CHẾT VÌ SỢ HÃI
voodoo death
============
BS Trần Văn Phúc
Các video cô gái xinh đẹp ăn súp dơi, người đang đi đường ngã gục chết mồm đầy máu, số người mắc và người chết tăng rất cao so với báo cáo chính thức, các biện pháp phòng thủ và thuyết âm mưu vắc xin, đó là một vài trong số rừng thông tin sai lệch trên mạng xã hội, nó làm dấy lên nỗi sợ hãi về chủng vi rút mới “en- cô Vi” ở TQ, gây ra các định kiến khủng khiếp về chủng tộc.
Tôi xin lỗi những bạn đọc khó tính khi đổi tên vi rút thành “en- cô Vi”!
Là bác sĩ, chính tôi đã phải mất tinh thần khi nhận được rất nhiều những câu hỏi mỗi ngày và không thể trả lời được một phần nhỏ, dù đã hoạt động hết công suất. Tôi chỉ còn cách hiệu quả nhất là cố gắng dành thời gian viết bài để cung cấp những kiến thức căn bản trong khả năng hiểu biết của tôi.
Bạn tôi, người làm cho một tổ chức phi chính phủ, đã phải thốt lên rằng, chỉ mỗi công việc ở trụ sở và quản lí 2 đứa con ở nhà đã quá mệt, vậy mà tại sao vẫn có nhiều người giỏi đến mức ngày ngày họ vào FB vừa dạy bảo bác sĩ, vừa chỉ đạo BYT, chỉ đạo luôn cả CP phải làm thế này thế kia để phòng chống dịch en- cô Vi.
Tôi chia sẻ với nỗi lo lắng của tất cả mọi người, việc dạy bảo hay chỉ đạo, tôi hiểu đó là cách nói quá lên, chứ bản chất cũng chỉ vì quá lo lắng mà mỗi người chọn một cách bày tỏ trên FB, vừa để giải tỏa, vừa hi vọng đó là ý kiến đóng góp công dân. Tuy nhiên, với vai trò là một bác sĩ đã trải qua không ít những thiên tai địch họa ở những thời điểm khó khăn nhất, tôi biết hầu hết những kế sách được mọi người đưa ra đều không có hiệu quả, thậm chí nó chỉ làm khó thêm cho những người thực thi công vụ.
Nhưng còn bao nhiêu những tin tức giả mạo khác trên mạng xã hội?
Ngay từ khi vụ dịch en- cô Vi xảy ra, tôi để ý quan sát và thấy rằng, có 3 làn sóng thông tin sai lệch. Một là nguồn gốc en- cô Vi. Hai là thuyết âm mưu kiểu chiến tranh sinh học và vắc xin. Ba là khả năng ngăn chặn dịch và chữa bệnh.
Các thông tin sai lệch cứ thế tăng lên theo cấp số nhân, ví dụ như thông tin hàng chục triệu người đã chết nhưng chính quyền TQ che giấu, gây nên làn sóng sợ hãi, hệ quả là một bộ phận công chúng vi phạm đạo đức là kì thị người có nguy cơ mắc bệnh và phân biệt chủng tộc với người TQ.
Tôi lấy ví dụ video cô gái TQ xinh đẹp ăn súp dơi.
Mạng xã hội nhặt được video này, lan truyền nó chóng mặt, rất nhiều người chửi rủa thói quen kì lạ thèm ăn động vật của người TQ, cho rằng đó chính là nguyên nhân lây truyền en- cô Vi.
Nhưng kì thực đoạn video này được quay từ năm 2016, trên đảo Palau ở phía tây Thái Bình Dương, do một Blogger là người dẫn chương trình du lịch nổi tiếng, cô Mengyun Wang thực hiện.
Sau phản ứng dữ dội trên mạng, cô Wang đã xin lỗi, nói rằng cô “chỉ cố gắng giới thiệu cuộc sống của người dân địa phương” với khán giả và không biết rằng dơi có thể là nguồn mang vi rút. Video của cô đã bị gỡ xuống, nhưng người dùng mạng xã hội vẫn tiếp tục đẩy nó lên, rồi đua nhau chửi, chẳng ai chịu bỏ ra vài phút truy tìm nguồn gốc để kiểm chứng thông tin.
Thật tiếc khi với nhiều người, thay vì chọn lọc thông tin từ những nguồn chính thức, thì họ lại tin vào những lời đồn thổi, những tin giật gân câu view có khi chỉ để bán hàng online.
