[COVID-19] SARS-Cov 2 có thể sống bao lâu?

Rate this post

SARS-Cov 2 có thể sống bao lâu?

Dịch Vũ Hán từ nay có một tên mới: 𝗖𝗼𝘃𝗶𝗱-𝟭𝟵. Đó là khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới được công bố hôm nay (1). Và, tên của virus được đề nghị là SARS-Cov-2. Câu hỏi được đặt ra là nó sống bao lâu trong môi trường 20 độ C? Câu trả lời cùng với sai sót trong chẩn đoán sẽ làm cho các bạn ngạc nhiên!

Covid-19 — như có thể đoán được — là viết tắt của corona (co), virus (vi), disease (d), và 2019 (viết ngắn là 19). Định danh này có thể đọc dài dòng là Dịch Siêu Vi Khuẩn Corona Năm 2019. Vậy, từ nay chúng ta sẽ gọi trận dịch này là “Dịch Covid-19”.

WHO giải thích rằng chữ Dịch Vũ Hán (“Wuhan’s Epidemic” hay “Wuhan Epidemic”) mà báo chí toàn cầu sử dụng trước đây là mang tính tiêu cực. Cách định danh đó có thể hiểu là mang tính bêu xấu, và để lại vết nhơ cho thành phố cũng như cư dân Vũ Hán. Trước đây, giới y tế thế giới từng lấy tên địa phương để định danh dịch bệnh, như “Middle East respiratory syndrome” (MERS) và họ đã rất hối hận. WHO không muốn lặp lại sai lầm đó nữa. Nói cho cùng thì dịch bệnh không phân biệt địa phương và sắc tộc. Chẳng hạn như HIV/AIDS ảnh hưởng đến mọi nơi và không phân biệt sắc tộc nào. Do đó, cách định danh trung dung theo tôi là tốt nhứt.

Con siêu vi khuẩn gây ra Dịch Covid-19 cũng được đề nghị có tên mới. Trong một bài báo chưa được bình duyệt nhưng công bố trên biorxiv, nhóm nghiên cứu chuyên về định danh các vi khuẩn đề nghị gọi tên con virus là SARS-CoV-2 (2). Cách định danh này cho thấy rõ ràng rằng con virus mới có cùng họ với virus gây ra dịch SARS trước đây (2003), nhưng nó được cho thêm cái đuôi “2”. Tuy nhiên, danh xưng này chưa được chính thức công nhận, vì bài báo chưa qua bình duyệt.

𝗩𝗶𝗿𝘂𝘀 𝗦𝗔𝗥𝗦-𝗖𝗼𝗩-𝟮 sống bao lâu?

Đó là câu hỏi nhiều người, kể cả tôi, muốn biết. Chúng ta biết rằng SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên mặt các vật dụng như bàn, ghế, tay cầm của cửa, v.v. Nhưng nó sẽ sống sót ở đó bao lâu? Trước đây, vài chuyên gia cho rằng thời gian SARS-Cov-2 có thể sống sót là ‘vài giờ’, nhưng họ không có số liệu thí nghiệm để nói mà chỉ ‘phán’. Một phân tích do một nhóm bên Đức mới công bố (3) cho thấy SARS-Cov-2 có thể sống trung bình 4-5 ngày trong điều kiện ‘room temperature’, tức khoảng 20oC, nhưng tối đa chúng có thể sống đến 9 ngày! Nhiệt đồ càng thấp và càng ẩm (như ở Hà Nội) thì SARS-Cov-2 sẽ sống lâu hơn.

Vấn đề sai sót trong chẩn đoán

Có một khía cạnh kĩ thuật rất quan trọng nhưng ít ai bàn đến: đó là vấn đề sai sót trong chẩn đoán. Theo các chuyên gia Hồng Kông thì phương pháp xét nghiệm hiện nay được phát triển trong trận dịch SARS 17 năm trước. Phương pháp này có tên là ‘nucleic acid test’ (NAT), vì nó trích nucleic acid từ dung dịch đàm (lấy từ mũi hay họng) của bệnh nhân để xác định sự hiện diện của virus. Lí do trích nucleic acid là vì nó hàm chứa các thông tin RNA về con virus, và các thông tin này có thể thu nhận được qua phương pháp RT-PCR hay giải trình tự gen. Qui trình này tốn chừng 5-10 giờ, tuỳ nơi và phương tiện lab.

Theo một chuyên gia ở Bắc Kinh, phương pháp NAT có độ chính xác thấp (4). Thấp như thế nào? Trong số 100 bệnh nhân bị nhiễm, NAT chỉ phát hiện 30-50% mà thôi! Nói theo ngôn ngữ dịch tễ học, độ nhạy của NAT tối đa chỉ 50%. Lí do là vì qui trình phải có vài công đoạn (lấy mẫu, bảo quản, xử lí, và phân tích), và mỗi công đoạn đều có thể sai sót. Những sai sót này đều ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả chẩn đoán, và có thể giải thích tại sao tỉ lệ âm tính giả (bệnh nhân bị nhiễm, nhưng kết quả xét nghiệm là âm tính) có thể lên đến 70%.

Advertisement

Có vài trường hợp âm tính giả đã xảy ra. Một bệnh nhân ở Bắc Kinh được làm xét nghiệm 3 lần, và kết quả đều âm tính; nhưng đến lần thứ 4, khi sinh phẩm được lấy từ trong phổi, thì kết quả là dương tính. Có vài ca bệnh khi CT cho thấy rõ ràng là bị nhiễm, nhưng xét nghiệm NAT cho ra kết quả âm tính! Một số nhóm nghiên cứu trên thế giới đang ráo riết phát triển các phương pháp xét nghiệm mới với độ chính xác hi vọng là tốt hơn NAT.

Hiện nay, số ca bị nhiễm được báo cáo là 44,931 (trong số này, có 1114 ca tử vong và 4536 ca hồi phục) (5). Có thể xem đó là những ca có xét nghiệm dương tính. Còn số ca âm tính (có thể nhiều hơn) thì không ai biết là bao nhiêu, và trong số này chắc chắn là một số bị nhiễm. Như vậy, con số bị nhiễm trong cộng đồng chắc chắn cao hơn con số được báo cáo.

===

(1) https://twitter.com/WHO/status/1227248333871173632

(2) https://www.biorxiv.org/…/10.1…/2020.02.07.937862v1.full.pdf

(3) https://www.journalofhospitalinfection.com/…/S0195…/abstract

(4) https://www.straitstimes.com/…/coronavirus-us-firm-develops…

(5) https://www.worldometers.info/coronavirus

 

 

Giới thiệu Donny

Check Also

[COVID-19] “SƯƠNG MÙ NÃO” – DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI

“SƯƠNG MÙ NÃO” DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI  “Sương mù não” …