KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH TOÀN CẦU NHƯ THẾ NÀO?
Tác giả: Trần Xuân Bách
28/01/2020
Nhân ngày toàn quốc chuẩn bị đi làm, cộng thêm mấy ngày Tết vừa rùi nhiều cụ tích cực share thông tin Corona làm bà kon có cảm giác bất an, vì mỗi ngày lại thêm thông tin mới, cháu xin viết cái tút dài nè mong muốn chia sẻ cùng bà kon để chủ động hiểu rõ hơn diễn tiến của quá trình kiểm soát dịch bệnh toàn cầu, đặc biệt là biết ai-phải-làm-gì? như-thế-nào? tích cực chủ động dự phòng mà không quá sợ hãi (sợ chút chút thôi)!
🙏🏻Chả là tháng 10 vừa rồi Viện Hàn lâm Y học Anh có mời cháu tham gia Ban điều hành của Nhóm làm việc về Kiểm soát bệnh dịch toàn cầu với hơn 200 cụ ở 29 nước xây dựng báo cáo hướng dẫn tiếp cận liên ngành trong kiểm soát dịch bệnh. Cháu share lại toàn văn tại đây, cụ nào rảnh đọc thêm:
🌸http://bit.ly/UKsteeringgroup 🌸http://bit.ly/UKReportEpic
🙏🏻 Hè năm ngoái cháu cũng ngồi ở Seattle chạy các Mô hình dự báo dịch bệnh (http://www.epimodel.org/), cháu có cái ảnh làm tin 🤓 (Rào chắn cẩn thận thế đã, để tránh có cụ KOLs biết-mọi-thứ nào đó lại cho cháu lên sóng và phê là ko-bít-cái-rì cứ nói lin-ta lin-tin 🙏🏻)
☘️ Cháu túm lại mấy thông điệp chính như sau:
🌸1- Ở phạm vi toàn cầu thì dịch bệnh mới nổi hoặc tái nổi xảy ra khá thường xuyên. Trong hình bản đồ, điểm đỏ là mới nổi, điểm xanh là tái nổi. SARS, MERS, Zika, hay như Ebola ở Tây Phi năm 2014-6… là các dịch bệnh nguy hiểm có hậu quả rất lớn. Nhìn chung thì dịch bệnh nào cũng rất cần quan tâm đặc biệt, từ khi là các vụ dịch chứ chưa cần thành các đại dịch. Nhất là ở những nơi hệ thống giám sát, phát hiện và xét nghiệm khẳng định yếu thì luôn có độ trễ cao trong quá trình đáp ứng với dịch. Chứ không phải có cụ tính tỉ lệ tử vong và kết luận dịch Corona này là tử vong thấp – đó chỉ là 1 chỉ báo phản ánh tốc độ tấn công và mức độ trầm trọng, không thể hiện đầy đủ khả năng tác động của dịch! Dịch bệnh luôn kéo theo tác động y tế, kinh tế và xáo trộn xã hội nhất định. Vì thế, hệ thống đáp ứng luôn được khởi động đồng bộ trước khi ta có đầy đủ hiểu biết về tác nhân và cơ chế lây nhiễm của nó. Trong thời gian vừa rồi, qua media thì cháu thấy VN mình đáp ứng rất tích cực về hệ thống, phần còn lại là nhiệm vụ của bà kon chúng mình tuân thủ thực hiện theo ạ.
🌟(Lan man thêm để bà kon yên tâm tí là mấy cụ ở Johns Hopkins hay nói với cháu ý là ca ngợi Việt Nam các cậu có năng lực kiểm soát bệnh dịch rất tốt gây “tò mò” cho cả thế giới. Thực ra chúng ta có hệ thống Y tế dự phòng kế thừa tư tưởng của Liên Xô từ sau Chiến tranh TG thứ 2 nhằm kiểm soát các vấn đề bệnh dịch do điều kiện hạ tầng bị tàn phá, điều kiện sống, khí hậu nhiệt đới và tập quán lâu đời,… (ko phải nước nào cũng thiết kế hệ thống y tế như thế)).
