[VYPO] Giải oan cho cận lâm sàng

Rate this post

GIẢI OAN CHO CẬN LÂM SÀNG?

Bs. Phan Trúc
Có một điều tuy nhiều người biết nhưng ngại nói ra. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật trong y học, số lượng các phương tiện ứng dụng trong dự phòng, chẩn đoán, điều trị, đánh giá đáp ứng và theo dõi hậu kỳ đã lên đến một mức “quá sức tưởng tượng” của bất kỳ nhân viên y tế nào. Từ lâu lâm sàng, hiểu theo nghĩa của Việt nam là chẩn bệnh bằng các giác quan của người làm y thuật, bằng “nhìn, sờ, gõ, nghe”. Nhưng, vì sao chúng ta lại chia tách lâm sàng và cận lâm sàng? Không phải rằng các công cụ đã giúp mắt chúng ta nhìn tới những phân tử ta không thể thấy, chạm được vào những nơi không thể chạm, nghe được những thứ không thể nghe?
Điều đau lòng là người ta chỉ trích cận lâm sàng, nói rằng là lạm dụng chỉ định, là kém cỏi? Nhưng sự thật các trường y không tập trung dạy về các phương tiện xét nghiệm một cách “đúng nghĩa”, thì làm sao các em sinh viên có thể hiểu và ra y lệnh chính xác? Làm sao các em có thể diễn giải một kết quả giữa “in vitro” và “in vivo” mà sẽ có hàng loạt những biến động từ bản thân cơ thể người bệnh đến vấn đề lấy mẫu, lưu trữ, chuyển mẫu, xử lý mẫu, vận hành máy, in kết quả, trả kết quả? Để có thể hiểu và tối ưu hoá được một kết quả của labo, các bạn sẽ thấy vì sao cần có “khả năng” nhất định mới phân tích được y học. Nó không đơn thuần chỉ là tăng, giảm, bình thường.
Trong thời đại mới, bản thân mình cho rằng cận lâm sàng và lâm sàng đóng vai trò tương đương, nếu dành thời gian cho lâm sàng bao nhiêu thì cũng phải dành bấy nhiêu thời gian để học một cách thấu đáo về cận lâm sàng. Vì để tìm ra được một xét nghiệm, người ta đã phải hiểu một cách rất tường tận, từ vai trò sinh học của nó, cấu trúc, cách phát hiện, và thương mại hoá nó. Hiểu về xét nghiệm sẽ giúp trình độ lâm sàng lên một mức mới.
Trong hình ảnh có thể có: văn bản cho biết '70% of medical decisions are based on laboratory results 그드'
Dù sẽ có nhiều tranh cãi, nhưng đã không ít nghiên cứu chỉ rõ, 70% các quyết định lâm sàng hiện nay dựa vào xét nghiệm (các bạn có thể search hàng loạt bài báo với từ khoá ở hình). Và nếu các bạn để ý trong tiêu chuẩn chẩn đoán Lupus ban đỏ hệ thống của SLICC thì công thức máu cũng nằm trong tiêu chuẩn “clinical”; nó phản ánh sự tuyệt đối hoá giữa lâm sàng và cận lâm sàng là điều “cần xem lại”, khi công thức máu đã trở nên thường quy.
Mình biết ơn vô cùng bộ môn của mình, khi đã cho mình 1/2 thời gian ở lâm sàng và 1/2 thời gian ở labo. Những trải nghiệm đó đã thay đổi toàn diện nhận thức của mình về các vấn đề trong y học. Em xin lỗi quý Thầy Cô nếu như em có lầm đường, nhưng thật lòng em muốn mọi người cùng xem lại vấn đề này một cách nghiêm túc.
Chỉ có học tập sâu sắc về một xét nghiệm, mới tránh được sự lạm dụng, sự hiểu sai, sự chẩn đoán cẩu thả và cả những điều trị sai lầm.
Advertisement
Nguồn: Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam

Giới thiệu Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam

Y khoa không phải là một nghệ thuật, Y khoa là một khoa học thật sự, một khoa học vô cùng phức tạp đòi hỏi người hành nghề y phải khéo léo vận dụng kiến thức để không bỏ qua cơ hội cứu chữa người bệnh. Nếu mỗi người y khoa Việt Nam góp lên một tiếng nói, liên kết lại, chúng ta có thể thay đổi căn bản giáo dục Y khoa nước nhà. Hãy tham gia với chúng tôi tại: https://www.facebook.com/groups/diendanbacsitrevietnam

Check Also

[Cập nhật] Xuất huyết tiêu hoá-nội soi càng sớm càng tốt?

XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA: NỘI SOI CÀNG SỚM CÀNG TỐT? (phần 1_nghiên cứu) Với suy …