>>> All Medicines are Poison – tất cả Thuốc là Độc Dược <<<
(Bài này mình viết như lời cảnh báo cho những trường hợp ngộ độc thuốc Hydroxychloroquine, Ký Ninh, vừa mới đây)
Có một câu nói khá hay đó là “All Medicines Are Poison”, có thể hiểu là “Tất cả Thuốc là Độc Dược”. Đúng vậy, hầu hết các loại thuốc là chất độc, chỉ là chúng ta sử dụng ở “liều lượng cơ thể chấp nhận được” để trị bệnh khi đã cân nhắc giữa “lợi ích” và “nguy cơ” (benefit vs risk). Các loại thuốc khác nhau có khả năng gây độc cho cơ thể khác nhau, những thuốc mà độ độc thấp, ít nguy cơ cho người sử dụng thường được bán đại trà có thể dễ dàng mua ngoài tiệm thuốc như thuốc giảm đau, giảm sốt, tiêu chảy, dị ứng, v.v… còn những thuốc có độ độc cao thường chỉ được mua khi có toa của bác sĩ sau khi họ đã cân nhắc giữa “lợi ích” và “nguy cơ” cho từng trường hợp bệnh của bệnh nhân.
Các bạn nên biết là nhóm thuốc dành để điều trị cho virus thường là những thuốc có độ độc cao hơn các nhóm thuốc khác. Để hiểu được điều này thì các bạn nên nhớ virus là một thứ ăn bám vật chủ tồi tệ nhất vì chúng thường chẳng có cái gì để có thể tự sống một mình, chúng chỉ có một số lượng gene rất ít, đủ để tấn công vào nhà vật chủ và cướp bóc, sử dụng các vật liệu trong nhà của vật chủ đó. Do vậy, việc phân biệt đâu là vật chủ, đâu là virus để thiết kế một liều thuốc tấn công virus mà an toàn cho vật chủ thường khó vô cùng. Chuyện này cũng giống như câu nói của tổng bí thư vài năm trước là “Chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta”. Do vậy, thuốc điều trị virus mà hiệu quả thì cũng khiến cho cơ thể thiệt hại đáng kể vì “ném chuột khó tránh vỡ bình”. Vì thế, việc sử dụng thuốc để điều trị virus luôn được cân nhắc rất kỹ giữa “lợi ích” và “nguy cơ” để xem “có đáng” xài thuốc hay không.
Vì sự an toàn cho con người mà khi một thuốc hoặc vaccine nào đó trước khi được sử dụng trên người phải trãi qua các “thử thách” rất cam go để chứng minh được độ “an toàn chấp nhận được” và “hiệu quả thực sự” của nó. Các bạn có thể xem video clip của mình (https://youtu.be/0WOQPubxJW0) từ phút thứ (7:39) để hiểu được một quy trình để tạo ra một thuốc/vaccine hoàn chỉnh đến lúc con người sử dụng được, phải trải qua như thế nào. Một số loại thuốc cho thấy tác dụng tốt trên tế bào trong phòng thí nghiệm hoặc động vật, chưa chắc có tác dụng trên người. Những thuốc có vẻ có tác dụng trên vài chục người trong giai đoạn đầu thí nghiệm lâm sàng, chưa chắc chứng minh được tác dụng trên số lượng người lớn hơn và thiết kế thí nghiệm khắc khe hơn với các nhóm đối chứng ngẫu nhiên (randomized controlled trial), dấu thông tin người thử nghiệm (blinded trial). Thậm chí có những thuốc sang pha 4, được FDA chấp thuận cho thương mại hóa, sau một thời gian vẫn bị rút giấy phép vì cho thấy không an toàn do “lợi ích” của thuốc quá nhỏ so với “nguy cơ” mà nó mang lại. Ví dụ như Sibutramine đã từng là thành phần của thuốc giảm cân và Phenolphthalein từng là một thành phần trong thuốc điều trị táo bón nhưng sau một thời gian sử dụng Sibutramine cho thấy tăng nguy cơ đột quỵ và Phenolphthalein cho thấy tăng nguy cơ ung thư nên đã bị rút giấy phép và loại ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, hai chất này vẫn thỉnh thoảng được phát hiện trong các sản phẩm trà giảm cân như Golean Detox hoặc Vy&Tea, do họ lén bỏ vô để tạo hiệu quả giảm cân thần tốc mà không quan tâm đến nguy hiểm cho người sử dụng (đề tài này mình đã viết rất nhiều, các bạn quan tâm có thể tìm xem lại, ví dụ như bài này: https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/2810997732247913).
