[Case lâm sàng 151] Áp xe tuyến tiền đình lớn

Rate this post

Một phụ nữ 27 tuổi ghi nhận một khối mềm bất thường ở vùng bẹn xuất hiện từ 3 tuần trước. Bệnh nhân kể rằng đã có một khối tương tự khoảng 1 năm trước và đã phải điều trị bằng một phẫu thuật nhỏ. Khi thăm khám, bệnh nhân không sốt, kiểm tra đáy chậu phát hiện một khối bùng nhùng kích thước 3×2 cm ở vị trí 5 giờ của tiền đình. Khối này mềm, đỏ và hơi ấm.

  • Chẩn đoán có khả năng nhất?
  • Cấu trúc nào gây ra sưng vùng bẹn?

LỜI GIẢI ĐÁP:

Áp xe tuyến tiền đình lớn (tuyến Bartholin)

Tóm tắt: Một phụ nữ 27 tuổi ghi nhận một cục mềm ở bẹn xuất hiện cách đây 3 tuần. Bệnh nhân đã phải phẫu thuật vì một khối tương tự cách đây một năm. Bệnh nhân không sốt và có khối viêm, bùng nhùng kích thước 3 x 2 cm ở vị trí 5 giờ của tiền đình.

  • Chẩn đoán có khả năng nhất: áp xe tuyến tiền đình lớn (tuyến Bartholin)
  • Nguyên nhân của khối vùng bẹn: hạch bạch huyết bẹn

TƯƠNG QUAN LÂM SÀNG

Người phụ nữ trẻ này xuất hiện một khối viêm vùng âm hộ ở phía sau ngoài của tiền đình. Bệnh nhân đã có một tổn thương tương tự 1 năm trước đó. Những phát hiện này rất phù hợp với nhiễm trùng tuyến tiền đình lớn (tuyến Bartholin). Các tuyến tiền đình lớn nằm ở vị trí 5 và 7 giờ của âm hộ. Nếu các ống tuyến bị tắc, các tuyến có thể sẽ to ra và nhiễm trùng, thường là do nhiều loại vi sinh vật phối hợp hơn là những tác nhân mà gây bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Bạch huyết của âm hộ đầu tiên sẽ dẫn lưu đến các hạch bẹn. Điều trị cho bệnh nhân này cần phải tạo một đường dò để giảm tỷ lệ tái phát; 2 phương pháp phổ biến nhất là rạch và dẫn lưu bằng một ống thông trong vài tuần và mở thông thành nang (marsupialization), trong kỹ thuật này, ta sẽ tạo ra một vết cắt trên thành nang, sau đó khâu lớp trong và lớp ngoài của mép vết cắt (chính là thành nang) lại với nhau để giúp nang luôn mở. Sinh thiết thường không cần chỉ định đối với một bệnh nhân trẻ tuổi, nhưng đối với những khối âm hộ hoặc những bất thường khác ở phụ nữ trên 40 tuổi, sinh thiết là cần thiết để loại trừ nguyên nhân ác tính.

TIẾP CẬN:

Âm hộ

MỤC TIÊU

  • Mô tả được giới hạn của đáy chậu
  • Mô tả được tam giác niệu dục
  • Mô tả được dẫn lưu bạch huyết cho đáy chậu

ĐỊNH NGHĨA

ÂM HỘ: cơ quan sinh dục ngoài của giới nữ

TUYẾN TIỀN ĐÌNH LỚN (TUYẾN BARTHOLIN): gồm 2 tuyến màu hơi đỏ, kích thước bé, nằm ở phía sau ngoài tiền đình

MỞ THÔNG THÀNH NANG (MARSUPIALIZATION): một thủ thuật tạo ra một vết cắt trên thành nang (hay áp xe), sau đó khâu lớp trong và lớp ngoài của mép vết cắt (chính là thành nang) lại với nhau để giữ nang luôn mở, tạo thành một đường dẫn lưu

BÀN LUẬN

Đáy chậu được định nghĩa là vùng của thân mình (trunk) nằm giữa đùi và mông, dưới hoành chậu hông. Nó được giới hạn bởi phía trước là khớp dính mu, phía trước ngoài là ngành ngồi mu, phía ngoài là củ ngồi, phía sau ngoài là dây chằng cùng củ, và phía sau là xương cụt. Một đường thẳng đi qua 2 củ ngồi chia đáy chậu thành 2 phần, tam giác niệu dục ở trướctam giác hậu môn sau. Dưới da là lớp mỡ của mạc nông, lớp mỡ này liên tiếp với lớp mỡ tương tự của thành bung (mạc Camper). Ở vùng bụng, dưới lớp mỡ là lớp màng của mạc nông (mạc Scarpa), lớp màng này cũng liên tiếp với lớp màng của đáy chậu, nơi nó được gọi là mạc Colles. Ở đáy chậu, mạc Colles gắn ở phía ngoài với mạc đùi (fascia lata) và gắn ở phía sau với màng đáy chậu và thể đáy chậu. Màng đáy chậu là một lá mạc mỏng nhưng khá kiên cố, gắn vào ngành ngồi mu, do đó nó căng qua tam giác niệu dục. Khoang tiềm tàng giữa lớp sâu của mạc nông (Colles) và màng đáy chậu gọi là túi (khoang) đáy chậu nông. Gắn với mặt trên của màng đáy chậu là cơ thắt niệu đạo và cơ ngang đáy chậu sâu trong túi (khoang) đáy chậu sâu. Thể đáy chậu gắn vào giữa bờ sau màng đáy chậu (Hình 27-1 và 27-2).

