Một phụ nữ 19 tuổi đã có một con khỏe mạnh hiện đang chậm kinh 7 tuần tính từ chu kỳ kinh cuối vào viện vì ra máu âm đạo và đau bụng dưới. Bệnh nhân không thấy bất kỳ mảnh mô nào ra qua âm đạo, cũng không bị chấn thương hay giao hợp gần đây. Tiền sử có nhiễm trùng vùng chậu cách đây 3 năm. Khi thăm khám, bệnh nhân không sốt, huyết áp 90/60 mmHg, nhịp tim 110 ck/phút. Khám bụng bình thường, âm ruột bình thường. Khám vùng chậu, bộ phận sinh dục ngoài và tử cung bình thường, đau vừa phải khi ấn phần phụ bên phải. Định lượng cho kết quả β-hCG 2300 mIU/ml, siêu âm đầu dò âm đạo cho thấy tử cung rỗng và có một ít dịch trong túi cùng.
- Chẩn đoán có khả năng nhất?
- Nguyên nhân gây ra tụt huyết áp?
LỜI GIẢI ĐÁP:
Thai ngoài tử cung (EP – Ectopic Pregnancy)
Tóm tắt: Một thai phụ 19 tuổi đã có một con khỏe mạnh hiện đang chậm kinh 7 tuần tính từ chu kỳ kinh cuối vào viện vì ra máu âm đạo. Tiền sử có nhiễm trùng vùng chậu. Huyết áp 90/60 mmHg, nhịp tim 110 ck/phút, và bụng đau nhẹ. Khám tử cung bình thường, nhưng ấn đau vừa phần phụ bên phải. β-hCG 2300 mIU/ml, siêu âm đầu dò âm đạo phát hiện tử cung rỗng và có tụ ít dịch trong túi cùng.
- Chẩn đoán có khả năng nhất: thai ngoài tử cung
- Nguyên nhân gây tụt huyết áp: vỡ khối thai ngoài tử cung ở vòi tử cung gây chảy máu trong ổ bụng
TƯƠNG QUAN LÂM SÀNG
Thai ngoài tử cung là hậu quả của việc túi phôi làm tổ lạc chỗ bên ngoài buồng tử cung. Phần lớn các trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra trong vòi tử cung (95-97%), ở phần bóng – là vị trí thường gặp nhất; hay là ở phần eo – phần hẹp nhất. Bất kỳ nguyên nhân nào gây cản trở hoặc trì hoãn quá trình di chuyển vào trong buồng tử cung của hợp tử đều có thể gây ra EP, và tiền sử viêm nhiễm vùng tiểu khung ở bệnh nhân này cũng không phải là một ngoại lệ. Thai ngoài tử cung trong vòi thường sẽ vỡ trong 8 tuần đầu của thai kỳ, thường dẫn đến sảy phôi và chảy máu trong ổ bụng, với hậu quả là tụt huyết áp và nhịp tim nhanh. Thai ngoài tử cung trong phần eo vòi thường có khuynh hướng vỡ sớm hơn và gây chảy máu nhiều hơn so với thai trong phần bóng. Túi phôi được cấy vào phần bóng có thể bị rơi vào ổ bụng, nơi nó có thể làm tổ lại trên bề mặt của buồng trứng, phúc mạc của túi cùng trực tràng tử cung (túi cùng Douglas), mạc treo hoặc bề mặt các cơ quan khác. Chảy máu nặng thường là kết quả của thai ngoài tử cung trong ổ bụng, và tụt huyết áp có thể xuất hiện cấp tính và rất nổi bật. Dịch tự do nhìn thấy trên siêu âm chính là máu chảy ra do vỡ khối thai ngoài tử cung.
