[COVID-19] Khẩu trang và tấm chắn mặt

Rate this post

KHẨU TRANG & TẤM CHẮN MẶT

BS. TRẦN VĂN PHÚC
(bài viết theo yêu cầu của vài người)
=============================

Khuyến cáo mới nhất từ Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, phiên bản cập nhật ngày 9 tháng 4 năm 2020, theo đó phần lớn những quyết định cho trẻ đeo khẩu trang phụ thuộc vào nơi đứa trẻ đang sống, lứa tuổi và tính cách của đứa trẻ, những nơi trẻ đến.

Cụ thể nếu trẻ đang sống ở nơi có những cư dân bình thường: trẻ ở trong nhà không cần phải đeo khẩu trang; trẻ đi bộ ngoài trời duy trì được khoảng cách 2m, không chạm tay vào bề mặt các vật dụng như đài phun nước, thiết bị trong sân chơi, hay các vật dụng có nguy cơ người nhiễm bệnh chạm vào, thì trẻ cũng không cần phải đeo khẩu trang.

Cả CDC và Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ đều khuyến cáo: trẻ dưới 2 tuổi không nên đeo khẩu trang vì có nguy cơ bị nghẹt thở!

Các trường học ở Việt Nam cho trẻ đeo khẩu trang ở mọi nơi, mọi lúc, đeo ngay cả khi trẻ đang ngủ.

Qua phỏng vấn 10 em học sinh THCS, tôi được biết các em cảm thấy bị khó thở khi đeo trong giờ học, chờ cô quay đi các em “lách luật” bằng cách kéo khẩu trang xuống để thở, khi cô quay lại các em sẽ lấy tay kéo khẩu trang lên.

Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo không nên đeo khẩu trang trong trường hợp trẻ cảm thấy đeo nó sẽ khó thở, đặc biệt là những tình huống trẻ mất khả năng hoặc không thể tự tháo bỏ khẩu trang (như trong lúc ngủ). Cũng không nên đeo khẩu trang khi trẻ thường xuyên chạm tay vào khẩu trang, vì đeo như thế lợi bất cập hại, trẻ dễ nhiễm vi-rút hơn là không đeo.
————-

Điều quan trọng là, xác suất mắc COVID-19 ở Việt Nam thời điểm hiện tại rất thấp, trẻ em càng thấp hơn rất rất nhiều, cũng không có trẻ em bị bệnh nặng; vậy tại sao lại bắt trẻ đeo khẩu trang khi đến lớp?

Theo số liệu thống kê dịch COVID-19 tại Việt Nam:

– Nhóm 1: mầm non = 5.517.000 với 1 ca mắc.
– Nhóm 2: học sinh phổ thông = 17.055.000 với 16 ca mắc.
– Nhóm 3: còn lại = 74.308.000 với 202 ca mắc.

(Việt Nam có 271 ca bệnh COVID-19, nhưng chỉ có 219 người Việt cả nhiễm bệnh trong nước và ca xâm nhập từ nước ngoài về, số còn lại 52 ca là người nước ngoài).

Gọi Ei là nhóm (i = 1,2,3)
Gọi A là biến cố mắc bệnh

Tổng số dân VN = Nhóm 1 + Nhóm 2 + Nhóm 3 = 96.880.000

P(E1) = 5.517.000/96.880.000 = 0.06
P(E2) = 17.055.000/96.880.000 = 0.18
P(E3) = 74.308.000/96.880.000 = 0.76

P(A/E1) = 1/5.517.000
P(A/E2) = 16/17.055.000
P(A/E3) = 202/74.308.000

Đầu tiên, tôi quan tâm đến xác suất mắc bệnh chung của người Việt, nghĩa là tôi chọn bất kì một người nào đó, thì khả năng mắc bệnh của họ sẽ được tính theo cách rất đơn giản với số liệu thống kê trên, hoặc tính theo công thức Bayes.

P(A) = P(E1).P(A/E1) + P(E2).P(A/E2) + P(E3).P(A/E3)

Thay số tôi được P(A) = 0,0002%

Như vậy, khả năng mắc bệnh của người Việt quá thấp, nguy cơ của người Mỹ gấp 1.851 lần, Thái Lan gấp 21 lần.

Bây giờ, tôi giả sử một người Việt bất kì mà tôi chọn và chắc chắn bị mắc bệnh, thì xác suất của từng nhóm cũng được tính theo công thức Bayes.

Nhóm 1: mầm non.
P(E1/A) = [P(E1).P(A/E1)]/P(A) = 0,5%

Nhóm 2: học sinh phổ thông.
P(E2/A) = [P(E2).P(A/E2)]/P(A) = 7%

Nhóm 3: còn lại.
P(E3/A) = [P(E3).P(A/E3)]/P(A) = 92,5%

Từ những con số trên, trẻ mầm non và học sinh phổ thông mắc bệnh không đáng kể, rất thấp so với nhóm còn lại. Điều này củng cố thêm cho tôi tôi niềm tin rằng, trẻ em rất ít bị nhiễm bệnh, vi-rút chủ yếu truyền bệnh ở người lớn. Vậy theo tôi, căn cứ khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ và những con số tôi tính toán, thì việc bắt buộc trẻ mẫu giáo và học sinh phổ thông đeo khẩu trang là không cần thiết.

TẤM CHẮN MẶT CÓ CẦN THIẾT KHÔNG?
—————————————————

Mọi người trên khắp thế giới đang sử dụng tấm chắn mặt để chống lại sự xập nhập của SARS-CoV-2.