Nông hơn màng đáy chậu là, âm hộ (cơ quan sinh dục ngoài) bao gồm gò mu, môi lớn, môi bé, tiền đình âm đạo, hành tiền đình, các tuyến tiền đình lớn (Bartholin), âm vật, các cơ hành xốp ngồi hang kèm theo. Gò mu là một vùng nhô cao, tròn, ở phía trước của khớp mu, được phủ kín bởi lông mu, và được tạo nên bởi lớp mỡ của mạc nông. Gò mu kéo dài ra phía sau tạo nên môi lớn, là phần tích tụ nhiều mỡ và được phủ bởi lông mu, 2 môi lớn liên tiếp với nhau tại mép môi trước và sau.

Khoảng giữa hai môi được gọi là khe âm hộ. Bên trong mỗi môi lớn là môi bé mỏng, không có mỡ, không có lông, tạo nên bởi mô cương (filled with erectile tissue) và vây quanh tiền đình âm đạo, nơi có lỗ niệu đạo ngoàilỗ âm đạo. Môi bé liên tiếp với nhau ở phía sau bởi hãm môi bé hay hãm môi âm hộ. Ở phía trước, mỗi môi bé tách ra 2 nếp liên tiếp với nhau ở phía trước và phía sau quy đầu âm vật và lần lượt tạo nên bao âm vật và hãm âm vật. Âm vật được cấu tạo bằng cặp mô cương hình trụ hay vật hang, và gắn với ngành ngồi mu bởi 2 trụ âm vật; trụ âm vật được bao bọc bởi cơ ngồi hang. Từ đây, 2 vật hang hội tụ về phía khớp mu để tạo nên thân âm vật, thân âm vật cong đột ngột xuống dưới và tận cùng bằng quy đầu âm vật nằm phía trước lỗ niệu đạo ngoài. Ở trên (sâu hơn) các môi lớn và bé, ở bờ của tiền đình âm đạo là 2 hành tiền đình

Advertisement
. Tại đầu sau hành tiền đình và được vùi một phần vào hành tiền đình là cặp tuyến tiền đình lớn (tuyến Bartholin). Hành tiền đình và tuyến Bartholin được bao phủ bởi cơ hành xốp. Một cơ ngang đáy chậu nông nằm dọc theo bờ sau của màng đáy chậu và gắn ở phía ngoài vào củ ngồi và ở phía trong vào thể đáy chậu. Các thành phần của âm vật, hành tiền đình, các tuyến tiền đình lớn, cơ hành xốp và cơ ngồi hang tất cả được bọc trong mạc đáy chậu sâu (mạc Gallaudet). Cơ hành xốp, cơ ngang đáy chậu nông và sâu và cơ thắt ngoài hậu môn đều bám vào thể đáy chậu.

Bạch huyết của đáy chậu chủ yếu dẫn lưu về các hạch bẹn nông nằm ở dưới và song song với dây chằng bẹn. Các mạch đi ra từ nhóm hạch này lại dẫn lưu bạch huyết vào các hạch chậu ngoài, nhưng cũng có một phần được dẫn lưu đến các hạch bẹn sâu, mà sau đó đa số cũng sẽ đổ vào các hạch chậu ngoài và một phần nhỏ đổ vào các hạch chậu trong.

Tài liệu tham khảo:

Eugene C. Toy, MD

Vice Chair of Academic Affairs and Program Director Houston Methodist Hospital Obstetrics and Gynecology Residency Program Houston, Texas

Clinical Professor and Clerkship Director Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical School at Houston Houston, Texas

John S. Dunn Senior Academic Chair St. Joseph Medical Center Houston, Texas

Lawrence M. Ross, MD, PhD

Adjunct Professor Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas

Han Zhang, MD

Associate Professor, Research Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas

Cristo Papasakelariou, MD, FACOG

Clinical Professor, Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical Branch Galveston, Texas Clinical Director of Gynecologic Surgery St.Joseph Medical Center  Houston, Texas

Tham khảo bản dịch của nhóm “Chia sẻ ca lâm sàng”

Xem tất cả case lâm sàng tại:

https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/ca-lam-sang/

Giới thiệu nguyentrungtin7

Check Also

[Xét nghiệm 59] Hormon tạo hoàng thể (LH)

HORMON TẠO HOÀNG THỂ (LH) (Hormone lutéinisante / Luteinizing Hormone) Nhắc lại sinh lý Hormon …