[COVID-19] Tưởng nhớ ngày mất CARLO UBANI

Rate this post

COVID-19: TƯỞNG NHỚ NGÀY MẤT CARLO URBANI
người anh hùng liệt sĩ trong lòng đất Việt

Tác giả: BS Trần Văn Phúc
===============================

Vào ngày 28 tháng 2 năm 2003, Bệnh viện Việt Pháp ở Hà Nội đã liên lạc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thông báo một bệnh nhân bị nhiễm virus giống như cúm, dường như có điều gì đó bất thường biểu hiện của một căn bệnh nghiêm trọng, phía bệnh viện nghi ngờ có thể nguồn lây từ gia cầm. Bác sĩ Carlo Ubrani, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đã tiếp nhận cuộc gọi đó. Nhưng chính người bác sĩ cũng không thể ngờ rằng, chỉ một tháng sau, ông và 5 nhân viên chăm sóc sức khỏe người Việt khác đã chết vì căn bệnh truyền nhiễm khủng khiếp do một loại virus mới hoàn toàn mang tên SARS-CoV.

Đó là thời điểm rất sớm của đại dịch SARS-CoV!

Ngay sau đó, Hà Nội bùng phát hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, trong khi thế giới chưa có thông tin gì về SARS-CoV. Bằng giác quan nghề nghiệp nhạy bén, bác sĩ Urbani nhanh chóng nhận ra bệnh viện tư nhân nhỏ ở Hà Nội đang phải đối diện với điều gì đó bất thường rất lớn, nhân loại có thể phải đối mặt với một bệnh dịch mới nghiêm trọng. Ngay lập tức, Carlo Urbani đã báo động cho WHO về những phát hiện của ông, đồng thời đề xuất những biện pháp khẩn cấp không thể chậm trễ trong việc đưa ra những phản ứng toàn cầu hiệu quả nhất đối với một dịch bệnh lớn trong lịch sử.

Hành động thông minh, có trách nhiệm, quyết đoán và kip thời của bác sĩ Carlo Urbani có thể đã cứu hàng triệu mạng sóng trên toàn thế giới.

Bác sĩ Urbani hoàn toàn có quyền từ chối trách nhiệm, vì bản thân ông là bác sĩ kí sinh trùng, công việc hàng ngày không liên quan tới virus. Nhưng thay vì từ bỏ công việc để trở về nhà đảm bảo an toàn, bác sĩ Urbani lại chọn phòng bệnh ở Bệnh viện Việt Pháp làm nơi cư trú, ông ghi lại một cách tỉ mỉ và cẩn thận tất cả các phát hiện, sắp xếp các mẫu xét nghiệm và tăng cường kiểm soát chống nhiễm khuẩn. Và khi căn bệnh lây lan nhanh chóng, diễn biến tất cả bệnh nhân đều rất nặng, nhanh chóng rơi vào suy hô hấp và tử vong, bác sĩ Carlo Urbani đã nắm chặt tay các nhân viên y tế, cùng họ đến bên giường bệnh, an ủi động viên từng bệnh nhân cố gắng duy trì từng hơi thở để vượt qua cơn bạo bệnh.

Nhận thức sâu sắc về mối nguy hiểm mà căn bệnh mới gây ra cho 60 bệnh nhân ở Hà Nội, bệnh có thể biến thành dịch lớn đe dọa sự sống toàn cầu, bác sĩ Carlo Urbani đã thực hiện công việc khá khó khăn lúc bấy giờ, là kết nối giữa quan chức WHO và Bộ Y tế Việt Nam. Urbani đã thuyết phục được cả hai bên, được chính phủ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ, các bước ngăn chặn dịch bệnh bùng phát do bác sĩ Urbani đề xuất đã được triển khai nhanh chóng và quyết liệt. Đặc biệt, Việt Nam thực hiện một công việc phi thường, là bỏ qua những tổn thất nặng nề về kinh tế, công khai toàn bộ dịch bệnh, mời WHO, CDC Hoa Kỳ và Tổ chức Bác sĩ không biên giới vào Việt Nam cùng giám sát và hỗ trợ chống dịch.

Thật đau buồn, khi bác sĩ Carlo Urbani không thể sống sót để nhìn thấy những thành quả của ông, giúp phát hiện sớm và khống chế thành công dịch SARS.

Vào ngày 11 tháng 3 năm 2003, bác sĩ Carlo Urbani đến Thái Lan để dự một hội thảo khoa học quốc tế về bệnh truyền nhiễm. Vừa xuống sân bay Bangkok, ông phát hiện mình có triệu chứng sốt, là một chuyên gia bệnh lây truyền hàng đầu quốc tế, Urbani biết SARS đã không buông tha cho mình. Đón ông ở phi trường, người bạn rất thân cũng là đồng nghiệp đến từ CDC Hoa Kỳ, khi biết Urbani đã mắc bệnh, người bạn muốn lao tới dành cho ông vòng tay ôm cuối cùng để chia sẻ. Bác sĩ Carlo Urbani đã ra hiệu cho người bạn dừng lại từ xa, họ ngồi xuống phi trường vắng lạnh, cách xa nhau, trong im lặng chờ xe cứu thương đến lắp ráp đồ bảo hộ.

