[Case lâm sàng 126] Tổn thương thần kinh quay

Rate this post

Một người đàn ông 32 tuổi được đưa vào viện sau tai nạn xe hơi. Bệnh nhân kể lại rằng trong khi đang lái xe với 3 điểm tỳ trên vô lăng thì một chiếc xe bán tải vượt đèn đỏ với tốc độ khoảng 75 km/h đâm thẳng vào sườn xe bệnh nhân phía bên vô lăng (tạo thành hình chữ T). Khi thăm khám, bệnh nhân có nhiều chấn thương phối hợp, trong đó nặng nhất là gãy xương cánh tay trái di lệch. Bệnh nhân than phiền rằng không thể mở bàn tay trái và mất cảm giác một phần của bàn tay trái.

  • Chẩn đoán có khả năng nhất?
  • Cơ chế của tổn thương?
  • Phần nào của bàn tay trái bị rối loạn cảm giác?

LỜI GIẢI ĐÁP:

Tổn thương thần kinh quay (Radial Nerve Injury)

Tóm tắt: Một người đàn ông 32 tuổi sau tai nạn xe hơi có gãy xương cánh tay trái di lệch. Mất khả năng duỗi cổ tay trái, các ngón tay trái và mất cảm giác một phần bàn tay trái.

  • Chẩn đoán có khả năng nhất: tổn thương thần kinh quay khi thần kinh này đi vòng quanh xương cánh tay, dẫn đến mất khả năng duỗi cổ tay, duỗi các ngón tay và mất cảm giác vùng bàn tay do thần kinh quay chi phối
  • Cơ chế: căng kéo hoặc chèn ép dây thần kinh quay khi thần kinh này đi vòng quanh phần giữa thân xương cánh tay
  • Vị trí rối loạn cảm giác: phần quay (phần ngoài) của mu bàn tay và mặt mu của của ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa

TƯƠNG QUAN LÂM SÀNG

Thần kinh quay có nguy cơ cao tổn thương khi nó đi trong rãnh quay vòng quanh phần giữa thân xương cánh tay và đây cũng là vị trí gãy được quan tâm hơn cả. Hậu quả là mất chi phối cho các cơ duỗi ở khu cẳng tay sau, dẫn đến dấu hiệu “bàn tay rơi” (wrist drop) và mất khả năng duỗi các ngón tay tại khớp đốt bàn-đốt ngón tay. Mất cảm giác mặt mu của bàn tay và các ngón tay phản ánh sự phân bố các nhánh bì ở phía xa của thần kinh quay. Cơ tam đầu cánh tay (duỗi khớp khuỷu) thường không bị mất chi phối thần kinh; tuy nhiên, đau do gãy xương thường sẽ khiến bệnh nhân hạn chế vận động. Động mạch cánh tay sâu có cùng một đường đi như thần kinh quay trong rãnh quay, nên cũng có nguy cơ tổn thương tương tự.

TIẾP CẬN:

Thần kinh quay (Radial Nerve)

MỤC TIÊU

  • Mô tả được nguyên ủy, đường đi, chi phối cơ và phân bố cảm giác phía xa của thần kinh quay
  • Mô tả được cấp máu động mạch cho chi trên
  • Mô tả được nguyên ủy, đường đi, chi phối cơ và phân bố cảm giác phía xa của 5 nhánh tận chính của đám rối thần kinh cánh tay (xem các case 1, 2, và 4)

ĐỊNH NGHĨA

GÃY (FRACTURE): phá vỡ sự toàn vẹn vốn có của xương hay sụn

CHẤN THƯƠNG KÍN (BLUNT-FORCE TRAUMA): thương tích chủ yếu do lực đè ép, trái ngược với lực xuyên thấu của vật sắc nhọn