Tấm chắn mặt không hoàn hảo và không thay thế cho khẩu trang, nhưng nó có tác dụng như một hàng rào vật lý có thể bảo vệ khuôn mặt của nhân viên y tế tránh khỏi những giọt bắn.

Hiện nay, có hàng trăm cơ sở sản xuất tấm chắn mặt trên khắp thế giới sử dụng bản thiết kế được phát triển bời Josef Průša, người sáng lập công ti có tên Prusa ở CH Séc. Với đội ngũ 500 nhân viên vận hành 500 thiết bị, Prusa sản xuất 10.000 tấm chắn mặt mỗi ngày, cung cấp cho Bộ Y tế Séc. Mẫu thiết kết tấm chắn mặt của Prusa đăng trên Website của công ti được tải xuống 40.000 lần.

Hoa Kỳ cũng có hàng trăm cơ sở sản xuất tấm chắn mặt như vậy!

Michael Perina, người đàn ông Mỹ có đứa con trai 5 tuổi bị viêm phổi do COVID-19, ông đã quyết định đầu tư 10.000 đô la để sản xuất 4.000 tấm chắn mặt mỗi ngày. Do tình trạng khan hiếm khẩu trang, Perina đầu tư thêm 65 máy sản xuất, cung cấp 150.000 tấm chắn mặt mỗi tháng, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu 25 triệu tấm chỉ riêng thành phố New York.

Mỗi tấm chắn mặt Perina sản xuất có giá 1 đô la.

Tại Đức, xưởng tái chế nhựa Kunststoffschmiede đang sử dụng máy móc để chế tạo 20.000 tấm chắn mặt cho khu vực Dresden. Plasticpreneur ở Áo, nơi sản xuất máy móc cho dự án, cũng đã đi vào sản xuất hàng loạt tấm chắn mặt.

Kính chắn mặt được dùng cho nhân viên y tế từ rất lâu!

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ vào năm 1986 cho thấy, nhân viên y tế đeo kính chắn mặt ở New York vào phòng bệnh của trẻ sơ sinh mắc bệnh hô hấp, chỉ 5% bị nhiễm một loại virus đường hô hấp thông thường. Không đeo kính bảo hộ, có tới 28% đã bị nhiễm bệnh.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, kính bảo hộ dường như tạo ra một rào cản nhắc nhở các y tá, bác sĩ và nhân viên không được dụi tay lên mắt, mũi; kính mắt cũng hoạt động như một rào cản để ngăn chặn giọt bắn hô hấp khi nhân viên y tế chăm sóc hay bế trẻ sơ sinh.

Một nghiên cứu tương tự được công bố trên Tạp chí Bệnh trẻ em Hoa Kỳ năm 1987, cho thấy chỉ có 5% nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế UCLA sử dụng khẩu trang và kính bảo hộ bị nhiễm virus đường hô hấp. Nhưng khi không sử dụng khẩu trang hoặc kính bảo hộ, 61% đã bị nhiễm bệnh.

Tấm chắn mặt chỉ ngăn cản giọt bắn trong phạm vi 2m.

Tôi đồng ý rằng, khẩu trang và tấm chắn mặt, nó thực sự có tác dụng làm giảm nguy cơ nhiễm vi-rút, nhưng việc sử dụng khẩu trang và tấm chắn mặt ở mẫu giáo và trường phổ thông lại là câu chuyện khác.

Bản thân tôi nhiều năm trước, mỗi khi làm thủ thuật can thiệp, tôi cũng đeo tấm chắn mặt để tránh máu và mủ của bệnh nhân bắn vào. Vì thế mà tôi hiểu rằng, việc đeo khẩu trang và mang kính chắn mặt, sẽ rất khó khăn, chỉ khi chúng tôi phải thực hiện công việc chuyên biệt trong điều kiện chống nhiễm khuẩn ngặt nghèo mới áp dụng.

KIẾN NGHỊ
————–

Với tất cả những hiểu biết đã trình bày về khẩu trang đối với trẻ em và tấm chắn mặt tôi xin kiến nghị:

1. Không bắt buộc trẻ khỏe mạnh phải đeo khẩu trang khi đến lớp.

2. Trẻ ốm phải ở nhà hoặc đến thăm khám bác sĩ (vì lí do nào đó trẻ ốm đang ở trường thì phải đeo khẩu trang).

3. Không bắt học sinh đeo khẩu trang khi ngủ.

4. Không bắt buộc trẻ phải đeo tấm chắn mặt khi đến lớp.

Chúng ta không chủ quan nhưng sống chung với đại dịch COVID-19 bằng sự hiểu biết khoa học!

TÀI LIỆU THAM KHẢO
—————————-

1. https://services.aap.org/…/masks-and-children-during-covid…/

2. https://onezero.medium.com/people-around-the-world-are-3d-p…

3. https://www.dezeen.com/…/precious-plastic-coronavirus-recy…/

4. https://jamanetwork.com/journa…/jama/article-abstract/363126

5. https://jamanetwork.com/…/jamapedia…/article-abstract/513524

 

 

 

Advertisement

Giới thiệu Tina

Tên thật: Đinh Thị Thúy Quỳnh Sinh viên Y Khoa Trường Đại Học Duy Tân

Check Also

Tirzepatide hàng tuần cải thiện đáng kể cân nặng và kiểm soát đái tháo đường ở bệnh nhân béo phì và đái tháo đường loại 2.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên đã chứng minh rằng tirzepatide giúp giảm cân và cải …