[Cập nhật] Chữa trị sốc phản vệ

Rate this post
Cách đây vài năm, khi còn là Fellow về cơ xương khớp và tự miễn, tôi gặp một ca sốc phản vệ nhắc cho tôi tầm quan trọng của tập huấn và thói quen.
Một buổi chiều tại phòng khám ngoại trú tại bệnh viện, tôi chuẩn bị chích Steroid vào khớp ngón tay cho một bệnh nhân mắc bệnh ngón tay cò súng (trigger finger). Bệnh nhân là nữ, 58 tuổi, người Mỹ gốc Mexico, có tiền sử bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Bà không có tiền sử về dị ứng với bất kỳ thuốc hay đồ ăn nào, và càng không có tiền sử sốc phản vệ. Bà chưa bao giờ mổ và chưa bao giờ được chích thuốc Steroid vào khớp.
Sau khi giải thích về thủ thuật và ký giấy đồng ý điều trị, tôi chích thuốc Steroid vào khớp ngón tay như mọi lần. Chích xong, tôi hỏi bà có đau không. Bà cười và nói tôi không đau gì cả. Tôi ra khỏi phòng và đi đến phòng kế bên để khám tiếp. Một vài phút sau, cô điều dưỡng hớt hải gọi tôi từ phòng bệnh cạnh
– BS Trần, bệnh nhân khó thở
Tôi vội chạy ngược vào phòng, thấy bà bệnh nhân đang há miệng, một bàn đưa lên ngực, tay kia lên cổ, cố thở từng nấc khó khăn, hai mắt bà trợn lên, da mặt bắt đầu tím tái. Tôi nói nhanh
“Sốc phản vệ, cần tiêm Epi IM, bật mã Code Blue”
….
Những năm làm BS nội trú, tôi đã gặp nhiều ca sốc phản vệ và đến khi làm Fellow, tôi cũng có gặp thêm vài ca. Nhưng chưa ca nào như ca này vì những ca trước kia thường có tiền sử dị ứng và da nổi mẩn, triệu chứng kéo dài từ từ. Ca này xảy ra khá nhanh, bệnh nhân không có tiền sử, và da không có nổi mẩn. Chỉ có huyết áp bệnh nhân tụt xuống còn 80/40, môi sưng phù, và chóng mặt kèm theo khó thở. ICU team chạy đến và chúng tôi đặt ống nội khí quản ngay lập tức.
Bệnh nhân liền được đưa vào ICU, ổn định, và phục hồi. Việc tập luyện thường xuyên với mã báo động và các triệu chứng sốc giúp chúng tôi kiểm soát ca bệnh nhanh chóng. Sau ca đó, chúng tôi nghĩ rằng bệnh nhân có thể bị dị ứng với polyethylene glycol (macrogol), một chất solvent trong thuốc chích Steroid. Đây là loại sốc phản vệ rất hiếm vì chính thuốc Steroid thường được dùng để chữa sốc phản vệ.
# Sốc phản vệ là gì?
– là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch khi tiếp xúc với chất hay vật dị ứng (dị nguyên). Khi đó, cơ thể tạo ra nhiều kháng thể và hóa chất quá mức, tạo ra giãn thành mạch (gây tụt huyết áp, nổi mẩn trên da, đau bụng,…) và mẫn cảm phế quản (co thắt làm hẹp đường thở)
# Triệu chứng sốc phản vệ Từ khi có vaccine Covid-19, tôi đã nói về sốc phản vệ (video số #275) và tầm quan trọng của việc nhận ra triệu chứng của sốc phản vệ vì thời gian là vàng trong chữa trị sốc phản vệ. Các triệu chứng sau thường xảy ra nhanh, thường là vài phút đến vài chục phút sau khi tiếp xúc với chất/vật kích thích dị ứng.
– Nổi mẩn trên da từng cụm, nổi mề đai
– Tụt huyết áp
– Khó thở