BYT đã giao cho một số bệnh viện giữ số điện thoại đường dây nóng, ngoài việc tiếp nhận thông tin dịch bệnh từ cộng đồng, thì nhiệm vụ chính của đường dây nóng là chiến đấu với cơn lũ không ngừng của những thông tin sai lệch, khiến cộng đồng hoảng loạn gọi đến.
Chỉ vài phút sau khi công bố số điện thoại, mọi người bắt đầu gọi đến đường dây nóng, tràn ngập những trăn trở dạng như en- cô Vi liệu có lây truyền qua đường tình dục, có thể độn thêm băng vệ sinh có cánh vào khẩu trang để ngăn chặn en- cô Vi xâm nhập, quan hệ tình dục đều đặn liệu có chữa được vi rút gây bệnh; hàng trăm hàng ngàn cuộc gọi như thế, nó vô hình trói buộc nguồn nhân lực y tế có hạn đang phải tập trung toàn lực khám chữa bệnh và dập dịch.
Với nhiều người lan truyền thông tin giả, tôi cho rằng họ vẫn tin đó là sự thật, bởi vì họ chưa biết cách kiểm chứng thông tin nên chưa biết sự thật.
Trong một vụ dịch nghiêm trọng như en- cô Vi, nếu để nỗi sợ hãi bao trùm, thì người dân sẽ không thể nhận biết được đúng sai, họ chỉ có thể phán xét theo quán tính phụ thuộc vào sự rối loạn của đám đông, đó chính là bi kịch đe dọa sự sống của rất nhiều người, đe dọa tới an toàn xã hội.
———
Sợ hãi là vi rút nguy hiểm hơn nhiều so với en- cô Vi!
“Chết vì sợ hãi – voodoo death” là thuật ngữ được đề xuất bởi Walter Cannon, nhà nghiên cứu sinh lí học thuộc Đại học Y Harvard.
Trong bài báo học thuật xuất bản năm 1942, Cannon kể một câu chuyện xảy ra ở New Zealand, có một phụ nữ tên là Maori, người đã ăn một ít trái cây, ăn xong cô mới biết rằng trái cây đó được lấy từ một nơi cấm kỵ, sự tôn nghiêm đã bị phỉ báng và thần linh sẽ giết chết cô.
Sự việc xảy ra vào buổi chiều, nhưng ngày hôm sau khoảng 12 giờ trưa thì cô Maori chết. Cannon cho rằng, điều cấm kị (tapu) chính là thứ vũ khí nguy hiểm, nó đã giết chết Maori.
Cannon đã tìm thấy đống trong hồ sơ báo cáo, những người bản địa ở Nam Mỹ và Châu Phi, Úc, New Zealand, các đảo ở Thái Bình Dương, ở Haiti, có hàng loạt người chết vì sợ hãi (voodoo death), trong số đó không ít người là những thanh niên hoàn toàn khỏe mạnh, họ đã bị phù phép hoặc phù thủy sử dụng ma thuật đen.
Bác sĩ Lambert thuộc Dịch vụ Y tế Tây Thái Bình Dương của Quỹ Rockefeller cho biết ông đã nhiều lần thấy bằng chứng về cái chết vì sợ hãi. Bác sĩ kể lại một trường hợp hồi phục đáng ngạc nhiên. Tại một Phái bộ thuộc Mona Mona ở Bắc Queensland có nhiều người bản địa cải đạo, nhưng ở ngoại ô của Phái bộ là một nhóm người không cải đạo trong đó có Nebo và một nhà truyền giáo nổi tiếng khác. Nhà truyền giáo có người trợ lí tên là Rob, anh là người bản địa, nhưng lại cải đạo nên khác với tất cả mọi người xung quanh. Khi bác sĩ Lambert đến Mission, ông được tin Rob đang gặp nạn và nhà truyền giáo muốn bác sĩ đến khám cho trợ lí của mình. Bác sĩ Lambert đã khám và thấy Rob không bị sốt, không đau, không có bất cứ triệu chứng hay dấu hiệu nào của bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Lambert rất ấn tượng bởi những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Rob bị bệnh cực kì nặng và rất yếu. Thông qua nhà truyền giáo, bác sĩ Lambert biết rằng Rob đã bị Nebo hăm dọa thường xuyên, Nebo nói đã chĩa xương vào Rob, đến nỗi Rob tin rằng anh sẽ phải gánh chịu hậu quả là cái chết. Sau đó, bác sĩ Lambert và nhà truyền giáo đã đến gặp Nebo, họ đe dọa Nebo rằng nguồn cung cấp thực phẩm của anh ta sẽ bị cắt nếu có bất cứ điều gì xảy ra với Rob, thậm chí Nebo và người của anh ta sẽ bị đuổi khỏi Mission. Ngay lập tức Nebo đồng ý đến gặp Rob. Nebo nghiêng người trên giường của Rob và nói rằng tất cả chỉ là sự lừa gạt, một trò đùa, rằng anh ta đã không chĩa xương vào Rob. Ngay lập tức Rob cảm thấy nhẹ nhóm, tối hôm đó, Rob đã có thể ngồi dậy làm việc, khá vui vẻ và dần lấy lại được toàn bộ sức mạnh thể chất của mình.
Tiến sĩ JB Cleland, Giáo sư Đại học Adelaide cũng cho biết ông không nghi ngờ rằng thỉnh thoảng người bản địa Úc chết vì bị chĩa xương vào họ, và như vậy cái chết có thể không liên quan đến bất kỳ thương tích nào gây chết người thông thường.
Tôi cũng gặp không ít bệnh nhân chết vì sợ chứ không chết vì bệnh.
Một đồng nghiệp của tôi có bố đang rất khỏe mạnh, sức vóc cường tráng chẳng khác gì thanh niên, vậy mà con gái đưa đi kiểm tra sức khỏe thấy có khối u ở gan. Hình thái khối u chưa chắc chắn ung thư. Nhưng con cháu gặp ông với vẻ mặt u sầu, chỉ cố giấu ông những giọt nước mắt, chứ cả nhà khóc ngày khóc đêm. Hậu quả tháng sau ông bố đồng nghiệp của tôi chết vì kiệt sức.
Lại một đồng nghiệp khác của tôi, chị bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, đã di căn hạch, di căn gan, di căn phổi. Những ngày giáp tết, cơ thể còn da bọc xương, bụng đầy dịch, phổi đầy dịch không thở nổi. Bệnh nhân trở về nhà chờ chết, nhưng nguyện vọng muốn qua tết nên đến viện nhờ tôi giúp. Tôi đã dành nhiều thời gian, cả 1 buổi nói chuyện giải thích để chị hiểu cách khống chế căn bệnh ung thư và có niềm tin vượt qua bệnh tật. Trước khi ra về, tôi dặn chị, cố gắng mỗi bữa ăn, người ung thư giai đoạn cuối chẳng ai muốn ăn uống gì nữa, nhưng hãy nghĩ bát cơm thứ nhất ăn vì đứa cháu nội bé quá chưa biết nhận mặt bà, bát cơm thứ hai ăn vì những đứa con đang cần mẹ, bát thứ ba ăn để chồng được vui. Và bệnh nhân đáng lẽ cuộc sống chỉ tính ngày tính giờ, thì chị đã sống vui vẻ thêm 2 năm, còn học cả đàn và trước lúc chết vẫn muốn chơi đàn cho tôi nghe coi như lời chào trước lúc ra đi.
Nhiều năm trước đây, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chúng tôi tiêm cả ô tô thuốc cản quang cho bệnh nhân, không một lời giải thích, thấy cần tiêm để chẩn đoán là tiêm, thuốc thời đó không tốt như bây giờ nhưng chẳng thấy ai bị sốc thuốc, rất hiếm khi có chút biểu hiện thoáng qua như nôn, nóng trong người. Nhưng sau vài vụ tai biến y khoa, người ta không cần biết đúng sai, quy chụp bác sĩ là tội đồ, từ đó tiêm thuốc cản quang đều giải thích cặn kẽ có thể xảy ra tai biến chết người, đề nghị bệnh nhân kí giấy cam kết đồng ý tiêm. Từ đó trở đi tôi thấy, hàng loạt bệnh nhân sốc thuốc, có những hôm vắt chân lên cổ cấp cứu bệnh nhân để giành lại sự sống cho họ. Hầu hết những bệnh nhân, đều có cảm thấy nóng bừng, hồi hộp đánh trống ngực, người nôn nao. Rõ ràng các thế hệ thuốc hôm nay tốt hơn nhiều so với thời xưa, nhưng tai biến thì lại nhiều hơn vượt trội, vậy có phải đó là do nỗi sợ hãi của người bệnh.
