COVID-19
đổi tên & dịch cũng thay đổi
=======================
BS Trần Văn Phúc
Ngày 11 tháng 2 năm 2020…
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đăng một dòng Tweet đổi tên căn bệnh gây ra đại dịch ở Trung Quốc và 27 nước trên thế giới với nội dung: COVID-19; trong đó COVI là tên tiếng Anh viết tắt của coronavirus, D là chữ cái đầu tiên của từ ‘Disease – Bệnh’ và 19 là hai chữ số cuối của năm bùng phát.
Tiếng Việt có thể dịch là: Bệnh coronavirus 2019.
Dòng Tweet đó nêu rõ: “Theo hướng dẫn đã được thống nhất giữa WHO, OIEAnimalHealth và FAO, chúng tôi phải tìm một cái tên không liên quan đến vị trí địa lí, động vật, cá nhân hoặc nhóm người. Tên này phải dễ phát âm và liên quan đến căn bệnh”.
Tweet cũng nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải có một cái tên để ngăn chặn việc sử dụng các tên khác không chính xác hoặc để giễu cợt. Cái tên cũng cung cấp cho chúng tôi một định dạng chuẩn có thể được sử dụng trong bất kì đợt bùng phát nào của dịch coronavirus trong tương lai”.
Cá nhân tôi hoan nghênh quyết định đổi tên của WHO.
Kể từ đây, những cái tên như ‘nờ- Cô Vi’ sẽ không còn cơ hội tồn tại. Và thực sự, chữ ‘nCoV’ cho dù có viết đúng chuẩn, thì một số địa phương ở Việt Nam vẫn không thể đọc được chữ ‘nờ’ mà thay vào đó mọi người sẽ đọc thành ‘lờ- Cô Vi’.
Có lẽ vì không ít người Việt đọc ‘lờ- Cô Vi’ nên 300 nhà khoa học quốc tế lỗi lạc mới phải họp nhau lại ở Geneva để hối thúc WHO đổi tên bệnh, đảm bảo tiêu chí “phải dễ phát âm và liên quan đến căn bệnh”, đồng thời “ngăn chặn việc sử dụng các tên khác không chính xác hoặc để giễu cợt”.
Như vậy, bệnh dịch đang xảy ra ở Trung Quốc và 27 quốc gia vùng lãnh thổ khác trên thế giới, đã chính thức có tên mới là COVID-19. Vậy theo tiêu chí “tên gọi cung cấp một định dạng chuẩn” tôi đề xuất nên đặt tên vi rút theo một định dạng chuẩn, cách đặt tên theo tôi nên giữ nguyên chữ coronavirus kèm theo hai chữ số cuối của năm bùng phát dịch.
Dịch bệnh do coronavirus năm 2003:
– Tên bệnh: COVID-03
– Tên vi rút: coronavirus-03
Dịch bệnh do coronavirus năm 2016:
– Tên bệnh: COVID-16
– Tên vi rút: coronavirus-16
Dịch bệnh do coronavirus năm 2019:
– Tên bệnh: COVID-19
– Tên vi rút: coronavirus-19
…
Ngày 11 tháng 2 năm 2020…
Bộ Y tế Việt Nam ghi nhận trường hợp thứ 15 mắc bệnh COVID-19, đó là cháu bé 3 tháng tuổi, ở xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp về phòng chống dịch theo quy định của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm (ban hành ngày 1 tháng 8 năm 2007), với việc tiến hành khoanh vùng, cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi; thành lập 8 chốt, trạm kiểm soát y tế, cô lập vùng dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào trên địa bàn xã để kiểm soát ra vào vùng có dịch.
Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm dự báo từ đêm giao thừa: Dịch sẽ được kiểm soát tốt ở Việt Nam, con số bệnh nhân nhiễm trong khoảng 20 người, thời điểm cuối thánh 2 sẽ không còn số người Việt bị lây nhiễm; và sau 14-28 ngày kể từ khi bệnh nhân cuối cùng được BYT công bố khỏi bệnh, Việt Nam sẽ công bố hết dịch theo Quyết định Số 02/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Nghĩa là khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 Việt Nam sẽ công bố hết dịch theo dự đoán của tôi.
Chắc chắn một số người sẽ phản ứng với tôi về dự báo này!
Bởi vì sau 1 đêm, Trung Quốc công bố số bệnh nhân nhiễm ở Hồ Bắc số ca nhiễm mới là 14.840, tăng gấp 10 lần so với hôm trước; số ca tử vong ở Hồ Bắc cũng tăng đột biến lên 242 ca.
Tôi cho rằng con số này tăng, bởi vì Trung Quốc thay đổi tiêu chuẩn chẩn đoán, nếu như trước đây phải có xét nghiệm dương tính mới được coi là COVID-19, thì nay chỉ cần có triệu chứng lâm sàng hoặc có dấu hiệu “giống như” COVID-19 là được coi như đã nhiễm bệnh.
Bài học dịch tễ cơ bản: khi thay đổi tiêu chuẩn chẩn đoán thì cũng thay đổi số bệnh nhân mắc.
Tôi vẫn luôn khẳng định, Việt Nam không được phép chủ quan, bởi chỉ cần sai sót nhỏ vì sự chủ quan chúng ta sẽ phải trả giá cực đắt. Nhiệm vụ phòng chống và dập dịch không phải chỉ riêng ngành y tế, mà chính quyền từ trung ương đến địa phương, rồi tất cả các ban ngành phải vào cuộc thật quyết liệt. Nhưng tôi đặc biệt đề cao ý thức phòng chống dịch của từng người dân. Chỉ một nhóm nhỏ người dân chủ quan thì mọi thành quả trong suốt thời gian qua sẽ đổ xuống sông xuống bể.
Những kiến thức về coronavirus-2019 khoa học mới chỉ biết chút ít giai đoạn đầu, thậm chí chưa rõ thời gian ủ bệnh kéo dài bao lâu, nên để hiểu về nó đòi hỏi các nhà khoa học phải đi một quãng đường rất dài, chắc chắn trong nhiều năm nữa vẫn chưa giải quyết được một phần bí ẩn. Để có những hiểu biết sâu sắc nhất, đòi hỏi cộng đồng thế giới cũng như mỗi quốc gia, phải đoàn kết về chính trị, tài chính, chia sẻ thông tin khoa học và thông tin đối phó dịch bệnh. Nhiệm vụ khẩn thiết trước mắt, là nghiên cứu về chẩn đoán, vắc xin, thuốc điều trị hiệu quả, các biện pháp ngăn chặn dịch bùng phát trên diện rộng tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Để không bị COVID-19 bắt nạt: cần phải trang bị cho mình sự hiểu biết và tự tin!