[COVID-19] 2019-nCoV LÂY TRUYỀN TRONG KHÔNG KHÍ?

Rate this post

2019-nCoV LÂY TRUYỀN TRONG KHÔNG KHÍ?
cần hiểu chữ aerosol thế nào cho đúng
================================

BS Trần Văn Phúc

Có rất nhiều điều chưa biết về 2019-nCoV, một loại coronavirus mới hoàn toàn, lây lan. Những hiểu biết hiện tại về vi rút này phần lớn dựa trên những gì đã biết về các chủng coronavirus trước đó.

Vi rút corona là một họ vi rút lớn phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau, bao gồm lạc đà, gia súc, mèo và dơi. Hiếm khi, coronavirus động vật có thể lây nhiễm sang người và sau đó lây từ người sang người; ngoài 7 chủng đã được phát hiện, trong đó có 2 chủng cực kì nguy hiểm như với MERS-2016, SARS-2003 và bây giờ với 2019-nCoV.

Về cách thức lây truyền 2019-nCoV, tôi xin trích dẫn lại nguyên văn từ Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), nội dung cập nhật tại thời điểm ngày 9 tháng 2 năm 2020.

CDC viết rằng, thông thường, vi rút lây từ người sang người xảy ra khi tiếp xúc gần với người bệnh (khoảng 1.8 mét). Hình thức lây truyền từ người sang người được cho là xảy ra chủ yếu qua những giọt hô hấp khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Những giọt này có thể rơi vào miệng, mũi người ở gần, hoặc hít vào phổi. Hiện tại vẫn chưa rõ liệu một người có thể nhiễm 2019-nCoV hay không, khi họ chạm vào bề mặt các vật cứng (năm đấm cửa) hoặc các vật có vi rút rồi sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc có thể là vào mắt.

Thuật ngữ CDC sử dụng là: “respiratory droplets – những giọt hô hấp”.

Hôm qua, báo Bưu điện Nam Hoa buổi sáng đưa tin Ủy ban y tế Thượng Hải đã bổ sung aerosol là cách thức lây truyền (aerosol transmission) vào danh sách các cách lây nhiễm coronavirus, nhưng Ủy ban Y tế Quốc gia và Tổ chức Y tế Thế giới chưa đưa điều này vào các phương thức lây truyền cho coronavirus.

Bưu điện Nam Hoa buổi sáng còn giải thích thêm: ‘aerosol transmission’ xảy ra khi hít phải các hạt hoặc giọt nhỏ của virus lơ lửng trong không khí.

Sau khi báo chí VN đăng tải thông tin 2019-nCoV truyền trong không khí, tôi cảm thấy sức nóng của sự sợ hãi đã tăng lên rất nhiều, cả ngày hôm nay mọi người tranh luận dữ dội, một bên cho rằng aerosol là các hạt bụi trong không khí, bên còn lại bảo đây là ‘khí dung’.

Vậy phải hiểu như thế nào cho đúng về ‘aerosol transmission’?

Aerosol = ‘aero’ tiếng Hy Lạp + ‘sol’ tiếng Anh cổ.

Từ ‘aero’ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ, liên quan đến hiện tượng bay trong không khí, tiếng Anh sử dụng làm từ, hoặc sử dụng làm tiền tố cho các từ liên quan đến bay. Ví dụ: máy bay – aeroplane, mô tô bay – aeroMobil, cáp treo – aerobus…

Từ ‘sol’ xuất phát từ tiếng Anh cổ ‘solution’ có ý nghĩa hóa học là hạt chất lỏng, keo, hoặc rắn có kích thước nhỏ lơ lửng trong không khí. Đến cuối thế kỉ 19, chữ ‘solution’ được rút gọn lại thành ‘sol’.

Thuật ngữ ‘aerosol’ ra đời từ thế kỉ 20, được chính thức đưa vào Từ điển Oxford năm 1920, theo đó ‘aerosol’ được giải thích là một chất được bao bọc nhờ áp suất khí quyền, nó có thể được giải phóng dưới dạng phun mịn, thường là nhờ lực khí đẩy. Aerosol còn được Oxford giải thích là huyền phù keo của các hạt phân tán trong không khí. Và aerosol cùng là bình xịt. Ví dụ mà Oxford đưa ra, là các vi sinh vật lan truyền trong không khí bởi các hạt tạo ra như mưa.

Từ Hán Việt, ‘aerosol’ được phiên âm thành ‘khí vũ tễ -气雾剂’ nghĩa là tác nhân gây bệnh phun ra giống như mưa ở trong không khí.

Trong y học: lây bệnh qua đường không khí luôn là vấn đề nan giải!

Cha đẻ của ngành vi sinh vật học Louis Pasteur, người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành truyền nhiễm bằng quan niệm các bệnh lây truyền cho người và động vật là do các vi sinh vật gây nên. Pasteur cho rằng cách thức lây truyền là dó ‘miasmic induced’ – tiếng Việt thường dịch ra là sự mẫn cảm, không nên dịch là khí độc. Cá nhân tôi cho rằng ‘miasmic induced’ mà Pasteur sử dụng nên dùng từ ‘khuếch tán’ sẽ phù hợp hơn, bởi nếu hiểu ‘miasmic induced’ theo đúng nghĩa Hán Việt thì phải là ‘man di tính -漫弥性’ nghĩa là bệnh từ trong tim phổi di chuyển ở phía trên cao.