Sợ hãi là phản ứng mang tính bản năng, tôi quan sát từ những loài vật, thấy rất rõ điều đó. Ví dụ con rắn hổ mang có nọc độc giết chết bất cứ con vật nào, vậy nhưng gặp lợn, rắn sợ hãi đến nỗi không còn cử động nổi và bị lợn cắn chết. Hay con rết cũng vậy, nó có thể đã chết trước khi bị con gà mổ, rồi nuốt chửng. Trăn sợ sắn dây. Chó sợ nanh hổ. Chuột sợ mèo. Gia đình tôi ở quê ngày xưa hay nuôi ngỗng giữ nhà, tôi biết ngỗng sợ rắn, buổi tối tôi lấy dọc cây khoai nước, hơ qua bế lửa cho mềm, đến chuồng ngỗng đang ầm ĩ kêu, tôi chỉ cần lùa dọc khoai vào ngỗng tưởng rắn khiếp đảm im bặt không còn thở nổi.
Nhà truyền giáo nổi tiếng thế kỷ 19 David Livingstone là người thoát chết bởi ông vượt qua được nỗi sợ hãi khi đối mặt cái chết. Trong một chuyến đi săn ở Châu Phi, ông bị một con sư tử tấn công, con vật tóm lấy Livingstone trong đôi hàm chắc khỏe và lắc ông như một con búp bê giẻ rách. Livingstone chỉ nghĩ đằng nào cũng chết nên mặc kệ, ông không còn cảm thấy đau đớn, đó chỉ là một kiểu mơ mộng. May mắn thay, phản ứng bất động của con mồi đã làm sư tử sợ, con sư tử nhả Livingstone ra, đứng nhìn một lúc rồi quay đầu bỏ chạy.
Câu chuyện của David Livingstone cũng chính là kinh nghiệm của những người đi rừng, khi gặp thú dữ nếu không còn cơ hội trốn thoát, thay vì vùng vẫy hoảng sợ, thì ngồi im bất động với thái độ bình thản.
Nhà nghiên cứu sinh lí học Walter Cannon đã giải thích trạng thái sợ hãi dai dẳng có thể dẫn đến cái chết, bằng cơ chế sinh lí và sinh hóa, trên cơ sở của hệ thống thần kinh trung ương, hệ thống giao cảm và phó giao cảm, tuyến thượng thận. Những cơ chế này, không khó với một sinh viên y khoa, đến nay ai cũng có thể giải thích nó một cách tường minh.
Cuối cùng, tôi muốn giải thích thêm về bức ảnh mà tôi đăng minh họa cho bài viết này, cũng giống như ảnh đăng trong mấy bài trước.
Đây là bức ảnh tôi chụp hoa đầu xuân (crocus vernus) hay còn có tên gọi rất quen thuộc là hoa huệ tây, là một chi thuộc họ hoa diên vĩ (iris).
Trong bài viết này tôi dùng tên hoa đầu xuân, là loài hoa phổ biến ở châu Âu và Mỹ, mọc hoang dại, ở những nơi đất khô cằn qua mùa đông giá lạnh, chớm xuân giữa một vùng đất u ám bỗng có những cụm diên vĩ chui lên khỏi mặt đất.
Hoa đầu xuân đẹp nhất ở những nơi có độ cao khoảng 2800m so với mực nước biển.
Hoa phổ biến 2 màu: màu tím phớt và màu trắng. Nhụy hoa sáng rực như sợi tóc đèn điện, cánh hoa vì thế mà trong suốt, uốn cong khum lại giống hệt bóng đèn. Điều đặc biệt là màu của nhụy hoa, đó duy nhất là màu chính xác của Phật, biểu tượng Phật giáo Ấn Độ.
Hoa đầu xuân bao giờ cũng sáng rực cả một vùng đất đầy chết chóc. Nhất là khi có vài tia sáng mặt trời chiếu vào, nhìn có cảm tưởng những chùm bóng đèn của thiên nhiên đang chiếu sáng cho mặt đất, xua tan cái giá lạnh.
Tôi có một bộ ảnh sưu tập hoa đầu xuân, có cả bài thơ tôi viết, lấy tên hoa là huệ tây. Thơ tôi không hay, chỉ đơn giản là câu văn theo cảm xúc, ngắt xuống dòng cho dễ đọc.
…
HOA HUỆ TÂY
—————–
mùa xuân
những bông huệ tây
nhen lên như đám cháy
..
như con chim mơ ước một bạn đời
như mùa đông mơ ước ánh mặt trời
còn tôi
mơ thấy nụ cười
..
hoa huệ tây
nhen lên một đám cháy…