EMPATHY VÀ SYMPATHY TRONG NGÀNH Y
Hai khái niệm Empathy và Sympathy thường hay bị lẫn lộn trong đời sống hằng ngày cũng như trong ngành Y.
Hai khái niệm này có nghĩa là gì? Vì sao chúng ta cần hiểu rõ sự khác biệt của chúng?
Theo tiến sĩ tâm lý Mohammadreza Hojat, Ph.D. và phó giáo sư, bác sĩ gia đình, Marie-Thérèse Lussier, MD MSc FCFP (1) thì định nghĩa của empathy và symphathy là như sau:
Empathy—hiểu được cảm xúc của người khác
Symphathy—chia sẻ cảm xúc của người khác và để cho cảm xúc của bản thân cũng bị khuấy động (stirred up emotion)
Hiểu theo cách này, EMPATHY là một kỹ năng mấu chốt trong giao tiếp và tạo quan hệ với người khác, từ người thân trong gia đình và bạn bè, đến khách hàng, bệnh nhân, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới.
Empathy là cách khiến cho người đối diện BIẾT rằng mình HIỂU được những gì họ đang phải trải qua, từ SUY NGHĨ đến CẢM XÚC của họ. Empathy giúp người đối diện biết rằng mình đang thực sự LẮNG NGHE và THẤU HIỂU họ. Vì thế, empathy giúp gây dựng NIỀM TIN giữa hai phía.
Nếu là trong gia đình thì vợ chồng, cha mẹ, con cái hiểu nhau hơn. Nếu là trong công việc, thì giao dịch với khách hàng thì công việc buôn bán cũng trở nên dễ dàng hơn. Còn trong môi trường Y khoa thì bệnh nhân sẽ tin tưởng bác sĩ hơn, sẽ mở lòng chia sẻ những điều thầm kín mà không giấu diếm bệnh.
Khác với empathy, SYMPHATHY là cảm thấy tội nghiệp khi người đối diện gặp phải vấn đề gì đó không hay. Tuy khái niệm nghe rất nhân văn và tốt, nhưng trong thực tế thì SYMPATHY có khá nhiều bất cập và mối hại.
Lấy ví dụ trong ngành Y chẳng hạn, sinh viên Y khoa tại Mỹ luôn được khuyên là nên thực hành EMPATHY, nhưng nên hạn chế SYMPATHY.
Vì sao vậy? (2)
Lý do thứ nhất là để đảm bảo tính khách quan (objectivity) trong chẩn đoán và điều trị (diagnosis and treatment). Trong ngành Y, mỗi ngày bác sĩ và các nhân viên Y tế phải tiếp xúc với rất nhiều trường hợp thương tâm và hiểm nghèo, thì điều quan trọng nhất là cần phải giữ được sự SÁNG SUỐT. Khi bác sĩ để cho cảm xúc của mình dâng trào và lấn át lý trí thì sẽ dẫn đến SAI LẦM, hay còn gọi là “let emotion cloud your judgment,” và điều này là vô cùng nguy hại, có khi còn nguy hại đến TÍNH MẠNG.
Đây cũng là lý do mà bác sĩ ở Mỹ không bao giờ tự điều trị cho con cái, người thân trong gia đình, hay bạn bè của mình. Ngay bản thân mình cũng đưa con mình đi bác sĩ Nhi khoa riêng (pediatrician) của bé thay vì tự chẩn đoán và điều trị, vì mình sợ rằng mình sẽ không có thể giữ được KHÁCH QUAN.
Lý do thứ hai mà bác sĩ và nhân viên y tế nên tiết chế SYMPATHY đó là để hạn chế vấn nạn EMOTIONAL BURNOUT (dịch nôm na là kiệt sức trong cảm xúc). Đã chọn đi theo nghề Y thì hầu hết bác sĩ nào cũng muốn cứu giúp người khác, dễ động lòng trắc ẩn, và đôi lúc lắng nghe con tim nhiều hơn là lý trí.
Tuy vậy, một bài học quý giá mà mình học được trong trường Y cũng như những năm tháng nội trú đó là cần “set boundary,” nghĩa là cần phải đặt ra khuôn khổ giới hạn, trong cảm xúc, thì mới trụ vững trong ngành Y và mới có thể có một cuộc sống cân bằng (balanced life) được.
Đã có lần mình buồn rười rượi suốt mấy ngày liền khi bệnh nhân mình phụ trách chăm sóc không thể khá hơn, và phải chuyến sang giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ (palliative and hospice care). Bác ấy hút thuốc 40 năm trời và giờ thì bị ung thư phổi giai đoạn cuối (end stage lung cancer). Mình vừa buồn và thương bác ấy vì không thể làm gì hơn. Mình cảm thấy bất lực và chán chường. Chẳng phải mình học Y là để cứu người hay sao?
Khi mình chia sẻ những điều này với thầy cố vấn (advisor) của mình thì thầy đã khiến mình hiểu ra điểm sai. Thầy nói rằng mình đang gặp phải tình trạng mà vô vàn bác sĩ còn non trẻ gặp phải, đó chính là không giữ được khoảng cách nghề nghiệp (professional distance) với bệnh nhân, chính là vì mình có quá nhiều SYMPATHY. Nếu mình tiếp tục như thế này thì sớm muộn gì mình cũng sẽ kiệt sức mà thôi. Thầy làm trong nghề mấy chục năm trời và mình biết ơn thầy vì lời khuyên chân thành đó.
Vì thế mình cũng muốn chia sẻ lại với các bạn.
Tóm tắt lại, EMPHATHY là một kỹ năng cần thiết trong mối quan hệ hằng ngày và cần được rèn luyện. Mình sẽ chia sẻ với các bạn một số câu nói tiếng Anh thông dụng để diễn tả EMPATHY khi giao tiếp với người khác trong video sắp tới.
SYMPATHY cũng tốt nhưng cần được tiết chế, sử dụng một cách thận trọng, và nếu được thì hạn chế trong các mối quan hệ nghề nghiệp, dù có là nghề Y.
Nguồn: Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam