Không biết ở Việt Nam thì sao, nhưng ở Úc này số người không chịu tiêm hay còn ngần ngại tiêm vaccine khá cao (có thể 30% trong dân số?) Lí do chánh họ đưa ra là vì sự an toàn của vaccine chưa được rõ ràng. Nhân ngày Chủ Nhựt, tôi muốn chia sẻ cái nhìn cá nhân về vấn đề an toàn vaccine.
Vaccine covid có an toàn không?
Nếu bạn hỏi ‘Vaccine covid có an toàn không?’ thì câu trả lời chánh thống là ‘yes’: vaccine chống covid19 an toàn. Có nơi còn nói là ‘rất an toàn’. Khi tôi nói ‘chánh thống’ ý tôi là những phát biểu từ các cơ quan có thẩm quyền về y tế. Chẳng hạn như Bộ Y tế Úc viết rằng “tất cả vaccine đã qua thử nghiệm về an toàn trước khi chúng được phê chuẩn cho sử dụng ở Úc. Điều này bao gồm phân tích cẩn thận số liệu thử nghiệm lâm sàng, công thức hoá học, qui trình sản xuất và các yếu tố khác’ [1]. Nếu các bạn xem qua các phát biểu chánh thức của CDC, FDA, các đại học nổi tiếng, các hiệp hội y khoa quốc tế, v.v. đều có những khẳng định là vaccine chống Covid19 an toàn.
Thế nhưng trong thực tế thì công chúng vẫn có không ít người hoài nghi về độ an toàn của vaccine. Không nói đến những nhóm chống vaccine (vì họ có niềm tin riêng), chỉ nói đến những người ‘tử tế’, có học cao, hiểu về vaccine, hiểu về y học, mà họ cũng có vẻ ngần ngại. Họ ngần ngại cũng có lí do: tốc độ phát triển vaccine quá nhanh, chỉ trong vòng 12 tháng và đã đem đi thử nghiệm. Họ chỉ ra rằng thời gian thử nghiệm vaccine (giai đoạn III) quá ngắn (4 – 6 tháng) để đánh giá đầy đủ tính an toàn của vaccine. Không thể và không nên bỏ qua những quan tâm chánh đáng đó.
Tính từ 1996, FDA bên Mĩ đã phê chuẩn cho 57 vaccines, và thời gian theo dõi và thử nghiệm lâm sàng của các vaccine này trung bình 45 ngày. Chỉ có 1 vaccine bị rút khỏi thị trường vì vấn đề an toàn. Các vaccine khác, như chống Polio, thì hiệu quả rất tốt (trên 90%). Do đó, nhìn như thế thì thời gian thử nghiệm các vaccine Covid19 là ok.
Thực tế là bài học. Và, trong thực tế, tính đến nay đã có hơn 4.3 tỉ liều vaccine đã được tiêm chủng toàn cầu. Dù có vài báo cáo biến chứng và phản ứng nặng (kể cả tử vong) nhưng thật ra tần số rất thấp. Chẳng hạn như nguy cơ tử vong hay/và chứng đông máu liên quan đến vaccine AstraZeneca và Pfizer là 5-6 trên 1 triệu dân. Tôi nghĩ công bằng mà nói, tính đến nay sự an toàn của vaccine chống Covid19 là khá thuyết phục.
Lúc đầu, các chuyên gia thứ thiệt về vaccine có vẻ quan tâm đến vaccine mới (như mRNA) [2,3]. Chẳng hạn như Giáo sư Robert Booy nói rằng ông không cảm thấy ‘hồi hộp’ với vaccine mRNA [2]. Nhưng cho đến nay thì tôi nghĩ ông ấy chắc hết hồi hộp?
Nhưng không phải ai cũng nghĩ như trên. Tôi biết Giáo sư Luc Montagnier (nhà virus học nổi tiếng, Giải Nobel y học về HIV) là người không ‘mặn mà’ với vaccine Covid19. Ông nói rằng vaccine không ngăn chận virus, mà còn nuôi dưỡng virus (hiểu theo nghĩa làm cho chúng mạnh hơn và lây lan nhiều hơn) [4].
Tôi đọc khá kĩ những gì Gs Montagnier nói ở nhiều bài khác, nhưng tôi phải nói là thấy không thuyết phục mấy. Tại sao? Tại vì ông ấy không đưa ra một chứng cứ nào cả, tất cả chỉ là ý kiến cá nhân. Tôi là người giảng và tin vào y học thực chứng, những những gì Giáo sư Montagnier nói không có chứng cớ. Có thể ông ấy đúng về sau, nhưng hiện nay thì không có dữ liệu và chứng cớ nào yểm trợ cho luận điểm của ổng cả.
Có cần ‘Hộ chiếu Vaccine’?
Hiện nay, ở vài nơi, kể cả Úc, có vài người trong chánh trị và xã hội đề nghị rằng chánh phủ nên bắt buộc những ai không chịu đi tiêm chủng vaccine covid. Họ dùng những cách nói rất nặng nề cho những ai không chịu đi tiêm vaccine, và xem những người này như là … cùi hủi. Thật là không công bằng. Theo tôi hiểu thì luật pháp (và cả Hiến pháp?) Úc không bắt buộc tiêm vaccine.
Có người còn đề nghị phải áp dụng chánh sách ‘Hộ chiếu vaccine’, tức là ai đã tiêm chủng sẽ có một hộ chiếu giúp họ đi máy bay, đi ăn uống trong nhà hàng, đi dự hội nghị, v.v. Tôi thì không đồng ý với ý tưởng này, vì làm như thế thì hoá ra dẫn đến chủ nghĩa kì thị. Tôi nghĩ trong một xã hội dân chủ và tự do, việc tiêm chủng vaccine là một lựa chọn cá nhân, một sự tự nguyện. Và, chúng ta nên tôn trọng quyền tự do cá nhân của họ.
Trong thực tế, đã có kì thị rồi. Ví dụ như người tiêm vaccine Sinopharm hay Sinovac không được các nước EU công nhận là đã tiêm vaccine. Ngay cả người được tiêm vaccine AZ do Thái Lan và Ấn Độ sản xuất cũng không EU công nhận là đã tiêm vaccine.
Nhìn chung, khi đi tiêm vaccine mỗi chúng ta chẳng hưởng lợi ích gì nhiều (vì xác suất bị nhiễm rất thấp), nhưng mỗi chúng ta đóng góp vào cộng đồng để giảm nguy cơ lây nhiễm và đó là ý nghĩa thật của tiêm vaccine. (Cũng giống như khi lên xe hơi, chúng ta phải thắt giây an toàn; có thể cả đời chúng ta không bị tai nạn và việc thắt giây an toàn chẳng đem lại lợi ích gì cho 1 cá nhân, nhưng nó giảm số ca tử vong trong cộng đồng rất lớn).
Dĩ nhiên, ở đây chúng ta chỉ nói những vaccine được nghiên cứu và sản xuất bởi các tập đoàn có kinh nghiệm lâu năm về vaccine, đã qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đã qua triển khai trong cộng đồng, và dữ liệu minh bạch. Còn những vaccine mới thì chúng ta chưa biết, nên không thể nói được.
Tôi có bàn về vaccine và Nghịch lí Rose ở đây (nếu bạn nào thích đọc tiếng Anh):
____
“All vaccines are thoroughly tested for safety before they are approved for use in Australia. This includes careful analysis of clinical trial data, ingredients, chemistry, manufacturing and other factors.”
“Don’t rush to deploy COVID-19 vaccines and drugs without sufficient safety guarantees”
GS Nguyễn Văn Tuấn