– Tim đập nhanh
– Sưng phù môi và hẹp đường thở dẫn đến khó thở và có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời
– Ói mửa buồn nôn
# Các dụng cụ tối thiểu cần có khi chữa trị bệnh nhân sốc phản vệ: Theo hướng dẫn của CDC (1) và quý vị xem lại video những chiếc máy có thể cứu mạng nên có ở nhà (video số #285) để hiểu thêm về cách sử dụng các máy này
– Máy đo nồng độ oxygen (pulse oximeter)
– Epinephrine Pen (cây chích Epi Adrenaline), ít nhất là 3 liều
– Thuốc anti-Histamine
– Máy đo huyết áp
– Thuốc xịt mở phổi Albuterol
– Bịch truyền dịch nước biển và đường truyền
– Dụng cụ đặt nội khí quản (intubation kit)
– Mặt nạ CPR
# Cách chữa trị:
– Nhận ra sốc phản vệ và bật mã khẩn cấp (Code Blue) là điều đầu tiên. Bệnh nhân nên được chích Epi (Adrenaline) vào đùi hay vai càng sớm càng tốt, nên làm trước khi cả truyền nước biển. Không cần cởi đồ bệnh nhân vì kim từ Epi pen sẽ xuyên qua quần áo dễ dàng. Vùng đùi thường được chích trước do dễ chích và dễ làm.
– Oxygen qua đường thở để giữ mức oxygen trong máu. Bệnh nhân có rủi ro suy hô hấp cao cần được đặt ống thở ngay
– Đường truyền dịch thuốc Anti-Histamine và thuốc Steroid
– Xịt thuốc mở đường thở
– Bỏ/ngưng các dị nguyên
– Tập huấn thường xuyên (tập mã báo động Code Blue) và làm quen với các dụng cụ chữa trị sốc phản vệ là điều quan trọng.
Advertisement
# Rủi ro tử vong vì sốc phản vệ rất thấp và chích ngừa Vaccine vẫn lợi hơn rất nhiều
– Qua trường hợp một nhân viên y tế tại Việt Nam tử vong vì sốc phản vệ sau khi chích vaccine, nhiều quan ngại đã xảy ra khi chích vaccine Covid-19.
– Các nghiên cứu CDC chỉ ra sốc phản vệ do vaccine là cực kỳ thấp, khoảng 2-5/1,000,000 mũi vaccine (2). Thống kê khác từ Ấn Độ cho thấy khoảng tỉ lệ tử vong là 2/1,000,000 (3).
– Lưu ý là tỉ lệ tử vong do lái xe ngoài đường hằng năm tại Hoa Kỳ là 11 trên 100,000 người (4), cao hơn 50 lần lần nếu chích vaccine. Tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong do tai nạn xe hằng năm khoảng 825/100,000 người (5), gấp 4000 lần so với chích vaccine. Chúng ta vẫn lái xe ngoài đường hằng ngày mặc dù rủi ro tử vong vì tai nạn cao hơn rất nhiều.
# Tóm lại
– Sốc phản vệ có thể ngăn ngừa và kiểm soát nếu BS chú ý hỏi kỹ bệnh sử, tập huấn thường xuyên, dụng cụ đầy đủ, và có phác đồ điều trị
– Chích vaccine là chìa khóa để kiểm soát Covid-19 vì ngoài giảm tử vong từ cho chính bản thân còn giảm tử vong và lây lan cho cộng đồng xung quanh. Các nước chích vaccine phần lớn dân số như Do Thái, Hoa Kỳ, hay Anh Quốc đã giảm hẳn số ca.
Tác giả: BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ

Giới thiệu Phan Thị Phước Thảo

Check Also

Retatrutide liên quan đến điều chỉnh đường huyết và giảm cân hiệu quả trong đái tháo đường típ 2

Giới thiệu: Nghiên cứu ngẫu nhiên kiểm soát nhằm đánh giá sự an toàn và …