TIẾP CẬN:
Cơ quan sinh dục trong ở giới nữ II
MỤC TIÊU
- Mô tả được giải phẫu của vòi tử cung
- Vẽ được sơ đồ cấp máu cho buồng trứng, vòi tử cung và tử cung
ĐỊNH NGHĨA
THAI NGOÀI TỬ CUNG (ECTOPIC PREGNANCY): thai phát triển bên ngoài vị trí bình thường của nó là nội mạc tử cung, thường làm tổ trong vòi tử cung
CHẢY MÁU TRONG Ổ BỤNG (HEMOPERITONEUM): chảy máu bên trong ổ phúc mạc, thường gây đau bụng và kích thích ruột
HCG (HUMAN CHORIONIC GONADOTROPIN): phân tử glycoprotein được sản xuất bởi các tế bào lá nuôi trong thai kỳ
BÀN LUẬN
Vòi tử cung (xem case 29) xuất phát từ sừng tử cung và đi về phía sau ngoài, được chia thành 4 phần từ trong ra ngoài. Phần tử cung hay phần nội thành nằm trong thành tử cung. Phần eo hay phần hẹp nhất nằm ngay ngoài sừng tử cung.
- Ngoài hơn nữa, là phần bóng, đây là phần rộng nhất và dài nhất của vòi tử cung, cũng là nơi thường xảy ra sự thụ tinh. Phần nằm ngoài nhất là phần loa có hình phễu. Lỗ của phần loa hướng về phía sau và hướng vào trong ổ bụng, và ở dưới phần loa chính là túi cùng trực tràng tử cung (túi cùng Douglas). Miệng loa vòi được gắn một chuỗi các cấu trúc hình ngón tay gọi là tua vòi, trong đó thường có một tua gắn vào buồng trứng. Việc tua vòi gắn với buồng trứng giúp tạo ra một sự liên quan giải phẫu chặt chẽ giữa 2 cấu trúc này, để đảm bảo cho trứng sau khi rụng sẽ đi vào vòi. Vòi tử cung được nâng đỡ bởi phần mạc treo vòi tử cung của dây chằng rộng (Hình 30-1).
- Buồng trứng, vòi tử cung, và đáy tử cung được cấp máu bởi các động mạch buồng trứng, tách ra từ động mạch chủ bụng ở ngay dưới nguyên ủy của các động mạch thận (tương tự cho các động mạch tinh hoàn). Các động mạch này đi xuống, bắt chéo phía trước niệu quản, và cũng bắt chéo ở trước các mạch chậu ở eo trên. Các niệu quản nằm phía trong các mạch này tại eo trên. Các động mạch này đi vào cực ngoài của mỗi buồng trứng, tách ra các nhánh cấp máu cho buồng trứng, và tiếp tục đi vào phía trong giữa các lớp của mạc treo vòi tử cung sát chỗ mạc treo này gắn vào vòi tử cung. Mỗi động mạch cấp máu cho vòi tử cung, tiếp tục cấp máu cho đáy tử cung, và nối với động mạch bên đối diện. Phần eo và phần tử cung của vòi cũng nhận máu từ các nhánh lên của động mạch tử cung, các nhánh này nối với động mạch buồng trứng. Điều này giải thích tại sao chảy máu lại gia tăng khi vỡ thai ngoài tử cung ở phần eo. Dẫn lưu tĩnh mạch cho các cấu trúc này chủ yếu là thông qua các tĩnh mạch buồng trứng, cuối cùng đổ vào IVC ở bên phải và vào tĩnh mạch thận trái ở bên trái.
Tài liệu tham khảo:
Eugene C. Toy, MD
Vice Chair of Academic Affairs and Program Director Houston Methodist Hospital Obstetrics and Gynecology Residency Program Houston, Texas
Clinical Professor and Clerkship Director Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical School at Houston Houston, Texas
John S. Dunn Senior Academic Chair St. Joseph Medical Center Houston, Texas
Lawrence M. Ross, MD, PhD
Adjunct Professor Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas
Han Zhang, MD
Associate Professor, Research Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas
Cristo Papasakelariou, MD, FACOG
Clinical Professor, Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical Branch Galveston, Texas Clinical Director of Gynecologic Surgery St.Joseph Medical Center Houston, Texas
Tham khảo bản dịch của nhóm “Chia sẻ ca lâm sàng”
Xem tất cả case lâm sàng tại:
https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/ca-lam-sang/