[Xét nghiệm số 2] ACTH (Adrenocorticotropic Hormone / Corticotropin)

Rate this post

I. NHẮC LẠI SINH LÝ

Khi đáp ứng với một stress, vùng dưới đồi (hypothalamus) tiết hormon gây giải phóng hormon hướng thượng thận (corticotropin – releasing hormon [CRH]). Hormon này kích thích thùy trước tuyến yên tiết ACTH (hormon hướng thượng thận [adrenocorticotropic hormone]). Khi được tiết ra, ACTH kích thích vỏ thượng thận tiết cortisol là một hormon thượng thận loại corticoid chuyển hóa đường (glucocorticoid hormone). Nếu nồng độ cortisol trong máu tăng lên, cơ chế điều hòa ngược (-)(negative feedback) sẽ kích thích tuyến yên giảm sản xuất ACTH.

Nồng độ ACTH máu có các biến đổi theo nhịp ngày đêm, với nồng độ đỉnh (peac levels) xảy ra trong thời gian từ 6 đến 8 giờ sáng và nồng độ đáy (trough levels) xảy ra trong thời gian từ 6 đến 11 giờ tối. Nồng độ đáy bằng khoảng 1/2 đến 1/3 nồng độ đỉnh.

II. MỤC ĐÍCH MÀ CHỈ ĐỊNH XÉT NGHIỆM

  1. Để khẳng định nguồn gốc của một hội chứng Cushing là ở vùng dưới đồi, thượng thận hay lạc chỗ và để xác nhận hiệu quả của điều trị.
  2. Để khẳng định một suy thượng thận có nguồn gốc cao hay thấp.
  3. Để thăm dò chẩn đoán toàn bộ hệ thống enzym thượng thận và theo dõi, điều trị.

III. CÁCH LẤY BỆNH PHẨM

XN được tiến hành trên huyết tương. Bệnh phẩm được bảo quản trong ống plastic tráng chất chống đông heparin hay EDTA (do ACTH có thể dính kết vào thành ống nghiệm thủy tinh).

Mẫu máu thường được lấy vào buổi sáng, tuy nhiên khi lâm sàng gợi ý có tình trang tăng tiết ACTH, tiến hành lấy một mẫu máu thứ hai vào buổi tối.

BN nên ăn một chế độ ăn có chứa ít carbohydrat trong vòng 48h trước khi lấy máu VN. Yêu cầu BN nhịn ăn và hạn chế hoạt động thể lực từ 10 – 12h trước khi tiến hành XN. Sau khi lấy máu, bệnh phẩm cần được bảo quản trong đá lạnh và được gửi tới phòng XN càng nhanh càng tốt.

IV. GIÁ TRỊ BÌNH THƯỜNG

6,0 – 76,0 pg/mL hay 1,3 – 16,7 pmol//L.

TĂNG NỒNG ĐỘ ACTH MÁU

Các nguyên nhân chính thường gặp là:

– Bệnh Addison. 

– Hội chứng tiết ACTH lạc chỗ (Ecopic ACTH syndrome). 

– U biểu mô tuyến yên (pituitary adenoma).

– Bệnh Cushing nguồn gốc tuyến yên (Pituitary Cushings disease). 

– Suy thượng thận tiên phát. 

– Do stress.

GIẢM NỒNG ĐỘ ACTH MÁU

Các nguyên nhân chính thường gặp là: 

– Hội chứng Cushing. 

– Tình trạng suy tuyến yên (hypopituitarism). 

– Cường chức năng vỏ thượng thận tiên phát (Vd: do khối u).

– Tình trạng giảm chức năng thượng thận thứ phát (secondary hypoadrenalism).

V. CÁC YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM THAY ĐỔI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM

– Nồng độ ACTH có thể thay đổi theo tình trạng gắng sức, giấc ngủ và khi bị stress.

– Nếu BN được chỉ định làm một thăm dò chẩn đoán có sử dụng chất đồng vị phóng xạ, cần lên chương trình XN định lượng ACTH sau thăm dò chẩn đoán nói trên ít nhất 1 tuần.

– Các thuốc có thể làm giảm nồng độ ACTH: amphetamin, canxi gluconat, corticosteroid, estrogen, ethanol, lithium và spironolacton.

VI. LỢI ÍCH CỦA XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG ACTH MÁU

XN cho phép đánh giá tình trạng rối loạn chức năng vỏ thượng thận khi kết hợp định lượng nồng độ ACTH với định lượng nồng độ cortisol:

– Ở BN bị bệnh Addison, kết hợp giữa nồng độ ACTH cao và nồng độ cortisol máu thấp chỉ dẫn có tình trạng giảm hoạt động chức năng vùng vỏ thượng thận.

– Trái lại, nếu tuyến thượng thận tăng sản xuất cortisol như được thấy trường hợp u thượng thận, nồng độ ACTH sẽ thấp và nồng độ cortisol máu tăng cao.

VII. CÁC CẢNH BÁO LÂM SÀNG

– Do ACTH được giải phóng ồ ạt thành từng đợt vào tuần hoàn, vì vậy nồng độ ACTH máu có thể thay đổi qua từng phút

– Bệnh nhân đang sử dụng glucocorticoid có thể có tình trạng ức chế nồng độ ACTH , tuy nhiên nồng độ cortisol máu tăng cao rõ rệt

 

Nguồn: “Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng” – do PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh và Dược sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hương biên soạn

Xem tất cả xét nghiệm tại: https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/khoa-hoc-can-lam-sang/xet-nghiem/

 

Advertisement

Giới thiệu tranphuong

Check Also

[Xét nghiệm 57] Hormone kích thích tạo nang trứng (FSH)

HORMON KÍCH THÍCH TẠO NANG TRỨNG (FSH) (Folliculostimuline Hypophysaire / Follicular-Stimulating Hormone [FSH])   Nhắc …