[XÉT NGHIỆM] Làm sao biết bạch cầu tăng là do viêm/nhiễm?

Rate this post

LÀM SAO BIẾT BẠCH CẦU TĂNG LÀ DO VIÊM/ NHIỄM?

Bs. Phan Trúc

Cảm ơn ca lâm sàng từ Bs Hoàng (Hoàng Endo), khoa GMHS – BV Đà Nẵng:
Bệnh nhân hậu phẫu tim giờ thứ 24, xét nghiệm máu (như hình) với bạch cầu tổng là 50.1 K/uL ưu thế Neutrophil (38.5 K/uL); Basophil và Eosinophil bằng 0; Procalcitonin > 100ng/mL.
Bạch cầu tăng thường là chỉ dấu của nhiễm trùng (dù rất không đặc hiệu), không ai băn khoăn gì cho tới khi nó tăng lên mức quá cao như trong trường hợp này. Khi bạch cầu tăng từ 50-100 K/uL, thì cần phải phân biệt tăng bạch cầu do viêm nhiễm [gọi là phản ứng giả leukemia – leukemoid reaction] và bệnh lý huyết học ác tính [cụ thể là bạch cầu cấp/ hay máu trắng theo cách gọi dân gian].
Có 4 chỉ điểm giúp nhận định một ca tăng bạch cầu là do viêm nhiễm hay không:
(1) Bối cảnh lâm sàng: chắc chắn là yếu tố quan trọng nhất, nếu bệnh nhân không có nguy cơ gì của viêm/nhiễm mà vào viện với bạch cầu cao như vậy, ưu tiên thuộc nhóm thứ 2. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, đối với leukemoid reaction, chỉ có một vài nhóm nguyên nhân có thể gây ra được, nên cần đối chiếu lại xem có phù hợp không nhé (tham khảo tại: https://en.wikipedia.org/wiki/Leukemoid_reaction). Và chúng ta còn các thông tin khác để phân biệt nữa.
(2) Số lượng tuyệt đối basophil (+/-eosinophil, kém đặc hiệu hơn): đây thật sự là một chỉ số ít người để ý nhưng lại rất có giá trị. Lý thuyết ở đây là: bình thường, trữ lượng của basophil (và eosinophil) trong máu rất thấp, đồng thời dự trữ trong tuỷ cũng không có, ngược lại, neutrophil vốn dĩ đã chiếm ưu thế, nó còn được dự trữ ở hai nguồn quan trọng của phần bám mạch (phần này huy động nhanh nhất khi xảy ra stress/ thuốc/ nhiễm trùng,…) và trong tuỷ xương. Chính vì vậy, khi có một viêm nhiễm xảy ra, basophil/ eosinophil nhanh chóng huy động đến ổ viêm, và làm cho số lượng của chúng sụt giảm về 0; trái ngược với neutrophil lại tăng lên rõ từ các nguồn dự trữ. Phải đến giai đoạn sau khi tuỷ xương bắt đầu tổng hợp bổ sung thì các dòng tế bào máu mới có “quân cứu viện”. Như vậy nếu basophil (eosinophil) tiến về 0, trong khi bạch cầu lại tăng cao thì nghĩ nhiều hơn đến một phản ứng viêm (nhiễm) hơn là bạch cầu cấp.
(3) Hai chỉ dấu còn lại đòi hỏi phải làm và đọc phết máu ngoại biên (gần như các bệnh viện đều làm được). Kết quả phết máu sẽ thấy hiện diện các tế bào giai đoạn đầu của dòng bạch cầu (myelocyte/ metamyelocyte/ band cell,…); tuy nhiên, nếu là một phản ứng viêm nhiễm thì nó sẽ tuân thủ nguyên tắc: (xin xem video để hiểu: https://www.youtube.com/watch?v=leLOUd4ntME
Advertisement
)
a. Không có khoảng trống bạch cầu
b. Tuân theo sơ đồ hình tháp của sự tạo máu: giai đoạn non số lượng ít nhất, giai đoạn trưởng thành số lượng nhiều hơn
(4) Cũng trên phết máu, chúng ta nhuộm alkaline phosphatase và chấm điểm LAP score; do tính chất bắt màu thuốc nhuộm của bạch cầu sinh lý và bạch cầu ác tính; chúng ta sẽ dựa trên tổng điểm LAP score để phân biệt (bình thường khoảng 13-130); Tiếc là ít phòng LAB ở chúng ta thực hiện xét nghiệm này.
Tổng hợp những thông tin trên, nghĩ nhiều ca lâm sàng ở trên là phản ứng giả lekemia; rất may, sáng nay (giờ 48), bạch cầu đã giảm xuống 40 K/uL và procalcitonin đã giảm.
Gác bút, chuẩn bị đón tết thôi nào!

Giới thiệu Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam

Y khoa không phải là một nghệ thuật, Y khoa là một khoa học thật sự, một khoa học vô cùng phức tạp đòi hỏi người hành nghề y phải khéo léo vận dụng kiến thức để không bỏ qua cơ hội cứu chữa người bệnh. Nếu mỗi người y khoa Việt Nam góp lên một tiếng nói, liên kết lại, chúng ta có thể thay đổi căn bản giáo dục Y khoa nước nhà. Hãy tham gia với chúng tôi tại: https://www.facebook.com/groups/diendanbacsitrevietnam

Check Also

[Cập nhật] Xuất huyết tiêu hoá-nội soi càng sớm càng tốt?

XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA: NỘI SOI CÀNG SỚM CÀNG TỐT? (phần 1_nghiên cứu) Với suy …