🌸2- Nhìn chung quá trình kiểm soát dịch theo từng giai đoạn xẩy ra ở mỗi quốc gia sẽ theo trình tự 1-Chuẩn bị, 2- Dự phòng, 3-Đáp ứng, và 4- Hồi phục. Tại mỗi giai đoạn cần làm những bước gì mô tả trong hình 3. Đối với các vấn đề dịch bệnh, các biện pháp tiến hành luôn là sự kết hợp đồng thời giữa triển khai các biện pháp Y tế công cộng và Nghiên cứu liên ngành. Tại giai đoạn này, trong lúc chờ thử nghiệm các biện pháp đặc hiệu như thuốc và vaccine, thì các biện pháp vệ sinh phòng chống và kiểm soát dịch là ưu tiên cao nhất.
🤓Nhìn trong chu trình này thì ngay trong bước chuẩn bị có mục “Model – Dự báo dịch”. Việc dự báo này được tiến hành đều đặn, liên tục, vì thế không ngạc nhiên khi dịch Corona xẩy ra đã có các phân tích dự báo trước đó! Tuy nhiên với đặc điểm dịch tễ của Corona lần này, cháu tin là mức độ ước tính của các mô hình hiện tại còn thiếu rất nhiều thông tin do những khác biệt về: thời gian ủ bệnh, khả năng lây nhiễm (nhất là từ các contact thứ cấp – từ người ở Wuhan sang người ở nước khác, chủng tộc khác), thiếu sự tham gia của các tác nhân thực phẩm và loài vật, thiếu các tham số sinh thái và hành vi trong mô hình dự báo, tỷ suất tấn công và khả năng phục hồi ở các trường hợp nhiễm bệnh sơ cấp và thứ cấp,..Do đó, số liệu dự báo cho đến ngày hôm nay chưa thể phản ánh xác thực được diễn tiến dịch và mức độ tác động của nó.
🤓**** Điều đó cũng nên hiểu là nhiều-hay-ít hay ntn không quan trọng bằng việc ta phải chuẩn bị ứng phó tích cực! ****🌟🌸
Mọi người hay trích dẫn ước tính của Eric Ding (Harvard) và Eric Toner (Johns Hopkins) về số đã nhiễm virus Corona thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều số đã khẳng định. Hoặc các clip youtube của người “giống như ở vùng dịch” chia sẻ “the truth” là có rất nhiều người đã nhiễm. Quan điểm của cá nhân cháu là các ước tính trên có tính tham khảo tốt trong giai đoạn 1-Chuẩn bị, nhưng sẽ không phải là kim chỉ nam ở giai đoạn Kiểm soát, vì như nêu trên, những tham số chính của 1 mô hình dịch dạng này đang bị thiếu và khả năng biến đổi của virus đến đâu còn khó dự đoán. Tuy nhiên, thông điệp chung là mức độ tiềm ẩn và số ca chưa phát hiện thường sẽ lớn hơn nhiều số ca khẳng định!
🌟Số liệu ca bệnh tăng rất nhanh sau khi block Vũ Hán có thể do quá trình ghi nhận và phát hiện và khẳng định ca bệnh tốt hơn. Tốc độ tăng trung bình ở các ổ dịch khác trong Trung Quốc không quá nhanh – cần phân tích chỉ số này để xác định dịch là khu trú (localized) hay phổ quát (generalized). Đây được coi là 1 chỉ báo quan trọng để mấy ngày tới WHO cân nhắc xác định mức độ cảnh báo toàn cầu.
🌸3- Thông tin và Mạng xã hội: Trong báo cáo chúng cháu cũng phân tích vai trò của lan truyền thông tin trên mạng xã hội có thể gây tác động rất lớn. Không chỉ thông tin sai lệch, nhận định chủ quan, hay những mảnh ghép không đầy đủ đều có thể xem là những nhân tố tiêu cực khi nó tạo ra tâm lý bất an, hoài nghi, kỳ thị, nặng nề có thể che giấu ca bệnh hoặc hoảng loạn, đổ xô đến Bệnh viện.
