Một cậu bé 15 tuổi là cầu thủ giao bóng của một đội bóng chày trong một trận đấu, sau một cú line drive (bóng bay thẳng về phía fielder mà không chạm đất) bị bóng đập vào vùng thái dương phải. Bệnh nhi mất ý thức ngay lập tức nhưng tỉnh lại sau đó 45 giây và không triệu chứng thần kinh. Bệnh nhi được đưa đến phòng cấp cứu có vẻ như trong tình trạng tốt. 4 giờ sau, trong khi đang được theo dõi, bệnh nhi phàn nàn rằng đau đầu đang tăng dần sau đó xuất hiện co giật. Khi thăm khám, đồng tử phải giãn và phản ứng chậm với ánh sáng. Bác sỹ cấp cứu đang lo lắng về tình trạng tăng áp lực nội sọ.
- Chẩn đoán có khả năng nhất?
- Cơ chế giải phẫu?
LỜI GIẢI ĐÁP:
Tụ máu ngoài màng cứng (Epidural Hematoma)
Tóm tắt: Một cậu bé 15 tuổi bị một quả bóng chày đập mạnh vào vùng thái dương phải. Bệnh nhi mất ý thức ngay nhưng rất ngắn và sau đó có một khảng thời gian còn minh mẫn (khoảng tỉnh/ lucid interval). 4 tiếng sau, đau đầu tăng dần, đồng tử giãn và phản xạ chậm với ánh sáng, xuất hiện một cơn co giật. Tất cả các triệu chứng này phù hợp với tăng áp lực nội sọ.
- Chẩn đoán có khả năng nhất: Tụ máu ngoài màng cứng dẫn đến tăng áp lực nội sọ
- Cơ chế giải phẫu: Vỡ một nhánh của động mạch màng não giữa tạo ra khối máu tụ giữa xương sọ và mãng cứng và chèn ép lên não bên dưới
TƯƠNG QUAN LÂM SÀNG
Một cầu thủ bóng chày 15 tuổi trải qua một chấn thương kín khá mạnh ở vùng thái dương phải bởi một quả bóng chày. Bệnh nhi bị mất ý thức trong một khoảng thời gian rất ngắn, có thể là do sự chấn động do quả bóng chày gây ra. Sau khi tỉnh dậy, bệnh nhi không triệu chứng thần kinh; tuy nhiên, 4 giờ sau, xuất hiện các dấu hiệu tăng áp lực nội sọ. Giải thích có khả năng nhất là do vỡ động mach màng não giữa nằm dưới xương thái dương. Sau một thời gian, khối máu tụ được tạo thành, gây chèn ép lên mô não bên dưới. Đồng tử cùng bên bị ảnh hưởng là do thần kinh vận nhãn (thần kinh III) bị chèn ép bởi thùy thái dương của não. Bệnh cảnh mất ý thức, theo sau bởi một khoảng tỉnh và sau đó mất ý thức lần 2 là rất điển hình cho tụ máu ngoài màng cứng. Bởi vì đây là chảy máu động mạch, n ê n sự lan rộng nhanh chóng của khối máu tụ là rất phù hợp. Giảm chèn ép não khẩn cấp và phẫu thuật kiểm soát chảy máu là tối quan trọng.
TIẾP CẬN:
Các màng não và cấp máu cho não
MỤC TIÊU
- Liệt kê được các lớp của màng não
- Nhận định được các nếp màng cứng cùng các xoang tĩnh mạch màng cứng kèm theo
- Mô tả được cấp máu cho màng não và phần não bên dưới
ĐỊNH NGHĨA
MÀNG NÃO-TỦY CỨNG (PACHYMENINX): hay chính là màng cứng, là lớp màng dày.
MÀNG NÃO-TỦY MỀM (LEPTOMENINX): gồm màng nhện và màng nuôi, đây là các lớp màng mỏng.
XOANG MÀNG CỨNG: khoang chứa đầy máu tĩnh mạch được tạo nên do sự tách đôi của hai lớp màng cứng, các lớp màng não và màng xương. Máu từ hệ thống xoang cuối cùng dẫn lưu về tĩnh mạch cảnh trong.
THÓP BÊN–TRƯỚC (PTERION): một mốc ở mặt ngoài của hộp sọ được tạo bởi chỗ nối của các xương: trán, đỉnh, thái dương và bướm. Nó thường có dạng chữ H.
BÀN LUẬN
Giống như tủy sống, có 3 lớp màng não bao phủ quanh não gồm: màng cứng, màng nhện và màng nuôi. Màng cứng là một màng dày, vững chắc, áp sát vào mặt sâu của các xương sọ. Ngay sâu trong màng cứng là màng nhện, là một lớp màng mỏng, gần như trong suốt và dính với mặt sâu của màng cứng. Màng nhện được ngăn cách với não bằng khoang dưới nhện chứa đầy CSF. Màng nuôi là một lớp màng mỏng gắn với bề mặt của não. Màng nhện và màng nuôi có thể được gọi là các màng não mềm.
