Trong một đánh giá mới đây của một nhóm nhỏ bác sĩ ngoại khoa, phương pháp cấy ghép tuỵ nên được cân nhắc nhiều hơn cho những bệnh nhân đái tháo đường có đáp ứng đầy đủ với các điều kiện.
Bằng cách cung cấp sự thay thế hoàn toàn tế bào beta, cấy ghép tuỵ “giúp bệnh nhân đái tháo đường thoát khỏi việc phải theo dõi glucose máu và sử dụng insulin ngoại sinh,” theo Jonathan A. Fridell, Giáo sư, tiến sĩ phẫu thuật và giám đốc cấy ghép tuỵ tại đại học Y học Indiana, cùng các cộng sự, trong một bài đánh giá nhỏ được công bố trực tuyến ngày 15 tháng 11 trên Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism.
Fridell và các đồng nghiệp cũng chỉ ra rằng cấy ghép tuyến tuỵ là “một giải pháp có hiệu quả nhất để đạt được lượng đường máu ổn định đồng thời ngăn ngừa hạ đường huyết và nhiễm toan ceton, bình thường mức HbA1C và tối ưu hoá thời gian đường huyết ở trong phạm vi.”
Đồng thời, “có một sự đánh đổi… là nó đòi hỏi một quy trình phẫu thuật lớn và cần phải ức chế miễn dịch lâu dài,” và do đó, phương pháp thường dành cho những bệnh nhân đã cam kết ức chế miễn dịch, phổ biến nhất là ghép thận.
Tuy nhiên, ghép tụy đơn thuần có thể phù hợp với những bệnh nhân có dao động đường huyết quá đột ngột không nhận thức được tình trạng hạ đường huyết, nhiễm toan ceton tái phát hoặc các biến ngoài thận tiến triển, Fridell và các đồng nghiệp cho biết.
Vì vậy, họ lập luận, “Cấy ghép tuỵ nên được nêu bật hơn trong các thuật toán quản lý cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin – những người đang thất bại với liệu pháp insulin ngoại sinh hoặc phải trải quả các biến chứng của đái tháo đường bất kể là tip đái tháo đường nào. Hơn nữa, tất cả bệnh nhân với bệnh đái tháo đường và thận mạn nên được xem xét để cấy ghép đồng thời tuyến tuỵ và thận, việc cấy ghép không phụ thuộc vào địa lý hoặc vị trí.”
Dù bị từ chối thủ tục nhưng danh sách người chờ ghép vẫn còn dài
Trong đánh giá nhỏ của họ, có tựa đề: “Ghép tuyến tuỵ: Thách thức hiện tại, cân nhắc và tranh cãi” Fridell và các đồng tác giả chỉ ra rằng các ca cấy ghép tuỵ đã giảm mặc dù “kết quả dần được cải thiện trong mỗi thời đại cùng với việc mở rộng tiêu chí người nhận tuỵ bao gồm cả những bệnh nhân đái tháo đường típ 2”.
Trong năm 2021, có gần 920 ca cấy ghép tuỵ được thực hiện tại Mỹ, bao gồm 818 ca ghép tuỵ-thận đồng thời (SPK), 50 ca ghép tuỵ sau khi ghép thận (PAK), và 49 ca cấy ghép tuỵ đơn độc (PTA).
Tổng số ca ghép tuỵ đó thể hiện sự sụt giảm lớn so với gần 1500 ca được thực hiện vào năm 2004, sự sụt giảm này được cho là do thiếu nguồn giới thiệu và sự chấp nhận chung của cộng đồng chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường, các tiêu chí chấp thuận và “các vấn đề tiếp cận, giáo dục và tài nguyên trong cộng đồng cấy ghép.”
Được yêu cầu trả lời, nhà nội tiết M.Sue Kirkman, bác sĩ, giáo sư y khoa tại Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill, chỉ ra rằng thuật toán về thời điểm cân nhắc việc ghép tuỵ được bao gồm trong một tuyên bố về điều trị đái tháo đường típ 1 ở người trưởng thành bởi Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) và Hiệp hội nghiên cứu Đái tháo đường Châu u (EASD) xuất bản vào năm 2021.
Các tiêu chí của ADA/EASD cũng tương tự như các tiêu chí mà Fridell và các cộng sự đề xuất trong bài đánh giá của họ, chẳng hạn như “thất bại” trong điều trị nội khoa và hạ đường huyết tái phát nghiêm trọng. Tuy nhiên, Kirkman – đồng tác giả của tuyên bố ADA/EASD lưu ý: “Danh sách chờ ghép tuỵ đã kéo dài suốt nhiều năm, tuy nhiên các tác giả cho rằng nên có nhiều người nên được giới thiệu để cấy ghép hơn. Thật là không rõ làm cách nào hệ thống chăm sóc y tế và hệ thống cấy ghép có thể xử lý được sự gia tăng về số lượng người đang phải chờ để ghép tạng với những hạn chế có lẽ đang diễn ra do sự giới hạn về số lượng người hiến tạng.”
“Những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường nên tìm hiểu thêm về lợi ích và rủi ro của phương pháp ghép tuỵ nhờ thế bệnh nhân đái tháo đường có thể nắm được mọi thông tin về về những lựa chọn điều trị.”
Ngược lại, “cộng đồng cấy ghép có thể cũng phải cần tìm hiểu nhiều hơn về sự thay đổi bối cảnh nhanh chóng trong các phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường không phẫu thuật,” bà thúc giục.
Đối với bệnh đái tháo đường típ 1, “chúng tôi biết tỉ lệ biến chứng ở giai đoạn cuối tiếp tục giảm và sự khác biệt về tuổi thọ giữa những người mắc và không mắc đái tháo đường là rất lớn. Nhưng vẫn còn rất nhiều người không được tiếp cận điêu trị tối ưu.” “Một câu hỏi mang tính triết học được đặt ra: Chúng ta đặt nguồn lực ở đâu – để mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận tối ưu với y tế và quản lý công nghệ, hoặc giới thiệu nhiều người hơn để cấy ghép tuyến tuỵ?”
Các tác giả và Kirkman đã báo cáo không có mối quan hệ tài chính liên quan.
Nguồn: https://www.medscape.com/viewarticle/983308
Người dịch: Võ Thị Thảo Ngân, Trần Gia Tân
Hiệu đính: Bác sĩ Huỳnh Lê Thái Bão
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – Vui lòng không reup khi chưa được cho phép!