Cảm ơn bài chia sẻ của TS. Nguyễn Hồng Vũ.
———————————————————
Bằng chứng TRỰC TIẾP về việc đeo khẩu trang giúp giảm lây nhiễm COVID-19 .
Trong các bài trước mình viết về khẩu trang (mask) có tác dụng làm giảm lây nhiễm các bệnh đường hô hấp nói chung và COVID-19 nói riêng, các bạn thuộc nhóm anti-mask thường đưa ra lập luận đó là các kết luận đó không có ý nghĩa vì đã không sử dụng virus nCoV (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 trong các thí nghiệm và bỏ qua thực tế là cơ chế lây nhiễm của virus nCoV vẫn giống với các virus gây bệnh đường hô hấp khác như Influenza, SARS, … đã được nghiên cứu nhiều trước đó. Tuần trước, một bài báo khoa học của nhóm nghiên cứu thuộc Đại Học Hong Kong đã công bố kết quả thí nghiệm trên tạp chí chuyên ngành “Clinical Infectious Diseases” chứng minh trực tiếp vấn đề này trên mô hình chuột đồng (golden Syrian hamster model). Trong thí nghiệm này họ đã gây bệnh COVID-19 cho các con chuột bằng cách cho nhiễm virus nCoV phân lập từ người bệnh ở Hong Kong. Một ngày sau đó thì họ đặt các con chuột nhiễm bệnh này (gọi là Index hamster) trong lồng gần với lồng chuột khác không bị nhiễm bệnh (gọi là Naive hamster). Giữa các lồng chuột này có một vách ngăn với các lỗ thông khí, họ thiết kế các thí nghiệm để tìm hiểu hiệu quả của khẩu trang y tế (surgical mask) trong việc phòng ngừa lây nhiễm bệnh qua đường không khí với 3 trường hợp sau:
Không sử dụng mask cho cả 2 lồng.
Sử dụng mask cho lồng chuột bị bệnh.
Sử dụng mask cho lồng chuột khỏe mạnh.
Sau thời gian thí nghiệm (1 tuần), dựa trên kết quả thu được thì họ thấy rằng 10 con trong 15 con chuột của thí nghiệm không sử dụng mask bị nhiễm virus nCoV (tỉ lệ 10/15 hay 66.7%). Trong khi đó, khi lồng chuột bị nhiễm virus được che mask thì những con chuột trong lồng khỏe mạnh chỉ bị nhiễm 2 con trong 12 con (tỉ lệ 2/12 hay 16.7%). Trong trường hợp che mask cho lồng chuột khỏe mạnh thì tỉ lệ bị nhiễm sẽ là 4 con trong 12 con (tỉ lệ 4/12 hay 33.3%).
Thí nghiệm này đã chứng minh TRỰC TIẾP việc đeo mask sẽ giúp làm giảm việc lây nhiễm bệnh COVID-19 trong môi trường không khí. Ngoài ra, việc đeo mask của người khỏe mạnh cũng quan trọng trong việc ngăn ngừa việc lây nhiễm virus từ người bệnh, điều này một lần nữa cho thấy những cảnh báo của WHO và các tổ chức Y tế phương Tây trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19 là “người khỏe mạnh không cần đeo mask nơi công cộng” là một sai lầm và họ đã có động thái sửa chữa lỗi lầm này từ hồi cuối tháng 3 vừa qua. Kết quả của nghiên cứu này còn cho thấy rằng, việc người bệnh, nguồn phát tán chính virus, đeo mask để giảm thiểu việc phát tán virus ra môi trường không khí cũng rất quan trọng.
Tóm lại, việc đeo mask để làm giảm lây nhiễm các bệnh đường hô hấp nói chung và COVID-19 nói riêng là một điều rất rõ ràng và đã được chứng minh bởi các nghiên cứu khoa học. Trong lúc việc nới lỏng các biện pháp cách ly, mở cửa lại các dịch vụ, nối lại các chuyến bay đang được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới khi dịch bệnh có chiều hướng giảm dần thì việc cẩn thận trong phòng ngừa lây nhiễm cũng nên quan tâm để tránh xảy ra hiện tượng tái bùng phát dịch.
Bảo trọng nhe bà con,
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Các bài viết liên quan đến “khẩu trang” trước đây mình đã viết cho mùa dịch COVID-19.
Ngày 26 tháng 1 năm 2020 (Các tin đồn liên quan đến 2019-nCoV, khẩu trang N95 vs khẩu trang y tế)
Ngày 31 tháng 1 năm 2020 (Hãy cảnh giác với những lời khuyên – mang khẩu trang để tự bảo vệ mình)
Ngày 17 tháng 2 năm 2020 (Video clip – Ý thức của người bệnh là quan trọng)
Ngày 3 tháng 3 năm 2020 (Khẩu trang có tác dụng bảo vệ bạn giảm nguy cơ mắc bệnh trong mùa dịch bệnh đường hô hấp do virus nCoV hay không?)
Ngày 5 tháng 3 năm 2020 (Sự hiểu biết về Y Học của TS khoa học – chuyện cãi vã của những chuyên gia)
Ngày 2 tháng 4 năm 2020 (Chuyện khẩu trang – Gió đổi chiều)
Ngày 27 tháng 5 năm 2020 (Khẩu trang rất quan trọng trong mùa dịch COVID-19)
Tài liệu tham khảo:
Chan JF, Yuan S, Zhang AJ, et al. Surgical mask partition reduces the risk of non-contact transmission in a golden Syrian hamster model for Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) [published online ahead of print, 2020 May 30]. Clin Infect Dis. 2020;ciaa644. doi:10.1093/cid/ciaa644