[COVID-19] CON VIRUS DÂN CHỦ

Rate this post

 

Tác giả: BS Nguyễn Tuấn

𝐓𝐚̉𝐧 𝐦𝐚̣𝐧: 𝐜𝐨𝐧 𝐯𝐢𝐫𝐮𝐬 𝐝𝐚̂𝐧 𝐜𝐡𝐮̉

Một bạn đọc nhắc tôi là hôm nọ tôi viết rằng con virus Vũ Hán này nó rất dân chủ, hiểu theo nghĩa bất cứ ai trong chúng ta — giàu sang hay nghèo khó — đều có xác suất bị nhiễm. Hôm nay, có tin cho biết Thái tử Charles (Anh) [1] và Hoàng tử Albert (Monaco) [2] bị nhiễm virus Vũ Hán. Cái note này sẽ bàn qua lí do tại sao chúng ta không nên tụ tập đông người (như 10 người) trong mùa dịch.

𝐕𝐢𝐫𝐮𝐬 𝐕𝐮̃ 𝐇𝐚́𝐧 𝐫𝐚̂́𝐭 … 𝐜𝐨̂𝐧𝐠 𝐛𝐚̆̀𝐧𝐠

Thái tử Charles, 71 tuổi, sau khi cảm thấy như bị cảm cúm, được làm xét nghiệm cho virus Vũ Hán và kết quả dương tính. Điều thú vị là phu nhân ông đi cùng trong những chuyến đi công cán thì lại âm tính. Ông cũng có tiếp kiến với mẹ là Hoàng hậu Elizabeth đệ nhị, nhưng bà thì không bị nhiễm. Các giới chức y tế Anh không rõ ông bị nhiễm ở đâu, nhưng họ không loại trừ khả năng ông bị nhiễm trong một buổi tiệc gây quĩ cho nạn nhân cháy rừng ở Úc. Buổi tiệc đó diễn ra vào ngày 12/3/2020.

Người thứ hai có liên quan với Thái tử Charles bị nhiễm là Hoàng tử Albert, xứ Monaco. Hoàng tử Albert, 62 tuổi, được xem là nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị nhiễm virus Vũ Hán. Trước đó 9 ngày, ông có tham dự một buổi tiệc gây quĩ ở Luân Đôn, và ngồi đối diện Thái tử Charles. Tuy nhiên, các giới chức y tế chưa xác định được ông bị lây từ ai và ở đâu. Nhưng ông vẫn vui vẻ và làm việc bình thường từ một căn hộ.

Dĩ nhiên, hai nhân vật vừa kể không phải là những trường hợp cá biệt, bởi vì trong thực tế có khá nhiều người được gọi là ‘celebrity’ (người nổi tiếng) đã bị nhiễm virus Vũ Hán. Danh sách này dài, và bao gồm những người như Tom Hanks (tài tử điện ảnh Mĩ), Rand Paul (thượng nghị sĩ Mĩ), Sophie Trudeau (phu nhân thủ tướng Canada), và Olga Kurylenko (tài tử điện ảnh trong phim 007 ‘Quantum Solace’). Như chúng ta thấy, người ‘giàu sang cũng như người nghèo khó’ đều có một xác suất bị nhiễm virus Vũ Hán.

Tin mới nhứt cho biết 3 thủy thủ của hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt ghé Đà Nẵng hôm 5/3/2020 cũng bị nhiễm virus Vũ Hán.

Thái tử Charles, 71 tuổi, mới có kết quả xét nghiệm dương tính virus Vũ Hán.

Hoàng tử Albert (Monaco), 62 tuổi, mới có kết quả xét nghiệm dương tính virus Vũ Hán. Ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị nhiễm virus Vũ Hán.

𝐗𝐚́𝐜 𝐬𝐮𝐚̂́𝐭 𝐛𝐢̣ 𝐧𝐡𝐢𝐞̂̃𝐦 𝐥𝐚̀ 𝐛𝐚𝐨 𝐧𝐡𝐢𝐞̂𝐮?

Câu hỏi đặt ra là xác suất đó là bao nhiêu? Không dễ trả lời câu hỏi này khi chúng ta không có dữ liệu nghiên cứu, nhưng trong thời gian bị cô lập (ở Úc, đại đa số công nhân phải ở nhà) chúng ta thử làm thể thao trí não xem sao. Thật ra, câu hỏi phải được phát biểu lại cho rõ hơn: nếu đi làm xét nghiệm, xác suất mà chúng ta có kết quả dương tính là bao nhiêu? Trả lời câu hỏi này dễ hơn. Tôi thu thập dữ liệu từ những nước làm xét nghiệm nhiều người (trên 1000) và loại bỏ 3 nước Ý, Nhật, và Philippines (vì cách xét nghiệm tập trung của họ), và thực hiện một phân tích tổng hợp (thuật ngữ dịch tễ học là ‘meta-analysis’).

