>>> Cuộc chạy đua vaccine COVID-19 đến hồi nước rút? <<<
Bs. Nguyễn Hồng Vũ
Mới đầu tuần trước, ngày 9 tháng 11, đại diện hai công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đưa ra thông tin kết quả “ban đầu” cho thấy vaccine của họ, BNT162b2, có thể có hiệu quả phòng ngừa trên 90%, kết quả được tính toán dựa trên 94 ca nhiễm. Hai ngày sau đó, các nhà phát triển vaccine của Nga, Sputnik V, đưa ra thông báo là vaccine của họ có hiệu quả 92%, dựa trên kết quả của 20 người nhiễm bệnh. Hôm nay, đúng 1 tuần sau, thì Moderna (Mỹ) cũng đưa ra báo cáo “bước đầu” rằng vaccine của họ, mRNA-1273, có hiệu quả 94.5% trong việc ngăn ngừa COVID-19 dựa trên cơ sở phân tích 95 trường hợp nhiễm.
Có vẻ như các công ty vaccine đang chạy nước rút để cho ra kết quả “ban đầu” trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng, nhằm thỏa mãn về độ an toàn và hiệu quả để được chấp nhận đưa ra thị trường. Trong 3 loại vaccine vừa được công bố kết quả khả quan “bước đầu” trong 1 tuần qua, thì vaccine Sputnik V của Nga có vẻ là thiếu sự tin tưởng nhất vì các thông tin thử nghiệm lâm sàng của vaccine này không được công bố một cách rõ ràng, cũng như các kết quả đánh giá vaccine không được thực hiện bởi “một bên độc lập thứ 3” như trong trường hợp của Pfizer là “Ủy ban giám sát dữ liệu” (Data Monitoring Committee) hoặc trường hợp của Moderna là “Hội đồng giám sát dữ liệu và an toàn” (Data and Safety Monitoring Board). Hơn nữa, nhiều nhà khoa học lo ngại độ tin cậy của số liệu Sputnik V vì chỉ tính toán dựa trên số lượng 20 người nhiễm bệnh trong thử nghiệm lâm sàng (một lượng mẫu khá thấp so với số lượng 94 ca nhiễm của Pfizer & BioNTech hoặc 95 của Moderna). Shane Crotty, nhà miễn dịch học về vaccine tại Viện Miễn dịch học La Jolla ở California, cho biết “rất khó để giải thích kết quả thử nghiệm lâm sàng nếu không có thêm thông tin. Tôi sẽ không kết luận bất cứ điều gì chỉ từ 20 trường hợp xảy ra” (ý nói 20 ca nhiễm trong thử nghiệm của Nga là quá thấp).
Nói chung, vaccine để ngừa lây nhiễm COVID-19 là cần thiết và cấp bách cho mọi người lúc này, tuy nhiên hai tiêu chuẩn vàng vẫn cần được coi trọng là “an toàn” và “hiệu quả”. Vaccine BNT162b2 của công ty Pfizer & BioNTech và mRNA-1273 của công ty Moderna vẫn đang được tiếp tục theo dõi và ghi nhận các số liệu tiếp theo bởi các tổ chức giám sát độc lập. Họ hy vọng trước cuối năm nay các số liệu an toàn và hiệu quả của vaccine sẽ thỏa mãn được FDA để tung ra thị trường và đối phó với dịch bệnh COVID-19 đang tăng nhanh chóng trở lại trong mùa đông 2020.
Các câu hỏi vẫn còn đang để ngõ như: không rõ tác dụng bảo vệ của vaccine kéo dài bao lâu? liệu nó có thể ngăn chặn sự phát tán virus từ người nhiễm bệnh hay không? hoặc liệu vaccine có hoạt động tốt ở những nhóm có nguy cơ cao hơn như người lớn tuổi hay không? Những câu hỏi này cần có thời gian nghiên cứu dài hơn và số lượng người tham gia nghiên cứu đa dạng hơn, nhiều hơn. Do vậy, việc cán đích của các vaccine mRNA của Pfizer & BioNTech hoặc Moderna không phải là dấu chấm hết cho cuộc chạy đua vaccine mà nó vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các vaccine khác đang trên đường chạy nếu họ đến sau nhưng chứng minh được những điểm ưu thế hơn về thời gian bảo vệ, hiệu quả bảo vệ, phổ rộng của độ tuổi bảo vệ và thậm chí là điều kiện bảo quản vaccine đơn giản, v.v…
Tóm lại, những thành công gần đây là dấu hiệu khá tốt giữa đại dịch COVID-19, là những ánh sáng cuối đường hầm để đưa cuộc sống bình thường trở lại với mọi người trong một ngày không xa. Let’s HOPE.