BÀN LUẬN

Thần kinh quay là sự tiếp tục của bó sau đám rối cánh tay. Nó cùng với động mạch cánh tay sâu đi tới khoang sau cánh tay bằng cách đi trong rãnh quay – một rãnh vòng quanh xương cánh tay (Hình 2-1). Thần kinh quay cho ra nhiều nhánh cơ đến cơ tam đầu trong ngăn cánh tay sau. Sau đó, nó xuyên qua vách gian cơ ngoài để trở lại khoang trước cánh tay và đi xuống đến ngang mức mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay; tại đây, nó nằm dưới (sâu hơn) cơ cánh tay quay và chia thành hai nhánh tận: nhánh sâu và nhánh nông. Nhánh sâu chi phối vận động cho toàn bộ các cơ khoang sau cẳng tay. Trong khi đó, nhánh nông là một nhánh cảm giác, chịu trách nhiệm cho cảm giác ở mặt mu của bàn tay, của ngón cái, ngón trỏ và mặt quay của ngón giữa. Thần kinh quay cũng cho các nhánh bì (cảm giác) tới vùng sauvùng ngoài cánh tay,vùng sau của cẳng tay.

Cấp máu cho chi trên là từ động mạch cánh tay, là sự tiếp tục của động mạch nách. Động mạch cánh tay bắt đầu ở bờ dưới cơ tròn lớn, đi cùng với thần kinh giữa trên mặt trong của xương cánh tay; ở đó ta có thể sờ thấy mạch đập, vì vậy có thể ép vào động mạch ở vị trí này để kiểm soát chảy máu trong một số trường hợp. Trong khi đi xuống đến khuỷu tay, nó tách ra động mạch cánh tay sâu, cấp máu cho khoang sau cánh tay và đi vòng quanh rãnh quay của xương cánh tay cùng với thần kinh quay. Động mạch cánh tay cũng tách ra các nhánh bên trụ (trên và dưới) đến khớp khuỷu. Khi động mạch cánh tay đi vào cẳng tay, nó đi về phía trước, nằm ngay trong gân cơ nhị đầu cánh tay trong hố trụ (cubital fossa – hố này được giới hạn ở trên bởi đường ngang qua 2 mỏm trên lồi cầu xương cánh tay, ở ngoài bởi bờ trong cơ cánh tay quay và ở trong bởi bờ ngoài cơ sấp tròn). Ở ngang mức cổ xương quay, nó chia thành 2 nhánh tận: động mạch trụ và động mạch quay, đây là các động mạch chính cấp máu cho cẳng tay và bàn tay và ở gần nguyên ủy của chúng, mỗi động mạch tách ra một nhánh quặt ngược đi lên cấp máu cho khớp khuỷu.

Advertisement

Động mạch quay cấp máu cho các mặt ngoài cẳng tay và, tại cổ tay, nó đi về phía mu tay (đi xuống sâu) qua hõm lào giải phẫu (xem case 3) để trở thành cung động mạch gan tay sâu. Động mạch trụ là nhánh tận lớn hơn của động mạch cánh tay cấp máu cho các mặt trong của cẳng tay, và ở gần nguyên ủy, nó tách ra động mạch gian cốt chung, động mạch này sau đó chia thành động mạch gian cốt trước và sau. Động mạch gian cốt sau là nguồn cấp máu chính cho khoang sau cẳng tay.

Cổ tay, động mạch trụ đi vào cổ tay để tạo nên cung động mạch gan tay nông. Cung gan tay nông và cung gan tay sâu tạo thành một vòng nối động mạch và sau đó cho các nhánh tới các ngón tay (Xem thêm case 1).

Tài liệu tham khảo:

Eugene C. Toy, MD

Vice Chair of Academic Affairs and Program Director Houston Methodist Hospital Obstetrics and Gynecology Residency Program Houston, Texas

Clinical Professor and Clerkship Director Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical School at Houston Houston, Texas

John S. Dunn Senior Academic Chair St. Joseph Medical Center Houston, Texas

Lawrence M. Ross, MD, PhD

Adjunct Professor Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas

Han Zhang, MD

Associate Professor, Research Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas

Cristo Papasakelariou, MD, FACOG

Clinical Professor, Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical Branch Galveston, Texas Clinical Director of Gynecologic Surgery St.Joseph Medical Center  Houston, Texas

Tham khảo bản dịch của nhóm “Chia sẻ ca lâm sàng”

Xem tất cả case lâm sàng tại:

https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/ca-lam-sang/

Giới thiệu nguyentrungtin7

Check Also

[Xét nghiệm 59] Hormon tạo hoàng thể (LH)

HORMON TẠO HOÀNG THỂ (LH) (Hormone lutéinisante / Luteinizing Hormone) Nhắc lại sinh lý Hormon …