Trở lại thuốc để điều trị virus nCoV gây bệnh Covid-19. Cho đến nay vẫn chưa có một loại thuốc nào được FDA chấp thuận (approve) sử dụng để điều trị vì chưa một loại thuốc nào chứng minh được một cách rõ ràng và tin tưởng hai tính chất trên là “an toàn” và “hiệu quả”. Tình hình bùng phát dịch bệnh Covid-19 hiện nay trên toàn cầu đang diễn ra nghiêm trọng nên việc tạo ra một liều thuốc hoặc một vaccine là điều cấp thiết. Tuy việc nghiên cứu và thử nghiệm các thuốc và vaccine liên quan đến Covid-19 luôn được tạo điều kiện để đi với tốc độ nhanh nhất có thể nhưng để mang lại lợi ích cao nhất cho người sử dụng, vấn đề “an toàn” và “hiệu quả” cũng luôn được đặt lên hàng đầu. Chỉ hồi tuần trước, một bài báo khoa học đăng trên tạp chí “The New England Journal of Medicine” cho thấy thử nghiệm lâm sàng thuốc Lopinavir/Ritonavir trên người bệnh Covid-19 đã thất bại do không chứng minh được tính hiệu quả so với nhóm đối chứng. Gần đây, một số kết quả bước đầu cho thấy việc sử dụng thuốc Hydroxychloroquine & Azithromycin “có vẻ” là có hiệu quả trên người bệnh Covid-19, nhưng số lượng người trong thí nghiệm này vẫn còn quá ít. Do vậy, FDA đã cho phép thử nghiệm lâm sàng thuốc này với số lượng người lớn hơn để kiểm chứng lại hiệu quả của thuốc. Chúng ta nên hy vọng và kiên nhẫn đợi đến kết quả cuối cùng.
Việc nóng vội, nắm bắt thông tin một cách vội vã, chủ động tích trữ và tự sử dụng các loại thuốc chống virus là RẤT NGUY HIỂM vì như mình đã nói ở trên, hầu hết đó là thuốc ĐỘC! Bình tĩnh mà suy nghĩ thấu đáo nha bà con!
Bảo trọng nhe bà con,
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Tài liệu tham khảo:
Cao B. et al., 2020. A Trial of Lopinavir–Ritonavir in Adults Hospitalized with Severe Covid-19. N Engl J Med. 2020 Mar 18. doi: 10.1056/NEJMoa2001282. (https://www.nejm.org/doi/pdf/10.1056/NEJMoa2001282)
Gautret et al., 2020. Hydroxychloroquine and azithromycin as a treatment of COVID‐19: results of an open‐label non‐randomized clinical trial. International Journal of Antimicrobial Agents – In Press 17 March 2020 – DOI : 10.1016/j.ijantimicag.2020.105949 (https://www.sciencedirect.com/…/artic…/pii/S0924857920300996)
https://www.livescience.com/chloroquine-coronavirus-treatme… (Could the anti-malarial drug chloroquine treat COVID-19?)
https://tuoitre.vn/ngo-doc-nang-vi-uong-15-vien-thuoc-sot-r… (Ngộ độc nặng vì uống 15 viên thuốc sốt rét để ‘phòng corona’)