Carlo Urbani đã chiến đấu 18 ngày tiếp theo trong một phòng cách li tuyệt đối ở một bệnh viện nhỏ tại Bangkok. Bà Giuliani Chiorrini đưa các con đến Bangkok, qua cửa kính, Carlo Urbani kịp nhìn mặt vợ con lần cuối, trong đó có đứa con út vừa tròn 4 tuổi.

Gần 11 ngày còn lai lại ở bệnh viện quê nhà, trong một khoảnh khắc tỉnh táo, đồng nghiệp thông báo cho Carlo Urbani cơn sốt của ông đã hạ. Nhưng bác sĩ Urbani không hề ảo tưởng, ông biết SARS đã không tha mạng sống của mình. Tâm nguyện trước khi nhắm mắt, Carlo đề nghị các bác sĩ cắt lá phổi của mình để lại làm tiêu bản nghiên cứu. Và ông mãn nguyện: “Công việc liên quan đến tôi, dù nguy hiểm nhưng tôi thấy thoải mái, giờ đây tôi đã có tất cả”.

Ngày 29 tháng 3 năm 2003 bác sĩ Carlo Urbani đã trút hơn thở cuối cùng.

Sau khi bác sĩ Carlo Urbani mất 2 tuần, nhờ lá phổi của ông, virus gây bệnh họ coronavirus đã được chỉ mặt vạch tên, đại dịch SARS được khống chế.

“Nhiệm vụ của bác sĩ là đến bên người bệnh”

Đó là câu nói giản dị của bác sĩ Carlo Urbani khi đại diện cho Tổ chức Bác sĩ Không biên giới lên nhận giải Nobel hòa bình tại Stockholm (Thụy Điển) năm 1999. Câu nói ấy đã khắc sâu vào trái tim, là triết lí hành động cho tất cả những nhân viên y tế đang khoác trên mình tấm áo choàng trắng hôm nay.

Là người yêu cái đẹp, dành tình cảm đặc biệt cho âm nhạc, yêu thích hầu hết các bộ môn nghệ thuật, thích tìm hiểu và khám phá thiên nhiên; nhưng trong sâu thẳm trái tim, bác sĩ Carlo Urbani còn có một tình yêu vĩ đại khác: đó là tình yêu thương vô bờ dành cho con người. Tuổi trẻ của ông gắn với công việc từ thiện, nhất là những người bị tật nguyền. Khi trở thành bác sĩ, những kỳ nghỉ hè thay vì đi du lịch hưởng thụ, Carlo tranh thủ khoác ba lô đầy thuốc đến Châu Phi.

Ông nhận thấy, ở những quốc gia nghèo đói như Châu Phi, nguyên nhân tử vong chính lại đến từ những căn bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi một cách đơn giản. Carlo thất vọng mỗi khi chứng kiến bệnh nhân không phải chết vì bệnh lạ, mà chết vì những căn bệnh thông thường như tiêu chảy cấp hay viêm phổi, bởi không ai chịu mang thuốc đến cho người bệnh. Sau bao ngày trăn trở, Carlo quyết định rời bệnh viện để trở thành chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới mang thuốc đến cho người bệnh nghèo. Bạn bè coi việc Carlo gia nhập các bác sĩ WHO giống như từ bỏ cuộc sống giàu sang để quay lại thế giới của người nghèo.

Trong thời gian ở Việt Nam, Carlo Urbani tập trung nghiên cứu và điều trị bệnh giun đũa, một căn bệnh trở thành nỗi ám ảnh với ông. Vị bác sĩ luôn băn khoăn tự hỏi: Chỉ cần vài nghìn tiền thuốc nhỏ xíu, mỗi năm uống 2 lần là tất cả trẻ em đều hết bệnh giun, cơ thể không bị hao mòn, vậy mà tại sao rất ít người chịu làm? Một đồng nghiệp của Carlo Urbani, bác sĩ Palmer nhận xét: “Giun đũa không có gì hấp dẫn, nhưng hầu hết trẻ em xứ nhiệt đới đều mắc, còn bác sĩ Carlo Urbani là kẻ chống giun đũa quá khích”. Ở Hà Nội, bác sĩ Carlo tự đi xe máy. Thỉnh thoảng ông đưa vợ con về các làng quê, sống cùng những người nông dân chân lấm tay bùn.

Tưởng nhớ đến ông, Tổng thống Italy Azeglio Ciampi từng nói: Ngành y tế thế giới có bổn phận ghi nhớ một vị bác sĩ anh hùng, một công dân can đảm, một người cha gia đình, một người chồng gương mẫu đã bị cướp đi bởi một căn bệnh kinh khủng do chính ông đang lần tìm ra nguyên nhân.

