corticosteroid, enalapril, estrogen, griseofulvin, lisinopril, lithium,mannitol, marijuana, probenecid, salicylat, verapamil, vinblastin.
IX. LỢI ÍCH CỦA XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG AXIT URIC
1. Xét nghiệm không thể thiếu trong xác định
- Cơn đau quặng thận
- Thận ứ nước
- Suy thận không xác định được nguồn gốc
- Viêm khớp
- Đau khớp
2. XN hữu ích để theo dõi
- Các suy thận
- Các bệnh máu
- Các thiếu máu do tan máu ( sốt rét, bệnh hồng cầu hình liềm)
- BN được điều trị bằng hóa trị liệu hoặc xạ trị
- BN thực hiện liệu trình nhịn đói hoàn toàn hay chế độ ăn < 800calo/ngày.
- BN nghiện rượu
3. XN hưu ích trong theo dõi mức độ nặng và tiên lượng các bệnh nhân nhiễm độc thai nghén nặng với nguy cơ sả giật và tiền sản giật
X. LỢI ÍCH CỦA XÉT NGHIỆM XÁC ĐỊNH HỆ SỐ THANH THẢI AXIT URIC
-
XN chẩn đoán phân biệt
- Tăng axit uric máu liên quan với tình trạng tăng sản xuất (hệ số thanh thải axit uric bình thường hay tăng)
- Tăng axit uric máu thứ phát do giảm thải trừ (hệ số thanh thải axit uric giảm)
-
XN cho phép tách biệt
- Tổn thương các ống thận gần (hệ số thanh thải axit uric tăng)
- Tổn thương các ống thẳng xa (hệ số thanh thải axit uric giảm
XI. CÁC CẢNH BÁO LÂM SÀNG
- Nếu phát hiện thấy bệnh nhân có tình trạng tăng axit uric máu, cần hướng dẫn BN tăng khẩu phần nước uống hàng ngày để dự phòng nguy cơ bị sỏi thận. Khuyên BN tránh uống rượu (do đồ uống có cồn gây ức chế bài tiết tinh thể urat qua nước tiểu)
- Nếu phát hiện BN có tăng nồng độ Axit uric bài tiết qua nước tiểu, cần hướng dẫn BN sử dụng các thức ăn chứa ít purin.Các nguồn thực phẩm có hàm lượng purin cao bao gồm: măng tây, các đồ uống có chứa caffeine, nấm, rau bina (spinach), men rượu bia và các phủ tạng động vật (Ví dụ: gan và thận).
Nguồn: “Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng” – do PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh và Dược sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hương biên soạn
Xem tất cả xét nghiệm tại: https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/khoa-hoc-can-lam-sang/xet-nghiem/