🌟Phân tích xu hướng loan tin trong các phân nhóm mạng xã hội để truyền thông kịp thời là cách làm của Novetta ở Mỹ trong vụ dịch Ebola ở Congo.
🌟Với bà kon mình thì lựa chọn đọc cái gì rất quan trọng! Ko chỉ đọc tin, cần xem nguồn tin từ ai, thông tin đó đã được lọc qua các lăng kính của các cán bộ chuyên trách hay đó là nhận định chủ quan của cá nhân! Thường các vấn đề chuyên môn sâu, chính các chuyên gia đúng chuyên ngành lại là những người thận trọng nhất, ít phát biểu nhất, vì họ hiểu còn rất nhiều thông tin khác cần để đưa ra nhận định.
🤓 *** Về vấn đề này cháu xin kêu gọi các KOLs toàn quốc hạn chế đưa các “mảnh ghép ko đầy đủ”, mà chỉ nên share các thông tin “hướng-hành động” giúp bà kon biết mình cần làm gì – và làm ngay được!🌟
🌟Ví dụ như các kênh của FB Bộ Y tế: http://bit.ly/BoYteVietnam
Đây là các biện pháp vệ sinh phòng dịch thông thường, thông tin và khuyến cáo của Bộ Y tế, ai cũng có thể share được để nhắc nhở nhau thực hiện. Còn muốn biết thêm diễn biến dịch thì xem bản đồ dịch corona của JHU. https://gisanddata.maps.arcgis.com/…/opsdashboa…/index.html…
🌸4- Ngoài vấn đề đeo khẩu trang và vệ sinh nói chung, bà kon chú ý là vấn đề an toàn thực phẩm nữa. Nhất là thức ăn đường phố, các nguồn cánh-cẳng-chân gà, lẩu chim chóc, thú lạ – cá tươi – rau sống, nguồn nước lã,.. cần hạn chế. Cháu vẫn có niềm tin lớn khi dịch vẫn tăng nhanh trong Vũ Hán sẽ gắn với 1 tác nhân đặc hiệu có vai trò thúc đẩy nào đó (e.g. ăn uống, tiếp xúc,..)! hic…
🤓 Tuy nhiên, cần liu ý thêm với các cụ là tính chất biến đổi của virus có thể rất nhanh, sau khi phát triển ở một số đặc điểm nhất định, virus có thể tạo ra cơ chế mới. Nghĩa là có thể sẽ không còn phụ thuộc yếu tố đặc hiệu khu trú (localized) nữa. Nên nếu sáng mai các cụ ngủ dậy, mà tất cả những gì hôm qua biết đều là cũ, thì đó cũng là bình thường! Các biện pháp cần làm nhìn chung vẫn không đổi! Cái ảnh cháu cầm quả chuối là suốt 2 hôm coding cho model của virus có tính chất biến đổi tại chỗ, khiến cho các nút của network trước ko có giá trị thông tin cho tham số của quá trình phát triển tiếp theo của dịch. Thường các mô hình động dạng này phức tạp nhất và khó thiết lập nhất, khi đó sẽ khá căng thẳng! Nhưng lịch sử YTCC chưa chứng kiến nhiều pha lắt léo như vậy! Dù sao thì mọi thứ đều có thể!
🤓
Dài quá rồi, cháu đi chơi tí đã.. lúc nào rảnh cháu viết tiếp ạ!
☘️🌟🤓❤️🥰🙏🏻🌸🌾
(P/S: Các thông tin ở Việt Nam cháu chỉ hóng chứ ko có trong thành phần tham gia trực tiếp, có gì chưa chuẩn, các cụ cứ phê, cháu sửa chữa ngay ạ!🥰)