Sở dĩ tôi nói không nên dùng từ ‘khí độc’ là bởi vì lí thuyết vi khuẩn và vi rút hiện đại đã bác bỏ quan niệm cổ hủ đầy mơ hồ cho rằng không khí là nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm. Các cơ chế bệnh truyền nhiễm tập trung vào 3 hình thức: lây truyền từ nước có vi khuẩn vi rút, lây truyền qua tiếp xúc bề mặt có bám vi khuẩn vi rút, lây truyền qua các hạt giải phóng ra từ mũi miệng.

Đến đây, tôi thấy cần phải nhắc lại ho và hắt hơi, nó giải phóng ra các hạt chứa mầm bệnh. Theo nghiên cứu của Nishino năm 2000, mỗi lần hắt hơi tạo ra 40 ngàn giọt chất nhày siêu nhỏ với kích thước từ 0,5-5µm, vận tốc di chuyển của các hạt đạt mức phản lực có thể đến 1045km/h (bằng 85% vận tốc âm thanh). Ngoài ra, còn có những hạt chất nhày lớn kích thước có thể lên tới 100µm, những hạt này dễ dàng rơi xuống nhờ lực hút trọng trường.

Liên quan đến việc tạo ra các hạt nhày với kích thước khác nhau, đường hô hấp của người được chia làm 3 đoạn, theo cấu trúc giải phẫu.

– Đoạn trong phổi: Nghĩa là từ phế quản gốc trở vào, khi ho hoặc hắt hơi, chủ yếu tạo ra các hạt nhầy siêu mịn có kích thước từ 0,1 – 1µm và các hạt mịn kích thước từ 1 – 10 µm.

– Đoạn từ phổi đến dưới nắp thanh quản: Đoạn này còn gọi là thanh khí quản, khi ho và hắt hơi, chủ yếu tạo ra các hạt mịn kích thước từ 1-10µm.

– Đoạn từ nắp thanh quản ra ngoài miệng: Thường là tổn thương viêm họng, khi ho và hắt hơi, chủ yếu tạo ra các hạt nước bọt lớn có kích thước từ 1 – 100µm.

Bản thân vi rút 2019-nCoV có kích thước lớn, nên giả thiết ban đầu đưa ra là vi rút sẽ tồn tại trong giọt nước bọt lớn, chứ tỉ lệ nằm ở giọt nước bọt nhỏ là rất thấp. Về nguyên tắc, khi vi rút lây truyền qua giọt nước bọt lớn, thì khả năng lan truyền bệnh giảm đi nhiều, bởi các giọt nước bọt này khó bay đi xa, chỉ trong phạm vi 2m là có thể bị rơi.

Nhưng còn những trường hợp viêm phổi do 2019-nCoV, về nguyên lí là bệnh nhân khi ho, sẽ tạo ra những giọt siêu mịn và mịn kích thước từ 0,1-10µm; những hạt này có thể bay xa hơn, hoặc có thể bám dính vào các hạt bụi mịn và siêu mịn khác để bay đi xa hơn nữa.

Advertisement

Câu hỏi đặt ra là: 2019-nCoV có thể nằm trong các hạt siêu mịn và mịn để ‘khuếch tán’ trong không khí rồi gây bệnh được hay không?

Khoa học cực kì khó khăn để trả lời câu hỏi này. Bởi vì, các hạt mịn và siêu mịn trong không khí, dù là hạt nhầy hay hạt rắn, thì mật độ rất thấp, nó mang theo vi rút thường sẽ không đủ số lượng để gây ra bệnh khi hít phải. Cho đến nay, mới chỉ có một vài nghiên cứu cho thấy vi khuẩn lao và vi rút sởi là đủ khả năng lan truyền bệnh qua những hạt siêu mịn. Các vi khuẩn vi rút khác, chưa có bằng chứng rõ ràng để khẳng định, những hạt siêu mịn là tác nhân lây truyền.

Các hạt siêu mịn và hạt mịn chứa 2019-nCoV có thể bay xa hơn, nhưng bay xa được đến đâu và nồng độ bao nhiêu, nó có đủ số lượng vi rút để lan truyền bệnh hay không, để có câu trả lời chắc chắn khoa học còn phải đi quãng đường rất dài, có thể là rất nhiều năm sau nữa.

Đến đây có thể thấy rằng các lây truyền gọi là ‘aerosol transmission’ mà Ủy ban y tế Thượng Hải đưa ra, đó chỉ là phỏng đoán, nó sẽ giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh cẩn thận hơn nữa. Cách lây truyền này vẫn chưa được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, CDC Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới WHO công nhận.

Tiếng Việt dịch ‘aerosol transmission’ thành ‘lây truyền qua không khí’ hoặc ‘lây truyền qua khí dung’, theo tôi, cả 2 cách dịch và hiểu đều chưa đầy đủ, chưa phù hợp. Cách hiểu đúng theo tôi phải là vi rút từ đường hô hấp người bệnh ra ngoài môi trường có thể nằm trong các vi hạt bay đi xa hơn trên 2m trong không khí để truyền bệnh.

Điều quan trọng nhất là dù dịch kiểu gì thì cách phòng 2019-nCoV vẫn không thay đổi!

Giới thiệu Thien Khiem

"The original point of love is located beneath our bottom. We can help someone happy. One speech or action or thinking can lessen someone’s melancholy and enhance his or her happiness”.

Check Also

[Medicalnewstoday] Triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron

[Medicalnewstoday] Omicron: Triệu chứng khi nhiễm biến thể này Khi các ca nhiễm trùng biến …