Màng cứng mà che phủ mặt ngoài của não bao gồm 2 lớp, một lớp màng xương bên ngoài gắn với xương và một lớp màng não bên trong. Lớp trong tạo nên các nếp gấp để ngăn cách các thùy chính của não. Liềm đại não (falx cerebri) chạy dọc theo đường giữa và ngăn cách 2 bán cầu đại não. Chạy ở các góc phải, lều tiểu não (tentorium cerebelli) ngăn cách 2 bán cầu đại não với tiểu não. Mặt dưới của lều được gắn với liềm tiểu não (alx cerebelli), một nếp nhỏ chạy dọc theo đường giữa và ngăn tách một phần tiểu não thành các thùy. Một phần quan trọng nữa của màng cứng là hoành yên (diaphragma sellae), che phủ hố yên.
Bình thường, 2 lớp của màng cứng dính chặt vào nhau, nhưng chúng có thể tách ra để tạo nên các xoang màng cứng (Hình 44-1). Các xoang chính bao gồm xoang dọc trên, chạy dọc theo bờ trên của liềm đại não, và xoang ngang, chạy dọc theo bờ sau của lều tiểu não. Chạy tiếp tục xoang ngang ở phía ngoài là xoang sigma và sau đó đổ về tĩnh mạch cảnh trong. Trên mặt dưới của liềm đại não, xoang dọc dưới là sự tiếp tục của xoang thẳng sau khi xoang này nối với tĩnh mạch não lớn Galen, là tĩnh mạch dẫn lưu cho não. Xoang dọc trên, xoang thẳng, và xoang ngang cùng đi đến hội lưu các xoang, một mốc ở mặt trong xương chẩm. Các xoang quan trọng khác là xoang đá trên, xoang đá dưới, và xoang hang.
Các mạch cấp máu cho màng cứng là các nhánh của động mạch màng não giữa. Động mạch này đi lên trong hố dưới thái dương từ phần đầu tiên của động mạch hàm trên và đi vào hộp sọ thông qua lỗ tròn bé. Động mạch này chạy bên trong màng cứng và chia ra thành phần trước và phần sau. Mốc bề mặt của động mạch màng não giữa là thóp trước bên, nơi gặp nhau của xương trán, xương đỉnh, xương thái dương và xương bướm. Những mạch cấp máu cho não thì xuất phát từ đa giác (vòng) Willis (xem Case 46). Vòng nối này được tạo nên bởi các động mạch cảnh trong và động mạch đốt sống. Các nhánh chính có xu hướng chạy dọc theo các mặt não và tách ra các nhánh xuyên đi vào trong.
Chấn thương đầu có thể dẫn đến tổn thương mạch máu và gây chảy máu nội sọ. Máu tích tụ lại trong các khoang tiềm tàng xung quanh não, làm mở rộng thể tích những khoang này, và gây chèn ép lên não. Vị trí tụ máu thì đặc trưng cho loại mạch máu bị tổn thương. Ví dụ, vỡ động mạch màng não giữa
sẽ dẫn đến tụ máu trong khoang ngoài màng cứng (vốn dĩ là một khoang tiềm tàng) nằm giữa lớp màng xương ngoài của màng cứng và xương sọ. Máu từ một động mạch não, ví dụ, do vỡ phình mạch não, sẽ gây tích tụ máu trong khoang dưới nhện. Chấn thương đầu cũng có thể gây vỡ các tĩnh mạch khi chúng đi vào các xoang màng cứng, thường dẫn đến tụ máu trong khoang dưới màng cứng (vốn dĩ cũng là một khoang tiềm tàng) giữa màng cứng và màng nhện. Những tĩnh mạch này có thể là các tĩnh mạch não dẫn lưu cho não hoặc là các tĩnh mạch liên lạc dẫn lưu cho da đầu.Tài liệu tham khảo:
Eugene C. Toy, MD
Vice Chair of Academic Affairs and Program Director Houston Methodist Hospital Obstetrics and Gynecology Residency Program Houston, Texas
Clinical Professor and Clerkship Director Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical School at Houston Houston, Texas
John S. Dunn Senior Academic Chair St. Joseph Medical Center Houston, Texas
Lawrence M. Ross, MD, PhD
Adjunct Professor Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas
Han Zhang, MD
Associate Professor, Research Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas
Cristo Papasakelariou, MD, FACOG
Clinical Professor, Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical Branch Galveston, Texas Clinical Director of Gynecologic Surgery St.Joseph Medical Center Houston, Texas
Tham khảo bản dịch của nhóm “Chia sẻ ca lâm sàng”
Xem tất cả case lâm sàng tại:
https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/ca-lam-sang/