Kết quả phân tích (xem biểu đồ) cho thấy xác suất dương tính là 2.5%, nhưng khoảng tin cậy 95% có thể dao động từ 1.8 đến 3.3%. Nói cách khác, nếu tất cả chúng ta đi làm xét nghiệm, thì cứ 1000 người sẽ có 25 người dương tính, nhưng con số này có thể thấp cỡ 18 người hay cao đến 33 người.

Riêng ở VN thì đã làm xét nghiệm trên 17,148 người. Trong số này có 123 ca dương tính, tức lỉ lệ là 0.72% hay xấp xỉ 1%. Nói cách khác, nếu các bạn ở VN đi làm xét nghiệm thì xác suất bị nhiễm là 1%, tức cứ 100 người thì có 1 người bị nhiễm. Nếu tất cả 10 triệu người ở Sài Gòn đi làm xét nghiệm, chúng ta kì vọng sẽ có chừng 71,000 người có kết quả dương tính. Đó là con số trung bình.

Tỉ lệ dương tính cho virus Vũ Hán (tính trên tổng số xét nghiệm). Riêng ở VN thì đã làm xét nghiệm trên 17,148 người. Trong số này có 123 ca dương tính, tức lỉ lệ là 0.72% hay xấp xỉ 1%.

Phân tích tổng hợp (meta-analysis) tỉ lệ dương tính virus Vũ Hán. Kết quả phân tích cho thấy xác suất dương tính là 2.5%, nhưng khoảng tin cậy 95% có thể dao động từ 1.8 đến 3.3%.

A) Xác suất mà hành khách ngồi ghế 14C (ô tam giác) có ‘contact’ (cách nhau 1 mét) với người bị nhiễm [ô vuông] và phi hành đoàn [ô tròn]. (B) Xác suất hành khách 14C lây nhiễm cho các hành khách khác (ô vuông) và phi hành đoàn (ô tròn).

Nguồn: https://www.pnas.org/content/115/14/3623#ref-12

Nhưng đời sống thực tế phức tạp hơn những cách tính đơn giản đó. Lí do là xác suất bị nhiễm không đồng đều giữa các cá nhân và tình huống. Nếu chúng ta ngồi gần người bị nhiễm (và người này cũng không biết mình bị nhiễm) thì xác suất chúng ta bị nhiễm chắc chắn không phải là số trung bình 2.5% nữa, mà phải cao hơn. Nhưng ‘cao’ là bao nhiêu?

Một nghiên cứu rất thú vị do hãng Boeing tài trợ [3] trả lời câu hỏi đó. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đi trên các chuyến bay trong mùa dịch SARS, và họ thu thập dữ liệu trên máy bay về ghế mà hành khách ngồi. Sau đó, họ làm mô phỏng nếu một hành khách ngồi gần người bị nhiễm viru: những hành khách ngồi cùng hàng ghế với 1 người bị nhiễm, hay hàng ghế phía trước hay phía sau người bị nhiễm (tức cách nhau khoảng 1 mét). Nếu ngồi hàng ghế đường đi (aisle) thì xác suất bị nhiễm là 80%. Nếu hành khách ngồi bên kia aisle và người bị nhiễm ngồi chính giữa hàng nghế, thì hành khách ở ghế aisle có xác suất nhiễm là 10-30%. Kết quả phân tích khá phức tạp, và các bạn có thể đọc để biết thêm, còn ở đây tôi chỉ rút ra những điểm chánh thôi. Biểu đồ dưới đây minh họa dễ hiểu hơn.

Hệ số lây lan (R0) cũng là một con số quan trọng giúp chúng ta ước tính nguy cơ bị nhiễm. Hệ số này do một nhà thống kê học người Đức phát kiến từ năm 1884 và công bố vào năm 1886. Một cách ngắn gọn và cụ thể, nếu trận dịch có R0 = 2 có nghĩa là, tính trung bình, 1 người bị nhiễm có thể lây cho 2 người khác trong cộng đồng chưa bị nhiễm trước đây [4]. Để hiểu thêm R0, chúng ta giả định rằng có 1 người bị nhiễm (như Thái tử Charles) và ông ấy đến dự tiệc có 30 người tham dự, và ông lây lan cho 1 người. Trong tình huống đó, R0 = 1. Xác suất nhiễm do đó là 1/30 = 0.033 (hay 3.3%).