Bác sĩ Carlo Urbani đã chết để nhân loại được sống! Đúng như lời của bà Pascale Brudon đại diện cho WHO ở Việt Nam nhấn mạnh: “Carlo là một con người tuyệt vời, nếu không có ông có lẽ tất cả chúng ta đều bị dịch SARS tàn phá”.
=========

P/S: VIỆT NAM SẼ CHIẾN THẮNG COVID-19!

Chúng ta đang sống những ngày cảm thấy dài như 1 tuần, tuần dài như 1 tháng, tháng dài như 1 năm.

Mỗi buổi sáng ngủ dậy, chưa kịp bước ra khỏi giường, chúng ta sẽ vớ lấy chiếc điện thoại và tìm kiếm từ khóa liên quan đến COVID-19, để rồi chúng ta nổ tung với những thông tin sau mỗi giây, từ không thành có, từ có thành không, không rồi không và có rồi có.

COVID-19 đã nuôi dưỡng sự hoảng loạn.

Hoảng loạn là bản năng sợ hãi nguyên thủy nhất, nó đe dọa sự an toàn trong tâm trí, nó giết chết khả năng miễn dịch, nó mở cửa để kẻ thù là vi-rút corona chủng mới có cơ hội xâm nhập và gây bệnh.

Hãy để WHO gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp toàn cầu?

Muốn vậy, chúng ta phải coi bản thân và tất cả mọi người như những cá thể siêu lây nhiễm, bất kì ai cũng là mối nguy hiểm sinh học COVID-19 tiềm năng. Vì thế mà chúng ta phải ở nhà, ở nhà và ở nhà, ở nhà để cắt đứt đường lây nhiễm. Giữ khoảng cách xã hội 2m nơi công sở hay bất cứ đâu nếu chúng ta phải đi ra khỏi ngôi nhà của mình. Rửa tay và rửa tay bằng xà phòng thường dưới vòi nước chảy ít nhất 20 giây. Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.

Dịch bệnh không phải lần đầu tiên ghé thăm chúng ta.

Và cũng không phải đây là lần cuối cùng. Chúng ta không đứng yên để không hành động. Mỗi người chúng ta hãy hành động tốt nhất có thể. Công dân hành động tốt nhất là chấp hành nghiêm túc hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế. Quân đội, công an, nhân viên công vụ, y bác sĩ sẽ xung phong ra mặt trận để ngăn chặn những ca xâm nhập, phát hiện ca bệnh và những người liên quan để thực hiện khoanh vùng cách li, điều trị tích cực cho bệnh nhân, bảo vệ nhóm người có nguy cơ (như trẻ em, người già trên 60 tuổi, người mắc các bệnh mãn tính, nhóm bệnh nhân tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, bệnh phổi, bênh gan, bệnh thận).

Chú ý: không chia sẻ tin giả và các thuyết âm mưu!

Đối mặt với đại dịch COVID-19, chúng ta không hề thụ động, mà ngược lại chúng ta ứng phó rất tốt. Bằng chứng là chúng ta đã chiến thắng trận mở màn, chiến thắng tiếp trận thứ 2 khi chấp nhận rủi ro để đón du học sinh và người lao động trở về từ vùng dịch. Bây giờ là thời quyết định trong trận đánh thứ 3 với chiến thuật “ở nhà và ở nhà” giữ khoảng cách xã hội 2m và chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng.

Hãy tự tin và bình tĩnh để chuẩn bị tiếp cho trận đánh thư 4!

Điều cuối cùng tôi muốn nhắn gửi: Vi-rút corona chủng mới rất nhạy cảm với thụ thể ACE2. Mà thụ thể này cũng có nhiều ở ống tiêu hóa. Vì thế mà tôi suy đoán, vi-rút có thể đã biến đổi để lây truyền qua đường tiêu hóa. Ngay từ khi Thái tử Charles nhiễm COVID-19, tôi đã đặt câu hỏi về nguồn lây nhiễm ở Hoàng gia Anh nơi được coi là con kiến bị ốm cũng khó lọt qua mắt đội ngũ an ninh và hàng rào y tế, cho đến hôm qua người phục vụ bữa ăn cho Hoàng gia đã được chẩn đoán dương tính, rồi một vài bệnh nhân trước đó xét nghiệm phân có vi-rút; điều đó xâu chuỗi lại làm cho tôi liên tưởng rất có thể vi-rút đã biến đổi và lây truyền qua đường ăn uống.

 

 

Giới thiệu Giang

Giang- Sinh viên y khoa trường đại học Tây Nguyên, mong muốn bổ sung nhiều kiến thức bổ ích cho các bạn sinh viên và cả cho chính bản thân mình.

Check Also

Tirzepatide hàng tuần cải thiện đáng kể cân nặng và kiểm soát đái tháo đường ở bệnh nhân béo phì và đái tháo đường loại 2.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên đã chứng minh rằng tirzepatide giúp giảm cân và cải …