Hiện nay, chúng ta không biết rõ R0 là bao nhiêu, nhưng WHO ước tính là 1.4, nhưng có thể dao động từ 1.4 đến 2.5. Chúng ta lấy 2 làm tình huống trung bình. Giả dụ chúng ta có một buổi tiệc gồm 50 người, và trong số đó có 1 người bị nhiễm đến dự. Với R0 = 2, chúng ta có thể ước tính xác suất bị nhiễm trong buổi tiệc là 2 / 50 = 0.04 (hay 4%). Nhưng nếu buổi tiệc chỉ có 10 người thì sao? Vẫn giả định R0 = 2, thì xác suất bị nhiễm là 2 / 10 = 20%. Nhưng người mới bị nhiễm A lại lây lan cho 1 người khác tạm gọi là B, và người B lại lây cho C, v.v. Thành ra, đám đông càng nhiều, mức độ lây lan càng cao.

Advertisement

Kết quả trên có ý nghĩa y tế công cộng. Câu hỏi mà các nhà chức trách y tế đặt ra là khi tụ tập đám đông thì bao nhiêu người được xem là ‘an toàn’. Câu trả lời thường … biến chuyển theo thời gian. Chẳng hạn như CDC (Mĩ) trước đây cho rằng tụ tập cỡ 250 người là không an toàn, hiểu theo nghĩa nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng vài ngày sau đó, con số này hạ xuống còn 50 người! Nhưng mới đây nhứt, quan chức y tế của Nhà Trắng ra qui định là chỉ 10 người thôi! Tại sao có sự thay đổi nhanh như vậy? Chẳng có gì ngạc nhiên, vì chánh sách phải dựa vào khoa học, mà kết luận của khoa học thì thay đổi khi có thêm dữ liệu mới.

Nguy cơ nhiễm (màu vàng) nếu có người bị nhiễm (màu đỏ) trên máy bay. Người ngồi hàng ghế aisle là có nguy cơ cao, cũng như người ngồi hàng ghế trước và sau người bị nhiễm cũng có nguy cơ cao.

Nguồn: https://www.irishtimes.com/life-and-style/travel/coronavirus-where-should-you-sit-on-a-plane-to-avoid-infection-1.4188022

Tóm lại, trái lại với các bệnh mãn tính thường tập trung vào những người giàu, bệnh truyền nhiễm thì rất ‘dân chủ’. Dân chủ ở đây hiểu theo nghĩa ai cũng có xác suất bị nhiễm. Dĩ nhiên, xác suất này tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng đã là xã hội thì phải có tiếp xúc, nên xác suất lây nhiễm hiện hữu ở mọi nơi và tất cả xã hội.

Mỗi trận dịch làm thay đổi lịch sử và lối sống của con người. Trận dịch hạch làm người ta chất vấn khái niệm ‘Thượng Đế’ (tại sao Ngài để dịch xảy ra) và góp phần tạo nên cuộc cách mạng kĩ nghệ ở Âu châu. Trận dịch 1918 làm thay đổi lối sống, với rửa tay trở thành thói quen ở người Âu Mĩ. Ngày xưa, người ta cho rằng lao phổi là bệnh của giới thượng lưu, tinh hoa của xã hội (elite), của giới nghệ sĩ thông thái, và nó (bệnh) làm cho con người đẹp đẽ hơn, nhưng khi dịch lao phổi xảy ra, nó lại là yếu tố xác định lằn ranh giữa thế giới ‘nghèo’ hay kém phát triển và thế giới ‘giàu’ hay phát triển. Trận dịch Vũ Hán lần này chắc chắn làm thay đổi cách chúng ta làm việc, và với internet, con người chắc sẽ ít gần gũi nhau hơn, và chữ ‘social distancing’ sẽ trở thành phổ biến hơn.

===

[1] https://www.smh.com.au/…/link-between-australian-fundraiser…

[2] https://www.dailymail.co.uk/…/Prince-Albert-Monaco-tests-po…

[3] https://www.pnas.org/content/115/14/3623#ref-12

[4] https://www.facebook.com/drnguyenvtuan/posts/881520872295231

 

 

 

 

 

 

 

 

Giới thiệu Donny

Check Also

[COVID-19] “SƯƠNG MÙ NÃO” – DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI

“SƯƠNG MÙ NÃO” DI CHỨNG COVID Y HỌC CHƯA THỂ LÝ GIẢI  “Sương mù não” …